Đã thanh toán tiền nhận chuyển nhượng đất nhưng chủ sử dụng đất không làm thủ tục chuyển nhượng

Đã thanh toán tiền nhận chuyển nhượng đất nhưng chủ sử dụng đất không làm thủ tục chuyển nhượng

Tôi có mua 1 mảnh đất từ năm 2010 và đã thanh toán tiền chuyển nhượng. Hợp đồng chỉ viết tay và không công chứng. Bên bán chịu trách nhiệm tách thửa đất ra làm hai giấy chứng nhận để giao cho tôi làm thủ tục sang tên cho tôi. Nhưng sau đó bên bán đã thỏa thuận để chuyển nhượng cho người khác (đã nhận đặt cọc) và cố tình không giao sổ cho tôi. Nay tôi đã thuyết phục để bên bán giao cho tôi giấy chứng nhận (đứng tên bên bán). Vậy tôi phải làm sao để họ ký giấy chuyển nhượng để sang tên cho tôi? Xin chân thành cảm ơn.

Gửi bởi: Đặng Đức Hiệu

Trả lời có tính chất tham khảo

Trước hết chúng tôi xin chia sẻ với khó khăn mà bạn đang gặp phải và cũng thấy rất tiếc khi bạn lại lựa chọn phương án: đợi bên bán tách thửa đất thành hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rồi sau đó mới làm thủ tục đăng ký sang tên cho bạn. Luật Đất đai và văn bản hướng dẫn cho phép người sử dụng đất được chuyển nhượng một phần quyền sử dụng đất nếu đáp ứng được các điều kiện theo quy định như: diện tích tối thiểu để tách thửa, kích thước tối thiểu của các thửa đất sau khi tách thửa … Như vậy, ngay từ đầu, bạn và bên chủ sử dụng đất nên làm luôn thủ tụccông chứng Hợp đồng chuyển nhượng một phần quyền sử dụng đất và đăng ký sang tên quyền sử dụng đất cho bạn.

Với tình hình khó khăn như hiện nay thì bạn nên thương lượng, thỏa thuận với bên chủ sử dụng đất để hai bên có thể tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật để đăng ký sang tên quyền sử dụng đất cho bạn. Đây là phương pháp giải quyết tranh chấp đầu tiên mà các bên nên hướng tới và luôn được pháp luật dân sự khuyến khích. Hoặc nhờ bên thứ ba tiến hành hòa giải cũng là phương pháp mà các bên nên lựa chọn.

Trong trường hợp không thể tự giải quyết được thì bạn có thể khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Bạn có thể gửi đơn trực tiếp đến tòa hoặc qua đường bưu điện. Nội dung đơn khởi kiện:

– Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;

– Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;

– Tên, địa chỉ của người khởi kiện;

– Tên, địa chỉ của người có quyền và lợi ích được bảo vệ, nếu có;

– Tên, địa chỉ của người bị kiện;

– Tên, địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nếu có;

– Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

– Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng, nếu có.

Kèm theo đơn khởi kiện phải có các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của người khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp.

Các văn bản liên quan:

Luật 65/2011/QH12 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng Dân sự

Bộ luật 24/2004/QH11 Tố tụng dân sự

Luật 13/2003/QH11 Đất đai

Trả lời bởi: CTV3


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191