Bản chất về trách nhiệm tài sản của công ty hợp danh
MỤC LỤC
Nội dung | Trang |
I. ĐẶT VẤN ĐỀ.
II. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ. 1. Pháp luật về công ty hợp danh và trách nhiệm tài sản của công ty, thành viên công ty hợp danh của Pháp. 2. Công ty hợp danh ở Việt Nam và trách nhiệm tài sản của công ty, thành viên công ty hợp danh. 2.1. Trách nhiệm tài sản của công ty hợp danh. 2.2. Trách nhiệm tài sản của các thành viên công ty hợp danh. 2.2.1. Trách nhiệm tài sản của thành viên hợp danh. a. Chế độ chịu trách nhiệm trực tiếp của các thành viên hợp danh. b. Chế độ chịu trách nhiệm vô hạn của các thành viên hợp danh. c. Thành viên hợp danh mới được tiếp nhận vào công ty chỉ chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ của công ty sau khi đăng ký việc gia nhập với cơ quan đăng ký kinh doanh. d. Nếu thành viên hợp danh rút khỏi công ty thì vẫn phải chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ đã có trước khi ra khỏi công ty. 2.2.2. Trách nhiệm tài sản của thành viên góp vốn. III. KẾT LUẬN. Danh mục tài liệu tham khảo |
1
1
1
4 5
6 6
7
8
|
ĐẶT VẤN ĐỀ
Quan niệm của các quốc gia khác nhau về công ty nói chung và công ty hợp danh nói riêng rất đa dạng. Các quốc gia khác nhau trên thế giới, do ảnh hưởng của lịch sử thương mại, do cách nhìn nhận chủ quan của các nhà lập pháp và do một số yếu tố nhất định khác dã tại ra khái niệm pháp lý rất đa dạng về công ty hợp danh. Tuy nhiên sự khác nhau cũng chỉ ở mức độ nhất định, trên một phương diện nào đó thì công ty hợp danh có chung một bản chất, dựa vào bản chất ấy mà ở mỗi nước, pháp luật lại nhìn nhận công ty hợp danh trên những đặc điểm khác biệt. Để làm rõ hơn điều này, ta hãy cùng đi nghiên cứu về trách nhiệm tài sản của công ty hợp danh và thành viên của công ty hợp danh theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật Pháp.
GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
1.Pháp luật về công ty hợp danh của Pháp.
Là một nước điển hình theo hệ thống pháp luật Châu Âu lục địa, pháp luật thương mại Pháp quy định về công ty hợp danh như sau: “Công ty hợp danh là công ty mà trong đó cấc thành viên đều có tư cách thương gia chịu trách nhiệm vô hạn và liên đới về các khoản nợ của công ty”(1).
Như vậy từ khái niệm trên ta có thể thấy đặc điểm pháp lý chủ yếu của công ty hợp danh theo pháp luật Pháp là tính chịu trách nhiệm cá nhân, không xác định và liên đới của tất cả các thành viên trong công ty, những người có đầy đủ tư cách thương gia, trong những khoản nợ đối với bên thứ ba. Mặc dù công ty hợp danh có tài sản, nhưng trong trường hợp công ty không trả được nợ cho các chủ nợ thì chủ nợ có quyền yêu cầu bất kỳ thành viên nào thanh toán toàn bộ khoản nợ của họ. Có thể thấy rằng đây là điểm khác biệt cơ bản của công ty hợp danh so với công ty tách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần. Hai loại công ty này chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi tài sản của công ty.
Theo pháp luật thương mại Pháp, công ty hợp danh là một loại hình công ty thương mại, có tư cách pháp nhân. Công ty phải có từ hai thành viên trở lên, các thành viên phải có tư cách thương gia. Đây là loại hình công ty được thành lập dựa trên yếu tố nhân thân (instuitus personae), nên yếu tố nhân thân đối với loại hình công ty này đóng vai trò quyết định tới việc thành lập, hoạt động và giải tán công ty. Về nguyên tắc, một thành viên của công ty hợp danh khó có thể rút khỏi công ty sau khi đã chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho một bên thứ ba mà không được sự nhất trí của tất cả các thành viên còn lại đối với việc chuyển nhượng này. Việc một thành viên của công ty hợp danh chết cùng có thể là lý do dấn tới việc giải thể công ty. Những người thừa kế của thành viên này không thể trở thành thành viên của công ty thay thế cho thành viên đã chết nếu không được các thành viên khác của công ty đồng ý. Với đặc tính như vậy, việc thành lập công ty hợp danh rất thích hợp trong trường hợp công ty có số lượng thành viên ít, có sự quen biết và tin cậy lẫn nhau.
Theo quy định của pháp luật Pháp, các thành viên công ty hợp danh phải có tư cách thương gia, điều này có ý nghĩa quan trọng đến chế độ chịu trách nhiệm vô hạn của các thành viên. Chế độ chịu trách nhiệm vô hạn và tính chất nghề nghiệp liên quan đến nhau tạo nên uy tín của công ty hợp danh. Song chính điều này tạo cho các thành viên quyền quản lý, giám sát chặt chẽ đối với moi hoạt động cảu công ty. Chính cơ chế này đã gắn kết các thành viên với nhau và ràng buộc họ với công ty. Đây cũng là điểm khác biệt so với các công ty đối vốn, khi quan hệ giữa các thành viên chỉ dựa trên phần vốn góp vào công ty và họ chỉ quan tâm đến lợi nhuận trên cơ sở phần vốn góp đó.
Tư cách thương gia của các thành viên công ty hợp danh cũng là điểm khác biệt cơ bản so với công ty trách nhiệm hữu hạn, trong khi các thành viên của công ty hợp danh chịu trách nhiệm liên đới và vô hạn bằng tài sản của cá nhân mình đối với các khoản nợ của công ty, thì các thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi số vồn đã góp vào công ty. Chính sự giới hạn về trách nhiệm này đã góp một phần lớn vào thành công của công ty trách nhiệm hữu hạn. Tuy vậy điều này chỉ đúng với các thành viên không phải quản lý công ty, còn đối với những người lãnh đạo công ty thì quy định này chỉ trên lý thuyết. Trên thực tế trong trường hợp công ty trách nhiệm hữu hạn ở Pháp không trả được nợ, ngay lập tức người quản lý công ty sẽ bị Tòa án yêu cầu đóng góp một phần tài sản cá nhân của mình để trả nợ cho công ty. Sau đó, các chủ nợ, đặc biệt là ngân hàng sẽ luôn đòi hỏi sự bảo lãnh cá nhân của những người quản lý công ty đối với những khoản cầm cố của công ty. Như vậy, đối với người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn thì việc chịu trách nhiệm bằng tài sản cá nhân đối với các khoản nợ của công ty thường cũng giống như ở công ty hợp danh. Tuy nhiên quy định này chỉ áp dụng ở Pháp và một số nước theo hệ thống luật Anh – Mỹ, song đây còn là một vấn đề khoa học đang được tranh cãi ở Châu Âu vì nếu để một thực tế như vậy thì tính chất “hữu hạn” với tính chất là một “dảm bảo tuyệt đối” của các thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn chỉ còn là lý thuyết. Nhưng ngược lại quyền lợi của bên thứ bat ham gia giao dịch với công ty thì luôn bị đe dọa, đặc biệt khi bên thứ ba này là các ngân hàng đóng một vị trí nhất định đối với sự ổn định của nền kinh tế quốc gia.
Ngoài ra, theo quy định của pháp luật Pháp, người chưa thành niên không thể tham gia thành lập hoặc sở hữu một phần vốn trong công ty. Đối với công ty hợp danh, người quản lý công ty có thể là một hoặc nhiều người trong số những thành viên của công ty hoặc có thể là người khác không phả là thành viên công ty. Người quản lý công ty hợp danh có một vị trí ổn định cao vì họ có thể bị cách chức khi tất cả các thành viên khác của công ty đồng ý, nếu bị cách chức mà không có ly do chính đáng thì người quản lý công ty có quyền yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại, đây là một điểm khác biệt so với các công ty đối vốn. Tuy điều lệ của công ty có thể quy định nhằm hạn chế quyền quản lý nhưng điều này chỉ có ý nghĩa trong mối quan hệ giữa người quản lý công ty và các thành viên chứ không ảnh hưởng tới bên thứ ba. Theo quy định của pháp luật Pháp, không chỉ thể nhân mà một pháp nhân cũng có thể quản lý công ty hợp danh, điều này cho phép mở rộng thành viên hợp danh, mở rộng quy mô tổ chức cũng như hoạt động của loại hình công ty này giúp cho các nhà đầu tư có quyền lựa chọn một cách phong phú hơn các loại hình doanh nghiệp.
Ngoài ra, theo quy định của pháp luật Pháp thì công ty hợp danh là một dạng công ty thương mại bất kể mục đích kinh doanh là gì (Điều 1 Luật này 24/7/2966 (Loi du juillet 1966)). Ngay cả khi một công ty hợp danh có mục đích kinh doanh thuần túy dân sự, ví dụ như một bất động sản nào đó, thì công ty hợp danh này vẫn là một công ty thương mại, và như vậy nó phải tuân thủ mọi nghĩa vụ của thương gia và tranh chấp của công ty có thể giải quyết tại tòa thương mại.
2.Công ty hợp danh ở Việt Nam và trách nhiệm tài sản của công ty, thành viên công ty hợp danh.
Theo khoản 1 Điều 130 Luật doanh nghiệp 2005 thi “công ty hợp danh là doanh nghiệp, trong đó:
a) Phải có ít nhất hai thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh); ngoài các thành viên hợp danh có thể có thành viên góp vốn;
b) Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;
c) Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty”.
Như vậy, cũng giống như pháp luật thương mại Pháp, luật doanh nghiệp của Việt Nam quy định: công ty hợp danh là loại hình công ty đối nhân, có từ hai thành viên trở lên, có tư cách pháp nhân, các thành viên hợp danh trong công ty hợp danh chịu chế độ tài sản vô hạn và liên đới. Tuy nhiên, không giống với pháp luật thương mại của Pháp, công ty hợp danh ở Việt Nam không đòi hỏi các thành viên trong công ty phải có tư cách thương nhân. Và điểm khác biệt nhất giữa công ty hợp danh của Việt Nam và Pháp đó là công ty hợp danh của Việt Nam, ngoài những thành viên hợp danh là những người chịu trách nhiệm vô hạn và liên đới đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản của công ty thì còn có thành viên góp vốn, những người chỉ chịu trách nhiệm về tài sản trong phạm vi số vốn đã góp. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, ta hãy cùng đi tìm hiểu về trách nhiệm tài sản của công ty hợp danh và thành viên công ty hợp danh theo pháp luật Việt Nam.
2.1 Trách nhiệm tài sản của công ty hợp danh.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 130 Luật doanh nghiệp 2005 thì “Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”.
Điều 48 Luật dân sự Việt Nam quy định “pháp nhân là một tổ chức được thành lập một cách hợp pháp, có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, có tài sản độc lập với các nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó. Pháp nhân có thể nhân danh mình tham gia vào các quan hệ pháp luật một cách độc lập.”
Như vậy, công ty hợp danh là một pháp nhân, do đó nó có tài sản của mình và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó. Cũng giống như các doanh nghiệp khác, tài sản của công ty hợp danh được hình thành từ tài sản góp vốn của các thành viên công ty. Mặc dù so với các loại hình công ty có tư cách pháp nhân khác thì tài sản của công ty hợp danh có điều đặc biệt là nó rất khó tách bạch với tài sản riêng của các thành viên hợp danh. Đây cũng chính là điểm gây tranh cãi trong quy định của pháp luật về quy định công ty hợp danh có tư cách pháp nhân.
Theo quy định của Luật doanh nghiệp, khi góp vốn các thành viên phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho công ty. Sau khi làm thủ tục chuyển quyền sở hữu, tài sản góp vốn sẽ không còn thuộc sở hữu riêng cảu các thành viên mà trở thành tài sản của công ty hợp danh. Do đó công ty có quyền chiếm hữu, định đoạt số tài sản này. Theo Điểu 132 Luật doanh nghiệp thì tài sản của công ty hợp danh gồm: tài sản góp vốn của các thành viên đã được chuển quyền sở hữu cho công ty; tài sản tạo lập được mang tên công ty; tài sản thu được từ hoạt động kinh doanh do các thành viên hợp danh thực hiện nhân danh công ty và từ các hoạt động kinh doanh các ngành, nghề kinh doanh đã đăng ký của công ty do các thành viên hợp danh nhân danh cá nhân thưc hiện. Trong trường hợp công ty mắc phải những khoản nợ cần phải chi trả thì toàn bộ số tài sản của công ty sẽ được dùng để trả nợ. Nếu tài sản của công ty không đủ để trả nợ thì các thành viên hợp danh của công ty sẽ phải dùng tài sản riêng của mình để trả khoản nợ còn thiếu đó. Đây chính là đặc điểm nổi bật nhất của công ty hợp danh.
2.2 Trách nhiệm tài sản của các thành viên công ty hợp danh.
2.2.1. Trách nhiệm tài sản của thành viên hợp danh.
Cũng giống như luật thương mại Pháp, thành viên hợp danh trong công ty hợp danh ở Việt Nam là nhũng người sáng lập nên công ty, có quyền ngang nhau về đại diện, quản lý, điều hành công ty và chịu trách nhiệm trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty.
Để hiểu sâu hơn về trách nhiệm tài sản của các thành viên hợp danh trong công ty hợp danh ta có thể xem xét những vấn đề sau: chế độ chịu trách nhiệm trực tiếp; chế độ chịu trách nhiệm vô hạn; thành viên hợp danh mới được tiếp nhận vào công ty chỉ chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ của công ty sau khi đăng ký việc gia nhập với cơ quan đăng ký kinh doanh; nếu thành viên hợp danh rút khỏi công ty thì vẫn phải chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ đã có trước khi ra khỏi công ty.
a.Chế độ chịu trách nhiệm trực tiếp của các thành viên hợp danh.
Chế độ chịu trách nhiệm về tài sản của các thành viên trong công ty hợp danh đối với những nghĩa vụ của công ty là trực tiếp. Các thành viên hợp danh trong công ty đều phải chịu trách nhiệm liên đới và vô hạn đối với các khoản nợ của công ty. Do đó, các chủ nợ có quyền yêu cầu trực tiếp bất kỳ thành viên hợp danh nào trong công ty thực hiện nghĩa vụ của công ty đối với mình mà không dứt khoát phải yêu cầu tất cả các thành viên trả nợ.
Các thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm liên đới với nhau. Khi một thành viên hợp danh thực hiện nghĩa vụ trả nợ đối với khoản nợ của công ty thì thành viên này làm cho tất cả các thành viên hợp danh khác trong công ty không phải trả số nợ đó cho chủ nợ nữa. Quyền đòi nợ của chủ nợ chấm dứt với một thành viên thì cũng chấm dứt đối với công ty và với tất cả các thành viên hợp danh còn lại trong công ty. Thành viên hợp danh đã trả nợ sẽ có quyền đòi các thành viên còn lại thanh toán phần nợ của họ trong món nợ đó. Như vậy, quyền đòi nợ của chủ nợ đã được chuyển sang thành viên hợp danh này.
Trách nhiệm liên đới trong công ty hợp danh là trách nhiệm liên đới giữa các thành viên hợp danh. Tuy nhiên vấn đề đặt ra ở đây là các thành viên hợp danh có bị trách nhiệm liên đới với công ty không hay nói cách khác, các chủ nợ có quyền kiện đòi nợ đối với các thành viên hợp danh mà không cần kiện công ty hợp danh đó trước hay không? Vấn đề này không được đề cập tới trong Luật doanh nghiệp 1999 cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên ở một số quốc gia trên thế giới quy định chủ nợ không nhất thiết phải kiện công ty trước khi kiện thành viên. Khi thực hiện quyền yêu cầu của mình, chủ nợ có quyền lựa chon, xem trước hết mình cần kiện công ty hay kiện một hoặc nhiều thành viên hợp danh của công ty. Nếu chủ nợ muốn thỏa mãn bằng tài sản của công ty thì chủ nợ đó kiện công ty hợp danh, ngược lại, chủ nợ phải kiện thành viên hợp danh nếu chủ nợ muốn được trả nợ bằng tài sản riêng của thành viên.
b.Chế độ chịu trách nhiệm vô hạn của các thành viên hợp danh.
Trách nhiệm của các thành viên hợp danh không chỉ hạn chế trong phạm vi phần vốn góp của mình vào công ty. Khác với loại hình công ty đối vốn khi các thành viên chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn góp vào công ty mà các thành viên hợp danh của công ty hợp danh phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với các khoản nợ của công ty. Có nghĩa là trong trường hợp tài sản của công ty không đủ để thực hiện các nghĩa vụ đối với chủ nợ thì các thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm bằng chính tài sản riêng của mình. Đây là một đặc trưng cơ bản của loại hình công ty đối nhân nói chung và công ty hợp danh nói riêng. Đặc trưng này cũng là một đảm bảo tuyệt đối với bên thứ ba tham gia giao dịch với công ty hợp danh. Ở một số nước chính yếu tố này là một đảm bảo của công ty đối với các ngân hàng. Mặt khác, do tính chất chịu trách nhiệm vô hạn nên pháp luật ở các nước hầu hết rất ít quy định bắt buộc đối với loại hình công ty này. Các thành viên hợp danh có thể tự tổ chức ra cơ chế điều hành hoạt động công ty, họ không nhất thiết phải có điều lệ hoạt động, pháp luật các nước nếu có quy định vốn tối thiểu với một số loại công ty thì thường không quy định mức vốn tối thiểu đối với loại hình công ty này.
Khi một thành viên hợp danh chết, phần tài sản của thành viên này trong công ty hợp danh được thừa kế lại cho người thừa kế của người đó. Tuy nhiên, người thừa kế của thành viên hợp danh đó lại không đương nhiên trở thành thành viên hợp danh của công ty hợp danh đó trừ khi được các thành viên hợp danh khác chấp nhận. Phần tài sản của thành viên hợp danh đã chết vẫn thuộc quyền quản lý của công ty và công ty có quyền sử dụng nó. Khi công ty bị giải thể hoặc phá sản, phần tài sản này sẽ được chuyển cho người thừa kế với tính chất di sản thừa kế.
c.Thành viên hợp danh mới được tiếp nhận vào công ty chỉ chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ của công ty sau khi đăng ký việc gia nhập với cơ quan đăng ký kinh doanh.
Khoản 3 Điều 139 Luật doanh nghiệp về tiếp nhận thành viên mới quy định “Thành viên hợp danh mới phải cùng liên đới chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty, trừ trường hợp thành viên đó và các thành viên còn lại có thoả thuận khác”. Khoản 2 Điều 30 Nghị đinh số 03/2006/NĐ – CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật doanh nghiệp ngày 3/2/2000 cũng nói rõ: thành viên hợp danh mới được tiếp nhận vào công ty chỉ chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ của công ty sau khi đăng ký việc gia nhập với cơ quan đăng ký kinh doanh. Như vậy, những cam kết của công ty trước khi thành viên ra nhập không làm nảy sinh trách nhiệm của thành viên này, vì các cam kết trước đó thành viên này không tham gia. Tuy vậy, về mặt nguyên tắc, thành viên hợp danh phải có trách nhiệm, vì do sự gia nhập của mình, thành viên đó đã xác nhận những hành vi công ty làm trước đấy. Song về mặt thực tế, khi giao dịch với công ty trước khi có thành viên hợp danh mói gia nhập, bên thứ ba chỉ nhằm vào trách nhiệm của các thành viên hợp danh hiện hữu. Do vậy, thành viên hợp danh mới gia nhập không phải chịu trách nhiệm với các cam kết trước khi thành viên này ra nhập.
d.Nếu thành viên hợp danh rút khỏi công ty thì vẫn phải chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ đã có trước khi ra khỏi công ty.
Khoản 5 Điều 138 Luật doanh nghiệp quy định về chấm dứt tư cách thành viên hợp danh như sau: “Trong thời hạn hai năm kể từ ngày chấm dứt tư cách thành viên hợp danh theo quy định tại điểm a và điểm d khoản 1 Điều này thì người đó vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ của công ty đã phát sinh trước ngày chấm dứt tư cách thành viên.”
Khoản 3 Điều 31 Nghị đinh số 03/2006/NĐ – CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật doanh nghiệp ngày 3/2/2000 quy định: thành viên hợp danh rút khỏi công ty thì vẫn phải chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ đã có trước khi ra khỏi công ty.
Trong quá trình hoạt động, khi thành viên hợp danh rút khỏi công ty hoặc bị khai trừ ra khỏi công ty thì thành viên này vẫn phải chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ phát sinh từ những cam kết của công ty trước khi thành viên đó rút ra khỏi công ty hoặc bị khai trừ. Công ty hợp danh thường chỉ có một số vốn nhỏ, uy tín của công ty thường dựa vào uy tín cá nhân của các thành viên hợp danh, thêm vào đó bên thứ ba khi giao dịch với công ty thường đặt tín nhiệm nhiều vào cá nhân các thành viên hợp danh, do vậy về những khoản nợ xuất phát từ khi còn là thành viên hợp danh của công ty, thành viên hợp danh vẫn phải chịu trách nhiệm cho dù thành viên này đã rút khỏi công ty, chuyển tư cách thành viên cho người khác hoặc bị khai trừ khỏi công ty hợp danh. Quy định này cũng nhằm tránh trường hợp thành viên hợp danh trốn tránh nghĩa vụ khi thấy trước số nợ lớn của công ty.
2.2.2.Trách nhiệm tài sản của thành viên góp vốn.
Khác với công ty hợp danh của Pháp mang bản chất đối nhân tuyệt đối, nghĩa là trong công ty hợp danh chỉ có một loại thành viên là thành viên hợp danh, công ty hợp danh theo pháp luật Việt Nam có hai loại thành viên là thành viên hợp danh và thành viên góp vốn. Nếu thành viên hợp danh trong công ty hợp danh phải chịu trách nhiêm vô hạn và liên đới với các khoản nợ của công ty thì thành viên góp vốn chỉ phải chịu chế độ trách nhiệm hữu hạn. Các thành viên góp vốn dù góp vốn bằng tiền mặt hay hiện vật, dù góp đủ một lúc hay góp dần thì các thành viên này cũng chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi phần vốn đã góp.
Về giới hạn trách nhiệm của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh theo Luật doanh nghiệp năm 2005 đang có sự mâu thuẫn giữa điểm c khoản 1 Điều 130 với khoản 3 ĐIều 131 và khoản 2 Điều 140. Tại điểm c khoản 1 Điều 130 quy định: “Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty”. Tuy nhiên khoản 3 Điều 131 lại quy định: “Trường hợp có thành viên góp vốn không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết thì số vốn chưa góp đủ được coi là khoản nợ của thành viên đó đối với công ty. Tại điểm a khoản 2 Điều 140 cũng xác định thành viên góp vốn “Chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp”
Như vậy, quy định về trách nhiệm của thành viên góp vốn tại điểm c khoản 1 Điều 130 Luật doanh nghiệp năm 2005 đã không nhất quán với khoản với khoản 3 Điều 131 và khoản 2 Điều 140 luật doanh nghiệp năm 2005. Khi có sự mâu thuẫn như vậycần phải áp dụng quy định nào của pháp luật? Một trong các nguyên tắc áp dụng pháp luật là luật riêng, luật chuyên ngành được ưu tiên áp dụng, chỉ những gì luật riêng, luật chuyên ngành không quy định mới áp dụng quy định chung của pháp luật. Theo logic đó, quy định tại khoản 3 Điều 131 và điểm a khoản 2 Điều 140 Luật doanh nghiệp là những quy định riêng, quy định cụ thể về trách nhiệm, nghĩa vụ của thành viên góp vốn nên được ưu tiên áp dụng trước quy định tại điểm c khoản 1 Điều 130 Luật doanh nghiệp là điều khoản chung, điều khoản định nghĩa.
Như vậy, thành viên góp vốn trong công ty hợp danh chỉ phải chịu trách nhiệm hữu hạn đối với các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty. Một khi đã góp đủ phần vốn góp thì các thành viên góp vốn hết trách nhiệm, điều này có nghĩa là các chủ nợ không có quyền kiện đòi nợ đối với các thành viên góp vốn, các thành viên này không phải chịu trách nhiệm gì đối với chủ nợ ngay cả khi những người quản lý công ty “tiêu tán” mất phần vốn của họ(2).
Tuy nhiên, luật doanh nghiệp năm 2005 cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành không đề cập đến trường hợp nếu như thành viên góp vốn không góp đủ số vốn đã cam kết thì sẽ chịu chế tài như thế nào. Về vấn đề này, ở một số nước quy định các chủ nợ có quyền kiện đòi nợ đối với việc không thực hiện đúng cam kết góp đủ phần vốn góp của các thành viên góp vốn. Theo đó, quyền kiện đòi nợ của các chủ nợ đối với các thành viên góp vốn có thể là gián tiếp thông qua các thành viên hợp danh là người trực tiếp quản lý công ty hoặc trực tiếp với tư cách là chủ nợ của công ty.
KẾT LUẬN
Như vậy có thể thấy rằng giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật Pháp khi quy định về chế độ tài sản của công ty hợp danh và các thành viên của công ty hợp danh có nhiểu điểm tương đồng. Công ty hợp danh của cả hai nước đều có tư cách pháp nhân, thành viên hợp danh của công ty là người chịu trách nhiệm tài sản vô hạn và liên đới đối với các khoản nợ của công ty. Tuy nhiên, công ty hợp danh ở Việt Nam lại có một điểm khác biệt rất lớn với công ty hợp danh ở Pháp, là ngoài thành viên hợp danh, trong công ty còn có thành viên góp vốn, là những người chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn dã góp vào công ty. Tuy nhiên, dù hình thức khác nhau, nhưng bản chất của công ty hợp danh ở đâu cũng không hề thay đổi, công ty hợp danh là loại hình công ty đối nhân điển hình nhất.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Giáo trình Luật Thương Mại – NXb Công an nhân dân, Hà Nội, 2008;
2.Luật Doanh nghiệp 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009;
3.Luật dân sự Việt Nam;
4.Vũ Đặng Hải Yến, Một số vấn đề pháp lý về công ty hợp danh, Luận văn thạc sĩ luật học, Đại học Luật Hà Nội, 2003;
5.Trần Thuỳ Anh, Một số khía cạnh pháp lí về công ty hợp danh, Luận văn thạc sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, 2001;
6.Lê Văn Thuận, Địa vị pháp lí của công ty hợp danh theo Luật doanh nghiệp 1999, Luân văn tốt nghiệp, trường Đại học luật Hà Nội, 2000;
7.Đặng Gia Kiên, công ty hợp danh theo pháp luật Việt Nam, khoá luận tốt nghiệp, Trường Đại học Luật Hà Nội, 2007.
(1) “Société commerciales” – Mé mento Pratique, 1999, p.223.
(2) Vũ Đặng Hải Yến, một số vấn đề pháp lý về công ty hợp danh, Luận văn thạc sĩ luật học, trường đại học luật Hà Nội, Hà Nội, 2003, tr49.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.