Câu hỏi được gửi từ khách hàng: Bán đồ ăn Nhật tại Việt Nam thì cần xin những giấy phép gì?
Tôi mới đi du học Nhật bản về, tôi có được tiếp xúc với khá nhiều món ăn ngon tại đây, giờ tôi muốn mở và kinh doanh chúng tại Việt Nam thì cần những giấy phép gì, kinh doanh dịch vụ ăn uống nước ngoài có đặc biệt gì hơn so với kinh doanh dịch vụ ăn uống trong nước không, xin cảm ơn.
Luật sư Tư vấn Luật an toàn thực phẩm – Gọi 1900.0191
Dựa trên những thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:
1./ Thời điểm pháp lý
Ngày 18 tháng 07 năm 2018
2./ Cơ sở Pháp Luật liên quan tới vấn đề Điều kiện kinh doanh đồ ăn Nhật Bản tại Việt Nam
- Luật doanh nghiệp 2014;
- Luật an toàn thực phẩm 2010;
- Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;
3./ Luật sư tư vấn
Để tiến hành hoạt động kinh doanh bán đồ ăn Nhật tại Việt Nam, người tiến hành hoạt động kinh doanh cần đáp ứng các yêu cầu về đăng ký kinh doanh và các yêu cầu về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo các quy định của pháp luật.
Trước tiên, anh/chị thực hiện đăng ký kinh doanh, lựa chọn một trong hai hình thức: đăng ký hộ kinh doanh hoặc thành lập doanh nghiệp.
Thủ tục đăng ký hộ kinh doanh như sau:
Bước 1: Người đăng ký hộ kinh doanh nộp hồ sơ gửi Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh đến Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện (cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện) nơi đặt địa điểm kinh doanh. Nội dung Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh được quy định tại Điều 71 Nghị định 78/2015.
Bước 2: Cơ quan đăng ký kinh doanh kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, yêu cầu sửa đổi, bổ sung các tài liệu trong trường hợp cần sửa đổi, bổ sung (nếu có)
Bước 3: Khi hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ.
Thủ tục thành lập doanh nghiệp như sau:
Bước 1: Người đăng ký doanh nghiệp Nộp hồ sơ theo quy định tại Phòng đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch đầu tư cấp tỉnh.
Bước 2: Phòng đăng ký kinh doanh kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, yêu cầu sửa đổi, bổ sung các tài liệu trong trường hợp cần sửa đổi, bổ sung hồ sơ (nếu có)
Bước 3: Khi hồ sơ hợp lệ, Phòng đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho người đăng ký kinh doanh trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày hồ sơ hợp lệ.
Sau khi thành lập hộ kinh doanh/doanh nghiệp, căn cứ Điều 36 Luật an toàn thực phẩm 2010, cơ sở kinh doanh cần xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm tại Cục an toàn thực phẩm thuộc Bộ y tế.
Hồ sơ bao gồm:
– Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm;
– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
– Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
– Giấy xác nhận đủ sức khoẻ của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp;
– Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm của chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định của Bộ trưởng Bộ quản lý ngành.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra thực tế điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; nếu đủ điều kiện thì phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; trường hợp từ chối thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Ngoài ra, người tiến hành hoạt động kinh doanh cần đáp ứng các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 Luật an toàn thực phẩm 2010:
Tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm có các nghĩa vụ sau đây:
– Tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm trong quá trình kinh doanh và chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm do mình kinh doanh;
– Kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm, nhãn thực phẩm và các tài liệu liên quan đến an toàn thực phẩm; lưu giữ hồ sơ về thực phẩm; thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc thực phẩm không bảo đảm an toàn theo quy định tại Điều 54;
– Thông tin trung thực về an toàn thực phẩm; thông báo cho người tiêu dùng điều kiện bảo đảm an toàn khi vận chuyển, lưu giữ, bảo quản và sử dụng thực phẩm;
– Kịp thời cung cấp thông tin về nguy cơ gây mất an toàn của thực phẩm và cách phòng ngừa cho người tiêu dùng khi nhận được thông tin cảnh báo của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu;
– Kịp thời ngừng kinh doanh, thông tin cho tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu và người tiêu dùng khi phát hiện thực phẩm không bảo đảm an toàn;
– Báo cáo ngay với cơ quan có thẩm quyền và khắc phục ngay hậu quả khi phát hiện ngộ độc thực phẩm hoặc bệnh truyền qua thực phẩm do mình kinh doanh gây ra;
– Hợp tác với tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc điều tra ngộ độc thực phẩm để khắc phục hậu quả, thu hồi hoặc xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn;
– Tuân thủ quy định của pháp luật, quyết định về thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Chi trả chi phí lấy mẫu và kiểm nghiệm theo quy định tại Điều 48;
– Bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật khi thực phẩm mất an toàn do mình kinh doanh gây ra.
Như vậy, cá nhân, tổ chức có nhu cầu kinh doanh đồ ăn Nhật Bản cần đảm bảo các điều kiện, thủ tục nêu trên.
Với những tư vấn về câu hỏi Bán đồ ăn Nhật tại Việt Nam thì cần xin những giấy phép gì?, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp trên, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.