Ai chịu phí cưỡng chế thi hành án khi Quyết định giám đốc thẩm hủy Bản án sơ thẩm?
Gửi bởi: Ngô Liên
Trả lời có tính chất tham khảo
Về vấn đề này, cần lưu ý hai trường hợp sau đây:
1. Chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự hiện nay thực hiện theo quy định tại Điều 74 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, Điều 31 và 32 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự, Thông tư liên tịch số 184/2011/TTLT-BTC-BTP ngày 19/12/2011 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính về kinh phí tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự.
Theo đó có trường hợp ngân sách nhà nước chi trả chi phí khi đang tiến hành tổ chức cưỡng chế nhưng phải ngừng, đình chỉ vì các lý do sau:
– Do sự kiện bất khả kháng quy định tại điểm a khoản 3 Điều 2 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ.
– Trường hợp Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định đình chỉ thi hành án theo quy định tại điểm a, điểm b, điểm d, điểm đ khoản 1 Điều 50 Luật Thi hành án dân sự. Đối với các trường hợp tạm ngừng, đình chỉ vì các lý do chủ quan của người được thi hành án hoặc người phải thi hành án thì chi phí cưỡng chế thi hành án đến thời điểm tạm ngừng, đình chỉ do đối tượng gây tạm ngừng, đình chỉ chịu. Điểm d khoản 1 Điều 50 Luật Thi hành án dân sự quy định đình chỉ thi hành án trong trường hợp “Bản án, quyết định bị hủy một phần hoặc toàn bộ” nhưng cần lưu ý đây là trường hợp bản án, quyết định bị hủy một phần hoặc toàn bộ để không phải xét xử và thi hành nữa.
2. Đối với trường hợp bản án, quyết định bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm và quyết định giám đốc thẩm tuyên huỷ bản án sơ thẩm thì tuỳ từng trường hợp cụ thể để thực hiện theo quy định tại Điều 135, 136 Luật Thi hành án dân sự: Trường hợp quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại hoặc xét xử phúc thẩm lại thì việc thi hành án được thực hiện theo bản án, quyết định sơ thẩm mới có hiệu lực pháp luật hoặc bản án phúc thẩm mới.
Trường hợp quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án đã xét xử vụ án và đình chỉ giải quyết vụ án mà phần tài sản trong bản án, quyết định bị hủy đã thi hành được một phần hoặc đã thi hành xong thì đối với phần bản án, quyết định của Tòa án hủy, sửa bản án, quyết định của Tòa án cấp dưới mà đã thi hành được một phần hoặc đã thi hành xong thì đương sự có thể thỏa thuận với nhau về việc hoàn trả tài sản, phục hồi lại quyền tài sản. Trường hợp tài sản thi hành án là động sản phải đăng ký quyền sở hữu và bất động sản còn nguyên trạng thì cưỡng chế trả lại tài sản đó cho chủ sở hữu. Trường hợp tài sản đã được chuyển dịch hợp pháp cho người thứ ba chiếm hữu ngay tình thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa hoặc tài sản thi hành án đã bị thay đổi hiện trạng thì chủ sở hữu tài sản ban đầu không được lấy lại tài sản nhưng được bồi hoàn giá trị của tài sản. Trường hợp có yêu cầu về bồi thường thiệt hại thì cơ quan ra bản án, quyết định bị huỷ, sửa giải quyết theo quy định của pháp luật.
Do vậy, đối với khoản chi phí cưỡng chế thi hành án phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành án đương sự nộp, cơ quan thi hành án dân sự đã chi và nộp vào ngân sách nhà nước sau đó bản án, quyết định của Tòa án bị hủy thì trong trường hợp này, khi cơ quan thi hành án thi hành bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật đúng trình tự, thủ tục thi hành án, nhưng sau đó bản án, quyết định của Tòa án bị hủy. Vì vậy, cơ quan thi hành án cần giải thích cho đương sự biết về quyền yêu cầu Tòa án đã ra bản án, quyết định bị hủy giải quyết việc bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 135, Điều 136 Luật Thi hành án dân sự và Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước.
Các văn bản liên quan:
Thông tư liên tịch 184/2011/TTLT-BTC-BTP Hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính về kinh phí tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự
Nghị định 58/2009/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự
Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự
Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục THADS
Tham khảo thêm:
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.