Xác định các chế độ được hưởng của Người khuyết tật dưới 6 tuổi trong các trường hợp cụ thể:
2.1. Có nhu cầu xác định mức độ khuyết tật
Trước hết, căn cứ vào Điểm a Khoản 1 Điều 3 Thông tư liên tịch số 37/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BTC-BGDĐT, đối với Người khuyết tật (NKT) dưới 6 tuổi thì Hội đồng xác định mức độ khuyết tật cấp xã chỉ xác định mức độ khuyết tật đối với khuyết tật vận động, khuyết tật nhìn và khuyết tật thần kinh, tâm thần. Căn cứ vào thẩm quyền xác định mức độ khuyết tật thì khi xác định mức độ khuyết tật cho NKT dưới 6 tuổi đối với các dạng khuyết tật còn lại có thể gửi đến Hội đồng giám định y khoa để xác định mức độ khuyết tật.
Trong trường hợp Người khuyết tật dưới 6 tuổi có nhu cầu xác định mức độ khuyết tật thì việc xác định mức độ khuyết tật được thực hiện tại một trong hai chủ thể có thẩm quyền nêu trên phụ thuộc vào dạng tất của trẻ em dưới 6 tuổi. Quy trình, trình tự, thủ tục xác định mức độ khuyết tật được thực hiện theo quy định pháp luật đã được hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 34/2012/TTLT-BYT-BLĐTBXH và Thông tư liên tịch số 37/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BTC-BGDĐT. Bên cạnh đó, việc xác định dạng tật và mức độ khuyết tật cho trẻ dưới 6 tuổi được thực hiễn theo mẫu riêng được quy định tại phụ lục của Thông tư liên tịch số 37/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BTC-BGDĐT. Việc thực hiện xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy chứng nhận mức độ khuyết tật được thực hiện bằng kinh phí từ ngân sách nhà nước, do đó, khi thực hiện xác định mức độ khuyết tật NKT nói chung và NKT là trẻ em dưới 6 tuổi nói riêng không phải chi trả kinh phí trừ trường hợp có khiếu nại, tố cáo về kết quả xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng giám định mức độ khuyết tật cấp xã và kết quả giám định của hội đồng giám định y khoa không đúng với khiếu nại, tổ cáo.
Khi xác định mức độ khuyết tật, NKT sẽ được hưởng các chế độ căn cứ vào kết quả xác định mức độ khuyết tật như sau:
Thứ nhất, NKT dưới 6 tuổi được xác định mức độ khuyết tật là NKT nhẹ:
Người khuyết tật nhẹ theo quy định hiện nay thì không được hưởng các chế độ bảo trợ và chế độ chăm sóc sức khỏe đối với người khuyết tật. Tuy nhiên, trong trường hợp này, đối tượng còn là trẻ em dưới 6 tuổi, do đó, chế độ được hưởng sẽ áp dụng theo chế độ đối với trẻ em dưới 6 tuổi.
Căn cứ Điều 6 Nghị định 56/2017/NĐ-CP, trẻ em dưới 6 tuổi là người khuyết tật nhẹ thuộc vào nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Theo đó, căn cứ vào các Điều 18, 19, 20, 21 Nghị định 56/2017/NĐ-CP, trẻ em dưới 6 tuổi là người khuyết tật nhẹ sẽ được hưởng các chế độ cụ thể:
– Chế độ chăm sóc sức khỏe:
Nhà nước đóng hoặc hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế. Cụ thể, với trẻ em dưới 6 tuổi sẽ được Ngân sách nhà nước đóng BHYT theo quy định tại Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008 sửa đổi, bổ sung 2014.
Nhà nước trả hoặc hỗ trợ trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh hoặc giám định sức khỏe và hưởng các chính sách chăm sóc sức khỏe khác theo quy định của pháp luật.
– Chế độ trợ giúp xã hội
Trẻ em dưới 6 tuổi được hưởng các chế độ khi thuộc nhóm đối tượng không có nguồn nuôi dưỡng theo quy định của Nghị định 136/2013/NĐ-CP. Cụ thể, căn cứ Điều 6 Nghị định 136/2013/NĐ-CP, nếu trẻ em dưới 6 tuổi thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 5 của Nghị định đối với nhóm đối tượng không có nguồn nuôi dưỡng thì được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng với hệ số 1,5.
Để được hưởng trợ cấp hàng tháng này, người giám hộ của trẻ em dưới 6 tuổi phải thực hiện các thủ tục theo quy định tại Điều 8 Nghị định 136/2013/NĐ-CP.
Thứ hai, NKT dưới 6 tuổi được xác định mức độ khuyết tật là NKT nặng hoặc NKT đặc biệt nặng:
Căn cứ vào Luật Người khuyết tật năm 2010, Người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng sẽ được hưởng các chế độ như sau:
- Chế độ chăm sóc Người khuyết tật:
Căn cứ Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế năm 2008, sửa đổi bổ sung 2014, Nghị định 136/2013/NĐ-CP, trẻ em dưới 6 tuổi là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng thuộc đối tượng hưởng bảo trợ xã hội hàng tháng thì được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) do Ngân sách nhà nước đóng 100% BHYT. Đối với trường hợp này, thì khi đủ 6 tuổi NKT vẫn được hưởng chế độ này đối với người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng.
Mức hưởng bảo hiểm y tế với trường hợp người khuyết tật dưới 6 tuổi theo quy định tại Khoản 1 Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế 2008 sửa đổi, bổ sung 2014 là 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
- Chế độ bảo trợ xã hội đối với người khuyết tật:
- Chế độ đối với đối tượng được nuôi dưỡng chăm sóc tại cộng đồng
Người khuyết tật là trẻ em dưới 6 tuổi được nuôi dưỡng chăm sóc ngoài cộng đồng được hưởng các chế độ như sau
+Trợ cấp xã hội hàng tháng:
Trong trường hợp trẻ em dưới 6 tuổi là người khuyết tật nặng, căn cứ vào Khoản 2 Điều 16 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP, người khuyết tật nặng là trẻ em dưới 6 tuổi sẽ được hưởng trợ cấp hàng tháng theo hệ số hai (2,0) nhân với mức trợ cấp theo địa phương mà người khuyết tật sinh sống nhưng không thấp hơn 270.000 đồng theo quy định tại Điều 4 Thông tư 26/2012/TT-BLĐTBXH.
Trong trường hợp trẻ em dưới 6 tuổi là người khuyết tật đặc biệt nặng: Căn cứ Điều 44, 45 Luật Người khuyết Tật 2010, người khuyết tật đặc biệt nặng sẽ được hưởng trợ cấp hàng tháng trừ trường hợp người đó được nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội. Hệ số trợ cấp hàng tháng nếu có trong trường hợp này là hai phẩy năm (2,5).
+ Chế độ hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng:
Đối với NKT dưới 6 tuổi là NKT đặc biệt nặng thực hiện chế độ chăm sóc tại cộng đồng thì gia đình, cá nhân chăm sóc NKT có thể được hưởng hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng.
Mức hưởng trong trường hợp này được tính theo hệ số một phẩy năm (1,5)
Trình tự thủ tục thực hiện trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng được thực hiện như sau:
Hồ sơ đề nghị trợ cấp xã hội bao gồm:
- Tờ khai thông tin của người khuyết tật theo mẫu;
- Bản sao giấy xác nhận mức độ khuyệt tật;
- Bản sao sổ hộ khẩu;
- Bản sao giấy khai sinh
- Bản sao Quyết định của cơ sở chăm sóc người khuyết tật về việc chuyển về gia đình sinh sống trong trường hợp đang sống tại cơ sở bảo trợ xã hội[1].
Hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng bao gồm:
- Tờ khai thông tin của hộ gia đình, cá nhân nuôi dưỡng NKT đặc biệt nặng theo mẫu;
- Bản sao Giấy chứng nhận Khuyết tật;
- Bản sổ hộ khẩu gia đình, Bản sao Sổ hộ khẩu và chứng minh thử nhân dân của cá nhân nuôi dưỡng;
- Tờ khai thông tin của người khuyết tật theo mẫu;
- Bản sao Quyết định của cơ sở chăm sóc người khuyết tật về việc chuyển về gia đình sinh sống trong trường hợp đang sống tại cơ sở bảo trợ xã hội;
- Đơn xin nhận nuôi đối với trường hợp nhận nuôi dưỡng[2].
Thủ tục thực hiện trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí hàng tháng: Để được hưởng trợ cấp xã hội người đề nghị trợ cấp hoặc hỗ trợ kinh phí chăm sóc làm hồ sơ gửi tới Ủy ban nhân dân cấp xã.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội cấp xã tổ chức họp và xét duyệt hồ sơ đối tượng và niêm yết công khai kết luận tại trụ sở UBND xã và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng trong thời hạn 7 ngày. Khi hết thời hạn niêm yết công khai không có ý kiến thắc mắc, khiếu nại, Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội cấp xã bổ sung biên hản họp Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội vào hồ sơ của đối tượng và trình Chủ tịch UBND cấp xã có văn bản gửi đến Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội để xem xét giải quyết.
Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ để nghị của Chủ tịch UBND cấp xã, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thẩm định, trình Chủ tịc UBND cấp huyện quyết định hoặc có thông báo về lý do không được trợ cấp xã hội hoặc hỗ trợ kinh phí chăm sóc.
Trong thời hạn 3 ngày làm việc, Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét và kí quyết định trợ cấp xã hội hoặc hỗ trợ kinh phí chăm sóc[3].
+ Chế độ mai táng nếu chết:
Trong trường hợp này, NKT là trẻ em dưới 6 tuổi thuộc đối tượng NKT nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng sẽ được hưởng mức hỗ trợ mai táng với mức theo hệ số 20 lần mức chuẩn theo quy định pháp luật.
Hồ sơ, thủ tục hỗ trợ mai táng phí:
Hồ sơ bao gồm: Đơn hoặc văn bản đề nghị của gia đình, cá nhân đứng ra tổ chức cho người khuyết tật; Bản sao giấy chứng nhận khuyết tật.
Thủ tục thực hiện như sau: Gia đình, cá nhân làm hồ sơ gửi tới UBND cấp xã. Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, UBND cấp xã có văn bản đề nghị kèm theo hồ sơ gửi tới Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH). Trong thời hạn 2 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của UBND cấp xã, Phòng LĐ-TBXH xem xét trình Chủ tịch UBND cấp huyện ra quyết định hỗ trợ chi phí mai táng[4].
- Chế độ nuôi dưỡng người khuyết tật trong cơ sở bảo trợ xã hội:
Chế độ này chỉ áp dụng với đối tượng là NKT đặc biệt nặng và không nơi nương tựa hay bản thân họ không lo được cho bản thân. Căn cứ Điều 18 Nghị định 28/2012/NĐ-CP, đối với trẻ em dưới 6 tuổi là người khuyết tật đặc biệt nặng và không có nơi nương tựa thì hệ số trợ cấp hàng tháng trả cho cơ sở nuôi dưỡng đối tượng này là bốn (4,0).
Bên cạnh đó, người khuyết tật còn được hưởng các chế độ như: được cấp thẻ BHYT, trợ cấp tiền mua các vật dụng sinh hoạt thông thường, hỗ trợ tiền vệ sinh, hỗ trợ phương tiện sinh hoạt, hỗ trợ mai táng…
Để được hưởng các chế độ nêu trên, người đại diện hoặc người giám hộ đối với người khuyết tật là trẻ em dưới 6 tuổi phải thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật được quy định tại Nghị định 28/2012/NĐ-CP và Nghị định 136/2013/NĐ-CP.
Bên cạnh chế độ chăm sóc, bảo trợ xã hội đối với người khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng nêu trên, trong trường hợp là người khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng sẽ được hưởng chế độ về miễn, giảm giá vé, giá dịch vụ văn hóa, thể thao giải trí, căn cứ vào Điều 11 Nghị định 28/2012/NĐ-CP quy định cụ thể như sau:
(i) Đối với người khuyết tật đặc biệt nặng thì được miễn giá vé, giá dịch vụ khi trực tiếp sử dụng các dịch vụ văn hóa, giải trí;
(ii) Đối với người khuyết tật nặng được giảm tối đa 50 % các giá vé, giá dịch vụ.
2.2. Có nhu cầu tham gia học tập theo phương thức hòa nhập tại trường mẫu giáo công lập
Theo quy định của pháp luật người khuyết tật, Giáo dục hòa nhập là phương thức giáo dục chung người khuyết tật với người không khuyết tật trong cơ sở giáo dục. Theo đó, ở đây NKT là trẻ em dưới 6 tuổi có nhu cầu muốn tham gia học tập tại mẫu giáo công lập thì trước hết theo quy định tại Luật khuyết tật 2010, người khuyết tật sẽ được ưu tiên nhập học ở độ tuổi cao hơn bình thường (cụ thể là 3 tuổi).
Các chế độ mà người khuyết tật được hưởng khi muốn tham gia học tại trường mẫu giáo công lập như sau:
Căn cứ Nghị định 86/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục đào tạo quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 – 2016 đến năm học 2010- 2021, chế độ người khuyết tật là trẻ em dưới 6 tuổi như sau:
– Về học phí:
Căn cứ theo quy định tại Điều 7 Nghị định 85/2015/NĐ-CP, trẻ học mẫu giáo là người khuyết tật sẽ được miễn học phí nếu thuộc các trường hợp có khó khăn về kinh tế ( thuộc diện hộ ngèo hoặc cận nghèo). Do vậy, trẻ em dưới 6 tuổi là người khuyết tật có thể sẽ được miễn học phí theo quy định nêu trên.
– Hỗ trợ chi phí học tập:
Căn cứ Điều 10 Nghị định 85/2015/NĐ-CP, trẻ em dưới 6 tuổi là người khuyết tật tham gia giáo dục mần non công lập sẽ là đối tượng được hỗ trợ chi phí học tập nếu có khó khăn về kinh tế. Điều này được hướng dẫn cụ thể tại Khoản 4 Điều 4 Thông tư liên tịch 09/2016/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH, theo đó NKT dưới 6 tuổi tham gia vào giáo dục mầm non công lập sẽ được coi là có khó khăn về kinh tế khi gia đình thuộc diện hộ cận nghèo theo quy định pháp luật. Mức hỗ trợ chi phí học tập theo quy định là mức 100.000 đồng/học sinh/tháng để mua sách, vở và các đồ dùng học tập khác. Thời gian được hưởng theo thời gian học thực tế và không quá 9 tháng/năm học.
Trình tự, thủ tục thực hiện chế độ miễn học phí và hỗ trợ học tập đối với người khuyết tật dưới 6 tuổi có nhu cầu tham gia phương thức hòa nhập tại cơ sở giao dục công lập được thực hiện như sau:
Căn cứ khoản 1 Điều 5 Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH, đối với cơ sở mầm non công lập, trình tự, thủ tục được thực hiện như sau:
(i) Hồ sơ bao gồm:
– Đơn đề nghị miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập:
+ Đối với việc miễn, giảm học phí học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên: Mẫu đơn theo phụ lục II Thông tư liên tịch số 96/2016/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH.
+ Đối với các đối tượng thuộc diện được hỗ trợ chi phí học tập học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên: Mẫu đơn theo phụ lục III Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH
– Bản sao chứng thực giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập đối với các đối tượng người khuyết tật dưới 6 tuổi:
+Giấy xác nhận khuyết tật do Ủy ban nhân dân cấp xã cấp hoặc Quyết định về việc trợ cấp xã hội của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện
+ Giấy tờ chứng minh là hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo do Ủy bannhân dân xã cấp hoặc xác nhận
– Đối với trẻ em mẫu giáo trong tình huống này vừa thuộc diện được miễn, giảm học phí vừa thuộc diện được hỗ trợ chi phí học tập, chỉ phải làm 01 bộ hồ sơ các giấy tờ liên quan nói trên kèm các đơn theo mẫu.
(ii) Trình tự thực hiện:
– Trong vòng 45 ngày kể từ ngày khai giảng năm học, cha mẹ (hoặc người giám hộ) trẻ em học mẫu giáo có Đơn đề nghị miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập và bản sao giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập gửi cơ sở giáo dục;
– Đối với trường mầm non: Hiệu trưởng nhà trường có trách nhiệm xét duyệt hồ sơ và lập danh sách học sinh được miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập gửi phòng giáo dục và đào tạo;
2.3. Có nhu cầu tham gia BHYT nhưng không có hộ khẩu thường trú tại nơi sinh sống
Căn cứ theo trình bày của ở câu 1, đối với trẻ em dưới 6 tuổi thì luôn được hưởng chế độ được cấp sử dụng thẻ BHYT. Tuy nhiên, đối với trường hợp NKT là NKT nhẹ thì chỉ được hưởng chế độ BHYT đối với trẻ em dưới 6 tuổi. Đối với trẻ em dưới 6 tuổi là người khuyết tật nặng và người khuyết tật đặc biệt nặng thì khi đủ 6 tuổi trở lên, NKT vẫn có thể được hưởng chế độ bảo hiểm y tế được áp dụng với NKT theo quy định của pháp luật.
Căn cứ theo quy định tại Điểm e Khoản 3 Điều 1 Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC quy định về nhóm đối tượng tham gia BHYT do ngân sách nhà nước đóng như sau:
“e) Trẻ em dưới 6 tuổi (bao gồm toàn bộ trẻ em cư trú trên địa bàn, kể cả trẻ em là thân nhân của đối tượng quy định tại Điểm a Khoản này, không phân biệt hộ khẩu thường trú)”.
Vậy, căn cứ vào quy định trên có thể thấy, việc cấp thẻ BHYT cho người khuyết tật là trẻ em dưới 6 tuổi không phụ thuộc vào việc có hộ khẩu thường trú tại nơi người đó cư trú.
Căn cứ theo quy định tại Điều 12, 22 Luật Bảo hiểm y tế 2008 sửa đổi, bổ sung 2014, đối với người khuyết tật dưới 6 tuổi thuộc đối tượng được Ngân sách nhà được đóng 100% và được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
Căn cứ Điều 4 Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC về trách nhiệm lập danh sách để cấp thẻ bảo hiểm y tế đối với trẻ em dưới 6 tuổi nói chung và cụ thể trong trường hợp này là NKT dưới 6 tuổi như sau:
-Ủy ban nhân dân cấp xã là cơ quan có trách nhiệm lập danh sách tham gia BHYT của các đối tượng trong đó có đối tưởng là trẻ em dưới 6 tuổi gửi Bảo hiểm xã hội cấp huyện.
-Tổ chức Bảo hiểm xã hội nhận được danh sách tham gia BHYT có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị quản lý đối tượng rà soát trước khi cấp thẻ BHYT và tổ chức cấp thẻ BHYT theo quy định cho các đối tượng theo danh sách tham gia BHYT khi đã được rà soát.
[1] Xem Khoản 1 Điều 20 Nghị định 28/2012/NĐ-CP
[2] Xem Điều 20 Nghị định 28/2012/NĐ-CP
[3] Xem Điều 21 Nghị định 28/2012/NĐ-CP
[4] Xem Điều 22 Nghị định 28/2012/NĐ-CP
Tham khảo thêm:
- Phân tích mối quan hệ của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư với ngân hàng thương mại trong hoạt động đầu tư và đề xuất ý kiến pháp lý nhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động đầu tư tài chính của các chủ thể nêu trên
- Thủ tục đầu tư theo Luật đầu tư 2014 và sự phát triển của Luật Đầu tư 2014 so với Luật Đầu tư 2005
- Biện pháp bảo lãnh phân tích quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng
- Doanh nghiệp cổ phần A có quyền sử dụng 5ha đất trong khu công nghệ cao X để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện điện tử
- Phân tích và tư vấn những vấn đề pháp lý có liên quan đến quyền có lối đi qua bất động sản liền kề để đi ra đường công cộng
- Bình luận khái niệm tranh chấp lao động theo quy định của BLLĐ 2012
- Quá trình hình thành và phát triển công chứng ở Việt Nam
- So sánh nhãn hiệu với chỉ dẫn địa lý
- Năm 2010, Công ty X (Việt Nam) nộp đơn đăng ký nhãn hiệu MANLI và hình cho dược phẩm (nhóm 05), tuy nhiên đơn bị từ chối vì bị coi là tương tự với nhãn hiệu MANLYX của công ty Y (Thái Lan) đã được bảo hộ cũng cho sản phẩm dược phẩm nhóm 05
- Đánh giá tác động của quy định pháp luật về Ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường tới hoạt động quản lý và bảo vệ môi trường (Lý luận và quy định pháp luật hiện hành)
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.