Việc lựa chọn, thiết kế mô hình chủ thể quản lý, thanh lý tài sản trong pháp luật phá sản tùy thuộc vào điều kiện kinh tế – xã hội đặc thù của mỗi quốc gia. Xu hướng chung cho thấy, pháp luật của các nước có nền kinh tế thị trường phát triển thường quy định chủ thể quản lý, thanh lý tài sản là những cá nhân hành nghề độc lập, chuyên nghiệp.
Ở Việt Nam, mô hình chủ thể này đã từng được quy định trong lịch sử, đó là chế định Quản tài viên trong Bộ luật Thương mại của chế độ Việt Nam cộng hòa.
Luật Phá sản năm 1993 và Luật Phá sản năm 2004 trên cơ sở điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội đặc thù của đất nước đã thiết lập một mô hình chủ thể mới, đó là những thiết chế tập thể thực hiện chức năng quản lý, thanh lý tài sản phá sản (Tổ quản lý tài sản, Tổ thanh toán tài sản trong Luật Phá sản năm 1993, Tổ quản lý và thanh lý tài sản trong Luật Phá sản năm 2004). Việc quy định chủ thể quản lý, thanh lý tài sản là cá nhân, doanh nghiệp trong Luật Phá sản năm 2014 là một bước tiến quan trọng của pháp luật về phá sản ở Việt Nam.
Chế định này được xây dựng dựa trên cơ sở sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước thời gian qua, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các nước trên thế giới. Các quy định của Luật Phá sản năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản trong việc giải quyết phá sản ở Việt Nam.
Địa vị pháp lý của Quản tài viên theo Luật Phá sản năm 2014
Theo quy định tại khoản 7, Điều 4 Luật Phá sản năm 2014 thì “Quản tài viên là cá nhân hành nghề quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết phá sản”.
Để đảm bảo Quản tài viên thực hiện tốt chức năng trên, Luật đã có nhiều quy định về điều kiện hành nghề, quyền và nghĩa vụ cũng như trách nhiệm pháp lý của Quản tài viên.
1. Về điều kiện hành nghề Quản tài viên
Theo quy định tại Điều 12 Luật Phá sản năm 2014, những người là luật sư; kiểm toán viên; người có trình độ cử nhân luật, kinh tế, tài chính, kế toán, ngân hàng và có kinh nghiệm 05 năm trở lên trong lĩnh vực được đào tạo sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên.
Về điều kiện để một người được hành nghề Quản tài viên, Điều 12 quy định gồm: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, khách quan; có chứng chỉ hành nghề Quản tài viên.
Như vậy, Luật Phá sản năm 2014 đã quy định phạm vi khá rộng các đối tượng có thể trở thành Quản tài viên và hành nghề Quản tài viên. Các đối tượng này khi hành nghề Quản tài viên vẫn phải tuân thủ quy định pháp luật về ngành nghề đang hoạt động (Luật sư, Kiểm toán viên) và chịu sự giám sát của các hiệp hội hành nghề đó nếu vẫn tiếp tục hành nghề song song với nghề Quản tài viên.
Mặt khác, Luật quy định những người tuy không phải là Luật sư, Kiểm toán viên nhưng có trình độ cử nhân luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng và có kinh nghiệm 05 trở lên về lĩnh vực được đào tạo cũng có thể được cấp chứng chỉ và hành nghề Quản tài viên.
Bên cạnh quy định các điều kiện cấp chứng chỉ và hành nghề Quản tài viên, Điều 14 Luật Phá sản năm 2014 cũng quy định rõ các trường hợp không được hành nghề quản lý, thanh lý tài sản: Những người là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc quân đội nhân dân, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân; người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người bị kết án nhưng chưa được xóa án tích; người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; người bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
2. Quyền và nghĩa vụ của Quản tài viên
Với tư cách là chủ thể quản lý, thanh lý tài sản, tham gia hầu hết các giai đoạn của quá trình tố tụng phá sản, Luật Phá sản năm 2014 (Điều 16) quy định các nhóm quyền và nghĩa vụ Quản tài viên, cụ thể sau:
2.1. Quản lý tài sản, giám sát hoạt động kinh doanh, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán
Các nhiệm vụ cụ thể gồm:
– Xác minh, thu thập, quản lý tài liệu, chứng cứ liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán
Đây là quyền, nghĩa vụ của Quản tài viên. Quản tài viên phải thực hiện hoạt động xác minh, thu thập, quản lý tài liệu, chứng cứ liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, tài sản nợ và giao dịch trước đây của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, đặc biệt là những giao dịch diễn ra trong giai đoạn 18 tháng trước khi Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản, bởi đây là giai đoạn mà pháp luật quy định giao dịch của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán bị coi là vô hiệu.
Quản tài viên cũng phải thu thập tài liệu, thông tin, xem xét bất kỳ bên thứ ba nào đã giao dịch với con nợ, đặc biệt trong thời gian nêu trên để phát hiện giao dịch thuộc trường hợp bị tuyên bố vô hiệu để đề nghị Tòa án tuyên bố vô hiệu. Tuy nhiên, Quản tài viên cũng phải bảo mật thông tin thu thập liên quan đến các mối quan hệ của doanh nghiệp, hợp tác xã có tính chất nhạy cảm về mặt thương mại, riêng tư hay liên quan đến các đối tác khác và do đó những thông tin này không được phép tiết lộ cho bên thứ ba nhằm đảm bảo những thông tin này không bị lợi dụng để gây thiệt hại cho các bên.
Trường hợp những thông tin, tài liệu, chứng cứ mà Quản tài viên không thể tự mình thu thập được thì có thể đề nghị Thẩm phán tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ.
– Lập bảng kê tài sản, danh sách chủ nợ, danh sách người mắc nợ
Quản tài viên lập bảng kê, danh sách chủ nợ, danh sách người mắc nợ theo quy định của pháp luật (Điều 65, 67, 68 của Luật Phá sản năm 2014). Đây chính là hoạt động xây dựng, cập nhật thông tin, đính chính thông tin, kiểm tra độ chính xác của thông tin về tài sản, về chủ nợ, người mắc nợ… Quản tài viên thông báo cho Hội nghị chủ nợ tình hình kinh doanh, thực trạng tài chính của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán; kết quả kiểm kê tài sản, danh sách chủ nợ, danh sách người mắc nợ và các nội dung khác tại Hội nghị chủ nợ.
– Bảo quản tài sản, ngăn chặn việc bán, chuyển giao tài sản mà không được phép của Thẩm phán; ngăn chặn việc tẩu tán tài sản; tối đa hóa giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã khi bán, thanh lý tài sản
Quản tài viên thực hiện tất cả các hoạt động cần thiết để bảo vệ tài sản của doang nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, ngăn chặn việc bán, chuyển giao tài sản mà không được phép của Thẩm phán; ngăn chặn việc tẩu tán tài sản. Quản tài viên có nghĩa vụ tối đa hóa giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã khi bán, thanh lý tài sản, bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, của các chủ nợ, người lao động…Trường hợp phát hiện việc bán, chuyển giao tài sản mà không được phép của Thẩm phán; việc tẩu tán tài sản thì Quản tài viên đề nghị Thẩm phán tuyên bố giao dịch vô hiệu và quyết định thu hồi tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị bán hoặc chuyển giao bất hợp pháp.
– Giám sát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định của pháp luật
Để thực hiện chức năng quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản, Điều 49,Luật Phá sản năm 2014 quy định Quản tài viên và doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản được quyền giám sát hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã. Theo đó, sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp, hợp tác xã phải báo cáo Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản trước khi thực hiện các hoạt độngliên quan đến việc vay, cầm cố, thế chấp, bảo lãnh, mua bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản; bán, chuyển đổi cổ phần; chuyển quyền sở hữu tài sản; chấm dứt thực hiện hợp đồng có hiệu lực;thanh toán khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản; trả lương cho người lao động trong doanh nghiệp, hợp tác xã.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của doanh nghiệp, hợp tác xã thì Quản tài viên có trách nhiệm trả lời cho doanh nghiệp, hợp tác xã việc được thực hiện hoặc không được thực hiện các hoạt động trên và phải chịu trách nhiệm về việc trả lời của mình. Quản tài viên phải báo cáo Thẩm phán về nội dung trả lời của mình. Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện các hoạt động trên mà không có sự đồng ý của Quản tài viên thì bị đình chỉ thực hiện, khôi phục lại tình trạng ban đầu và giải quyết hậu quả theo quy định của pháp luật.
2.2. Thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán
Quản tài viên thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật khi thi hành quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản. Quản tài viên tổ chức việc định giá, thanh lý tài sản theo quy định tại các Điều 121, 122, 123, 124 Luật Phá sản năm 2014, gửi các khoản tiền thu được vào tài khoản do cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền mở tại ngân hàng và báo cáo cơ quan Thi hành án dân sự, thông báo đến người tham gia thủ tục phá sản có liên quan về việc giao cho tổ chức, cá nhân thực hiện việc thanh lý tài sản.
Như vậy, bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ quản lý, giám sát việc sử dụng tài sản, Quản tài viên còn tham gia vào quá trình thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã. Có thể nói Quản tài viên cùng với doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản chịu trách nhiệm chính đối với tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.
Ngoài ra, Luật Phá sản (khoản 2, Điều 16, khoản 2, Điều 47) còn quy định Quản tài viên có quyền đại diện cho doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã không có người đại diện theo pháp luật. Trong trường hợp này Quản tài viên thực hiện các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, hợp tác xã trong quá trình thực hiện thủ tục phá sản, Quản tài viên được hưởng thù lao và thực hiện trách nhiệm bảo hiểm nghề nghiệp theo quy định của pháp luật. Để thực hiện được quy định này thì cần có quy định về bảo hiểm có trách nhiệm chi trả cho tổn hại gây ra bởi sự cẩu thả của Quản tài viên khi thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình và chủ nợ được phép khởi kiện Quản tài viên đối với bất kỳ tổn hại nào gây ra bởi sự cẩu thả của họ khi thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao.
Bên cạnh việc xác định rõ thẩm quyền của Quản tài viên trong việc thực hiện chức năng quản lý và thanh lý tài sản, Luật Phá sản và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng quy định những hành vi Quản tài viên không được làm. Đó là những hành vi cố ý gây thiệt hại hoặc có khả năng gây thiệt hại đối với các tổ chức, cá nhân tham gia giải quyết phá sản. Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 22/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản về Quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản quy định những hành vi bị nghiêm cấm đối với Quản tài viên bao gồm:
“a) Cho thuê, cho mượn hoặc cho cá nhân, tổ chức khác sử dụng chứng chỉ hành nghề Quản tài viên của mình để hành nghề quản lý, thanh lý tài sản;
b) Gợi ý hoặc nhận bất kỳ một khoản tiền hoặc lợi ích vật chất từ người tham gia thủ tục phá sản hoặc lợi dụng danh nghĩa Quản tài viên để thu lợi từ cá nhân, tổ chức ngoài chi phí Quản tài viên được nhận theo quy định của pháp luật;
c) Lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn để thông đồng với cá nhân, tổ chức nhằm mục đích vụ lợi;
d) Tiết lộ thông tin về tổ chức, hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán mà Quản tài viên biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được doanh nghiệp, hợp tác xã đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác;
đ) Các hành vi khác trái với quy định của pháp luật, Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Quản tài viên”.
3. Về trách nhiệm pháp lý của Quản tài viên
Quản tài viên có nghĩa vụ tuân thủ nguyên tắc hành nghề quản lý, thanh lý tài sản, chịu trách nhiệm về hoạt động nghề nghiệp của mình theo quy định của pháp luật về phá sản. Nhằm đảm bảo Quản tài viên thực hiện đúng quyền hạn, nghĩa vụ của mình, ngăn chặn những hành vi vi phạm, gây thiệt hại cho các bên trong vụ việc phá sản, Luật Phá sản năm 2014 đã quy định trách nhiệm chung cũng như trách nhiệm cụ thể của Quản tài viên khi vi phạm pháp luật về phá sản. Điều 129 của Luật Phá sản 2014 quy định:
“1. Cá nhân, cơ quan, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình giải quyết vụ việc phá sản thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình giải quyết vụ việc phá sản thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Trường hợp Quản tài viên, cá nhân của doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản vi phạm pháp luật hình sự thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”.
Hành vi vi phạm của Quản tài viên có thể là thực hiện không đúng, không đầy đủ các nhiệm vụ mà pháp luật quy định Quản tài viên phải thực hiện như: Lập bảng kê tài sản không đúng tình hình thực tế; không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc sử dụng tài sản, để làm thất thoát tài sản của doanh nghiệp; không đề nghị Thẩm phán quyết định áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo toàn tài sản của doanh nghiệp trong những trường hợp cần thiết, để thất thoát tài sản của doanh nghiệp mắc nợ; lập danh sách chủ nợ, danh sách người mắc nợ sai sự thật; có hành vi làm thất thoát, hư hỏng tài sản của doanh nghiệp; không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản doanh nghiệp bị áp dụng thủ tục thanh lý tài sản; sử dụng trái phép tài sản của doanh nghiệp; lập báo cáo không trung thực về việc thực hiện các quyết định về phá sản…
Đó cũng có thể là những trường hợp Quản tài viên cố ý thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm đã nêu ở trên như: Cho thuê, cho mượn hoặc cho cá nhân, tổ chức khác sử dụng chứng chỉ hành nghề Quản tài viên của mình để hành nghề quản lý, thanh lý tài sản; gợi ý hoặc nhận bất kỳ một khoản tiền hoặc lợi ích vật chất từ người tham gia thủ tục phá sản hoặc lợi dụng danh nghĩa Quản tài viên để thu lợi từ cá nhân, tổ chức ngoài chi phí Quản tài viên được nhận theo quy định của pháp luật; lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn để thông đồng với cá nhân, tổ chức nhằm mục đích vụ lợi…
Như vậy, Luật Phá sản năm 2014 đã quy định tương đối đầy đủ, toàn diện về một chủ thể mới, thực hiện chức năng quản lý, thanh lý tài sản ở Việt Nam, đó là thiết chế Quản tài viên.
Với những quy định về chủ thể này, có thể nói Luật Phá sản năm 2014 đã tạo ra một nghề nghiệp mới – nghề quản lý, thanh lý tài sản ở Việt Nam. Vấn đề là ở chỗ chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, cũng như có những giải pháp quản lý, điều hành hiệu quả, tạo điều kiện để Quản tài viên thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần phát huy hiệu lực, hiệu quả của Luật Phá sản trong thực tiễn, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế -xã hội của đất nước thời gian tới.
ThS. Đặng Văn Huy
Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp
Bài liên quan:
- Đặc điểm pháp lý và các mối liên hệ cơ bản của quản tài viên
- Quản lý và thanh lý tài sản phá sản theo Luật Phá sản năm 2014 – Thực trạng và triển vọng thực thi
- Phục hồi doanh nghiệp phá sản, một mục tiêu lớn trong vấn đề lập pháp đối với pháp luật phá sản hiện đại
- Cần mở rộng đối tượng áp dụng Luật Phá sản
- Chế định tài sản phá sản trong pháp luật một số quốc gia trên thế giới và những gợi mở cho Việt Nam
- Lịch sử hình thành và phát triển của pháp luật hình sự Việt Nam về bảo vệ tài nguyên rừng từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay (2013)
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.