Những vấn đề bất cập, vướng mắc của pháp luật về luật sư cần được sửa đổi, bổ sung
02/01/2009
Điểm 3, Mục IV của Thông tư số 02/TT-BTP ngày 25 tháng 4 năm 2007 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số quy định của Luật Luật sư, Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Luật sư (sau đây gọi tắt là Thông tư số 02/TT-BTP) quy định: “Văn phòng luật sư, Công ty luật hợp danh đăng ký hoạt động theo quy định của Pháp lệnh luật sư năm 2001 muốn chuyển đổi sang hình thức Công ty luật trách nhiệm hữu hạn thì phải chấm dứt hoạt động và làm thủ tục đăng ký hoạt động của Công ty luật trách nhiệm hữu hạn theo quy định của Luật Luật sư. Công ty luật trách nhiệm hữu hạn được sử dụng tên của Văn phòng luật sư, Công ty luật hợp danh đã chấm dứt hoạt động.”. Vấn đề đặt ra là quy định này có thực sự phù hợp với thực tiễn và có phù hợp với các quy định khác của pháp luật có liên quan hay không? Qua thanh tra, tiếp thu các phản ánh, kiến nghị của các tổ chức hành nghề luật sư cho thấy, các văn phòng luật sư, công ty luật hợp danh khi làm thủ tục chuyển đổi sang công ty luật trách nhiệm hữu hạn hiện nay đang vấp phải những trở ngại, khó khăn rất lớn.
Thứ nhất, gián đoạn hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư: Theo quy định tại khoản 2, Điều 47 của Luật Luật sư (quy định về chấm dứt hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư) thì trước thời điểm chấm dứt hoạt động của các văn phòng luật sư, công ty luật hợp danh phải thực hiện một loạt các thủ tục như: thông báo bằng văn bản cho Sở Tư pháp, Đoàn luật sư ở địa phương nơi đăng ký hoạt động và nơi có trụ sở của chi nhánh, nộp đủ số thuế còn nợ; thanh toán xong các khoản nợ khác; làm xong thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động đã ký với luật sư, nhân viên của tổ chức hành nghề luật sư, thực hiện xong các hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký với khách hàng. Thực tế, việc quyết toán thuế, làm nghĩa vụ tài chính của văn phòng luật sư, công ty luật hợp danh, theo phản ánh của nhiều tổ chức hành nghề luật sư, thường kéo dài mất 2-3 tháng, có nơi tới khoảng nửa năm. Vấn đề này, đặc biệt bất cập về vấn đề thanh lý các hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký với khách hàng do có những hợp đồng dịch vụ pháp lý có thể thực hiện xong và thanh lý được nhưng cũng có những hợp đồng dịch vụ pháp lý không thể thanh lý được vì thời gian thoả thuận còn kéo dài. Xin đưa ra đây một số ví dụ minh hoạ điển hình như sau:
Ví dụ thứ nhất liên quan đến hợp đồng dịch vụ pháp lý về tranh tụng: Tháng 02/2002, Văn Phòng luật sư H.H ký hợp đồng dịch vụ pháp lý số 21/VPLS-HDDVPL, cam kết cử luật sư tham gia bào chữa cho bị can Q từ phiên toà sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm (nếu có). Thực tế, vụ án này được xét xử đi, xét xử lại nhiều lần, kéo dài cho đến nay vẫn chưa kết thúc. Do đó, Văn phòng luật sư H.H vẫn chưa thể thanh lý hợp đồng với khách hàng nên vẫn chưa chấm dứt được hoạt động của Văn phòng mặc dù ngay sau khi Luật Luật sư có hiệu lực (01/01/2007), Văn phòng luật sư H.H đã mong muốn được chuyển sang hình thức Công ty trách nhiệm hữu hạn.
Ví dụ thứ hai liên quan đến hợp đồng dịch vụ pháp lý về tư vấn thành lập và triển khai thực hiện dự án: 11/2005, Công ty luật hợp danh T.L ký hợp đồng dịch vụ pháp lý số 112/CTLHD-HDDVPL với Tập đoàn T, trong đó cam kết thường xuyên thực hiện tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho Tập đoàn T trong việc thành lập và triển khai thực hiện Dự án Q. Cho đến nay, Dự án này vẫn chưa kết thúc và đương nhiên là Hợp đồng dịch vụ pháp lý số 112/CTLHD-HDDVPL vẫn chưa thể thanh lý mặc dù Công ty luật hợp danh T.L rất muốn chấm dứt hoạt động để thành lập Công ty luật trách nhiệm hữu hạn mới.
Ở đây cần nói thêm rằng khoản 2, Điều 47 của Luật Luật sư quy định "Trong trường hợp không thể thực hiện xong hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký với khách hàng thì phải thoả thuận với khách hàng về việc thực hiện hợp đồng dịch vụ pháp lý đó". Tuy nhiên, sau khi chấm dứt hoạt động văn phòng luật sư hoặc công ty luật hợp danh, dù có được các tạo điều kiện thuận lợi đến mấy thì cũng phải mất một khoảng thời gian nhất định, công ty luật trách nhiệm hữu hạn mới được Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt. Vấn đề đặt ra là nếu đúng vào giai đoạn pháp nhân cũ đã chấm dứt hoạt động, pháp nhân mới chưa được cấp Giấy đăng ký hoạt động mà xảy ra tranh chấp về hợp đồng dịch vụ pháp lý thì sẽ giải quyết thế nào? Hoặc là, đúng vào thời điểm đó, khách hàng yêu cầu tổ chức hành nghề luật sư cử luật sư tham gia đàm phán với một đối tác khác của khách hàng thì luật sư sẽ làm việc với tư cách của pháp nhân cũ (đã chấm dứt hoạt động) hay với tư cách của pháp nhân mới (chưa ra đời)?… Vì vậy, chắc chắn sẽ không khách hàng nào muốn tổ chức hành nghề luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý cho mình lại không có địa vị pháp lý trong một khoảng thời gian. Và cũng chính vì lẽ đó mà các văn phòng luật sư, công ty luật hợp danh rất ngại phải đàm phán với khách hàng của mình về việc chấm dứt hoạt động để “chuyển đổi” sang công ty trách luật trách nhiệm hữu hạn. Đặc biệt, đối với các khách hàng nước ngoài thì đàm phán, giải thích việc tổ chức hành nghề luật sư phải chấm dứt hoạt động để "chuyển đổi" sang một loại hình hoạt động khác sẽ khó khăn hơn nhiều. Phía nước ngoài có thể rất dễ đặt câu hỏi: tại sao tổ chức hành nghề luật sư lại phải chấm dứt hoạt động và đăng ký hoạt động mới, phải chăng là để che đậy một hành vi vi phạm pháp luật nào đó? Hệ quả tất yếu là danh tiếng, uy tín của tổ chức hành nghề luật sư có thể sẽ bị ảnh hưởng.
Thứ hai, xoay sở để giữ nguyên đại diện theo pháp luật và tên của tổ chức hành nghề luật sư: Theo quy định của Luật Luật sư, tên của tổ chức hành nghề luật sư phải không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của tổ chức hành nghề luật sư khác, đồng thời, một luật sư chỉ được thành lập hoặc tham gia thành lập một tổ chức hành nghề luật sư tại địa phương nơi có Đoàn luật sư mà luật sư đó là thành viên. Vì vậy, khi chưa chấm dứt hoạt động, đại diện theo pháp luật của văn phòng luật sư hoặc công ty luật hợp danh không thể đứng tên đăng ký hoạt động công ty luật trách nhiệm hữu hạn và cũng không thể sử dụng đúng tên của tổ chức mình. Do đó, nhiều tổ chức đã đối phó với quy định này bằng cách thực hiện các bước như sau: bước 1, đổi tên văn phòng luật sư, công ty luật hợp danh và tạm thời "nhờ" một luật sư khác làm đại diện theo pháp luật cho tổ chức được đổi tên; bước 2, đăng ký hoạt động công ty luật trách nhiệm hữu hạn với tên gọi và đại diện theo pháp luật như của văn phòng luật sư hoặc công ty luật hợp danh; bước 3, làm thủ tục chấm dứt hoạt động văn phòng luật sư, công ty luật hợp danh đã đổi tên.
Rõ ràng thực tế này không những thể hiện sự vòng vo, rắc rối, tốn kém, không đúng với chủ trương cải cách hành chính của Đảng và Nhà nước ta mà còn có thể dẫn đến những rủi ro cho luật sư là đại diện theo pháp luật của văn phòng luật sư, công ty luật hợp danh muốn chuyển đổi sang công ty luật trách nhiệm hữu hạn bởi lẽ nếu luật sư được "nhờ" mà không trung thành, phản bội lại người đã nhờ thì việc "chuyển đổi" chắc chắn sẽ rất rắc rối.
Thứ ba, bất cập so với pháp luật về doanh nghiệp: Theo quy định tại Điều 33 và 34 của Luật Luật sư, việc chuyển đổi hình thức hoạt động từ văn phòng luật sư và công ty luật hợp danh sang công ty luật trách nhiệm hữu hạn, xét về mặt cơ chế chịu trách nhiệm, thực chất là chuyển đổi từ chế độ tổ chức hành nghề luật sư phải chịu trách nhiệm vô hạn sang chế độ phải chịu trách nhiệm hữu hạn. Nói cách khác, sự chuyển đổi này cũng tương tự như chuyển đổi từ doanh nghiệp tư nhân sang công ty trách nhiệm hữu hạn. Trong khi đó, theo quy định tại Điều 24, Nghị định số 139/2007/NĐ-CP ngày 05/9/2007 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là (Nghị định số 139/2007/NĐ-CP) thì doanh nghiệp tư nhân có thể chuyển đổi trực tiếp thành công ty trách nhiệm hữu hạn mà không cần phải chấm dứt hoạt động như trường hợp chuyển đổi từ văn phòng luật sư, công ty luật hợp danh sang công ty luật trách nhiệm hữu hạn. Bất cập này có lẽ là do khi Bộ Tư pháp soạn thảo và ban hành Thông tư số 02/TT-BTP thì Nghị định số 139/2007/NĐ-CP chưa được ban hành cho nên nội dung đó của Nghị định chưa được vận dụng vào Thông tư.
Ngoài ra, việc “chấm dứt hoạt động” của văn phòng luật sư, công ty luật hợp danh rồi “làm thủ tục đăng ký hoạt động" của công ty luật trách nhiệm hữu hạn không thể gọi là "chuyển đổi" hình thức hoạt động dưới góc độ pháp lý. Bởi lẽ, ở đây hoàn toàn không có quan hệ thừa giữa hai chủ thể, chủ thể mới – công ty luật trách nhiệm hữu hạn là một pháp nhân mới hoàn toàn về mặt pháp lý.
Từ những bất cập như phân tích ở trên, theo chúng tôi, đã đến lúc, Bộ Tư pháp nên sửa đổi quy định nêu trên của Thông tư số 02/2007/TT-BTP theo hướng chuyển đổi văn phòng luật sư, công ty luật hợp danh sang công ty luật trách nhiệm hữu hạn mà không phải làm thủ tục chấm dứt hoạt động. Điều kiện chuyển đổi cũng chỉ nên vận dụng theo tinh thần của Nghị định số 139/2007/NĐ-CP, tức là Trưởng văn phòng luật sư, Giám đốc công ty luật hợp danh chỉ cần thực hiện một số nghĩa vụ giống như chủ doanh nghiệp tư nhân phải thực hiện khi chuyển đổi sang công ty trách nhiệm hữu hạn, bao gồm: cam kết bằng văn bản chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với tất cả các khoản nợ chưa thanh toán; cam kết thanh toán đủ số nợ khi đến hạn; có thoả thuận bằng văn bản với các bên của hợp đồng chưa thanh lý về việc công ty luật trách nhiệm hữu hạn được chuyển đổi tiếp nhận và thực hiện các hợp đồng đó.
Hoàng Quốc Hùng – Nguyễn Thắng Lợi
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.