Trước đây, ông nội tôi được chú tôi cũng bảo lãnh sang Mỹ. Vì lúc đó công dân Việt Nam không được lưu giữ nhà tại Việt Nam khi ra nước ngoài nên ông nội tôi phải làm giấy sang tên cho bà nội sau của tôi (là vợ thứ hai của ông). Bố tôi cùng các cô chú phải ký giấy đồng ý không tranh chấp để ông nội tôi được sang Mỹ. Sang Mỹ khoảng sáu tháng thì ông trở về Việt Nam, nhưng giấy tờ nhà thì vẫn để tên bà, vì tránh đóng thuế. Hiện tại bà đang đứng tên chủ sở hữu trên sổ hồng. Nếu như ông mất đi thì gia đình tôi có quyền đòi lại nhà không? Chúng tôi có quyền ngăn cản nếu như bà nội sau muốn bán nhà hoặc cho người khác ở không? Tôi có thể lấy tư cách là cháu nội và đã từng có hộ khẩu nhà đó và không hề ký tên vào giấy không tranh chấp ngày xưa để đứng ra đòi lại nhà được không? Xin cám ơn.
Gửi bởi: Nguyễn Ngọc Hoài Thương
Trả lời có tính chất tham khảo
Trước hết, chúng tôi lưu ý với bạn một số vấn đề dưới đây:
– Thứ nhất, về mặt pháp lý, bà bạn đứng tên chủ sở hữu trên giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà nên bà bạn có toàn quyền đối với ngôi nhà này theo quy định của Luật Nhà ở. Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp, không ai có quyền xâm phạm đến quyền của bà bạn (Điều 5 Luật Nhà ở).
– Thứ hai, việc bạn đăng ký nơi thường trú tại ngôi nhà của bạn không chứng minh bạn có quyền lợi liên quan ngôi nhà đó. Luật Cư trú đã khẳng định nơi cư trú (nơi thường trú hoặc nơi tạm trú) của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Chỗ ở hợp pháp là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật.
– Thứ ba, việc các con của ông bạn ký vào giấy không tranh chấp ngôi nhà chỉ là việc hoàn thiện thủ tục để ông bạn được bảo lãnh sang Mỹ. Quyền sở hữu hợp pháp của bà bạn không bị ảnh hưởng bởi những cam kết này vì quyền sở hữu ngôi nhà của bà có được là do ông bạn (là chủ sở hữu của ngôi nhà) đã làm thủ tục sang tên ngôi nhà cho bà; và cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã công nhận quyền sở hữu của bà bạn bằng việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà (sổ hồng) cho bà bạn.
Từ những vấn đề trên có thể thấy:
1. Với tư cách là cháu nội, là người có hộ khẩu thường trú tại ngôi nhà đó, mặc dù đã không ký vào giấy cam kết trước đây thì bạn cũng chưa thể đủ cơ sở để đứng ra đòi lại ngôi nhà đó.
2. Việc gia đình bạn có quyền đòi lại nhà không, có quyền ngăn cản nếu như bà muốn bán nhà hoặc cho người khác ở không thì phải xét tới tình trạng pháp lý của ngôi nhà và nhiều vấn đề liên quan.
– Nếu ngôi nhà thuộc sở hữu chung của ông bà bạn thì khi ông bạn mất, phần quyền sở hữu của ông bạn được chuyển cho các đồng thừa kế, gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Như vậy, bố bạn, các cô chú của bạn sẽ có quyền liên quan đến ngôi nhà này với tư cách là các đồng thừa kế. Và như vậy, bà bạn không thể tự ý định đoạt (bán…) ngôi nhà mà không có sự đồng ý của các đồng thừa kế của ông bạn.
– Nếu ngôi nhà thuộc sở hữu riêng của bà bạn thì bà bạn có toàn quyền sử dụng, quản lý, định đoạt ngôi nhà mà không lệ thuộc vào ý chí của bất kỳ ai. Không ai có quyền ngăn cản bà bạn thực hiện các quyền của chủ sở hữu đối với ngôi nhà.
Gia đình bạn có thể làm đơn yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc trên theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên với những giấy tờ mà bà bạn đang có (giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở) thì rất khó để đòi lại ngôi nhà. Vì vậy, để tránh những tổn thất không đáng có về cả tài sản và tình cảm thì gia đình bạn nên thỏa thuận với bà bạn để giữ lại ngôi nhà này.
Các văn bản liên quan:
Luật 56/2005/QH11 Nhà ở
Luật 81/2006/QH11 Cư trú
Trả lời bởi: CTV3
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.