Bệnh hiểm nghèo được miễn trách nhiệm hình sự trong quá trình tố tụng là bệnh gì

Bệnh hiểm nghèo được miễn trách nhiệm hình sự trong quá trình tố tụng là những bệnh gì?

Mọi người cho em hỏi, Điều 29 luật hình sự có quy định về việc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự thì có 1 ý là “khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”. Em muốn hỏi bệnh hiểm nghèo ở đây cụ thể là những bệnh gì ạ? Ví dụ như bệnh tai biến thì mức độ ra sao là được miễn truy cứu ạ?


Luật sư Tư vấn Bộ luật hình sự – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 07/01/2019

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Miễn TNHS khi mắc bệnh hiểm nghèo

  • Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017
  • Nghị quyết 01/2007/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị quyết 02/2010/NQ-HĐTP và Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP)
  • Nghị định 02/2104/NĐ-CP quy định chế độ áp dụng, thi hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc
  • Nghị định 134/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

3./ Luật sư trả lời Bệnh hiểm nghèo được miễn trách nhiệm hình sự trong quá trình tố tụng là bệnh gì

Miễn trách nhiệm hình sự (TNHS) là một chế tài thể hiện tính nhân đạo của pháp luật hình sự Việt Nam. Căn cứ miễn TNHS được quy định tại Điều 29 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 (BLHS). Trong đó có quy định về trường hợp miễn TNHS do mắc bệnh hiểm nghèo, cụ thể:

Căn cứ điểm b Khoản 2 Điều 29 Bộ luật hình sự:

“Điều 29.Căn cứ miễn trách nhiệm hình sự

… 2.Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây:

… b)Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa; …”

Đây được coi là quy phạm mang tính tùy nghi và sẽ được áp dụng trong từng trường hợp cụ thể theo sự đánh giá tính chất, mức độ của sự việc của các chủ thể có thẩm quyền. Trong trường hợp này bạn có thể hiểu là việc chủ thể có thẩm quyền căn cứ vào nhận định về tính chất, mức độ của sự việc trong trường hợp cụ thể để đi đến quyết định miễn trách nhiệm hình sự hoặc không miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội.

Theo đó, để được áp dụng quy định về miễn TNHS do mắc bệnh hiểm nghèo, người phạm tội phải đảm bảo có đủ 2 yếu tố đó là:

+Người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo trong quá trình tiến hành điều tra, truy tố xét xử;

+Việc mắc bệnh này làm cho người phạm tội không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa.

Hiện nay, các văn bản hướng dẫn BLHS chưa có quy định cụ thể về những căn bệnh hiểm nghèo được miễn TNHS. Tuy nhiên, căn cứ quy định tại Khoản 4 Điều 3 Nghị định 02/2014/NĐ- CP:

… 4.Người mắc bệnh hiểm nghèo là người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong hủi, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS hoặc bệnh hiểm nghèo khác theo quy định của Bộ Y tế. …

Ngoài ra, theo Danh mục bệnh hiểm nghèo tại Phụ lục IV Ban hành kèm theo Nghị định 134/2016/NĐ-CP thì các bệnh hiểm nghèo được quy định gồm các bệnh sau: Ung thư; Nhồi máu cơ tim lần đầu; Phẫu thuật động mạch vành; Phẫu thuật thay van tim; Phẫu thuật động mạch chủ; Đột quỵ; Hôn mê; Bệnh xơ cứng rải rác; Bệnh xơ cứng cột bên teo cơ; Bệnh Parkinson; Viêm màng não do vi khuẩn; Viêm não nặng; U não lành tính; Loạn dưỡng cơ; Bại hành tủy tiến triển; Teo cơ tiến triển; Viêm đa khớp dạng thấp nặng; Hoại thư do nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết; Thiếu máu bất sản; Liệt hai chi; Mù hai mắt; Mất hai chi; Mất thính lực; Mất khả năng phát âm; Thương tật toàn bộ và vĩnh viễn; Suy thận; Bệnh nang tủy thận; Viêm tụy mãn tính tái phát; Suy gan; Bệnh Lupus ban đỏ; Ghép cơ quan (ghép tim, ghép gan, ghép thận); Bệnh lao phổi tiến triển; Bỏng nặng; Bệnh cơ tim; Bệnh Alzheimer hay sa sút trí tuệ; Tăng áp lực động mạch phổi; Bệnh rối loạn dẫn truyền thần kinh vận động; Chấn thương sọ não nặng; Bệnh chân voi; Nhiễm HIV do nghề nghiệp; Ghép tủy; Và bại liệt.

Những căn bệnh được nêu trên đây đều là những căn bệnh nguy hiểm, phương pháp chữa trị rất phức tạp hoặc thậm chí không có phương pháp điều trị.

Theo quy định tại điểm a Khoản 2.1 Điều 2 Nghị quyết 01/2007/NQ-HĐTP thì việc xác định tình trạng bệnh hiểm nghèo thông thường phải dựa theo kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên. Cụ thể: “Mắc bệnh hiểm nghèo” được hiểu là trường hợp theo kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên thì người bị kết án đang bị những căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng, khó có phương thức chữa trị”.

Còn việc tình trạng mắc bệnh hiểm nghèo phải dẫn tới bản thân người phạm tội không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội được hiểu là khi người phạm tội bị bệnh như vậy thì tính chất nguy hiểm của họ đối với xã hộ không còn nữa, chẳng hạn như: bị suy giảm về khả năng nhận thức, không có khả năng tự mình thực hiện và điều khiển hành vi, không còn đủ sức khỏe để tự di chuyển,…

Nhằm mục đích giúp người phạm tội có điều kiện chữa bệnh, kéo dài sự sống. Chính bởi vậy nên quy định này thể hiện tính nhân đạo của pháp luật hình sự, khi chứng minh được điều này, người phạm tội có thể sẽ được miễn TNHS.

Tuy nhiên, pháp luật hiện nay lại chưa có quy định nào rõ ràng về việc khi một người mắc bệnh tai biến (hay một bệnh hiểm nghèo nào đó trong danh sách nêu trên) thì ở mức độ nào người này sẽ được miễn TNHS. Việc này còn tùy vào nhận định của phía chủ thể có thẩm quyền, các chứng cứ chứng minh các yếu tố trên của bên yêu cầu áp dụng quy định về việc miễn trách nhiệm hình sự này.

Như vậy, pháp luật hình sự hiện hành chưa có những quy định rõ ràng, cụ thể giải thích về việc áp dụng quy định về việc miễn TNHS khi người phạm tội mắc những căn bệnh hiểm nghèo dẫn tới không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Bên cạnh đó, việc xác định tình trạng bệnh hiểm nghèo thông thường phải dựa trên kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

 

 


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191