Vợ chồng tôi quen biết anh B. Anh B đã vay vợ chồng tôi 150 triệu (có giấy nhận tiền) nói là để làm ăn, nhưng thực chất thì dùng việc cá nhân. Đồng thời, lợi dụng lòng tin của vợ chồng tôi, anh B đã mượn xe máy và mang đi cầm cố, giờ gần một tháng mà vẫn chưa trả.
Gần đây, anh B nói là sẽ bán nhà cho vợ chồng tôi vì cần tiền làm nên vợ chồng tôi đã vay mượn tiền để mua, đã đặt cọc cho anh B 150 triệu. Anh B hẹn sẽ làm thủ tục sang tên trong vòng một tháng. Tuy nhiên, đến nay hơn một tháng, dù đã giục nhiều lần nhưng anh B vẫn không tins hành. Qua tìm hiểu, tôi được biết sổ đỏ nhà anh B đang thế chấp ở ngân hàng. Xin tư vấn cho tôi phải làm gì để có thể lấy lại tài sản từ anh B?
Gửi bởi: nguyễn thị kiều hân
Trả lời có tính chất tham khảo
1. Về việc xác định hành vi phạm tội của B
Bộ luật Hình sự quy định về tội lừa đảm chiếm đoạt tài sản và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản như sau:
“Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
…
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.
“Điều 140. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ bốn triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới bốn triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:
…
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm và bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt này”.
Đối chiếu các quy định nêu trên với hành vi của anh B mà bạn đã cung cấp thì có thể xác định tội danh của anh B như sau:
– Đối với hành vi vay tiền (150 triệu) nhưng không trả và hành vi mượn xe máy rồi mang đi cầm cố, anh B có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 140 của Bộ luật Hình sự.
– Đối với hành vi nhận tiền đặt cọc và hứa là chuyển nhượng nhà cho vợ chồng bạn, nhưng thực chất ngôi nhà đó đã bị B thế chấp ở ngân hàng thì hành vi này đã cấu thành tội lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139 của Bộ luật Hình sự.
2. Về việc tố cáo hành vi của B
Theo quy định tại Điều 101 Bộ luật Tố tụng hình sự thì công dân có thể tố giác tội phạm với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc với các cơ quan khác, tổ chức. Nếu tố giác bằng miệng thì cơ quan, tổ chức tiếp nhận phải lập biên bản và có chữ ký của người tố giác. Cơ quan, tổ chức khi phát hiện hoặc nhận được tố giác của công dân phải báo tin ngay về tội phạm cho Cơ quan điều tra bằng văn bản.
Như vậy, bạn có thể gửi đơn tố cáo hành vi của anh B đến các cơ quan nêu trên, kèm theo các tài liệu, chứng cứ có liên quan để đề nghị khởi tố vụ án nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 15/1999/QH10 Hình sự
Bộ luật 19/2003/QH11 Tố tụng hình sự
Trả lời bởi: Nguyễn Thị Phương Liên – Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.