Xử lý tài sản thi hành án bán đấu giá nhưng không có người đăng ký mua

Xử lý tài sản thi hành án bán đấu giá nhưng không có người đăng ký mua

 

 

Tài sản thế chấp được cơ quan thi hành án đưa ra bán đấu giá, cơ quan bán đấu giá đã đăng báo rao bán tài sản nhưng không có ai đăng ký đấu giá. Bên được thi hành án (ngân hàng) đề nghị cơ quan thi hành án giảm giá bán (10%) để đưa ra đấu giá tiếp nhưng cơ quan thi hành án yêu cầu phải có sự đồng ý mức giá giá mới của bên phải thi hành án (chủ tài sản thế chấp) mới tiến hành được. Điều này khiến cho việc bán đấu giá bị đình trệ vì bên phải thi hành án không hợp tác. Lý do mà cơ quan thi hành án đưa ra là do lần bán đấu giá trước không có người đăng ký mua tài sản nên không được tính là một lần bán đấu giá không thành để có thể áp dụng Điều 104 của Luật Thi hành án dân sự (Cơ quan thi hành án cho rằng bán đấu giá không thành là phải có người đăng ký mua, nhưng không bán được). Vậy, yêu cầu của cơ quan thi hành án như trên là có đúng không? Và trường hợp bán đấu giá mà không có người đăng ký mua thì có được xem là bán đấu giá không thành không? Nhờ các anh chị cho ý kiến tư vấn giải quyết trong trường hợp này.

 

Gửi bởi: Dương Quang Tửu

Trả lời có tính chất tham khảo

Vấn đề bạn hỏi, một số Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã báo cáo xin chỉ đạo, hướng dẫn đối với trường hợp tài sản kê biên để đảm bảo thi hành án đã được đưa ra bán đấu giá công khai nhưng không có người tham gia đấu giá, trả giá. Bộ Tư pháp đã chỉ đạo Tổng cục Thi hành án dân sự chủ trì tổ chức cuộc họp liên ngành. Trên cơ sở cuộc họp liên ngành và văn bản góp ý của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 1569/BTP-TCTHADS ngày 27/02/2013 hướng dẫn về xử lý tài sản thi hành án bán đấu giá nhưng không có người tham gia đấu giá, trả giá, như sau:

Thứ nhất, về việc xử lý tài sản bán đấu giá nhưng không có người tham gia đấu giá, trả giá: Hiện nay, pháp luật về thi hành án dân sự tại Điều 104 Luật Thi hành án dân sự về xử lý tài sản bán đấu giá không thành quy định: “Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày bán đấu giá không thành mà đương sự không yêu cầu định giá lại thì Chấp hành viên ra quyết định giảm giá tài sản để tiếp tục bán đấu giá. Mỗi lần giảm giá không quá mười phần trăm giá đã định. Trường hợp giá tài sản đã giảm thấp hơn chi phí cưỡng chế mà người được thi hành án không nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án thì tài sản được trả lại cho người phải thi hành án”. Luật Thi hành án dân sự năm 2008, Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 và Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/03/2010 của Chính phủ chưa có hướng dẫn cụ thể về trường hợp không có người tham gia đấu giá, trả giá. Tuy nhiên, trong trường hợp này nếu tiếp tục thông báo bán đấu giá thì cũng không bán được, dẫn đến việc xử lý tài sản kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi của các đương sự.

Do đó, việc tổ chức bán đấu giá tài sản thi hành án phải tuân theo quy định của Luật Thi hành án dân sự, Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/03/2010 của Chính phủ và xem xét áp dụng quy định Điều 202 Luật Thương mại năm 2005. Cụ thể: trong quá trình bán đấu giá tài sản thi hành án mà không có người tham gia đấu giá, trả giá thì cơ quan thi hành án dân sự cần kiểm tra lại quá trình tổ chức bán đấu giá tài sản. Nếu việc tổ chức bán đấu giá tài sản chưa thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản thi hành án thì phải tổ chức thực hiện lại đúng với quy định của pháp luật. Nếu việc tổ chức bán đấu giá tài sản đã thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản nhưng không có người tham gia đấu giá, trả giá được coi là trường hợp bán đấu giá tài sản không thành để áp dụng các quy định pháp luật về thi hành án dân sự tiếp tục xử lý tài sản thi hành án.

Thứ hai, chi phí trong trường hợp bán đấu giá không có người tham gia đấu giá, trả giá: Các khoản chi phí hợp lý cho việc bán đấu giá tài sản cưỡng chế thi hành án trong trường hợp không có người tham gia đấu giá, trả giá áp dụng theo quy định về chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự. Cơ quan thi hành án dân sự thực hiện việc tạm ứng, thu, chi theo trình tự, thủ tục quy định tại Thông tư liên tịch số 184/2011/TTLT-BTC-BTP ngày 19/12/2011 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính về kinh phí tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự.

Các văn bản liên quan:

Thông tư liên tịch 184/2011/TTLT-BTC-BTP Hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính về kinh phí tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự

Nghị định 58/2009/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự

Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự

Nghị định 17/2010/NĐ-CP Về bán đấu giá tài sản

Luật 36/2005/QH11 Thương mại

Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục Thi hành án dân sự

Tham khảo thêm:


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191