Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ: Thời hạn bảo hộ quyền tác giả là bao nhiêu năm?
26/02/2009
Theo quy định hiện hành, thời hạn bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, sân khấu, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh và quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng là 50 năm. Tuy nhiên, theo Dự thảo Luật sửa đổi, thời hạn này được nâng lên 75 năm. Nhiều ý kiến tán thành với việc kéo dài thời hạn bảo hộ bởi việc này để bảo đảm cân bằng lợi ích các chủ thể trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, khuyến khích lao động sáng tạo. Đặc biệt tạo sự bình đăng giữa công dân Việt nam với công dân các nước có quan hệ điều ước với Việt Nam. Nếu Luật SHTT quy định thời hạn bảo hộ là 50 năm, trong khi các Hiệp định song phương, đa phương mà Việt Nam là thành viên (như Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa kỳ) lại quy định thời hạn bảo hộ là 75 năm thì người thiệt thòi trước tiên sẽ là các tác giả và nhà sản xuất Việt Nam.
Tuy nhiên, theo bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm ủy ban các vấn đề xã hội thì không nên kéo dài thời hạn bảo hộ đến 75 năm. Bà Mai phân tích: quy định là 50 năm như hiện tại tức là sau thời gian đó trí tuệ trở thành sản phẩm của toàn xã hội. Việc kéo dài thời hạn bảo hộ đồng nghĩa hạn chế khả năng khai thác giá trị tác phẩm để phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, và phổ biến rộng rãi trong công chúng. Bà Mai cho rằng nên tạo điều kiện cho công chúng được thụ hưởng tác phẩm sớm hơn.
Xử lý đơn: tại sao phải kéo dài thời gian?
Trong khi chúng ta đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả mọi lĩnh vực thì Luật sửa đổi lại kéo dài thời hạn thẩm định hình thức và đơn đăng ký sở hữu công nghiệp. Cụ thể kéo dài thời hạn thẩm định hình thức từ 1 tháng lên 2 tháng, thẩm định nội dung từ 12 tháng lên 24 tháng đối với sáng chế; từ 6 tháng lên 12 tháng đối với kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý…Lý do phải “giãn” thời gian theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và du lịch, thì hiện nay do số lượng đơn đăng ký quá lớn (gấp 4,5 lần), nhiều trường hợp phức tạp, trong khi con người có hạn. Lý giải này gây nhiều tranh cãi chính trong Thường vụ Quốc hội.
Ông Đặng Vũ Minh Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường cho rằng: Cấp nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp mà chậm thì có khi làm mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. Việc kéo dài thời gian có chăng chỉ với sáng chế. Bày tỏ quan điểm chưa thuận, ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng nêu ý kiến: phải làm rõ cơ sở tại sao lại tăng thời hạn, thời hạn tối thiểu giải quyết đơn đăng ký hiện nay ra sao, thực tế đã giải quyết thế nào? Chúng ta không thể nói vì cơ quan nhà nước quá tải, bộ máy không đủ đáp ứng yêu cầu công việc mà kéo dài thời hạn. Phải có đánh giá đầy đủ để tính toán đến chuyện tăng cường năng lực cho bộ máy, tăng nhân lực, trang thiết bị làm việc, cơ sở vật chất…
Giám định về SHTT: cơ quan nào thực hiện?
Dự thảo Luật sửa đổi quy định; cơ quan nhà nước về SHTT đáp ứng các điều kiện…được thực hiện hoạt động giám định về SHTT. Tuy nhiên vấn đề này cũng còn nhiều ý kiến khác nhau. Một số ý kiến cho rằng, nếu giao cho cơ quan nhà nước về SHTT thực hiện hoạt động giám định về SHTT sẽ dẫn tới tình trạng thiếu khách quan “vừa đá bóng vừa thổi còi” và không phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là “tách hệ thống cơ quan hành chính với hệ thống cơ quan sự nghiệp”. Việc giám định về SHTT được coi là một dịch vụ công, vì vậy nếu cơ quan nhà nước về SHTT thực hiện thì không phù hợp.
Thảo luận tại phiên họp, một số ý kiến cho rằng nên xã hội hóa hoạt động giám định về SHTT, nên mạnh dạn giao cho các tổ chức, cá nhân làm. Nếu giao cho cơ quan nhà nước thì phải là cơ quan độc lập với cơ quan quản lý nhà nước về SHTT thì kết luận giám định mới đảm bảo tính khách quan. Cần tách bạch giữa hoạt động mang tính chuyên môn (giám định) với hoạt động quản lý nhà nước. Cơ quan quản lý chỉ có chức năng kiểm tra, thanh tra chứ không làm việc cụ thể. Dự thảo cần chỉ rõ những cơ quan, tổ chức, cá nhân nào thì được thực hiện giám định.
Liên quan đến vấn đề giám định, một số ý kiến khác cho rằng cần xử lý mối quan hệ giữa giám định SHTT với giám định tư pháp, tiêu chuẩn của giám định viên, thẩm quyền, quản lý hoạt động…
Bình An
Nhiều ý kiến tán thành với việc kéo dài thời hạn bảo hộ (từ 50 năm lên 75 năm) bởi việc này để bảo đảm cân bằng lợi ích các chủ thể trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, khuyến khích lao động sáng tạo. Đặc biệt tạo sự bình đẳng giữa công dân Việt nam với công dân các nước có quan hệ điều ước với Việt nam. Nếu Luật SHTT quy định thời hạn bảo hộ là 50 năm, trong khi các Hiệp định song phương, đa phương mà Việt nam là thành viên (như Hiệp định thương mại Việt nam – Hoa kỳ) lại quy định thời hạn bảo hộ là 75 năm thì người thiệt thòi trước tiên sẽ là các tác giả và nhà sản xuất Việt Nam. |
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.