Ngày 01/4/2006, anh Văn chở bố bằng xe máy từ Bắc Giang lên Lạng Sơn. Lúc 9 giờ sáng, gần đến Lạng Sơn thì xe máy của anh Văn đâm vào một xe tải đi ngược chiều. Tai nạn xảy ra làm bố anh Văn chết tại chỗ. Anh Văn được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng vài tiếng sau, vào lúc 15h chiều thì anh Văn cũng qua đời. Khi đi đăng ký khai tử cho bố và ông nội mình, con anh Văn đã khai rõ các tình tiết đó. Cán bộ tư pháp – hộ tịch đã cấp 02 Giấy chứng tử cho anh Văn và bố anh Văn, trong đó đều ghi thời điểm chết là ngày 01/4/2002.
Việc đăng ký khai tử của cán bộ tư pháp – hộ tịch trong trường hợp này có đúng yêu cầu nghiệp vụ hay không?
Gửi bởi: Admin Portal
Trả lời có tính chất tham khảo
Tình huống nói trên đặt ra vấn đề về nghiệp vụ đăng ký khai tử của cán bộ tư pháp – hộ tịch. Cần thấy rằng cách thức ghi chép thông tin khi đăng ký khai tử không được quy định cụ thể, chi tiết trong Nghị định số 158/2005/NĐ-CP nhưng việc thực hiện đúng kỹ thuật ghi chép Sổ đăng ký khai tử và Giấy chứng tử có ý nghĩa rất quan trọng. Trong vụ việc này, cần quan tâm đến cách thức mà cán bộ tư pháp – hộ tịch ghi chép thông tin về thời điểm chết của bố, con anh Văn.
Đăng ký khai tử là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc chấm dứt sự tồn tại của một cá nhân. Việc công nhận về mặt pháp lý sự kiện chết và thời điểm chết của một cá nhân có ý nghĩa quan trọng làm cơ sở chấm dứt, thay đổi các quan hệ pháp luật của cá nhân đó, đồng thời là cơ sở xác định thời điểm phát sinh quan hệ thừa kế giữa người chết với các cá nhân được hưởng thừa kế. Do đó, yêu cầu nghiệp vụ về ghi chép thời điểm chết trên mẫu Giấy chứng tử đòi hỏi ghi nhận chính xác về thời điểm chết của một cá nhân với nội dung thông tin như sau:
“Đã chết vào lúc….. giờ……. phút, ngày…… tháng…… năm…”
Tương tự như vậy, trong Sổ đăng ký khai tử cũng có mục yêu cầu ghi rõ: giờ, phút, ngày, tháng, năm chết của người được đăng ký khai tử.
Trong trường hợp này, thời điểm chết của anh Văn và cha anh Văn khác nhau. Cha anh Văn mất trước, vào lúc 9 giờ sáng, còn anh Văn mất sau đó, vào lúc 15 giờ. Khi khai báo để đăng ký khai tử cho cha và ông nội, con anh Văn đã thông báo cụ thể các chi tiết này nhưng cán bộ tư pháp – hộ tịch vẫn xác định chung thời điểm chết của hai cha con anh Văn cùng là ngày 01/4/2006 là chưa thực hiện đúng yêu cầu nghiệp vụ. Từ việc không ghi chính xác, chi tiết về thời điểm chết của hai người có quan hệ cha, con với nhau, có thể dẫn đến vấn đề phức tạp như: hai cha con anh Văn đều cùng hàng thừa kế thứ nhất của nhau. Do đó, nếu xác định được chính xác thời điểm cha anh Văn chết trước, anh Văn chết sau thì theo quy định của pháp luật thừa kế, anh Văn vẫn được hưởng thừa kế của cha mình. Từ đó sẽ dẫn đến việc con anh Văn được hưởng thừa kế thế vị.
Các văn bản liên quan:
Nghị định 158/2005/NĐ-CP Về đăng ký và quản lý hộ tịch
Trả lời bởi: Admin Portal
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.
Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN