I. NHỮNG ĐIỂM MỚI TRONG PHẦN CHUNG
(Phần thuyết trình của ông Trần Văn Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ pháp luật hình sự, Bộ Tư pháp)
Bộ luật Hình sự năm 2015 được xác định là sửa đổi căn bản và toàn diện. Trong tổng số 426 điều của Bộ luật thì có 72 điều mới, 362 điều được sửa đổi, 17 điều giữ nguyên, 07 điều bãi bỏ. Những điểm mới cơ bản cần chú ý trong Phần chung của Bộ luật đó là:
1. Bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại
Sự cần thiết phải quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân:
– Tình hình vi phạm pháp luật do pháp nhân thực hiện diễn ra phức tạp và ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là các hành vi gây ô nhiễm môi trường, buôn lậu, trốn thuế, sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng cấm, trốn đóng bảo hiểm cho người lao động. Trong khi đó, để xử lý các hành vi này chỉ có xử phạt vi phạm hành chính cao nhất là đến 2 tỷ đồng. Như vậy, với hình thức xử phạt này là chưa tương xứng với những thiệt hại do pháp nhân gây ra. Hơn nữa, muốn được bồi thường thì việc tự chứng minh thiệt hại là rất khó khăn.
– Hiện nay, trên thế giới có 120 nước đã quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân; việc nước ta quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân là tạo ra sự bình đẳng giữa doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài đầu tư với doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam đầu tư.
– Việc quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân chính là việc nội luật hóa các Công ước quốc tế mà Việt nam là thành viên.
Cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân (Điều 75):
Dựa trên dấu hiệu hành vi của cá nhân:
– Hành vi phạm tội đó thực hiện mang danh nghĩa của pháp nhân;
– Hành vi phạm tội mang lại lợi ích cho pháp nhân;
– Hành vi phạm tội thực hiện theo sự chỉ đạo hoặc chấp thuận của pháp nhân;
– Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS.
Tại khoản 2 Điều 75 BLHS quy định, việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân.
Loại tội mà pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự:
Điều 76 BLHS quy định 31 tội phạm trong lĩnh vực kinh tế và môi trường mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự.
Hệ thống hình phạt đối với pháp nhân: Phạt tiền; đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc vĩnh viễn; cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn.
Xóa án tích:
Điều 89 BLHS quy định, pháp nhân thương mại bị kết án đương nhiên được xóa án tích nếu trong thời hạn 2 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án mà pháp nhân thương mại không thực hiện hành vi phạm tội mới.
2. Giảm hình phạt tử hình
Một là, giảm số lượng điều không áp dụng hình phạt tử hình
Hai là, bổ sung đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình là người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử;
Ba là, mở rộng thêm 02 trường hợp không thi hành án tử hình:
– Thứ nhất, người từ đủ 75 tuổi trở lên;
– Thứ hai, người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
3. Chính sách xử lý đối với người dưới 18 tuổi
Trước đây, trong quá trình cân nhắc để xử lý người chưa thành niên phạm tội, nếu xét thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt thì Tòa án có thể áp dụng các biện pháp có tính chất giáo dục, áp dụng các biện pháp tư pháp; nay BLHS 2015 đã đổi quan điểm xử lý đối với người dưới 18 tuổi là trong quá trình cân nhắc xử lý trước tiên xem đối tượng này có thể áp dụng các biện pháp giáo dục cải tạo, các biện pháp tư pháp hay không, sau đó mới bàn đến việc áp dụng hình phạt.
Về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi, BLHS năm 2015 quy định đối tượng này chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với 29 tội; đồng thời quy định rõ hơn trách nhiệm hình sự đối với người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi.
Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung 03 biện pháp có tính chất giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi khi họ thực hiện tội phạm mà cơ quan có thẩm quyền xét thấy không cần thiết phải áp dụng trách nhiệm hình sự: Khiển trách, hòa giải tại cộng đồng, giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
4. Thay thế tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng băng 9 tội danh mới.
5. Bổ sung 03 trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự: Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội; rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ; thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên.
6. Miễn trách nhiệm hình sự
Căn cứ miễn trách nhiệm hình sự chia làm 02 loại:
Đương nhiên miễn trách nhiệm hình sự: Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ:
– Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội;
– Khi có quyết định đại xá.
Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 29 BLHS 2015.
Đáng chú ý, BLHS 2015 đã bổ sung thêm một căn cứ mới để có thể được miễn trách nhiệm hình sự, nếu người phạm tội đáp ứng đầy đủ các điều kiện tại khoản 3 Điều 29.
7. Bộ luật Hình sự năm 2015 vẫn duy trì chế định chuẩn bị phạm tội nhưng đã thu hẹp lại ở một số tội (Điều 14).
II. NHỮNG ĐIỂM MỚI TRONG PHẦN CÁC TỘI PHẠM CỤ THỂ
(Phần thuyết trình của ông Nguyễn Công Long, Phó Vụ trưởng Vụ pháp luật Văn phòng Quốc hội)
Phần các tội phạm cụ thể trong BLHS năm 2015 gồm 317 điều (313 tội danh), chia thành 13 chương, tăng hơn rất nhiều so với Phần này trong BLHS năm 1999. Cụ thể, tăng 40 tội danh (bổ sung 30 tội danh mới, 10 tội danh là do tách ra).
BLHS mới cũng đã bỏ 8 tội: Tội hoạt động phỉ, tội đăng ký kết hôn trái pháp luật, tội kinh doanh trí phép, tội vi phạm các quy định của Nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế…
Việc bỏ 8 tội danh trên xuát phát từ những căn cứ khác nhau: Có những tội thì phi hình sự hóa, bỏ hẳn, ví dụ tội sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng, tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế; còn các tội khác là có sự chuyển hóa.
– Trong Phần các tội phạm đã cụ thể hóa được các tình tiết mang tính chất định tính, như: Số lượng nhiều, số lượng lớn, số lượng rất lớn…; tuy nhiên vẫn còn khoảng 8 khung hình phạt có các tình tiết mang tính chất định tính, vì xuất phát từ đặc điểm của tội phạm đó, như một số tội về xâm phạm an ninh quốc gia, một số tội về tội phạm chiến tranh.
– Thu hẹp khoảng cách về khung hình phạt, khắc phục khung hình phạt quá rộng như trước đây, dễ dẫn đến việc lạm dụng khi áp dụng, khoảng cách từ mức hình phạt thấp nhất đến mức hình phạt cao nhất trong một khung là khoảng 5 – 6 năm.
– Tăng hình phạt tiền, giảm hình phạt tù theo định hướng cải cách tư pháp; trong 313 tội danh thì có đến 455 khung hình phạt quy định hình phạt tiền, Bộ luật Hình sự hiện hành chỉ có 201; mức phạt tiền cũng đã tăng: Cá nhân cao nhất là 5 tỷ; pháp nhân cao nhất là 20 tỷ.
Chương XIII: Các tội xâm phạm an ninh quốc gia
Một số điểm mới đáng lưu ý: Bỏ tội hoạt động phỉ vẫn đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm; bổ sung tội cướp biển (Điều 302); sửa đổi cơ bản cấu thành của Điều 88 – Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam BLHS hiện hành.
Chương XIV: Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người
Chương này được sửa đổi để nội luật hóa các Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên nhằm bảo vệ tốt hơn sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người; đồng thời có những quy định tạo hành lang pháp lý để khuyến khích người dân tham gia phòng chống tội phạm.
Điều 126. Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội quy định trường đã mở rộng chủ thể không chỉ trong phòng vệ chính đáng mà còn trong khi bắt giữ tội phạm.
Điều 134 . Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác đã bổ sung các tình tiết như thế nào là đặc biệt nghiêm trọng, bổ sung tình tiết gây thương tích ở vùng mặt. Trong cấu thành cơ bản có bổ sung tình tiết lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý gây thương tích.
Đối với tội hiếp dâm và tội cưỡng dâm, về hành vi khách quan thì không chỉ giao cấu mà còn gồm các hành vi khác.
Các tội mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi đã mô tả cụ thể các hành vi coi là mua bán người.
Chương này còn bổ sung tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người (Điều 154).
Chương XV: Các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân
Điều 160. Tội xâm phạm quyền của công dân về bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân đã bổ sung hành vi xâm phạm quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân.
Tội làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân đã làm rõ được mức độ gây thiệt hại; trước đây chỉ quy định là gây thiệt hại nghiêm trọng nhưng trong BLHS 2015 đã cụ thể hóa tình tiết này, ví dụ như tổ chức lại bầu cử, tổ chức lại trưng cầu ý dân.
Điều 165. Tội xâm phạm quyền bình đẳng giới; trước đây là xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ, nay quy định là Tội xâm phạm quyền bình đẳng giới, nghĩa là trên yếu tố giới mà xử lý, tránh việc kỳ thị về giới.
Điều 167. Tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân đã xử lý các hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận.
Chương XVI: Các tội xâm phạm sở hữu
Trong cách thức xử lý đối với các tội thuộc Chương này có sự điều chỉnh nhằm bảo đảm sự thống nhất chung trong hệ thống pháp luật.
Bỏ hình phạt tử hình trong tội cướp tài sản nhằm giảm bớt hình phạt tử hình; hơn nữa mục đích phạm tội là tài sản mà không phải là tính mạng con người.
Đối với tội trộm cắp và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong thực tiễn xử lý có rất nhiều vấn đề đặt ra, nên lần này đã tập trung sửa đổi về mặt cấu thành tội phạm để giải quyết vướng mắc từ thực tiễn, như tình trạng trộm chó ở vùng nông thôn đang diễn ra phức tạp.
Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đã giải quyết được vướng mắc, hiện nay đã sửa căn bản, bổ sung tình tiết đến hạn trả tài sản nhưng cố tình không trả thì có thể xử lý được về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Chương XVIII: Tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế
Chương này chia làm 3 mục:
Một là Mục các tội phạm sản xuất kinh doanh, về đường lối xử lý là tăng mạnh hình phạt tiền (cá nhân lên 5 tỷ, pháp nhân lên 20 tỷ); tuy nhiên hình phạt tiền được áp dụng một cách có chọn lọc, phân hóa xử lý, ví dụ như các tội có tác động trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe con người thì sẽ không áp dụng hình phạt tiền mà sẽ áp dụng hình phạt tù ngay, ví dụ: Tội sản xuất hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh.
Hai là Mục các tội phạm thuế, tài chính ngân hàng, chứng khoán; đối với tội trốn thuế đã có quy định định nghĩa về hành vi trốn thuế.
Ba là Mục các tội xâm phạm trật tự quản lý khác có điểm đáng chú ý là BLHS 2015 đã thay thế Điều 165 – Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng BLHS hiện hành bằng 09 tội danh mới thuộc các lĩnh vực: Quản lý cạnh tranh, đầu tư công; quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp; đấu thầu, đấu giá tài sản; kế toán; quản lý thuế; xây dựng; bồi thường thu hồi đất.
Chương XX: Các tội phạm ma túy
Chương này đã có sự phân hóa, tách ra một số tội danh, giảm bớt án tử hình đối với một số tội. Ngoài ra, trong cấu thành một số tội đã sửa đổi căn bản để làm rõ các hành vi phạm tội, ví dụ như trồng cây thuốc phiện.
Chương XXI: Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng
Chương này đã bổ sung một số tội về lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin.
Tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềmđể sử dụng vào mục đích trái pháp luật nhằm xử lý đối với hành vi viết phần mềm để tấn công mạng.
Điều 291. Tội thu thập, mua bán, tàng trữ công khai trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng; Tội cung cấp trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông; Tội sử dụng trái phép tần số…
Chương này đã bổ sung tội cướp biển trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia Công ước về Luật biển năm 1982.
Đối với các tội xâm phạm trật tự công cộng khác, BLHS 2015 đã sửa đổi tội đánh bạc, tội tổ chức đánh bạc theo hướng nâng định mức tiền dùng đánh bạc lên.
Chương XXIII: Các tội phạm về chức vụ
Chương này bao gồm 15 điều có một số sửa đổi, bổ sung: Sửa đổi các khái niệm, nâng mức tài sản chiếm đoạt, điều chỉnh mức hình phạt.
Để phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng, BLHS 2015 có sửa đổi khái niệm về tội phạm chức vụ, không chỉ xử lý đối với cán bộ, công chức mà cả các đối tượng khác nữa.
Chương XXIV: Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp
Tất cả các điều trong Chương này đều sửa và bổ sung thêm hai điều mới, trong đó khái niệm hoạt động tư pháp đã được sửa; các tội xâm phạm hoạt động tư pháp là những hành vi xâm phạm sự đúng đắn của hoạt động tố tụng và thi hành án. Nhưvậy có thể thấy tính chất tác động đến các hoạt động tư pháp đã khác, không cần tác động trực tiếp đến một hoạt động cụ thể. Hoạt động tư pháp gồm hoạt động tố tụng và hoạt động thi hành án.
Tội dùng nhục hình (Điều 373) có định nghĩa lại về mặt cấu thành cũng như xác định chủ thể tội phạm, người nào trong quá trình hoạt động tố tụng, thi hành án hoặc thi hành các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mà dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm người khác dưới bất kỳ hình thức nào. Như vậy, chủ thể đã được mở rộng, không chỉ trong tố tụng mà còn trong thi hành án hoặc trong cơ sở giáo dưỡng, trường cai nghiện. Nhục hình không chỉ là hành vi tra tấn mà còn là hành vi đối xử vô nhân đạo, hạ nhục nhân phẩm. Trong điều luật còn bổ sung các tình tiết tăng nặng cụ thể.
Tội bức cung sửa đổi theo hướng mở rộng các chủ thể phạm tội, trước đây tội bức cung chỉ trong tố tụng hình sự, còn BLHS năm 2015 đã mở rộng cả trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính.
Chương này bổ sung 02 tội danh: Vi phạm các quy định về giam giữ; gây rối trật tự tại phiên tòa.
Chương XXV:Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân và trách nhiệm của người phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu có điểm mới chú ý là đã bỏ tất cả hình phạt tử hình.
Văn Công(lược ghi)
Tham khảo thêm:
- Lời tuyên thệ của Kiểm sát viên được thể hiện từ ý chí đến hành động
- Thực trạng tai nạn giao thông trong quân đội và những giải pháp
- Kinh nghiệm giải quyết các vụ án có người nước ngoài phạm tội
- Kỹ năng xác định tội danh trong vụ án hình sự
- Cá nhân có được uỷ quyền khởi kiện?
- Các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người ở Việt Nam
- Những bất cập trong giải quyết các giao dịch liên quan đến tài sản của người thi hành án
- Bàn về các nguyên tắc giám định tư pháp
- Phong tỏa tài khoản – biện pháp cưỡng chế mới trong Bộ luật TTHS 2015
- Điểm mới về thủ tục đăng ký bảo vệ cho đương sự trong vụ án hành chính
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.