(Kiemsat.vn) – Để khắc phục những bất cập về thời hiệu khởi kiện thừa kế trong Bộ luật dân sự (BLDS) hiện hành, phù hợp với quyền của người thừa kế, người khác có liên quan đến di sản và những đặc thù về văn hóa, tính chất của di sản; những quy định mới về thời hiệu khởi kiện thừa kế trong BLDS năm 2015 là công cụ pháp lý để bảo vệ các quyền dân sự nói chung, quyền của người thừa kế nói riêng.
Theo quy định tại Điều 645 BLDS năm 2005 thì thời hiệu khởi kiện về thừa kế 10 năm là quá ngắn để thực hiện quyền khởi kiện. Trong thực tế, có đương sự thực hiện quyền khởi kiện khi đã hết thời hiệu pháp luật quy định. Khi đó, quyền lợi của người thừa kế tài sản không được pháp luật bảo vệ. Quy định trên đang tồn tại một bất cập là có nhiều tài sản thừa kế bị tranh chấp nhưng do hết thời hiệu khởi kiện nên bị “treo” và người thừa kế tài sản không thể đăng ký quyền sở hữu. Để được hưởng di sản thừa kế, không ít đương sự đã có những hành xử trái pháp luật, gây mất trật tự xã hội.
Mặt khác, Bộ luật Dân sự năm 2005 không quy định cụ thể phương án xử lý những di sản thừa kế khi hết thời hiệu 10 năm nên cơ quan nhà nước có thẩm quyền rất lúng túng trong việc quyết định số phận pháp lý cũng như số phận thực tế của những di sản này.
Thực tế, có nhiều trường hợp khi đương sự khởi kiện thừa kế, Tòa án phải trả lại đơn với lý do đã hết thời hiệu khởi kiện. Khi người dân đi đăng ký quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất thì cơ quan chức năng yêu cầu phải có sự đồng ý của tất cả các đồng thừa kế hoặc bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án giao quyền sở hữu, sử dụng cho họ. Như vậy, vô tình các quy định pháp luật làm cho người dân rơi vào tình cảnh không thể có quyền sở hữu, sử dụng di sản thừa kế mà lẽ ra họ có thể được hưởng quyền này. Nhiều trường hợp người dân vẫn yêu cầu Tòa án giải quyết mặc dù thời gian 10 năm đã qua và Tòa án đã phải tìm cách để cho phép người thừa kế chia di sản.
Giải quyết những bất cập nói trên, BLDS năm 2015 bổ sung một số điểm mới quy định về thời hiệu khởi kiện thừa kế tại Điều 623 như sau:
– Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.
– Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:
+ Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;
+ Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.
– Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
– Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế./.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.