Bà ngoại tôi có mảnh đất 5.088m2 (ông ngoại đã hy sinh từ lâu). Bà ngoại tôi có 3 người con ruột và 1 người con dâu. Người con dâu này (đã chết) có 3 người con, trong đó 01 người con gái, 01 người con trai lớn là A (đã chết, người này có 01 người cháu trai là C) và con trai út là B. Năm 1987, bà ngoại tôi mất, di chúc bằng miệng để lại phần đất trên cho mẹ tôi, sau này nếu có bán không cần phải chia cho ai cả, nếu mẹ tôi muốn cho thì tùy vào ý của mẹ tôi. Hai người chị ruột của mẹ tôi cũng viết giấy đồng ý để cho mẹ tôi được thừa hưởng mảnh đất của bà ngoại tôi. Năm 1997, mẹ tôi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nay gia đình tôi muốn bán mảnh đất trên. Nhưng A, B, C đòi mẹ tôi phải chia phần tiền bán đất ra 04 phần (mẹ tôi 1 phần và họ 03 phần). Vậy tôi xin hỏi: 1. Nếu xét về hàng thừa kế theo pháp luật thì A, B, C trên có thuộc hàng thừa kế của bà ngoại hay không? 2. Mẹ tôi là người đứng tên trên sổ đỏ, có phải mẹ tôi là người được toàn quyền định đoạt tài sản trên và không ai được quyền tranh chấp? 3. Gia đình tôi có thể gửi đơn đến Tòa án để yêu cầu giải quyết tranh chấp không? Tôi xin chân thành cảm ơn.
Gửi bởi: Nguyễn Bình
1. Xét quyền thừa kế theo pháp luật của A, B, C
Trước khi mất bà ngoại bạn có để lại di chúc nhưng bạn đang hỏi về quyền thừa kế theo pháp luật của A, B, C nên chúng tôi không xét đến tính hợp pháp hay không hợp pháp của di chúc đó.
Thời điểm mở thừa kế là thời điểm bà ngoại bạn mất (năm 1987), đây cũng là căn cứ để xác định những người thừa kế theo pháp luật của bà bạn. Điều 635 Bộ luật Dân sự quy định: Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết.
Hàng thừa kế của bà ngoại bạn được xác định căn cứ vào Điều 676 BLDS:
– Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
– Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
– Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Nếu đối chiếu với những quy định trên thì hai người cháu nội của bà bạn (là A và B) thuộc hàng thừa kế thứ hai; và người chắt nội của bà bạn (là C) thuộc hàng thừa kế thứ ba. Những người này chỉ được hưởng di sản nếu không còn ai thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Nhưng, bà bạn vẫn còn 3 người con gái (hiện vẫn còn sống) nên A, B, C không được hưởng thừa kế của bà bạn theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, căn cứ vào nội dung câu hỏi của bạn, chúng tôi thấy rằng bà bạn còn một người con trai (gọi là X) nhưng không xác định được người trai này hiện còn sống hay đã chết (vì bạn chỉ nói đến người con dâu). Do vậy, có 3 trường hợp có thể xảy ra mà bạn cần lưu ý dưới đây:
– Trường hợp thứ nhất: Người con trai X hiện nay vẫn còn sống. Như vậy, nếu xét hàng thừa kế thứ nhất của bà bạn sẽ có ba người con gái và một người con trai. Và đương nhiên, A, B, C cũng không được hưởng thừa kế như đã nêu trên.
– Trường hợp thứ hai: Người con trai X đã chết nhưng chết sau bà ngoại. Như vậy, X vẫn được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật của bà ngoại (vì thời điểm xác định quyền thừa kế là thời điểm bà ngoại bạn mất). Đến thời điểm này, khi phân chia di sản của bà ngoại thì X đã mất nên những người thừa kế của X (theo di chúc của X hoặc theo pháp luật tại Điều 676 BLDS) sẽ được hưởng thay phần di sản mà X được hưởng.
– Trường hợp thứ ba: Người con trai X đã chết trước bà ngoại bạn. Như vậy, sẽ xét theo thừa kế thế vị theo quy định tại Điều 677 BLDS: “Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống”. Theo quy định này thì: ba người con của ông X (gồm A, B, và người con gái) sẽ được hưởng thừa kế thế vị. Do người con trai lớn của X là A đã chết nên: (i) nếu A chết trước bà ngoại thì con trai của A là C sẽ được hưởng thừa kế thế vị; (ii) nếu A chết sau bà ngoại thì A vẫn được hưởng di sản theo thế vị (vì thời điểm tính quyền hưởng di sản của A là thời điểm bà ngoại mất, lúc đó A vẫn còn sống), nếu đến thời điểm hiện tại mới chia di sản thì người thừa kế theo pháp luật của A (trong đó có C) sẽ đại diện nhận phần di sản mà A được hưởng.
Trên đây là một số trường hợp có thể xảy ra, bạn có thể căn cứ vào đó và tình hình thực tế của nhà bạn để xác định quyền thừa kế của A, B, C đối với di sản do bà ngoại bạn để lại.
2. Quyền định đoạt tài sản của mẹ bạn
Mẹ bạn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sư dụng đất nên mẹ bạn có quyền của chủ sử dụng đất theo quy định của luật đất đai. Ngoài các quyền chung của người sử dụng đất quy định tại Điều 105 Luật Đất đai thì mẹ bạn còn có các quyền theo Điều 106 Luật Đất đai, gồm: Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; quyền thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; quyền được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất khi đáp ứng những điều kiện sau:
– Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
– Đất không có tranh chấp;
– Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
– Trong thời hạn sử dụng đất.
Trường hợp nhà bạn, đất đang có tranh chấp nên cần phải giải quyết tranh chấp đó thì mẹ bạn mới có thể thực hiện được các quyền như nêu trên.
3. Yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp
Với tư cách là chủ sử dụng đất, mẹ bạn được Nhà nước bảo hộ khi bị người khác xâm phạm đến quyền sử dụng đất hợp pháp của mình; được quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai.
Việc giải quyết tranh chấp đất đai được quy định tại Điều 135, Điều 136 Luật Đất đai. Theo đó, nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hoà giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hoà giải ở cơ sở. Nếu không tự hòa giải được thì mẹ bạn có quyền gửi đơn đến Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp để hòa giải. Trường hợp tranh chấp đã được hòa giải nhưng các bên không nhất trí thì mẹ bạn có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền (vì mẹ bạn đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Lưu ý, đây là tranh chấp đất đai nên thủ tục hòa giải tại cơ sở là thủ tục bắt buộc trước khi khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết.
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự
Luật 13/2003/QH11 Đất đai
Trả lời bởi: CTV3
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.