Bàn về căn cứ khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
Căn cứ khởi tố vụ án, khởi tố bị can là vấn đề quan trọng trong pháp luật tố tụng hình sự (TTHS). Việc nhận thức sâu sắc căn cứ khởi tố vụ án, khởi tố bị can là tiền đề để triển khai và áp dụng có hiệu quả trong thực tế chế định khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung trao đổi, bàn về căn cứ khởi tố vụ án, khởi tố bi can theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015[1].
1. Khởi tố vụ án là giai đoạn mở đầu của TTHS trong đó các chủ thể có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự quy định kiểm tra thông tin, tài liệu thu được, xác định có hay không có dấu hiệu tội phạm để ra quyết định khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án. Khởi tố bị can là hoạt động áp dụng pháp luật TTHS của cơ quan có thẩm quyền trong đó xác định một người, pháp nhânđã thực hiện tội phạm để bắt đầu tiến hành điều tra, áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo trình tự, thủ tục của TTHS.
Căn cứ khởi tố vụ án, khởi tố bị can có vai trò quan trọng trong giai đoạn khởi tố. Việc tiến hành khởi tố chỉ được khởi động nếu xác định có căn cứ khởi tố. Việc khởi tố đúng pháp luật hay không phụ thuộc vào căn cứ khởi tố.
2. Căn cứ khởi tố vụ án được quy định tại Điều 143 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Từ quy định của điều luật trên có thể khẳng định về mặt pháp lý, căn cứ khởi tố vụ án hình sự đã được xác định là “dấu hiệu của tội phạm” nghĩa là chỉ được khởi tố khi đã xác định có dấu hiệu của tội phạm.
Mặc dù đã được quy định cụ thể trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, nhưng nhận thức và giải thích về căn cứ khởi tố vụ án hình sự hiện đang có nhiều ý kiến khác nhau: Có được những thông tin thực tế khác quan về hành vi phạm tội[2], có sự việc xảy ra và sự việc đó có dấu hiệu tội phạm[3]; căn cứ để xác định dấu hiệu của tội phạm[4]; có được những thông tin thực tế khách quan về hành vi phạm tội[5].
Theo tác giả, các nhà nghiên cứu đều xuất phát từ lý luận triết học về cặp phạm trù nội dung – hình thức để phân tích, lý giải căn cứ khởi tố, nhưng do đặt trong mối quan hệ khác nhau và phương diện tiếp cận khác nhau nên dẫn đến sự giải thích khác nhau. Trên cơ sở lý luận chứng cứ và đặt căn cứ khởi tố trong mối quan hệ với nguồn tài liệu chứa đựng phản ánh nó (theo quy định từ khoản 1 đến khoản 6 Điều 143 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015) thì căn cứ khởi tố được giải thích là chứng cứ chứng minh (xác định) có dấu hiệu tội phạm. Đặt trong mối quan hệ giữa Luật Hình sự và Luật Tố tụng hình sự thì căn cứ khởi tố được giải thích là dấu hiệu của tội phạm. Nếu đặt trong mối quan hệ giữa chứng cứ với đối tượng chứng minh thì nội dung quy định tại Điều 143 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cho thấy rằng, cơ sở khởi tố là nguồn chứng cứ, do đó, cái được rút ra từ nguồn chứng cứ phải là chứng cứ; dấu hiệu tội phạm (căn cứ khởi tố) là đối tượng chứng minh, là vấn đề mà chứng cứ có nhiệm vụ phải làm rõ.
Những quan điểm và cách giải thích trên chỉ có ý nghĩa về lý luận, học thuật. Trong thực tiễn, đối với hoạt động áp dụng pháp luật, hai cách giải thích trên đều có thể chấp nhận vì đều làm rõ được nội dung, bản chất của quy phạm pháp luật về căn cứ khởi tố và đều tạo cơ sở cho việc áp dụng đúng pháp luật. Dấu hiệu tội phạm được chứng cứ chứng minh (xác định) hay nói ngược lại có chứng cứ xác định dấu hiệu tội phạm, về bản chất được hiểu giống nhau. Trong quy định của luật về căn cứ khởi tố, nói đến chứng cứ không thể không nói đến đối tượng chứng minh của nó (là dấu hiệu tội phạm) vì nếu không có đối tượng chứng minh thì sẽ không có chứng cứ; ngược lại nói đến dấu hiệu tội phạm cũng không thể không đề cập đến chứng cứ xác định nó, vì dấu hiệu tội phạm không tự bộc lộ mà phải được xác định bằng chứng cứ. Khi giải thích về căn cứ khởi tố nếu tách dấu hiệu tội phạm ra khỏi mối quan hệ với chứng cứ xác định nó sẽ siêu hình, phiến diện.
Trong quy định về căn cứ khởi tố bị can, khoản 1 Điều 179 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã ghi rõ: “Khi có đủ căn cứ để xác định một người hoặc pháp nhân đã thực hiện hành vi mà Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm thì Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can”. Quy định trên phản ánh rõ hai khía cạnh của căn cứ khởi tố và mối quan hệ giữa chúng, đó là, chứng cứ (căn cứ để xác định đối tượng chứng minh…) và vấn đề cần làm rõ (đối tượng chứng minh – hành vi phạm tội).
Khi giải thích về căn cứ khởi tố vụ án thì vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là hiểu đúng nội dung, phạm vi của quy định “dấu hiệu tội phạm”. Theo tác giả, dấu hiệu tội phạm trong căn cứ khởi tố vụ án quy định tại Điều 143 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 được hiểu không hoàn toàn giống các dấu hiệu của tội phạm trong khái niệm tội phạm và dấu hiệu của các yếu tố cấu thành tội phạm trong lý luận về cấu thành tội phạm.
Các dấu hiệu của tội phạm được rút ra từ khái niệm tội phạm (tính nguy hiểm cho xã hội, tính có lỗi, tính trái pháp luật hình sự, tính chịu hình phạt…) là những thuộc tính của tội phạm. Các dấu hiệu của tội phạm được rút ra từ khái niệm tội phạm thì một hành vi chỉ bị coi là tội phạm khi có đủ các dấu hiệu, thuộc tính này nếu thiếu một dấu hiệu nào đó không phải là tội phạm. Dấu hiệu trong cấu thành tội phạm được hiểu là một biểu hiện, một nội dung của các yếu tố cấu thành tội phạm (như dấu hiệu hành vi, dấu hiệu hậu quả… trong mặt khách quan; dấu hiệu lỗi, dấu hiệu động cơ, dấu hiệu mục đích… trong mặt chủ quan của tội phạm…). Trong lý luận về cấu thành tội phạm cũng phải đầy đủ các dấu hiệu trong cấu thành tội phạm không thể chỉ dựa vào một vài dấu hiệu trong cấu thành tội phạm để kết luận một chủ thể đã thực hiện tội phạm và phải chịu trách nhiệm hình sự.
Theo tác giả, “dấu hiệu tội phạm” trong căn cứ khởi tố vụ án quy định tại Điều 143 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 khác các dấu hiệu của tội phạm trong khái niệm tội phạm và dấu hiệu của các yếu tố cấu thành tội phạm trong lý luận về cấu thành tội phạm. Đối với dấu hiệu tội phạm với ý nghĩa là căn cứ khởi tố vụ án phải được hiểu theo nghĩa chung, khái quát. Đó là những biểu hiện, những “khía cạnh” của tội phạm được chứng minh, xác định bằng chứng cứ cụ thể. Sự khác nhau về dấu hiệu tội phạm trong căn cứ khởi tố vụ án hình sự với dấu hiệu tội phạm trong khái niệm tội phạm và dấu hiệu của các yếu tố cấu thành tội phạm trong lý luận về cấu thành tội phạm là ở tính đầy đủ chứ không phải tính khách quan. Khi khởi tố vụ án chỉ cần xác định biểu hiện tội phạm, chưa cần thiết phải xác định đầy đủ các dấu hiệu của tội phạm được rút ra từ khái niệm tội phạm và các dấu hiệu trong cấu thành tội phạm. Tại thời điểm ra quyết định khởi tố vụ án chưa yêu cầu xác định ngay người thực hiện tội phạm là ai, hành vi thực hiện tội phạm diễn ra như thế nào. Mặt khác, những biểu hiện của tội phạm trong căn cứ khởi tố là có thật, tồn tại khách quan và đã được xác định (chứng minh). Căn cứ khởi tố vụ án trả lời câu hỏi đặt ra là dựa vào đâu, vào cái gì để quyết định mở cuộc điều tra theo trình tự, thủ tục TTHS. Do đó, căn cứ khởi tố vụ án không thể cùng nội dung với căn cứ xác định có tội trong khái niệm tội phạm (xác định một hành vi là tội phạm) và trong cấu thành tội phạm.
Căn cứ khởi tố vụ án và căn cứ khởi tố bị can có mối liên hệ chặt chẽ. Việc xác định đúng căn cứ khởi tố bị can, trong nhiều trường hợp là yếu tố góp phần khắc phục những thiếu sót khi khởi tố vụ án hoặc góp phần làm cho nhiệm vụ của khởi tố được thực hiện đầy đủ (trường hợp thay đổi quyết định khởi tố, khởi tố bổ sung).
Khoản 1 Điều 179 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định “Khi có đủ căn cứ để xác định một người hoặc pháp nhân đã thực hiện hành vi mà Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm thì Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can”.
Như vậy, khởi tố vụ án và khởi tố bị can có điểm giống nhau, đều là quyết định bắt đầu điều tra công khai theo trình tự thủ tục TTHS, nhưng khác nhau về thời điểm, yêu cầu và căn cứ khởi tố. Nếu như tại thời điểm ra quyết định khởi tố vụ án chưa yêu cầu xác định ngay người thực hiện tội phạm là ai, pháp nhân nào; hành vi thực hiện tội phạm diễn ra như thế nào thì khi quyết định khởi tố bị can phải xác định chính xác một người hoặc pháp nhân cụ thể đã thực hiện hành vi phạm tội. Khởi tố bị can không chỉ được tiến hành ở giai đoạn khởi tố vụ án mà còn được thực hiện trong giai đoạn điều tra hay trong giai đoạn truy tố nếu phát hiện có người thực hiện tội phạm.
3. Để có căn cứ khởi tố thì Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát phải thông qua các hoạt động kiểm tra, xác minh thu thập chứng cứ, đánh giá sơ bộ để xác định có hay không có một tội phạm tương ứng với một tội danh đã được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự xảy ra trên thực tế. Khi ra quyết định khởi tố vụ án hình sự thì không bắt buộc phải chứng minh đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm. Thông thường, chỉ cần làm rõ khách thể trực tiếp của tội phạm, các dấu hiệu bắt buộc trong mặt khách quan và chủ quan của tội phạm. Vì thế khi xác định có dấu hiệu của tội phạm dù chưa rõ người thực hiện hành vi phạm tội là ai, pháp nhân nào… việc ra quyết định khởi tố vụ án hình sự vẫn được tiến hành.
Mặt khác, không phải tất cả các vụ việc sau khi đã xác định có dấu hiệu của tội phạm thì bắt buộc đều phải khởi tố vụ án hình sự. Tội phạm là một hiện tượng xã hội luôn gắn với một thời điểm, một hoàn cảnh cụ thể, do đó việc khởi tố hay không khởi tố phải gắn với rất nhiều các yếu tố như: chính sách hình sự của nhà nước, yêu cầu của công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm. Do vậy, khi khởi tố vụ án hình sự ngoài việc xác định các dấu hiệu của tội phạm, còn phải kết hợp với một số điều kiện như: Cơ sở của trách nhiệm hình sự (Điều 3); nguyên tắc xử lý (Điều 3); thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (Điều 27); miễn trách nhiệm hình sự (Điều 29); tuổi chịu trách nhiệm hình sự (Điều 12) và một số quy định khác ở một số tội danh ở từng thời điểm cụ thể theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Để xác định căn cứ khởi tố được chính xác, khách quan, cơ quan có thẩm quyền khởi tố cần thận trọng cân nhắc, đối chiếu các dấu hiệu của tội phạm với các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015[6] để xác định chính xác tội danh, hành vi phạm tội cần khởi tố để ra quyết định khởi tố vụ án hình sự. Để khắc phục tình trạng khởi tố vụ án hình sự không có căn cứ pháp lý, việc khởi tố kéo dài không chứng minh được tội phạm và người phạm tội dẫn đến việc bắt oan, bắt sai hoặc bỏ lọt tội phạm, người phạm tội, làm giảm uy tín của cơ quan có thẩm quyền khởi tố với công dân, thì các cơ quan có thẩm quyền khởi tố phải quán triệt nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa trong việc khởi tố. Việc khởi tố phải đảm bảo có căn cứ theo luật định, các quyết định khởi tố phải gửi đến Viện Kiểm sát để kiểm sát việc khởi tố. Ngoài ra, việc xác định căn cứ khởi tố vụ án, khởi tố bị can phải dựa trên các nguồn theo quy định tại Điều 143 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, cụ thể: Tố giác của cá nhân; tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân; tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng; kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước; cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm; người phạm tội tự thú.
ThS. Lưu Thanh Hùng
Trường Đại học An ninh nhân dân
[1]Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) đã được thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 13 ngày 27/11/2015. Bộ luật này chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2016.
[2] Xem: Viện nghiên cứu Nhà nước và Pháp luật (1995), Tội phạm học, Luật Hình sự và Luật Tố tụng hình sự Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr 76.
[3] Xem: Viện Thông tin khoa học xã hội (1981), Sưu tập chuyên đề những vấn đề lý luận về Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự và tội phạm học, Hà Nội, tr 154.
[4] Xem: Viện Khoa học pháp lý (1999), Bình luận khoa học Bộ luật Tố tụng Hình sự, Nxb. Thành phố HồChíMinh, tr.463.
[5] Xem: Viện khoa học pháp lý (2005), Bình luận khoa học Bộ luật Tố tụng Hình sự, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, tr 347.
[6] Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 13 ngày 27/11/2015. Bộ luật này chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2016.
Tham khảo thêm:
- Bàn về khái niệm quyết định hành chính
- Một số vấn đề về quyền bào chữa của người bị buộc tội theo quy định của pháp luật quốc tế
- Góp phần hoàn thiện thể chế pháp lý về kiểm soát quyền lực nhà nước ở Việt Nam
- Công tác vệ sinh, an toàn lao động đối với khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa trong giai đoạn hội nhập
- Nâng cao chất lượng tranh tụng trong xét xử vụ án hình sự – Nhìn từ góc độ cải cách tư pháp
- Vấn đề cơ sở của trách nhiệm hình sự đối với các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính
- Bàn về quy định tính hiệu lực của Hiến pháp Việt Nam dưới góc nhìn đối chiếu với Hiến pháp một số quốc gia Đông Nam Á
- Bình luận về chế định hộ gia đình trong Bộ luật Dân sự
- Hoàn thiện pháp luật bảo đảm quyền của người lao động trong xử lý kỷ luật lao động
- Nâng cao vai trò hoạt động xét xử của Hội thẩm nhân dân trong điều kiện cải cách tư pháp ở nước ta hiện nay
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.