Anh ruột của Chấp hành viên có được tham gia đấu giá tài sản không?

Anh ruột của Chấp hành viên có được tham gia đấu giá tài sản không?

 

 

Anh ruột của Chấp hành viên, công chức trực tiếp thi hành vụ việc xử lý tài sản của ông Nguyễn Văn A có được đăng ký mua đấu giá tài sản thi hành án của ông A không?

 

Gửi bởi: Nguyễn Thị Ngọc Sang

Trả lời có tính chất tham khảo

Điều 30 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản quy định người không được tham gia đấu giá tài sản gồm:

1. Người không có năng lực hành vi dân sự, người bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người tại thời điểm đấu giá không nhận thức, làm chủ được hành vi của mình.

2. Người làm việc trong tổ chức bán đấu giá tài sản, nơi thực hiện việc bán đấu giá tài sản đó, cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột của người đó; người trực tiếp giám định, định giá tài sản, cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột của người đó.

3. Người được chủ sở hữu ủy quyền bán tài sản; người ra quyết định tịch thu tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; người có thẩm quyền quyết định bán tài sản nhà nước; người ký hợp đồng thuê tổ chức bán đấu giá tài sản để bán đấu giá tài sản nhà nước; cá nhân, tổ chức có quyền bán tài sản của người khác theo quy định của pháp luật.

4. Người không có quyền mua tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật, bao gồm:

a) Người không được tham gia mua tài sản để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự;

b) Người không đủ điều kiện tham gia mua tài sản đối với một số loại tài sản theo quy định của pháp luật về loại tài sản đó.

5. Người không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất; người không thuộc trường hợp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

 

Trong hoạt động thi hành án dân sự, Điều 101 Luật Thi hành án dân sự quy định tài sản đã kê biên được bán theo các hình thức bán đấu giá và bán không qua thủ tục đấu giá. Việc bán đấu giá đối với tài sản kê biên là động sản có giá trị từ trên 10.000.000 đồng và bất động sản do tổ chức bán đấu giá thực hiện. Đương sự có quyền thoả thuận về tổ chức bán đấu giá trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày định giá. Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản với tổ chức bán đấu giá do đương sự thoả thuận. Trường hợp đương sự không thoả thuận được thì Chấp hành viên lựa chọn tổ chức bán đấu giá để ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản. Việc ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản được tiến hành trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày định giá. Việc bán đấu giá đối với động sản phải được thực hiện trong thời hạn là 30 ngày, đối với bất động sản là 45 ngày, kể từ ngày ký hợp đồng.

Chấp hành viên bán đấu giá tài sản kê biên trong các trường hợp sau đây: Tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản chưa có tổ chức bán đấu giá hoặc có nhưng tổ chức bán đấu giá từ chối ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản; động sản có giá trị từ 2.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Việc bán đấu giá đối với động sản phải được thực hiện trong thời hạn là 30 ngày, đối với bất động sản là 45 ngày, kể từ ngày định giá hoặc từ ngày nhận được văn bản của tổ chức bán đấu giá từ chối bán đấu giá.. Chấp hành viên bán không qua thủ tục bán đấu giá đối với tài sản có giá trị dưới 2.000.000 đồng hoặc tài sản tươi sống, mau hỏng.Việc bán tài sản phải được thực hiện trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày kê biên. Thủ tục bán đấu giá được thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản.

Do vậy, để xác định anh ruột của Chấp hành viên (Chấp hành viên là công chức trực tiếp thi hành vụ việc xử lý tài sản của ông Nguyễn Văn A) có được đăng ký mua đấu giá tài sản thi hành án của ông A không phải phân biệt 02 trường hợp sau đây:

– Trường hợp Chấp hành viên bán đấu giá tài sản kê biên tài sản của ông Nguyễn Văn A, thì anh ruột của Chấp hành viên không được tham gia đấu giá tài sản đó.

– Trường hợp tổ chức có chức năng bán đấu giá tài sản (Trung tâm dịch vụ bán đấu giá hoặc doanh nghiệp có chức năng bán đấu giá tài sản) bán tài sản của ông Nguyễn Văn A theo hợp đồng ủy quyền của Chấp hành viên, thì hiện nay pháp luật không cấm, nên anh ruột của Chấp hành viên được tham gia đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, nếu anh ruột của Chấp hành viên là người trúng đấu giá tài sản thì Chấp hành viên đó phải từ chối thực hiện việc thi hành án này (Thủ trưởng cơ quan thi hành án phải phân công Chấp hành viên khác thực hiện) vì khoản 5 Điều 21 Luật Thi hành án dân sự quy định những việc Chấp hành viên không được làm, trong đó có thực hiện việc thi hành án liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người sau đây: Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của Chấp hành viên, của vợ hoặc chồng của Chấp hành viên và cháu ruột mà Chấp hành viên là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì.

Các văn bản liên quan:

Nghị định 17/2010/NĐ-CP Về bán đấu giá tài sản

Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự

Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục THADS

Tham khảo thêm:


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191