Vẫn còn tranh cãi về phát biểu của KSV tại phiên tòa hành chính

(Kiemsat.vn) – Luật TTHC quy định Kiểm sát viên được Viện trưởng phân công kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính có nhiệm vụ tham gia phiên tòa, phiên họp. Tại phiên tòa, phiên họp, Kiểm sát viên phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát.

Điều 190 Luật TTHC năm 2015 quy định phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm như sau: Sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký phiên tòa và của người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án”.

Điều 240 Luật TTHC năm 2015 quy định phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm:

Sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án hành chính ở giai đoạn phúc thẩm”.

Như vậy, theo tinh thần chung, Luật năm 2015 đã luật hóa Thông tư liên tịch số 03/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 01/8/2012 (sau đây gọi tắt là Thông tư), quy định trong nội dung Bài phát biểu của Kiểm sát viên, bao gồm cả việc tuân thủ pháp luật tố tụng và nội dung giải quyết vụ án hành chính. Tuy nhiên, xem xét cụ thể về sửa đổi, bổ sung từng điều luật thì chỉ có Điều 190 là chuyển tải đầy đủ tinh thần Thông tư vào, Điều 240 vẫn giữ nguyên lời văn của Khoản 3 Điều 204 Luật TTHC năm 2010. Vậy nay, tại phiên tòa phúc thẩm các vụ án hành chính thì nội dung phát biểu của Kiểm sát viên sẽ như thế nào?

Hiện đang có hai nhóm ý kiến:

– Nhóm ý kiến thứ nhất cho rằng, khi Luật TTHC năm 2015 có hiệu lực thi hành thì Thông tư không còn giá trị áp dụng. Theo Điều 240 thì tại phiên tòa phúc thẩm KSV chỉ được phát biểu về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án hành chính ở giai đoạn phúc thẩm.

– Nhóm ý kiến thứ hai cho rằng, nội dung phát biểu của KSV tại phiên tòa phúc thẩm đã thực hiện ổn định kể từ ngày Thông tư có hiệu lực mà không có văn bản nào bãi bỏ nên vẫn tiếp tục thực hiện.

Đây có thể là lỗi sơ suất của việc sửa đổi, bổ sung luật. Để áp dụng pháp luật thống nhất, thiết nghĩ nên đưa nội dung này vào Thông tư mới./.

Phạm Công Minh

VKSND cấp cao 3




TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191