Một số vấn đề pháp lý cơ bản về trọng tài thường trực Lahaye và thực tiễn xét xử

Một số vấn đề pháp lý cơ bản về trọng tài thường trực Lahaye và thực tiễn xét xử

Một số vấn đề pháp lý cơ bản về tòa trọng tài thường trực Lahaye

Tòa trọng tài thường trực Lahaye (PCA) được thành lập vào năm 1899, trên cơ sở Công ước Lahay 1899 (còn được gọi là công ước Lahaye I) về giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế. Với tư cách là một thiết chế quốc tế giúp các quốc gia có thể giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình, tòa trọng tài thường trực Lahaye có trụ sở chính tại Cung điện Hòa Bình, thành phố La Haye của Hà Lan bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 1902.

Tuy nhiên, trong quá trình thực tiễn hoạt động, quy chế của Tòa trọng tài thường trực La Haye đã bộc lộ nhiều hạn chế cần phải điều chỉnh. Xuất phát từ yêu cầu này, năm 1907, tại Hội nghị hòa bình Lahay lần thứ hai, các quốc gia đã ký kết Công ước Lahay II nhằm sửa đổi và bổ sung một số quy định về PCA theo quy định của Công ước Lahay I. Công ước LaHaye 1907 (Công ước Lahay II) ra đời góp phần hoàn thiện quy chế tổ chức và hoạt động của Tòa trọng tài thường trực[1]. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, về thẩm quyền giải quyết tranh chấp, PCA có thẩm quyền giải quyết tất cả các tranh chấp phát sinh giữa các quốc gia thành viên, trừ khi các quốc gia thoả thuận lựa chọn một phương thức giải quyết khác. Ngoài các quốc gia thì cả các tổ chức quốc tế liên chính phủ và các thực thể tư nhân cũng được sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp tại PCA[2];

Thứ hai, về cơ cấu tổ chức, mặc dù tên gọi là Toà trọng tài thường trực nhưng PCA không hẳn là cơ quan tài phán quốc tế thường trực. Thực chất PCA chỉ là một danh sách các trọng tài viên thường trực, có thể được các quốc gia lựa chọn khi giải quyết các tranh chấp. Chỉ có cơ quan tối cao của Toà – Hội đồng điều hành là cơ quan thường trực. Hội đồng bao gồm đại diện ngoại giao tại Lahay của tất cả các quốc gia thành viên và Bộ trưởng ngoại giao Hà Lan là Chủ tịch Hội đồng điều hành. Hội đồng có trách nhiệm xác định chính sách và đưa ra các hướng dẫn chung cho hoạt động của PCA, quyết định các vấn đề về hành chính và ngân sách.

Dưới Hội đồng điều hành có Ban thư ký, đứng đầu là Tổng thư ký, có trách nhiệm lập danh sách các trọng tài viên dựa trên sự đề cử của các quốc gia, cung cấp các dịch vụ đăng ký, hỗ trợ hành chính, kỹ thuật… cho các hoạt động của PCA và quốc gia thành viên[3].

Ban trọng tài của PCA gồm các trọng tài viên được chỉ định bởi các quốc gia thành viên Công ước (hiện nay có 115 quốc gia là thành viên của hai Công ước Lahay I và Lahay II[4]). Mỗi quốc gia được đề cử không quá bốn trọng tài viên với nhiệm kỳ sáu năm. Các trọng tài viên này phải là những cá nhân có hiểu biết chuyên sâu về luật quốc tế, có kinh nghiệm, uy tín và luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ của trọng tài viên[5].

Thứ ba, về trình tự, thủ tục chọn trọng tài viên, khi tranh chấp phát sinh, từ danh sách Ban trọng tài (hiện nay danh sách này có khoảng hơn 300 trọng tài viên)[6], mỗi bên tranh chấp có quyền chỉ định số lượng trọng tài viên bằng nhau tham gia Hội đồng trọng tài (trong đó có thể chọn một người là công dân nước mình). Các trọng tài viên này sẽ tiếp tục chỉ định trọng tài viên tiếp theo làm Chủ tịch Hội đồng trọng tài. Phán quyết của Hội đồng trọng tài được thông qua theo nguyên tắc đa số. Phán quyết này có giá trị chung thẩm và bắt buộc đối với các bên[7]; Ngoài ba cơ quan chính kể trên, PCA còn thành lập các Ban hội thẩm chuyên trách để giải quyết các vụ việc liên quan đến môi trường, tài nguyên thiên nhiên.

Thứ tư, về trình tự thủ tục để giải quyết tranh chấp, PCA không có quy định về trình tự thủ tục riêng áp dụng cho tất cả các trường hợp mà tùy thuộc vào từng loại chủ thể tranh chấp mà PCA áp dụng những quy tắc tố tụng khác nhau như:

– Quy tắc giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia (1992);

– Quy tắc giải quyết tranh chấp giữa các bên mà chỉ một bên là quốc gia (1993);

– Quy tắc giải quyết tranh chấp giữa quốc gia với tổ chức quốc tế (1996);

– Quy tắc giải quyết tranh chấp giữa tổ chức quốc tế và thực thể tư nhân (1996)

– ….

Bên cạnh các tranh chấp được giải quyết tại PCA theo quy chế, điều lệ của Tòa[8], trong một số vụ tranh chấp, hoạt động của PCA còn liên quan chặt chẽ với các Quy tắc trọng tài của Ủy ban luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc (UNCITRAL). Quy tắc trọng tài UNCITRALđược Ðại hội Ðồng thông qua vào ngày 15 tháng 12 năm 1976, và sửa đổi vào năm 2010, quy tắc này ủy thác cho Tổng thư ký của PCA với vai trò của các định một “thẩm quyền bổ nhiệm” theo yêu cầu của một bên tham gia tố tụng trọng tài. Ngoài “Thẩm quyền bổ nhiệm” tổng thư ký PCA còn được trao quyền xác định “cơ quan có thẩm quyền chỉ định trọng tài viên”theoyêucầucủamột bên tham giatố tụng, nếu như các bên không đạt được sự thỏa thuận về việc lựa chọn trọng tài viên cũng như không lựa chọn được “cơ quan có thẩm quyền chỉ định trọng tài viên”. Cụ thể, yêu cầu nàycóthểđược thực hiệntrong các trường hợpsau[9]:

* Theo Quy tắc trọng tàiUNCITRAL1976:

– Trường hợp có một trọng tài viên duy nhất và hai bên không thỏa thuận được về việc lựa chọn trọng tài viên đó trong thời gian quy định (Điều 6);

– Trường hợp có 3 trọng tài viên và một bên không chỉ định được trọng tài viên mà mình có quyền chỉ định trong thời gian quy định (Điều 7 khoản 2); hoặc hai trọng tài viên đã được chỉ định không thỏa thuận được về việc lựa chọn Chủ tịch Hội đồng trọng tài trong thời gian quy định (Điều 7 khoản 3);

– Trường hợp trọng tài viên bị khước từ bởi cơ quan có thẩm quyền chỉ định (Điều 12);

* Theo Quy tắc trọng tài UNCITRAL 2010:

– Trong trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận về cơ quan có thẩm quyền chỉ định trọng tài viên trong vòng 30 ngày theo đề nghị của một hoặc nhiều tổ chức, cá nhân mà một trong số đó sẽ có thể là cơ quan có thẩm quyền chỉ định (Điều 6 khoản 2);

– Ngoại trừ quy định tại Điều41 khoản 4 đoạn b, nếu cơ quan có thẩm quyền chỉ định trọng tài viên từ chối, hoặc không thể chỉ định trọng tài viên, hoặc không thể quyết định khước từ trọng tài viên trong khoảng thời gian quy định theo yêu cầu của một bên (Điều 6 khoản 4)  

Bên cạnh những quy định mang tính pháp lý của Quy tắc trọng tài UNCITRAL về vai trò của Tổng thư ký PCA trong việc xác định “cơ quan có thẩm quyền chỉ định trọng tài viên”, thực tiễn giải quyết tranh chấp thương mại đã cho thấy trong nhiều thỏa thuận trọng tài, các bên tranh chấp đã lựa chọn luôn Tổng thư ký PCA là “cơ quan có thẩm quyền chỉ định trọng tài viên”. Khi đó hoạt động của Tổng thư ký PCA hoàn toàn tuân theo Quy tắc trọng tài UNCITRAL[10]. Ngoài ra, PCA còn cung cấp các dịch vụ hành chính, pháp lý cho các bên khi giải quyết tranh chấp theo Quy tắc trọng tài UNCITRAL[11].

2. Thực tiễn hoạt động của Tòa trọng tài thường trực Lahaye

Bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 1902, tuy nhiên do quy chế hoạt động của Tòa chưa thật sự phù hợp, nhiều quốc gia cũng chưa có thói quen sử dụng Tòa như một cách thức giải quyết các tranh chấp mâu thuẫn và quan trọng hơn cả đó là tại thời điểm này phần lớn các quốc gia trên thế giới gian đoạn này đều là thuộc địa hoặc phụ thuộc vào các nước tư bản chủ nghĩa Tây Âu, chỉ có một số nước ở các châu lục khác giữ vững được chủ quyền của quốc gia mình (Nhật Bản, Thái Lan, …)[12].

Nên trong giai đoạn 1900 – 1907, nhìn chung PCA chưa có nhiều đóng góp trong việc giải quyết các tranh chấp quốc tế, vai trò của PCA chưa được thể hiện tương xứng với những gì các quốc gia mong muốn khi thành lập. Tới năm 1907, với những sửa đổi và bổ sung Công ước Lahay 1899, Công ước LaHaye 1907 đã góp phần làm hoạt động của Tòa trọng tài thường trực,quy chế hoạt động, thủ tục tố tụng của Tòa trọng tài thường trực La Haye đã được hoàn thiện hơn, cơ chế hoạt động của Tòa cũng hiệu quả hơn.

Chính vì vậy, Tòa trọng tài thường trực La Haye đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong việc thực hiện chức năng giải quyết các tranh chấp quốc tế. Sự phát triển của Tòa trọng tài thường trực La Haye trước hết thể hiện ở số lượng các quốc gia tham gia Công ước La Haye 1899 và Công ước La Haye không ngừng tăng lên. Đến thời điểm hiện tại có 115 quốc gia là thành viên của một hoặc cả hai công ước, phân bố như sau: châu Âu: 38 quốc gia; châu Mỹ: 23 quốc gia; châu Á: 30 quốc gia; châu Phi: 22 quốc gia; châu Đại dương: 02 quốc gia. Như vậy, các châu lục đều có quốc gia tham gia là thành viên của Tòa trọng tài [13].

 Cho đến nay, xét về mặt số lượng tranh chấp đã được Toà trọng tài thường trực Lahay giải quyết không nhiều mới chỉ giải quyết được 56 vụ (trong đó bao gồm cả tranh chấp thương mại công giữa các quốc gia và chủ thể khác của luật quốc tế và cả các tranh chấp thương mại tư (giữa các chủ thể không phải là chủ thể của luật quốc tế)). Tuy nhiên, trong 56 vụ này lại có những vụ Tòa giải quyết khá thành công  và có ý nghĩa quan trọng trong việc áp dụng và giải thích và áp dụng các quy phạm pháp luật quốc tế cũng như ngăn chặn các tranh chấp quốc tế như vụ: Tranh chấp chủ quyền trên đảo Palmas (1922-1928) giữa Hà Lan và Hoa Kỳ, tranh chấp chủ quyền một số đảo ở Biển Đỏ  giữa Eritrea và Yemen (1999), Tranh chấp về biên giới giữa Ethiopia và Ertrea (2001)…

Mặc dù đã có sự linh hoạt nhất định như PCA có thể tổ chức xét xử tại bất kỳ nơi nào trên thế giới và cũng không có quy định thời gian cụ thể cho mỗi vụ việc. Ví dụ: Vụ xét xử phân định biên giới giữa Ethiopia – Eritrea là 13 tháng, nhưng đối với Guyana-Suriname là 3,5 năm…. nhưng có thể nhận xét một cách khách quan rằng hoạt động của PCA còn bộc lộ nhiều điểm bất cập khiến vai trò của Tòa chưa thực sự được nâng cao.

Điều này thể hiện qua số lượng các tranh chấp được giải quyết tại PCA còn rất ít[14]. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó là do PCA không phải là thiết chế tài phán có thẩm quyền bắt buộc. Cơ sở cho việc xác định thẩm quyền của PCA là sự thỏa thuận của các bên tranh chấp. Các thỏa thuận này có thể nằm trong các điều ước cụ thể liên quan đến các tranh chấp đang diễn ra hoặc trong các văn kiện pháp lý khác liên quan đến tranh chấp. Thẩm quyền của PCA là không giới hạn, tuy nhiên trong từng vụ việc thì thẩm quyền này lại bị hạn chế bởi thỏa thuận về việc xét xử bằng trọng tài giữa các bên.

Nguyên nhân thứ hai có thể kể đến dẫn tới giảm tính hiệu quả của PCA đó là PCA không phải là thiết chế tài phán duy nhất mà các bên tranh chấp có thể lựa chọn. Khi có tranh chấp nảy sinh, ngoài PCA, các bên tranh chấp còn có thiết chế tài phán khác để lựa chọn như: các thiết chế tòa án, các thiết chế trọng tài khác như trọng tài adhoc…Và thực tiễn cho thấy, các quốc gia nếu muốn sử dụng biện pháp mạnh để giải quyết tranh chấp thì họ lựa chọn các thiết chế tòa án quốc tế, còn nếu muốn sử dụng biện pháp mềm dẻo và linh hoạt hơn thì họ lựa chọn các tòa trọng tài khác ngoài PCA như các tòa trọng tài adhoc.

 Và cuối cùng, PCA còn chưa có cơ chế đảm bảo thực thi phán quyết, quyết định giải quyết tranh chấp của PCA một cách có hiệu quả.

Để khắc phục phần nào những bất cập nêu trên, từ năm 1992, PCA đã ban hành hàng loạt các quy định nhằm mở rộng thẩm quyền cũng như hoàn thiện thủ tục tố tụng của Tòa. Đồng thời Tòa cũng thành lập một số ủy ban giúp việc để chuẩn bị cho việc sửa đổi bổ sung Công ước Lahay 1899 và 1907.

Tóm lại, từ khi thành lập cho đến nay Tòa trọng tài thường trực La Haye đã đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình, an ninh quốc tế cũng như góp phần quan trọng vào sự phát triển của pháp luật quốc tế. Với khoảng 115 quốc gia và vùng lãnh thổ là thành viên, Tòa trọng tài thường trực La Haye đã tham gia giải quyết nhiều vụ việc tranh chấp liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau của các quốc gia thành viên.

Tuy nhiên đối với Việt Nam, Tòa trọng tài thường trực La Haye chưa phải là một cơ quan tài phán quốc tế được nhiều người biết đến như Tòa án công lý quốc tế của Liên hiệp quốc (ICJ), Tòa hình sự quốc tế (ICC), … mặc dù Việt Nam đã là thành viên của Tòa trọng tài thường trực La Haye (Việt Nam chính thức tham gia Công ước La Haye 1899 từ 29/12/2011 và Công ước La Haye 1907 từ 27/02/2012). Chính vì vậy, nghiên cứu, tìm hiểu các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của các thiết chế có chức năng tài phán quốc tế đối với các tranh chấp lãnh thổ quốc gia, trong đó có Tòa trọng tài thường trực La Haye có ý nghĩa thực tiễn quan trọng.

Ths. Mạc Thị Hoài Thương – Khoa pháp luật quốc tế – Đại học luật Hà Nội


[1]Hiện nay, hầu hết các quốc gia thành viên đều là thành viên của Công ước Lahaye 1907, nhưng cả hai công ước đều đang phát sinh hiệu lực.

[2] Điều 42 Công ước Lahaye 1907

[3] http://www.pca-cpa.org/showpage.asp?pag_id=1272

[4] Xem http://www.pca-cpa.org/showpage.asp?pag_id=1038.

[5] Điều 44 Công ước Lahaye 1907

[6] Xem  http://www.pca-cpa.org/showpage.asp?pag_id=1041

[7]Điều 46 Công ước Lahaye 1907

[8] Điều 51-85 Công ước Lahaye 1907

[9]  Xem http://www.pca-cpa.org/showpage.asp?pag_id=1061

[10] Xem http://www.pca-cpa.org/showpage.asp?pag_id=1063

[11] Xem http://www.pca-cpa.org/showpage.asp?pag_id=1065

[12] Bành Quốc Tuấn- Phán quyết của tòa trọng tài thường trực Lahaye về giải quyết tranh chấp biển đảo và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Tạp chí phát triển $ hội nhập số 4 –tháng 6/2012 Tr 50

[13]http://www.pca-cpa.org/showpage.asp?pag_id=1047

[14]56 vụ tranh chấp

Tham khảo thêm các bài viết:


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191