Bảo đảm bình đẳng giới trong trợ giúp pháp lý: Sẽ sớm có Thông tư hướng dẫn
11/03/2011
Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn (trong đó có Nghị định số 07/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TGPL) đã tạo ra một hành lang pháp lý cơ bản cho các tổ chức thực hiện TGPL trong bảo đảm BĐG. Theo đó, đòi hỏi việc bảo đảm BĐG và lồng ghép giới trong hoạt động TGPL phải được đẩy mạnh thực hiện trong xây dựng thể chế và triển khai thực hiện các hoạt động TGPL cụ thể.
Trên cơ sở Luật TGPL và Luật BĐG, việc lồng ghép giới trong hoạt động TGPL thời gian qua không chỉ chú trọng tới phụ nữ mà còn đề cập đến các biện pháp khắc phục nguyên nhân sâu xa của sự bất bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới, tìm cách đáp ứng tối đa những nhu cầu, nguyện vọng khác nhau của họ thông qua các hình thức TGPL để bảo đảm cả nam giới và phụ nữ được tiếp cận bình đẳng với các dịch vụ TGPL miễn phí, nhằm góp phần xóa bỏ bất BĐG trong xã hội.
Tuy nhiên, vấn đề bảo đảm BĐG và lồng ghép giới trong hoạt động TGPL còn có một số khó khăn, hạn chế như quy định về BĐG mới chỉ mang tính nguyên tắc, thiếu tính đồng bộ và chưa được chi tiết hóa trong các lĩnh vực hoạt động của nhà nước và xã hội; nhận thức về BĐG và lồng ghép giới trong mọi lĩnh vực hoạt động của các ngành, các cấp chưa đầy đủ, sự phối hợp thực hiện TGPL cho phụ nữ của các ngành, các cấp chưa có hiệu quả; đội ngũ người thực hiện TGPL, nhất là đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý còn thiếu, chưa được trang bị đầy đủ những kiến thức cơ bản về giới và những kỹ năng TGPL cho nhóm đối tượng đặc thù này; kinh phí bảo đảm BĐG trong hoạt động TGPL rất hạn chế….
Để bảo đảm BĐG trong hoạt động TGPL, một trong những giải pháp được Cục TGPL (Bộ Tư pháp) đề xuất là cần hoàn thiện hệ thống pháp luật một cách đồng bộ theo hướng quy định bảo đảm BĐG trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và xác định cơ chế thực hiện TGPL trên cơ sở giới và cơ chế phối hợp giữa các tổ chức TGPL và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc phòng, chống các hành vi xâm phạm quyền của phụ nữ. Pháp luật về tố tụng; Luật Phòng, chống buôn bán người cần quy định rõ phụ nữ và trẻ em là nạn nhân bị mua bán được TGPL miễn phí. Về phần mình, Cục cũng đang xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn bảo đảm BĐG trong tổ chức và hoạt động TGPL. Hy vọng, Thông tư sẽ sớm được ban hành để làm cơ sở pháp lý cho việc nâng cao hiệu quả hoạt động TGPL trên cơ sở giới.
Cẩm Vân
Một số quy định bảo đảm BĐG trong Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn: Khoản 1, Điều 7 Luật TGPL quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong hoạt động TGPL, khuyến khích, tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức, thành viên, hội viên và cá nhân khác làm việc tại cơ quan, tổ chức mình làm cộng tác viên TGPL (không phân biệt nam nữ); Điều 10 của Luật TGPL và Điều 2 Nghị định 07 quy định về diện người được TGPL không phân biệt nam hay nữ; Chương IV của Luật TGPL quy định về người thực hiện TGPL (Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên, luật sư, tư vấn viên pháp luật) không có sự phân biệt đối xử về giới tính, điều kiện thực hiện nhiệm vụ…. |
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.