ÁN LỆ NHÌN TỪ GÓC ĐỘ CHÍNH SÁCH TRONG XÂY DỰNG BỘ LUẬT DÂN SỰ NĂM 2015
NGUYỄN HỒNG HẢI – Vụ Pháp luật dân sự – kinh tế, Bộ Tư pháp
1. Bối cảnh
(i) Tiền đề về chính trị – pháp lý
Việc sửa đổi, bổ sung BLDS năm 2005[1] nói chung và việc nghiên cứu quy định án lệ trong BLDS nói riêng về cơ bản đã có những tiền đề chính trị – pháp lý thuận lợi. Dự án Luật được tiến hành trong giai đoạn lịch sử lập hiến, lập pháp của Việt Nam ở thời kỳ phát triển mới, trọng tâm vào công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; vào xây dựng, hoàn thiện thể chế nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tôn trọng và bảo đảm quyền sở hữu, quyền của các chủ thể liên quan, quyền tự do kinh doanh, quyền bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp không phụ thuộc vào hình thức sở hữu và thành phần kinh tế; vào thực hiện chiến lược cải cách tư pháp nhất là bảo đảm vị trí, vai trò của TAND trong bảo vệ công lý và thực hiện quyền tư pháp,[2]…
Trong đời sống chính trị – pháp lý ở Việt Nam, việc phát triển và áp dụng án lệ cũng không phải là vấn đề mới. Trước năm 1945 (ở miền Bắc) và trước năm 1975 (ở miền Nam) việc nghiên cứu và áp dụng áp lệ đã khá phổ biến trong hệ thống Tòa án dưới các chế độ cũ. Trong những năm 1950-1960, Nhà nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa cũng đã từng ghi nhận việc áp dụng án lệ theo hướng: Để xét xử các vụ án hình sự và dân sự, cần áp dụng luật pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ban hành, áp dụng đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, áp dụng án lệ của các tòa án, của Tòa án tối cao; Tòa án nhân dân phúc thẩm chỉ đạo công việc xét xử của các tòa án nhân dân cấp dưới thông qua án lệ của mình[3]. Trong suốt thời gian sau đó, mặc dù không có ghi nhận chính thức, nhưng thông qua hoạt động tổng kết công tác xét xử cho thấy việc áp dụng án lệ của ngành Tòa án vẫn được “ẩn” trong các hướng dẫn công tác xét xử của TANDTC.
Tại thời điểm xây dựng BLDS năm 2015 thì việc nghiên cứu phát triển, áp dụng án lệ cũng đã được thể hiện khá cụ thể trong những quan điểm, chủ trương của Đảng và trong quy định pháp luật. Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị ĐCS Việt Nam về Chiến lược Cải cách Tư pháp đã xác định rõ trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của Toà án nhân dân, trong đó “Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm”; Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 quy định, Hội đồng Thẩm phán TANDTCcó nhiệm vụ, quyền hạn “lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử” (điểm c khoản 2 Điều 22); Luật phá sản năm 2014 quy định, thẩm phán tiến hành thủ tục pháp sản có nhiệm vụ, quyền hạn “tham khảo quyết định giải quyết phá sản trước đó trong vụ việc phá sản tương tự theo hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao” (khoản 14 Điều 9).[4]
(ii) Yêu cầu về phát triển và thực tiễn phát triển nền kinh tế vận hành theo quy luật thị trường; về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự
Các quan hệ dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của BLDS rất rộng, đa dạng và phức tạp, BLDS cũng như hệ thống pháp luật tư vì thế thường sẽ không quy định được hết các quan hệ này. Đặc biệt đối với trường hợp của Việt Nam, sau ba thập kỷ chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch sang xây dựng, phát nền kinh tế hàng hóa, nhiều thành phần, nền kinh tế – xã hội của Việt Nam đã từng bước hình thành và đặt ra những yêu cầu mới, cần thiết để tiến tới một nền kinh tế thị trường đầy đủ, như: đa dạng hóa về quyền sở hữu, các quyền tài sản khác, minh bạch về chế độ tài sản, thừa nhận sở hữu tư nhân và tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển; bảo đảm các quyền về lao động, đầu tư, tự do giao dịch, tự do kinh doanh; xây dựng hành lang pháp lý ổn định để hình thành, phát triển các loại thị trường trong nền kinh tế….; giải quyết các vấn đề xã hội mới về quyền con người, quyền công dân…
Thực tế đó, đã và đang làm phát sinh hoặc tồn tại muôn hình, vạn trạng các quan hệ cũ, mới đan chéo nhau mà pháp luật không dự báo hết được hoặc không bao quát hết được, dẫn tới những khoảng trống pháp lý trong giải quyết các quan hệ liên quan, trong việc bảo đảm quyền về nhân thân và tài sản của người dân.[5] Kinh nghiệm quốc tế và kinh nghiệm của Việt Nam cho thấy, nếu giải quyết vấn đề này chỉ bằng việc ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật thì hệ thống pháp luật nói chung, BLDS nói riêng sẽ luôn ở trong tình trạng không ổn định,[6] môi trường pháp lý hoặc luôn biến động hoặc thiếu sự minh bạch, không kịp thời thực hiện, bảo vệ được quyền, lợi ích của cá nhân, pháp nhân trong giao lưu dân sự. Vì thế, một yêu cầu khách quan được đặt ra đối với Nhà nước là cần phải có những giải pháp cơ bản, toàn diện, mang tính đột phá hơn về vị trí, vai trò của tòa án, về nguồn áp dụng pháp luật, trong đó, bên cạnh áp dụng tập quán, tương tự pháp luật thì tòa án, thẩm phán cũng cần được áp dụng án lệ, nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và lẽ công bằng vào trong việc giải quyết các vụ việc khi không có quy định của pháp luật hoặc quy định của pháp luật không rõ ràng.
Trong thời gian qua, do thiếu quy định về vấn đề này nên khi có yêu cầu của người dân thì Tòa án còn gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ Hiến định của mình, dẫn tới trong thực tiễn xét xử, Tòa án đã từ chối giải quyết một số vụ việc hoặc để vụ việc kéo dài do thiếu cơ sở pháp lý để giải quyết.[7]
(iii) Yêu cầu về bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, ổn định của hệ thống pháp luật
Hệ thống pháp luật tư của Việt Nam còn có rất nhiều “tầng lớp”, “cấp độ” văn bản khác nhau. Văn bản luật được ban hành phải chờ các văn bản dưới luật hướng dẫn mới đi vào thực tiễn cuộc sống, làm ảnh hưởng đến tính khả thi của Luật. Trong một số nội dung, lĩnh vực thì quy định của pháp luật lại không rõ ràng hoặc có mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản… Để giải quyết vấn đề này, đáp ứng được thực tiễn “sống động” của giao lưu dân sự thì bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ các quy định pháp luật có bất cập Nhà nước cũng cần phải cung cấp các công cụ pháp lý đầy đủ hơn cho Tòa án khắc phục sự không rõ ràng, sự mâu thuẫn của pháp luật. Trong đó, việc áp dụng án lệ có ý nghĩa rất quan trọng.
(iv) Yêu cầu về hội nhập quốc tế
Việt Nam đã và đang không ngừng mở rộng quan hệ ra thế giới và đã đạt được nhiều thành quả trong hội nhập quốc tế. Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007, tham gia ngày càng sâu rộng vào Diễn đàn APEC, các tổ chức khu vực… tham gia các hiệp định thương mại song phương, đa phương AFTA, Hiệp định thương mại Việt – Mỹ… xúc tiến tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), hợp tác, xây dựng Cộng đồng ASEAN …Trong tiến trình đó, Việt Nam có nhiều cam kết bảo đảm tính tương thích của pháp luật quốc gia với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, nhất là trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ và sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, giữa cá nhân, pháp nhân Việt Nam và cá nhân, pháp nhân nước ngoài đã và đang ngày càng quan hệ sâu rộng cả về nhân thân và tài sản trong giao lưu dân sự. Việc bảo đảm hài hòa hóa trong áp dụng các công cụ pháp lý, trong đó có án lệ khi giải quyết các vụ, việc dân sự cũng cần phải được đặt ra để đáp ứng yêu cầu hội nhập.
2. Quan điểm
(i) Bảo đảm cụ thể hóa nội dung, tinh thần các nghị quyết có liên quan của Đảng (Nghị quyết số 48-NQ/TW, Nghị quyết số 49-NQ/TW) về Chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật và Chiến lược Cải cách Tư pháp; quy định của Hiến pháp năm 2013 về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, quyền tự do kinh doanh, về bảo đảm vị trí, chức năng của Tòa án nhân dân, trách nhiệm của Chính phủ, Tòa án nhân dân trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân;
(ii)Cụ thể hóa trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm sự công bằng của người dân về tiếp cận công lý khi Nhà nước không có đủ quy định pháp luật để điều chỉnh các quan hệ dân sự. Trong đó, Tòa án phải được trang bị đầy đủ các công cụ pháp lý cần thiết (tập quán, tương tự pháp luật, nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ và lẽ công bằng) để giải quyết kịp thời các vụ việc dân sự.[8]
(iii) Phân tách rõ giữa chức năng giải thích hiến pháp, luật, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định của Hiến pháp và chức năng giải thích pháp luật của tòa án, thẩm phán trong giải quyết vụ việc dân sự. Trong đó, giải thích pháp luật của tòa án, thẩm phán chỉ được thực hiện trong phạm vi giải quyết vụ việc dân sự cụ thể và nếu nội dung giải thích trong bản án, quyết định của tòa án trở thành án lệ thì án lệ này cũng sẽ chỉ được áp dụng đối với vụ việc tương tự xảy ra sau này, còn giải thích hiến pháp, luật, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là giải thích chung, có hiệu lực đối với tất cả các chủ thể trong xã hội;
(iv) Án lệ là nguồn áp dụng pháp luật luật thứ cấp, bổ trợ cho quy định của pháp luật, tập quán và tương tự pháp luật; việc áp dụng án lệ có tính mềm dẻo, linh hoạt, không phải là bắt buộc đối với Tòa án, thẩm phán khi giải quyết vụ việc dân sự mà chỉ là một nguồn để Tòa án tham khảo, nghiên cứu, áp dụng trong quá trình giải quyết vụ, việc dân sự cụ thể;
(v) Phân tách rõ mục đích, phạm vi quy định án lệ trong BLDS và với quy định án lệ trong pháp luật TTDS. Trong đó, BLDS quy định về án lệ để tạo thêm nguồn áp dụng pháp luật trong thực hiện, bảo vệ quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân, còn pháp luật TTDS quy định về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ;[9]
(vi)Kế thừa kinh nghiệm, truyền thống ở Việt Nam, tham khảo kinh nghiệm phù hợp của nước ngoài[10] về áp dụng án lệ, bảo đảm vừa tiếp nối truyền thống, vừa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn phát triển kinh tế – xã hội, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.
3. Quy định của BLDS năm 2015
Qua quy định tại khoản 2 Điều 6, khoản 2 Điều 14 và các quy định khác có liên quan của BLDS 2015 cho thấy,điều kiện đối với án lệ và việc áp dụng án lệ trong thực hiện, bảo vệ quyền dân sự được thể hiện trên các nội dung cơ bản sau đây:
(i) Án lệ có thể được hình thành từ một trong ba căn cứ: (i) Không có quy định của pháp luật, tập quán, tương tự pháp luật; (ii) Quy định của pháp luật không rõ ràng[11] và cũng không có tập quán và tương tự pháp luật để áp dụng; (iii) Tòa án áp dụng tập quán, tương tự pháp luật, lẽ công bằng hoặc nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự trong giải quyết vụ việc dân sự;
(ii) Án lệ không được tạo ra sự hạn chế quyền dân sự, nếu như không có quy định của Luật. BLDS quy định rõ: “Quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” (Khoản 2 Điều 2); “Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái luật quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản” (khoản 1 Điều 163)…;
(iii) Nội dung của án lệ và việc áp dụng án lệ không được vi phạm các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự (quy định tại Điều 3 BLDS), tức là án lệ đó không được ra sự phân biệt đối xử giữa các chủ thể vì bất kỳ lý do gì; không được tước bỏ sự tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận của các chủ thể trong xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự; không được khuyến khích hoặc công nhận sự không trung thực, bất hợp tác trong xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự; không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; và không được trái với nguyên tắc chủ thể phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự;
(iv)Án lệ chỉ là một trong nguồn áp dụng pháp luật thứ cấp, bổ trợ cho quy định của pháp luật, tập quán và tương tự pháp luật nên việc áp dụng án lệ phải thực hiện theo trình tự: nếu các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định hoặc quy định không rõ ràng[12] thì áp dụng tập quán, nếu không có tập quán thì áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự, nếu không có quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự thì Tòa án, thẩm phán có quyền lựa chọn một trong các công cụ pháp lý là “các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự”, “án lệ” hoặc “lẽ công bằng” để giải quyết cho phù hợp nhất, bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích của các chủ thể trong giải quyết vụ việc dân sự.
[1] Việc xây dựng BLDS 2015 được thực hiện theo hai giai đoạn: (1) Giai đoạn 2008-2011: nghiên cứu xây dựng chính sách; (2) Giai đoạn (2011-2015): xây dựng dự án BLDS (sửa đổi).
[2] Những mục tiêu, quan điểm này được thể hiện xuyên suốt trong quá trình sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và trong quy định của Hiến pháp năm 2013 (Các điều 14, 16, 33, 51, 52, khoản 3 Điều 102, khoản 2 Điều 104…) và trong các Nghị quyết của Đảng: Nghị quyết số 21/NQ/TW ngày 30/01/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tiếp tục hoàn thiện thể chế nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 48-NQ/TW về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011 – 2020 và Cương lĩnh xây dựng Đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) được Đại hội Đảng lần thứ XI thông qua… và trong sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992.
[3] Thông tư số 19-VHH ngày 30/6/1955 của Bộ Tư pháp, Chỉ thị số 772-TATC ngày 10/7/1959 của Tòa án nhân dân tối cao, Thông tư số 92-TC ngày 11/11/1959 của Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao; Tập san Tư pháp của Tòa án tối cao trong những năm 1960 cũng đã mở mục bình luận án lệ.
[4] Xem thêm “Nghiên cứu chung Việt – Nhật về việc phát triển án lệ tại Việt Nam” TANDTC & JICA, NXB. Thanh Niên 2008; “Hệ thống Tòa án của Một số nước trên thế giới (Kinh nghiệm cho Việt Nam) Trương Hòa Bình & Ngô Cường, TANDTC-JICA 2014.
[5] Ví dụ như: việc xác định tập quán, thói quen trong quan hệ dân sự; việc giải quyết yêu cầu của vợ chồng về ly thân; việc đặt tên họ và tên cho con có một bên cha, mẹ là người nước ngoài; việc xác định tài sản là đất hương hỏa, tài sản ảo, tiền ảo, tài khoản game điện tử; việc xác định thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong vi phạm hợp đồng; việc xác định giá cả tài sản cùng loại, giá thị trường, giá trung bình trên thị trường…
[6] Bản thân BLDS của Việt Nam cũng luôn ở trong tình trạng bị sửa đổi theo chu kỳ 10 năm (1995, 2005, 2015)
[7] TANDTC tại Hội nghị tổng kết ngành Tòa án nhân dân năm 1995 đã từng có hướng dẫn TA cấp dưới về giải quyết yêu cầu ly thân theo hướng, trong trường hợp có yêu cầu giải quyết ly thân thì Tòa án không thụ lý để giải quyết yêu cầu ly thân; Công văn số 141/TANDTC-KHXX ngày 21 tháng 9 năm 2011 hướng dẫn về “Giấy tờ có giá” và giải quyết các yêu cầu trả lại giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản do người khác đang chiếm giữ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở; Giấy đăng ký xe mô tô, xe máy; Giấy đăng ký xe ô tô…) theo hướng: Các giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản (không phải là “giấy tờ có giá” quy định tại Điều 163 của Bộ luật dân sự năm 2005; do đó, nếu có yêu cầu Tòa án giải quyết buộc người chiếm giữ trả lại các giấy tờ này thì Tòa án không thụ lý giải quyết…
[8] Bộ Tư pháp trên cơ sở kế thừa kết quả nghiên cứu trong các lần xây dựng BLDS 1995, 2005 đã tiến hành nhiều hoạt động nghiên cứu trong và ngoài nước về nguồn luật, cơ chế pháp lý trong thực hiện, bảo vệ quyền dân sự khi không có quy định của pháp luật, các công cụ pháp lý để Tòa án áp dụng trong trường hợp này: tập quán, tương tự pháp luật (theo cả nghĩa hẹp áp dụng quy phạm pháp luật giải quyết quan hệ dân sự tương tự và theo nghĩa rộng áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật để giải quyết), án lệ, lẽ công bằng và học thuyết. Kết quả nghiên cứu về chính sách là đã lựa chọn nghiên cứu, quy định trong BLDS (sửa đổi) về việc tòa án, thẩm phán không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự khi không có quy định của pháp luật, tiếp tục ghi nhận tập quán, mở rộng nội hàm tương tự pháp luật (theo nghĩa rộng), bổ sung án lệ và lẽ công bằng như là nguồn bổ sung trong áp dụng pháp luật dân sự khi không có quy định của pháp luật. [8] Trong đó có đề xuất nội dung nghiên cứu: Thẩm phán không được phép từ chối giải quyết vụ việc dân sự với lý do chưa có điều luật để áp dụng. Khi chưa có quy định của pháp luật, thẩm phán được phép diễn giải các nguyên tắc, các quy định chung dựa vào niềm tin nội tâm, chức danh nghề nghiệp; được áp dụng tập quán phù hợp; được áp dụng bản án phúc thẩm, giám đốc thẩm đã có hiệu lực pháp luật do Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn, hướng dẫn để giải quyết vụ, việc dân sự.
Tinh thần này vẫn được Bộ Tư pháp giữ quan điểm trong suốt quá trình xây dựng BLDS, thảo luận tại các cấp có thẩm quyền để thiết kế những điều luật, nội dung phù hợp nhất về việc áp dụng án lệ trong giải quyết vụ việc dân sự.
[9] BLTTDS năm 2015, Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTPTANDTC đã quy định cụ thể về vấn đề này.
[10] Theo nghiên cứu của Bộ Tư pháp: hiện nay không chỉ các nước theo hệ thống án lệ mà hầu hết các nước theo hệ thống pháp luật thành văn như Việt Nam ở nhiều góc độ khác nhau cũng đã ghi nhận về việc áp dụng án lệ trong giải quyết các vụ, việc dân sự khi không có quy định của pháp luật. Ví dụ: Nhật Bản không quy định cụ thể án lệ là nguồn của luật, thẩm phán không bắt buộc áp dụng án lệ trong giải quyết vụ việc dân sự. Tuy nhiên với quy định tại Điều 4 Luật Tòa án Nhật Bản quy định “phán quyết trong xét xử của tòa án phúc thẩm là phán quyết ràng buộc với tòa sơ thẩm về vụ án đó” và quy định tại Điều 10 Luật này về việc khi có sự trái ngược trong ý kiến xét xử tại Tòa án tối cao về cách áp dụng, giải thích đối với Hiến pháp và luật khác thì phiên tòa tối cao phải được thành lập bao gồm toàn bộ 15 thẩm phán của Tòa án tối cao thì trong thực tiễn tố tụng giải quyết 1 vụ việc cụ thể ở Nhật Bản, thẩm phán có quyền giải thích luật và họ thường quan tâm đến bản án về vụ việc có cùng tính chất do thẩm phán Tòa án cấp trên quyết định. Do đó, khi có kháng cáo của các đương sự, bản án của Tòa án cấp trên thường có sự ràng buộc đối với Tòa án cấp dưới, vì thế thực tế án lệ lại được xác định là nguồn luật.
[11] BLDS hoặc Luật khác có liên quan có khá nhiều quy định không cụ thể, rõ ràng, tạo “dư địa” cho việc áp dụng án lệ, ví dụ các quy định về: “chi phí hợp lý”, “thời hạn hợp lý”, “theo giá thị trường”, “bằng hình thức chấp nhận khác được thể hiện trên văn bản”, “theo tiêu chuẩn thông thường hoặc theo tiêu chuẩn riêng phù hợp với mục đích giao kết hợp đồng”, “không đạt được mục đích giao kết hợp đồng”, giải thích hợp đồng, giải thích di chúc, điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản…
[12] Mặc dù khoản 2 Điều 6 chỉ quy định về “không có quy định pháp luật” nhưng trong các chế định cụ thể của BLDS thì trường hợp pháp luật không có quy định rõ ràng thì Tòa án vẫn có thể vận dụng các công cụ pháp lý để giải quyết vụ việc dân sự. Xem thêm chú thích [11].
SOURCE: VIETNAM LAW & LEGAL FORUM Vol. 23 – No 275 July 2017
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.