Gia đình tôi có tranh chấp đất đai (xác định ranh giới đất) với hàng xóm. Vụ án được thụ lý tại TAND huyện Châu Thành tỉnh Tiền Giang, tôi là nguyên đơn. Trong quá trình giải quyết thì gia đình tôi không nhận được giấy triệu tập của tòa án mà lại nhận được điện thoại và yêu cầu đến ngay trong ngày để giải quyết. Kết quả xác định diện tích đất thì diện tích bên bị đơn lớn hơn trên Sổ đỏ là 225m2. Diện tích đất của tôi lớn hơn sổ đỏ 28m2. Khi chưa xảy ra tranh chấp về ranh giới, gia đình tôi tiến hành nạo vét kênh mương để khai thông dòng nước dùng cho sản xuất nông nghiệp thì bị bên bị đơn ngăn cản và đe dọa (có người làm công làm chứng)
Lần giải quyết gần nhất, TAND huyện dùng chứng cứ bên đương sự phải nuôi mẹ già (mẹ tôi) và nói tôi không có đạo đức. Và kết luận bên tôi thua tranh chấp. Qua vụ việc trên tôi có nhiều thắc mắc xin được giải đáp như sau:
1. Khi TAND huyện mời đương sự thì bằng giấy mời hay điện thoại và gửi trước bao nhiêu lâu để chúng tôi có thể chuẩn bị?
2. TAND dùng căn cứ gì để xác định trong tình huống của tôi (diện tích trên sổ đỏ, hay là căn cứ tôi đã nêu ở trên).
3. Tôi bị đe dọa làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần (tôi ở một mình, các con tôi đều học tại thành phố Hồ Chí Minh). Tôi có thể khởi kiện hay không và khởi kiện như thế nào?
Gửi bởi: Trần Minh Quyền
Trả lời có tính chất tham khảo
Chúng tôi xin trả lời bạn như sau:
1. Trong tình huống trên là tranh chấp về quyền sử dụng đất mà các bên đương sự có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên theo quy định tại khoản 1 Điều 136 Luật Đất đai năm 2003, khoản 7 Điều 25 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (BLTTDS) thì TAND có thẩm quyền giải quyết.
Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, Tòa án có nghĩa vụ cấp, tống đạt hoặc thông báo bằng văn bản tố tụng cho đương sự (gồm cả nguyên đơn, bị đơn) theo quy định tại Điều 146 BLTTDS.
Các văn bản tố tụng phải được cấp, tống đạt hoặc thông báo được quy định tại Điều 147 BLTTDS, bao gồm:
“1. Bản án, quyết định của Toà án.
2. Đơn khởi kiện, đơn kháng cáo, quyết định kháng nghị.
3. Giấy báo, giấy triệu tập, giấy mời trong tố tụng dân sự.
4. Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí và các chi phí khác.
5. Các văn bản tố tụng khác mà pháp luật có quy định.”
Đối với từng loại văn bản tố tụng, BLTTDS có quy định về thời hạn cấp, tống đạt, thông báo cụ thể hoặc thời gian chuẩn bị cho các đương sự có thể được quy định trong các văn bản đó, ví dụ như một số văn bản sau:
– Thông báo về việc thụ lý vụ án và thời hạn nộp tiền tạm ứng án phí của người khởi kiện là 15 ngày kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí (Điều 171 BLTTDS).
– Thông báo quyết định đưa vụ án ra xét xử: các đương sự được chuẩn bị hồ sơ, tài liệu và các chứng cứ trước ngày mở phiên tòa được ghi rõ trong quyết định đó (Điều 195 BLTTDS).
2. Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, Tòa án phải căn cứ vào các chứng cứ được xác định trong quá trình tố tụng và các quy định của pháp luật để chứng cứ được quy định tại Điều 81 BLTTDS: “Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cá nhân, cơ quan, tổ chức khác giao nộp cho Toà án hoặc do Toà án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định mà Toà án dùng làm căn cứ để xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp hay không cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự.”
Cụ thể tại khoản 3 Điều 236 BLTTDS về việc nghị án thì khi nghị án, Hội đồng xét xử chỉ được căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được kiểm tra, xem xét tại phiên tòa, kết quả việc hỏi tại phiên tòa. Như vậy, trong quá trình giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất trong vụ án dân sự của bạn, Tòa án cần căn cứ vào các hồ sơ, giấy tờ địa chính, nhà đất được quản lý tại UBND, bao gồm cả thông tin trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các đương sự, vì chỉ các thông tin, tư liệu này mới đảm bảo tính khách quan, tính liên quan và hợp pháp, đáng tin cậy để sử dụng trong quá trình giải quyết vụ án.
Tòa án không thể căn cứ rằng bên đương sự phải nuôi mẹ già và nói bạn không có đạo đức là chứng cứ được, bởi lẽ đây không phải là chứng cứ hợp pháp theo BLTTDS.
3. Việc bạn bị đe dọa làm ảnh hưởng đến tinh thần (lo sợ, ảnh hưởng đến cuộc sống) có thể khởi kiện đến TAND để yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do có thiệt hại về tinh thần. Tuy nhiên, trước khi quyết định việc khởi kiện hay không, chúng tôi xin lưu ý với bạn một số điểm như sau:
– Căn cứ vào Mục I, tiểu mục 1 về Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Theo đó, tại Điều 604 BLDS 2005 về nguyên tắc chung thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chỉ phát sinh khi có đầy đủ các yếu tố sau đây:
Thứ nhất, phải có thiệt hại xảy ra. Thiệt hại bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại do tổn thất về tinh thần.
+ Thiệt hại về vật chất bao gồm: thiệt hại do tài sản bị xâm phạm quy định tại Điều 608 BLDS; thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm quy định tại khoản 1 Điều 609 BLDS; thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm quy định tại khoản 1 Điều 610 BLDS; thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm quy định tại khoản 1 Điều 611 BLDS.
+ Thiệt hại do tổn thất về tinh thần của cá nhân được hiểu là do sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm mà người bị thiệt hại hoặc do tính mạng bị xâm phạm mà người thân thích gần gũi nhất của nạn nhân phải chịu đau thương, buồn phiền, mất mát về tình cảm, bị giảm sút hoặc mấy uy tín, bị bạn bè xa lánh do bị hiểu nhầm.. và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất mà họ phải chịu.
Thứ hai, phải có hành vi trái pháp luật.
Thứ ba, phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật.
Thứ tư, phải có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại.
– Dựa vào tình huống bạn nêu thì để có căn cứ khởi kiện và đảm bảo quyền, lợi ích của mình, bạn cần đảm bảo một số điểm sau:
Thứ nhất, việc đe dọa của hàng xóm với bạn phải có thật, được xác nhận của người làm chứng.
Thứ hai, việc đe dọa đó đã gây ảnh hưởng, tổn thất về tinh thần của bạn, ví dụ như sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín của bạn bị xâm phạm, bạn phải chịu sức ép về tâm lý, tình cảm, giảm sút sức khỏe, tinh thần, từ việc đe dọa đó mà người thân hiểu nhầm, xa lánh bạn, gây ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình và mối quan hệ xã hội… Theo Điều 611 BLDS 2005 thì thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín cá nhân bị xâm phạm bao gồm:
+ Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
+ Thu nhập thực tế bị mất, giảm sút.
Nghĩa vụ chứng minh thiệt hại này thuộc về bạn (Điều 79 BLTTDS 2004), nên trước khi cân nhắc khởi kiện hay không bạn phải dựa vào thực tế và chuẩn bị những thông tin cần thiết để khởi kiện.
Thứ ba, phải xác định chính xác người có hành vi đe dọa, gây ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình cũng như đời sống tinh thần của bạn để xác định đây là bị đơn trong vụ án dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự
Bộ luật 24/2004/QH11 Tố tụng dân sự
Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Luật 13/2003/QH11 Đất đai
Trả lời bởi: Chuyên viên pháp lý – Viện Khoa học pháp lý
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.