Ông bà nội tôi có 3 người con gồm: ba tôi và 2 cô của tôi. Ông tôi mất năm 1967, bà tôi mất năm 1996. Ông bà có để lại một thửa đất, ba tôi xây dựng một ngôi nhà trên đất đó. Năm 2005, ba tôi mất. Một người cô của tôi không có gia đình mất năm 2007, nay chỉ còn 01 người cô còn sống. Cả ông bà nội, ba và cô của tôi đều không để lại di chúc. Vậy, tôi muốn hỏi: ba tôi mất sau ông bà nội thì chúng tôi là cháu có được hưởng thừa kế của ba không?
Gửi bởi: Võ Thị Mai Tiên
Trả lời có tính chất tham khảo
Vì cả ông bà, ba và cô của bạn đều mất mà không có di chúc nên trường hợp này di sản của họ đều được chia theo quy định của pháp luật như sau:
Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm người có di sản chết và người thừa kế theo pháp luật được xác định theo Điều 676 Bộ luật dân sự năm 2005:
– Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
– Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
Ông bà bạn có tài sản chung là 1 thửa đất, khi ông bà bạn chết thì cả 3 người con của ông bà đều còn sống nên đối chiếu với quy định trên thì ba và 2 người cô của bạn là những người được nhận di sản thừa kế của ông bà (giả sử các cụ của bạn đều mất trước ông bà).
Ba của bạn có tài sản là ngôi nhà trên đất và phần di sản được hưởng từ ông bà là 1/3 thửa đất. Bạn cùng mẹ và các anh chị em của bạn (nếu họ còn sống vào thời điểm bố bạn mất) là những người được hưởng di sản mà ba bạn để lại.
Người cô của bạn đã chết năm 2007 không có chồng con nên người cô còn sống của bạn là người duy nhất được hưởng di sản thừa kế của người này để lại (bao gồm phần di sản được hưởng của ông bà là 1/3 thửa đất).
Như vậy, bạn và các anh chị em của bạn được hưởng thừa kế trực tiếp từ ngôi nhà mà ba bạn để lại và được hưởng thừa kế chuyển tiếp phần thửa đất đất ba bạn được hưởng từ di sản của ông bà. Hiện nay, người đồng thừa kế thửa đất ông bà bạn để lại còn một người cô của bạn. Bạn có thể tham khảo quy định trên để có phương án thỏa thuận về quyền lợi phù hợp với người cô này để tránh những tranh chấp không đáng có xảy ra trong gia đình.
LS. Nguyễn Đức Chính – Đoàn Luật sư thành phố Hải Phòng
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự
Nghị quyết 45/2005/QH11 Về việc thi hành Bộ luật dân sự
Trả lời bởi: Nguyễn Đức Chính
Tham khảo thêm:
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.