Sai sót về thu thập chứng cứ trong Tố tụng dân sự

Sai sót về thu thập chứng cứ

 Không thu thập chứng cứ tại các cơ quan chuyên môn

Có trường hợp các đương sự tranh chấp nhà đất có liên quan đến chính sách cải tạo, tranh chấp đất đai liên quan đến cải cách ruộng đất, liên quan đến việc cấp Giấy chứng nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nhưng Tòa án lại không thu thập chứng cứ tại các cơ quan có liên quan để xác định có hay không việc Nhà nước đã có quyết định cải tạo, việc cấp giấy chứng nhận có đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định hay không? Khi cấp giấy chứng nhận thì có khiếu nại hay không và nếu có thì các cơ quan chức năng đã giải quyết hay chưa… Có trường hợp, lời khai của các đương sự có nhiều mâu thuẫn, nhưng Thẩm phán không cho đối chất, không lấy lời khai của người làm chứng, thu thập tài liệu, chứng cứ của các cơ quan…, dẫn đến việc giải quyết vụ án chưa đủ căn cứ.

Ví dụ: Vụ án tranh chấp về thừa kế tài sản có nguyên đơn là bà Lê Thị Kim Trang, bà Lê Thị Kim Dung với bị đơn là ông Lê Minh Tâm (Quyết định giám đốc thẩm số 32/DS-GĐT ngày 16/8/2010của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao); có nội dung như sau:

Vợ chồng cụ Lê Quang Phúc và cụ Vũ Thị Tiềm có 8 con chung là ông Lê Minh Khuê, Lê Thị Ngọc Lan, ông Lê Minh Chí, bà Lê Thị Kim Ngọc, bà Lê Thị Kim Trang, bà Lê Thị Kim Dung, ông Lê Minh Tâm và ông Lê Minh Khánh.

Tháng 11/1975 cụ Phúc chết; năm 2003 cụ Tiềm chết. Cụ Phúc và cụ Tiềm có sử dụng 5.425 m2 đất thuộc thửa số 178 và thửa 851. Ngày 18/12/2000 Ủy ban nhân dân tỉnh B cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ ông Lê Minh Tâm. Trong trường hợp này lẽ ra cần xác minh làm rõ khi ông Tâm kê khai xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất những người thừa kế khác có biết hay không? Ý kiến của cụ Tiềm và những người thừa kế khác khi ông Tâm kê khai và trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Tâm có đúng quy định của pháp luật hay không thì mới đủ cơ sở xác định người có quyền sử dụng đất trên. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chưa xác minh, làm rõ những vấn đề nêu trên, nhưng đã xác định diện tích đất trên thuộc quyền sử dụng của cụ Vũ Thị Tiềm là chưa đủ căn cứ.

Chưa thu thập chứng cứ đầy đủ để xác định giá trị tài sản tranh chấp

Ví dụ về vụ án ly hôn giữa nguyên đơn là ông Vũ Văn T với bị đơn là bà Dương Thị N; có nội dung cụ thể như sau:

Theo ông T khai: nhà đất là tài sản chung vợ chồng. Mặc dù mua trước khi kết hôn (mua nhà 1993, kết hôn năm 1994), nhưng ông có bán nhà ở tỉnh T  để góp tiền mua ngôi nhà này. Giá nhà đất là 60 lượng vàng. Năm 1999, Ủy ban nhân dân thành phố NT đã cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất đứng tên cả hai vợ chồng. Theo bà N khai: nhà đất là của bà mua trước khi kết hôn, nên là tài sản riêng của bà. Giá nhà đất là 54 lượng vàng.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 560/ST-HNGĐ ngày 11/12/2001, TAND thành phố NT đã giải quyết phần về ngôi nhà: giao cho bà N được sở hữu nhà và có nghĩa vụ thanh toán cho ông T 100 chỉ vàng 96% là giá trị ½ nhà đất. Ông Tuyến kháng cáo. Tại bản án phúc thẩm số 02/PT-HNGĐ ngày 25/3/2002, TAND tỉnh K đã giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Tại quyết định số 304/2010/KNDS ngày 14/5/2010, Chánh án TAND tối cao đã kháng nghị tái thẩm đối với bản án phúc thẩm nêu trên.

Tại Quyết định tái thẩm số 674/2010/DSTT ngày 19/10/2010, Tòa Dân sự TAND tối cao đã nhận định: Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đều cho rằng: căn nhà số 84 Quang Trung, thành phố N là tài sản chung vợ chồng là có căn cứ, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm vẫn quyết định giao toàn bộ nhà đất của vợ chồng cho bà N sở hữu; ghi nhận sự tự nguyện của bà N thanh toán cho ông T 100 chỉ vàng là không có cơ sở, không bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các đương sự vì chính bà N xác định giá trị nhà đất là 54 lượng vàng, ông T thì xác định giá nhà đất là 60 lượng vàng. Tại biên bản định giá ngày 13-6-2000 xác định giá trị nhà, đất của vợ chồng ông T là 40.700.000 đồng; nếu quy ra vàng tại thời điểm đó là 4.635.000đ/lượng thì chỉ được khoảng 10 lượng vàng, thấp hơn nhiều so với giá mà các đương sự công nhận. Tại công văn số 2472/STC-VG ngày 25-9-2008, Sở tài chính tỉnh Khánh Hòa xác định giá nhà đất khu vực đường Quang Trung, thành phố Nha Trang tại thời điểm từ tháng 4 đến tháng 12/2000 có giá trị lớn hơn nhiều so với giá nhà, đất nêu trong biên bản định giá nhà, đất ngày 13-6-2000. Công văn cung cấp giá nhà, đất nêu trên là tài liệu, chứng cứ mới rất quan trọng làm thay đổi cơ bản nội dung giải quyết vụ án, nên cần hủy phần chia tài sản chung vợ chồng của bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm để giải quyết lại vụ án theo quy định của pháp luật, phân chia tài sản chung vợ chồng bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các đương sự.


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191