Thực thi pháp luật môi trường trong doanh nghiệp : Thực trạng và giải pháp

Thực thi pháp luật môi trường trong doanh nghiệp : Thực trạng và giải pháp

25/02/2009

Theo thống kê của Bộ Tư Pháp, Việt Nam đã ban hành khoảng 300 văn bản pháp luật bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, hệ thống văn bản này còn chưa chặt chẽ, thiếu nhiều quy định quan trọng, nhiều tội danh "lọt lưới" pháp luật. Do vậy, môi trường nước ta đang từng ngày xuống cấp nghiêm trọng.
I. Bảo vệ môi trường, trách nhiệm của toàn xã hội

Điều 6 Luật Bảo vệ môi trường của Việt Nam đã khẳng định “Bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn dân” và pháp luật là một trong những công cụ cần thiết và hữu hiệu nhất góp phần quan trọng trong việc điều chỉnh và xử lý những hành vi của con người trong mối quan hệ với môi trường. Và để thực hiện được điều này, Điều 7, Luật Bảo vệ môi trường quy định “Tổ chức, cá nhân sử dụng thành phần môi trường vào mục đích sản xuất, kinh doanh trong trường hợp cần thiết phải đóng góp tài chính cho việc bảo vệ môi trường. Tổ chức, cá nhân gây tổn hại môi trường do hoạt động của mình phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật”.

Điều 628 Bộ luật Dân sự cũng có quy định “Cá nhân, tổ chức và các chủ thể khác làm ô nhiễm môi trường gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường".

Hiện nay, trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, hàng ngày, hàng giờ con người vẫn tiếp tục khai thác và sử dụng một khối lượng khổng lồ những nguồn tài nguyên thiên nhiên như than đá, dầu mỏ, gỗ, các loài sinh vật… ở một số nơi, sự khai thác quá mức đã khiến cho những nguồn tài nguyên này bị lâm vào tình trạng suy kiệt một cách trầm trọng. Điều đó đồng nghĩa với việc hàng ngày, hàng giờ các nhà máy sản xuất công nghiệp vẫn tiếp tục thải vào môi trường đất, nước, không khí những lượng chất thải vô cùng lớn cùng với lượng bụi và độ ồn vượt quá nhiều lần tiêu chuẩn cho phép.

Thực tế đã cho thấy, thiệt hại về môi trường là những thiệt hại có tính nghiêm trọng, làm phát sinh những nguy cơ tiềm ẩn trong đó nguy hiểm nhất có thể dẫn tới thiệt hại cho tính mạng, sức khoẻ và tài sản của con người.

II.Báo động về vi phạm môi trường

Nước ta đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức ngày càng tăng trong công cuộc bảo vệ môi trường. Áp lực do dân số, phát triển công nghiệp và hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi tiêu thụ ngày càng nhiều tài nguyên thiên nhiên và năng lượng. Phát triển công nghiệp hoá đang gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, các vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường ngày càng gia tăng. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2008, Cảnh sát môi trường phát hiện gần 600 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, làm rõ hơn 380 đối tượng (tổ chức và cá nhân), chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố 8 vụ, 13 bị can, phối hợp với các cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền hơn 1,4 tỷ đồng.

Theo nhận định của Cục Cảnh sát môi trường, không chỉ những doanh nghiệp nhỏ mà ngay cả nhiều công ty, tập đoàn kinh tế lớn cũng không coi trọng bảo vệ môi trường, còn lỏng lẻo trong việc quản lý, xử lý chất thải độc hại. Cả nước ta hiện nay có 192 khu sản xuất công nghiệp thì 70% trong số đó chưa xây dựng hệ thống xử lý chất thải rắn và lỏng. Đây chính là nguồn gây ô nhiễm ở các dòng sông và nhiều khu vực có người dân sinh sống. Tình trạng vi phạm phổ biến tại các khu công nghiệp vẫn là không thực hiện đúng các yêu cầu báo cáo đánh giá tác động môi trường, xả thải chưa qua xử lý và khai thác nguồn nước ngầm trái phép. Ngoài ra, việc xử lý chất thải y tế; bảo vệ động vật hoang dã; khai thác khoáng sản trái phép vẫn nhức nhối, phức tạp. Tuy nhiên, số vụ phát hiện, xử lý so với tình hình vi phạm thực tế còn quá ít. Khi bị phát hiện thì hình thức xử phạt lại quá nhẹ, không mang tính răn đe khiến tình trạng vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường ngày càng có chiều hướng gia tăng.

Các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nước ta có diễn biến phức tạp, nhất là trong hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác tài nguyên, khu công nghiệp, khu đô thị. Tình trạng các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp vi phạm quy định pháp luật về môi trường ngày càng tăng gây bức xúc trong nhân dân. Gần đây nhất là vụ việc của công ty Vedan, công ty Miwon bị phát hiện gây nhức nhối trong dư luận.

III. Một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật về môi trường tăng nhanh

 Thứ nhất: Hệ thống văn bản pháp luật bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập

Thời gian qua, nhà nước ta đã có nhiều chính sách thu hút đầu tư nhằm phát triển nền kinh tế. Cùng với sự phát triển nhanh của các khu công nghiệp các cơ quan sản xuất, vấn đề ô nhiễm môi trường đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân.

Mặc dù hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường nước ta tương đối lớn với khoảng 300 văn bản nhưng vẫn còn thiếu nhiều quy định quan trọng như: thuế bảo vệ môi trường; kiểm toán môi trường; quy định chi tiết chế độ bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại môi trường; thiếu chính sách cụ thể khuyến khích ngành công nghiệp môi trường, xã hội hoá bảo vệ môi trường… Chưa có quy định đặc thù về nguyên tắc bồi thường trong lĩnh vực môi trường. Một số các Bộ luật, Luật mặc dù có quy định nhưng lại chưa đầy đủ. Cụ thể:

 Bộ luật Hình sự với 15 tội danh trong 10 điều luật thuộc chương XVII về tội phạm môi trường, đến nay, cũng mới chỉ có 2 tội danh bị truy tố là tội huỷ hoại rừng (Điều 189) và tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm (Điều 190). Các tội danh còn lại của 10 điều luật về tội phạm môi trường muốn truy tố phải có điều kiện trước đó là "đã bị xử phạt hành chính mà vẫn còn vi phạm, gây hậu quả nghiêm trọng (từ Điều 182 đến 191)" thì chưa đưa ra truy tố được vụ nào. Do đó, 8 tội danh môi trường trong Bộ luật Hình sự vô hình dung đã “lọt lưới” pháp luật.

Ngay Luật Bảo vệ môi trường cùng còn một số bất cập. Theo luật này, chỉ có 1 tội danh không phải xử lý hành chính mà được khởi tố ngay, nhưng 9 tội còn lại để có thể khởi tố cần phải có 2 điều kiện bắt buộc là đã xử lý hành chính cơ sở vi phạm nhưng tái phạm hoặc cơ sở để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Trong khi thế nào là để xảy ra hậu quả nghiêm trọng lại hết sức mơ hồ. Thực tế nhiều vụ việc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhưng hậu quả ngay tức thì không thể nhìn thấy được mà kéo dài hàng chục năm sau mới bùng phát thành dịch bệnh.

Một vấn đề khác nữa là tính ổn định văn bản pháp luật bảo vệ môi trường của Việt Nam không cao. Có văn bản mới ban hành chưa lâu đã phải sửa đổi, bổ sung  như Nghị định 80/2006/NĐ-CP ban hành năm 2006, qua 1 năm áp dụng đã phải sửa đổi, bổ sung. Ngày 28/02/2008 vừa qua, Chính Phủ đã ban hành Nghị định số 21/2008/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung Nghị định 80 nói trên.

Thứ hai : Hiệu quả công tác đấu tranh, phòng ngừa và xử lý những vi phạm pháp luật môi trường  còn chưa cao

Nhìn chung, các lực lượng chức năng trong đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật về môi trường đã có rất nhiều cố gắng, tuy nhiên hoạt động này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cũng chưa đáp ứng được yêu cầu nên việc kiểm tra chưa được thường xuyên, sát sao nên chưa kịp thời phát hiện được nhiều vụ vi phạm pháp luật môi trường có tính nghiêm trọng.

Ngoài ra, các điều kiện đảm bảo công tác bảo vệ môi trường, bổ sung nguồn nhân lực và các trang thiết bị cần thiết, nhất là cho các tổ chức cấp cơ sở, nâng cao nhận thức của người dân và cán bộ quản lý không có trong quy định. Các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật bảo vệ môi trường tới người dân còn ít dẫn đến việc mặc dù nhiều doanh nghiệp vi phạm pháp luật môi trường trong một thời gian dài nhưng người dân không dám tố cáo với các cơ quan chức năng.

 Thứ ba: Doanh nghiệp chưa có ý thức bảo vệ môi trường

Cần phải khẳng định rằng ý thức trách nhiệm của đa số các doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường chưa cao. Thực tế cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp đều vi phạm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Thậm chí phần lớn các doanh nghiệp bằng cách này hay cách khác để "lách" luật, hoặc cố tình vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh vì mục đích lợi nhuận,

Mặt khác, trong hơn một thập kỷ qua, tốc độ tăng trưởng công nghiệp hàng năm từ 15 đên 17%, góp phần rất lớn vào tăng trưởng kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, mặt trái của sự phát triển công nghiệp chính là những vấn đề môi trường, các vấn đề về ô nhiễm môi trường đang ngày càng báo động. Nhiều nhà máy, xí nghiệp được xây dựng từ thời bao cấp với công nghệ, thiết bị lạc hậu, phát sinh nhiều phế thải, đa phần không có hệ thống xử lý nước thải, khí thải. Thêm vào đó, các cơ sở sản xuất công nghiệp lại nằm xen kẽ với khu dân cư hoặc gần khu vực đông dân cư ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ của cộng đồng.

IV. Một số giải pháp nhằm hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật môi trường

1. Về phía cơ quan nhà nước:

–  Sửa luật, tăng mức phạt đề ngừa tội phạm

Như đã nêu ở trên, mặc dù hệ thống văn bản pháp luật về môi trường ở nước ta hiện nay là trên 300 văn bản, nhưng vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Do vậy, trong thời gian tới các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu, đề xuất sửa cho phù hợp với thực tế để đủ sức răn đe, ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật môi trường của cá nhân, tổ chức.

 – Xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật môi trường

– Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật môi trường đối với doanh nghiệp.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý cần tăng cường công tác phổ biến pháp luật về môi trường tới mọi tầng lớp nhân dân, các tổ chức kinh doanh trên cả nước nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức về bảo vệ môi trường của mọi cá nhân và tổ chức.

2. Về phía doanh nghiệp

Để hạn chế và tránh vi phạm pháp luật BVMT, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nên lưu ý những vấn đề như:

Thứ nhất: Nếu có kế hoạch triển khai đầu tư Dự án, việc đầu tiên phải đến cơ quan quản lý môi trường sở tại để được tư vấn, xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường, bản cam kết bảo vệ môi trường, nếu chủ cơ sở đang hoạt động có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường , bản cam kết BVMT bổ sung.

Thứ hai: Thực hiện nghiêm túc các yêu cầu được quy định tại bản Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Bản cam kết BVMT của Dự án đã được cấp có thẩm quyền phê chuẩn, vận hành liên tục các thiết bị khi đi vào sản xuất, tránh tình trạng vận hành đối phó khi có cơ quan quản lý đến kiểm tra.

Thứ ba: Trong quá trình sản xuất, kinh doanh có nhu cầu sử dụng nước hoặc các tài nguyên khác để sản xuất, phải làm thủ tục xin cấp phép và xả thải theo quy định của pháp luật.

Thứ ba: Nâng  cao ý thức,  trách nhiệm trong việc thực hiện pháp luật môi trường.  Cần cập nhật kịp thời các quy định pháp luật về môi trường để nắm bắt được những quy định của nhà nước trong lĩnh vực môi trường để áp dụng trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Thời gian qua đã có một số văn bản mới được sửa đổi, ban hành mà doanh nghiệp cần quan tâm. Cụ thể là Pháp lệnh về xử phạt vi phạm hành chính được sửa đổi bổ sung (có hiệu lực từ ngày 1-8-2008. Theo đó, hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị: tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm; buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh…Mức xử phạt tối đa theo thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp xã là 2 triệu đồng, chủ tịch UBND cấp huyện là 30 triệu đồng. Trưởng phòng Cảnh sát môi trường có quyền phạt tiền đến 10 triệu đồng, chánh thanh tra chuyên ngành các cấp sở được phạt tối đa 30 triệu đồng, cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường và chánh thanh tra chuyên ngành cấp bộ được phạt tiền đến mức tối đa 500 triệu đồng. 

Tiếp đó, ngày 14/01/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định 04/2009/NĐ-CP về hỗ trợ, ưu đãi cho hoạt động bảo vệ môi trường, nhằm giảm thiểu tốc độ và tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay.

Theo đó, Chính phủ dành nhiều hỗ trợ, ưu đãi về cơ sở vật chất, đất đai, vốn, hỗ trợ thuế, tiêu thụ sản phẩm cho các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động bảo vệ môi trường, đồng thời khuyến khích các hoạt động khắc phục ô nhiễm môi trường, tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu chất thải gây ô nhiễm môi trường…mức độ và phạm vi ưu đãi, hỗ trợ được điều chỉnh bảo đảm phù hợp với chính sách bảo vệ môi trường từng thời kỳ.

   Các chủ đầu tư xây dựng công trình bảo vệ môi trường (cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung, hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung) sẽ được Nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình, hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật ngoài phạm vi dự án nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực. Trong trường hợp nhà nước chưa cân đối kịp vốn hỗ trợ thì chủ đầu tư được sử dụng các nguồn vốn hợp pháp khác, số vốn này sẽ được trừ vào các khoản khác mà theo quy định chủ đầu tư phải nộp ngân sách. Đồng thời, Nhà nước hỗ trợ 50% chi phí vận chuyển chất thải từ nguồn phát thải đến cơ sở xử lý chất thải và 50% giá điện phục vụ trực tiếp sản xuất.

Chủ đầu tư xây dựng công trình bảo vệ môi trường còn được Nhà nước hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Những công trình hoạt động bảo vệ môi trường như xây dựng trạm quan trắc môi trường, hệ thống kết cầu hạ tầng bảo vệ môi trường các khu, cụm công nghiệp làng nghề… được giảm 50% tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và được chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tối đa 5 năm, kể từ ngày giao đất.

   Tuỳ theo tính chất của từng cơ sở xây dựng công trình bảo vệ môi trường, Nhà nước hỗ trợ từ 30-50% vốn đầu tư xây dựng, số còn lại được vay vốn từ Ngân  hàng Phát triển Việt Nam hoặc Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam  hoặc hưởng chính sách ưu đãi về tín dụng của Ngân hàng và các Quỹ liên quan trong việc cho vay vốn để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh.

   Các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động bảo vệ môi trường cũng được ưu đãi về: thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế xuất, nhập khẩu; thuế giá trị gia tăng; phí và ưu đãi về khấu hao tài sản cố định (cụ thể là tài sản cố định được khấu hao nhanh từ 1,5-2 lần mức khấu hao theo chế độ  hiện hành). Ngoài ra nhà nước còn hỗ trợ về giá đối với sản phẩm, tặng các giải thưởng vê bảo vệ môi trường và hỗ trợ quảng bá sản phẩm, phân loại rác tại nguồn.

Thứ ba, về phía người dân:

Công tác thực thi pháp luật bảo vệ môi trường nếu muốn đạt kết quả tốt cần phải có sự tham gia tích cực của người dân, những người trực tiếp bị ảnh hưởng bởi nạn ô nhiễm môi trường. Do đó, Người dân cũng cần quan tâm đến những quy định của pháp luật môi trường để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường đồng thời khi bắt gặp hành vi vi phạm pháp luật môi trường của cá nhân, tổ chức khác phải thông báo cho cơ quan chức năng để kịp thời phát hiện và ngăn chặn.

Nếu thực hiện tốt những biện pháp nêu trên thì trong thời gian tới, tình hình môi trường nước ta sẽ dần được cải thiện.

(Nam Hằng)


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191