Xử lý thế nào khi hàng xóm hướng ống nước thải qua nhà mình
Mình rất buồn vì sống cạnh hàng xóm bẩn tính. Xây nhà cho nhờ đất, không thèm dọn. Mình bảo còn chửi. Mình tức mình không cho sơn bên mặt Nhà mình. Nó làm cái ống nước tầng 2,3 không ròng xuống. Mưa, giặt quần áo là chảy rào rào sang mái nhà mình. Không ngủ được. Vì mái tôn kêu to. Mình nhắc 5-7 lần nhẹ nhàng, nó như câm điếc, rồi bảo ngẩng mặt lên mà hứng. Mình điên lên, hứng nước mái nhà mình cho chệch sang nhà nó( vẫn trong đất nhà mình). Nó chửi. Mình bảo, mình bảo hứng mà dùng.
Cứ mỗi lần đi vắng. Nó lấy gậy đập ống nước nhà mình. Còn nước nhà nó, nó vít hết ống lại tháo mỗi đường ống bên nhà mình. Vì thế càng chảy to. Nhiều lúc ức chế, muốn giết cả nhà nó (nó là thiên hạ ). Mình phải làm sao đây? Báo chính quyền thì loại này nó cũng không vít, hoặc ròng ống xuống.
Luật sư Tư vấn Bộ luật Dân sự – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 15/10/2018
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Quy định về đường ống thoát nước
- Bộ luật dân sự năm 2015
- Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.
- Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017
3./ Luật sư trả lời Xử lý thế nào khi hàng xóm hướng ống nước thải qua nhà mình
Nhà hàng xóm có để ống nước tầng 2, tầng 3 không ròng xuống, khi trời mưa, nước giặt đồ,… chảy sang mái nhà bạn gây ảnh hưởng tới gia đình bạn, bạn có nhắc nhở nhưng nhà hàng xóm không khắc phục. Việc giải quyết được thực hiện như sau:
Căn cứ Điều 250 Bộ luật Dân sự:
“Điều 250. Nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc thoát nước mưa
Chủ sở hữu nhà, công trình xây dựng khác phải lắp đặt đường dẫn nước sao cho nước mưa từ mái nhà, công trình xây dựng của mình không được chảy xuống bất động sản của chủ sở hữu bất động sản liền kề.”
Và Điều 251 Bộ luật dân sự:
“Điều 251.Nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc thoát nước thải
Chủ sở hữu nhà, công trình xây dựng khác phải làm cống ngầm hoặc rãnh thoát nước để đưa nước thải ra nơi quy định, sao cho nước thải không chảy tràn sang bất động sản của chủ sở hữu bất động sản liền kề, ra đường công cộng hoặc nơi sinh hoạt công cộng.”
Thì khi bên nhà hàng xóm có hành vi hướng ống thoát nước sang phía nhà của bạn, nước chảy trực tiếp lên mái tôn của nhà bạn, gây ồn mà không có sự đồng ý của bạn là hành vi vi phạm pháp luật. Việc này làm ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của bạn cũng như các thành viên gia đình. Hành vi này vi phạm quy định về nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc thoát nước thải được nêu ở trên.
Do đó, để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của bạn và gia đình, bạn có thể phản ánh hành vi này tới chính quyền địa phương để yêu cầu can thiệp hoặc làm đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp huyện để yêu cầu giải quyết. Nhưng trước khi thử các hướng giải quyết trên, bạn nên có một cuộc hòa giải giữa hai bên gia đình.
Đối với hành vi nhà bên kia lấy gậy đập ống nước của nhà bạn. Hành vi phá hoại tài sản của bạn, tùy vào tính chất mức độ hành vi người đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính.
-Trường hợp xử lý hình sự, việc xử lý được căn cứ vào Điều 178 Bộ luật hình sự:
“Điều 178. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản:
1.Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a)Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;
b)Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c)Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; …”
-Trường hợp xử lý hành chính, căn cứ Khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:
“Điều 15. Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác
… 2.Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a)Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác; …”
Như vậy, trong trường hợp của bạn, bạn nên cố gắng hòa giải với bên kia. Trong trường hợp không thỏa thuận được, bạn có thể trình báo với công an về hành vi đập ống thoát nước của gia đình bên kia để yêu cầu giải quyết. Gửi đơn tới Tòa án yêu cầu bên kia bồi thường thiệt hại, chấm dứt hành vi vi phạm về việc xả nước lên mái tôn của gia đình bạn, bồi thường thiệt hại do hành vi đập ống thoát nước gây nên.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.