Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong khoảng không vũ trụ.
Quyền sở hữu trí tuệ từ thế kỷ trước đã được ghi nhận và bảo hộ bởi pháp luật quốc tế cũng như hệ thống pháp luật của hầu hết các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng của quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại quốc tế nói chung và trong lĩnh vực khai thác khoảng không vũ trụ nhằm mục đích thương mại nói riêng.
Điều 11 – mục H – Nguyên tắc chung điều chỉnh việc sử dụng vệ tinh nhân tạo của các quốc gia để truyền hình trực tiếp quốc tế được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua tại Nghị quyết số 37/92 ngày 10/12/1982 quy định: “Quyền tác giả và quyền kề cận: Không ảnh hưởng đến quy định liên quan của pháp luật quốc tế, các Quốc gia hợp tác song phương và đa phương để bảo vệ quyền tác giả và quyền kề cận bằng những hiệp định phù hợp cho quyền lợi của các quốc gia hoặc các tổ chức trong phạm vi thẩm quyền của mình.
Trong sự hợp tác đó họ phải quan tâm đặc biệt đến lợi ích của nước đang phát triển trong việc sử dụng phát sóng truyền hình trực tiếp nhằm thúc đẩy sự phát triển quốc gia đó.”
1. Tầm quan trọng của pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ trong khoảng không vũ trụ
Trong lĩnh vực khai thác khoảng không vũ trụ nhằm mục đích thương mại, có rất nhiều đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ (sản phẩm trí tuệ) được tạo ra như: Các chương trình mang phát sóng mang tín hiệu vệ tinh, các bí mật thương mại, các sáng chế (tên lửa, tàu vũ trụ, vệ tinh và vật thể vũ trụ khác), các hình ảnh chụp được của vệ tinh…
Tất cả các sản phẩm trí tuệ đó đều cần được bảo vệ vì đó là những lợi ích thương mại của các chủ sở hữu và các quốc gia, các tổ chức kinh tế khi tham gia khai thác khoảng không vũ trụ.
Việc thiết lập một chế độ pháp lý hiệu quả để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong khoảng không vũ trụ là vấn đề thực sự quan trọng.
Nếu thiếu cơ sở pháp lý sẽ ảnh hưởng đến sự tiến bộ của việc nghiên cứu khoảng không vũ trụ và sự hợp tác quốc tế về vũ trụ.
Việc hạn chế độc quyền nhờ vào bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sẽ mang đến một lợi ích cạnh tranh cho những chủ sở hữu quyền bằng việc ký kết hợp đồng chuyển nhượng hoặc ngăn chặn đối phương sử dụng công nghệ[1].
Việc xây dựng những quy định bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cũng góp phần khuyến khích hoạt động chuyển giao công nghệ xuyên biên giới trong lĩnh vực vũ trụ, giúp các nước đang phát triển, đã phát triển đều thấy an toàn khi lợi ích quốc gia của mình đều được đảm bảo trong quá trình tham gia vào hoạt động chuyển quyền sở hữu trong khoảng không vũ trụ.
2. Một số vấn đề pháp lý và thưc tiễn đặt ra liên quan đến việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong quá trình sử dụng khoảng không vũ trụ
Về mặt lý thuyết, đối tượng sở hữu trí tuệ liên quan đến việc khai thác khoảng không vũ trụ có thể được chia thành:
(1) Các đối tượng sở hữu trí tuệ thực hiện trên trái đất để ứng dụng trong vũ trụ;
(2) Các đối tượng sở hữu trí tuệ thực hiện trên trái đất để ứng dụng trên trái đất với tư cách là kết quả của hoạt động vũ trụ (bao gồm cả viễn thông);
(3) Các đối tượng sở hữu trí tuệ được thực hiện trong khoảng không vũ trụ để ứng dụng trên trái đất;
(4) Các đối tượng sở hữu trí tuệ được thực hiện trong khoảng không vũ trụ để ứng dụng trong vũ trụ;
(5) Các đối tượng sở hữu trí tuệ được cấp bằng trên trái đất để ứng dụng trong khoảng không vũ trụ và sử dụng trong khoảng không vũ trụ.
Có một số vấn đề đặt ra liên quan đến việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực khai thác, sử dụng khoảng không vũ trụ cụ thể:
Thứ nhất, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quan niệm truyền thống là mang tính chất lãnh thổ quốc gia. Tuy nhiên, có một nguyên tắc khác cần lưu ý là không một quốc gia nào có quyền tuyên bố chủ quyền trong khoảng không vũ trụ. Vậy cần có các quy định pháp luật quốc tế trong lĩnh vực khai thác khoảng không vũ trụ nhằm mục đích thương mại để dung hòa hai nguyên tắc này.
Thứ hai, các quy định pháp luật sở hữu trí tuệ quốc tế và quốc gia có được áp dụng để điều chỉnh vấn đề quyền sở hữu trí tuệ trong khoảng không vũ trụ?
Thứ ba, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sáng chế thực hiện trong khoảng không vũ trụ sẽ tuân theo hệ thống pháp luật nào? Liệu rằng tuân theo pháp luật của quốc gia mà chủ sở hữu mang quốc tịch hay quốc gia nơi mà sáng chế đó được sử dụng hay quốc gia khai thác giá trị thương mại của sáng chế đó?. Theo dự đoán của một số chuyên gia vũ trụ thì các sáng chế được thực hiện trong khoảng không vũ trụ sẽ diễn ra mạnh mẽ trong thế kỷ 21. Hơn nữa, nếu chúng ta phân tích các loại sáng chế liên quan đến khoảng không vũ trụ được đề cập trong các nhóm (3) nhóm và nhóm (5) nêu trên, sẽ nhận ra rằng điểm chính của các loại này sẽ liên quan đến khía cạnh thẩm quyền tài phán. Do vấn đề quyền tài phán đối với các tranh chấp liên quan đến khoảng không vũ trụ, trong đó có cả tranh chấp sở hữu trí tuệ, chưa được quy định rõ ràng, nên sẽ gây ra khá nhiều vấn đề pháp lý cho cộng đồng quốc tế trong việc áp dụng pháp luật quốc gia và/hoặc lựa chọn hệ thống pháp luật áp dụng.
Trên thực tế, bằng sáng chế được cấp ở một quốc gia không có hiệu lực tại lãnh thổ quốc gia khác trừ trường hợp có điều ước quốc tế giữa các quốc gia quy định khác.
Trong khi đó, theo quy định của Hiệp định vũ trụ năm 1967, khoảng không vũ trụ có thể được tự do sử dụng vì mục đích hòa bình mà không bị chiếm hữu bởi bất kỳ quốc gia nào.
Theo nguyên tắc chung của pháp luật vũ trụ quốc tế, một nước thành viên của Hiệp ước vũ trụ, có đăng ký của một vật thể vũ trụ phóng vào khoảng không vũ trụ thì được duy trì thẩm quyền và kiểm soát vật thể vũ trụ đó.
Áp dụng pháp luật sáng chế quốc gia cho hoạt động trong khoảng không vũ trụ sẽ đặt ra câu hỏi pháp lý về vấn đề giới hạn lãnh thổ của quốc gia, ví dụ: Làm thế nào có thể đối phó với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong khoảng không vũ trụ, hoặc điều kiện để trở thành một đối tượng có tính sáng tạo để được cấp bằng sáng chế trên một trạm vũ trụ?
Hoạt động thương mại trong khoảng không vũ trụ đang ngày càng gia tăng và Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế khai thác và hợp tác khai thác khoảng không vũ trụ.
Gần đây, các tổ chức kinh tế của Việt Nam đã và đang tham gia vào “thị trường” viễn thông, thông tin liên lạc khai thác khoảng không vũ trụ – một “thị trường” nóng bỏng và đang phải chịu sự cạnh tranh vô hình từ các đối tác nước ngoài.
Nếu Việt Nam chưa chuẩn bị các quy định bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm công nghệ vũ trụ một cách rõ ràng thì sự bất lợi trước tiên sẽ dành cho các tổ chức kinh tế của Việt Nam được Nhà nước ủy quyền tham gia trong hoạt động hợp tác với các quốc gia trên thế giới cùng khai thác, sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hòa bình.
Hơn nữa, những quy phạm pháp luật sở hữu trí tuệ đó của Việt Nam còn cần phải được xây dựng phù hợp, tương thích với pháp luật quốc tế để đảm bảo sự hội nhập đối với nền công nghệ vũ trụ trên thế giới.
3. Một số đề xuất về việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật quốc tế và quốc gia nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong quá trình sử dụng khoảng không vũ trụ
3.1. Đối với pháp luật quốc tế
(i) Cần quy định rõ những đối tượng sở hữu trí tuệ được bảo hộ trong khoảng không vũ trụ
Như đã trình bày ở trên, quan niệm truyền thống về các đối tượng sở hữu trí tuệ bao gồm: Sáng chế, giải pháp hữu ích, tác phẩm khoa học, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp…
Trong quá trình hoạt động trong khoảng không vũ trụ thì các đối tượng này cũng sẽ có thể phát sinh và là thành quả có thể được tạo ra của hoạt động vũ trụ. Vì vậy, trước hết khái niệm và phạm vi các đối tượng sở hữu trí tuệ truyền thống cũng nên được áp dụng trong lĩnh vực hoạt động vũ trụ. Tuy nhiên, nếu dừng lại ở những khái niệm đó thì các đối tượng sở hữu trí tuệ trong hoạt động vũ trụ vẫn chưa được xác định rõ bởi lẽ hoạt động vũ trụ vừa gắn với khoảng không vũ trụ vừa gắn với trái đất và các hành tinh khác.
Vì vậy, cần phải bổ sung khái niệm các đối tượng sở hữu trí tuệ liên quan đến hoạt động vũ trụ được bảo hộ, bao gồm: (1) Quyền sở hữu công nghiệp đối với: Sáng chế, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lí, kiểu dáng công nghiệp, bí mật kinh doanh, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh; (2) Quyền tác giả và quyền liên quan: Tác phẩm khoa học, tác phẩm văn học, tác phẩm nghệ thuật, cuộc biễu diễn, bản ghi âm, bản ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa; (3) Quyền đối với giống cây trồng. Và đồng thời: (1) Được thực hiện trên trái đất để ứng dụng trong vũ trụ; (2) Được thực hiện trên trái đất để ứng dụng trên trái đất với tư cách là kết quả của hoạt động vũ trụ (bao gồm cả viễn thông); (3) Được thực hiện trong khoảng không vũ trụ để ứng dụng trên trái đất; (4) Được thực hiện trong khoảng không vũ trụ để ứng dụng trong vũ trụ; (5) Được cấp bằng trên trái đất để ứng dụng trong khoảng không vũ trụ và sử dụng trong khoảng không vũ trụ.
(ii) Luật điều chỉnh quyền sở hữu trong khoảng không vũ trụ là hệ thống luật nào?
Câu hỏi đặt ra là liệu nguyên tắc chủ quyền lãnh thổ trong luật sở hữu trí tuệ có cho phép mở rộng phạm vi áp dụng của luật quốc gia và khu vực đối với vật thể vũ trụ mà quốc gia đã đăng ký và phóng vào khoảng không vũ trụ.
Sự khác nhau ở đây là giữa những hoạt động được tiến hành trong khoảng không vũ trụ và những hoạt động liên quan đến khoảng không vũ trụ được thực hiện trên lãnh thổ của một quốc gia hoặc trên lãnh thổ của một vài quốc gia.
Theo nguyên tắc chung về tính chất lãnh thổ của quyền sở hữu trí tuệ, việc thực hiện và thực thi quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến những sáng tạo trí tuệ được làm ra trên khoảng không vũ trụ nhưng được sử dụng tại một hoặc các lãnh thổ trên trái đất nói chung sẽ được điều chỉnh bởi luật sở hữu trí tuệ quốc gia (hoặc khu vực) tại quốc gia hoặc những quốc gia có liên quan.
Vì vậy, cần phải áp dụng các quy định chung về sở hữu trí tuệ đối với các hoạt động được tiến hành trong khoảng không vũ trụ, không cần xem xét đến nơi sáng chế được tạo ra.
(iii) Giải thích điều 5 – Công ước Paris
Điều 5 – Công ước Paris quy định những giới hạn nhất định của quyền độc quyền sáng chế vì lợi ích công cộng trong việc đảm bảo quyền tự do vận chuyển.
Về nguyên tắc, nếu tàu, tàu bay hoặc phương tiện đường bộ quá cảnh nước ngoài và có sáng chế trên tàu, thì bản quyền sáng chế sẽ không bắt buộc phải đăng ký tại quốc gia đó để tránh xâm phạm các sáng chế (học thuyết hiện diện nhất thời).
Câu hỏi nảy sinh là liệu học thuyết hiện diện nhất thời này có được áp dụng cho tàu vũ trụ hay không? Điều 5 – Công ước Paris chỉ đề cập đến tàu biển, tàu bay hoặc phương tiện đường bộ nên tàu vũ trụ không phải là đối tượng điều chỉnh của quy định này.
Do vậy những yếu tố hiện diện tạm thời của một trạm vũ trụ vì mục đích phóng hoặc trả về ở quốc gia nước ngoài sẽ không được tự động loại trừ khỏi việc xâm phạm sáng chế. Theo quan điểm này, khi có sự hợp tác quốc tế, nếu một chuyến bay hoặc tên lửa đẩy của quốc gia X được đăng ký ở quốc gia Y, tổ chức phóng của quốc gia X có thể xâm phạm đến sáng chế có hiệu lực tại quốc gia Y vì thực tế là quốc tịch của người phóng là quốc gia Y[2].
Tuy nhiên, vấn đề này vẫn cần phải được khẳng định bằng các quy định pháp luật cụ thể trong quá trình hoàn thiện luật hàng không và luật vũ trụ quốc tế.
(iv) Các quốc gia trên thế giới cần hợp tác để ban hành một hoặc nhiều điều ước quốc tế riêng biệt về quyền sở hữu trí tuệ
Nhứng điều ước quốc tế này sẽ bao gồm các nội dung chính: (1) Những nguyên tắc cơ bản của việc sử dụng các sáng chế, giải pháp hữu ích, công trình khoa học… trong lĩnh vực sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hòa bình; (2) Điều kiện và quy trình đăng ký đối tượng sở hữu công nghiệp và bản quyền tác giả trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ phạm vi quốc tế; (3) Trách nhiệm của quốc gia đối với những vi phạm quyền sở hữu công nghiệp, bản quyền tác giả trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ.
(v) Cần bổ sung thêm những quy định riêng biệt về bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, bản quyền tác giả trong hoạt động vũ trụ vào các điều ước quốc tế hiện hành
– Công ước Paris về bảo hộ kiểu dáng công nghiệp năm 1883: Các quy định về bảo hộ quyền sở hữu độc quyền đối với kiểu dáng thiết kế tàu vũ trụ thương mại, vệ tinh, trạm vũ trụ…
– Hiệp định về khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) năm 1994: Các quy định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động thương mại gắn liền với sử dụng khoảng không vũ trụ.
– Hiệp ước về hợp tác sáng chế (PCT) năm 1970: Các quy định về bảo hộ quyền độc quyền đối với các sáng chế trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ như: thang vũ trụ, tên lửa đẩy, hệ thống định vị toàn cầu…
3.2. Đối với pháp luật quốc gia
(i) Cần ban hành một tập hợp quy phạm pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ
Mỗi quốc gia cần ban hành một tập hợp quy phạm pháp luật nằm trong ngành luật vũ trụ và ngành luật dân sự để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động vũ trụ (intellectual property rights in space activities).
Tập hợp quy phạm pháp luật về quyền sở hữu trong hoạt động vũ trụ đó có thể dưới một trong các hình thức: (1) Một đạo luật riêng về quyền sở hữu trí tuệ trong khoảng không vũ trụ; (2) Một chương (chế định) trong luật sở hữu trí tuệ; (3) Một chương (chế định) trong bộ luật dân sự; (4) Một chương (chế định) trong luật vũ trụ; (5) Một chương (chế định) trong luật thương mại vũ trụ.
Tuy nhiên, cũng có thể kết hợp nhiều hình thức nêu trên để quy định về quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động vũ trụ, bao gồm: (1) Quyền sở hữu trí tuệ trong khoảng không vũ trụ được áp dụng theo các quy định pháp luật điều chỉnh quyền sở hữu trí tuệ trên trái đất; (2) Những quy định riêng về quyền sở hữu trí tuệ trong khoảng không vũ trụ
(ii) Vấn đề thực thi luật sở hữu trí tuệ trong hoạt động khoảng không vũ trụ
Việc thực thi các quyền sở hữu trí tuệ có liên quan đến sáng tạo trí tuệ được thực hiện trong vũ trụ nhưng sử dụng tại một hoặc nhiều vùng lãnh thổ trên trái đất nhìn chung là được điều chỉnh bởi pháp luật quốc gia và khu vực có liên quan.
Thừa nhận nguyên tắc lãnh thổ đối với một vật thể vũ trụ có nghĩa là vấn đề thẩm quyền cũng như vấn đề áp dụng luật đối với vật thể vũ trụ theo luật quốc gia về đăng ký vật thể vũ trụ. Với điều kiện quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm trong khoảng không vũ trụ được giải quyết giống như trường hợp việc xâm phạm xảy ra trong lãnh thổ của một quốc gia cụ thể.
Trong tương lai có thể dự đoán, các hoạt động của nhân loại trong khoảng không vũ trụ sẽ bị hạn chế trong hoạt động của trạm không gian hoặc có liên quan đến trạm không gian. Vì vậy, mối quan tâm đầu tiên về việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong khoảng không vũ trụ sẽ liên quan đến việc sản xuất và sử dụng của các sáng chế đã được cấp bằng cũng như sử dụng sản phẩm có bản quyền, như là phần mềm, trong khoảng không vũ trụ.
Để giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia, cần quy định trong luật pháp của quốc gia về thẩm quyền của tòa án giải quyết tranh chấp có liên quan đến sở hữu trí tuệ, bao gồm các vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và hiệu lực của việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ.
Nhìn chung, các vấn đề thẩm quyền, luật áp dụng và việc thực thi các phán quyết của cơ quan xét xử nước ngoài cần được tuân theo các quy định của pháp luật quốc gia về tư pháp quốc tế. Bởi vấn đề điều chỉnh sao cho hài hòa trong lĩnh vực này còn hạn chế nên nên vẫn còn sự kết hợp giữa tư pháp quốc tế và luật pháp quốc gia tồn tại song song, và việc giải quyết tranh chấp sở hữu trí tuệ liên quan đến khoảng không vũ trụ có yếu tố nước ngoài vẫn đang cần phải thảo luận thêm.
(iii) Các quốc gia cần thể hiện sự hợp tác trong lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động vũ trụ bằng cách gia nhập các điều ước quốc tế về quyền sở hữu trí tuệ cũng như về sử dụng khoảng không vũ trụ
Các điều ước cụ thể đó là: Công ước Paris về bảo hộ kiểu dáng công nghiệp năm 1883; Công ước Berne về bảo hộ tác phẩm văn học và nghệ thuật năm 1886; Hiệp định về khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) năm 1994; Hiệp ước về hợp tác sáng chế (PCT) năm 1970; Hiệp ước về các quy tắc điều chỉnh hoạt động của các quốc gia trong việc nghiên cứu và sử dụng khoảng không vũ trụ, bao gồm mặt trăng và các thiên thể khác năm 1967; Công ước về đăng ký các vật thể được phóng vào khoảng không vũ trụ năm 1975.
ThS.LS. Đỗ Minh Ánh
Luật sư Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội
[1] Theo International Bureau of WIPO, Intellectual Property and Space Activities – Issue paper prepared by the International Bureau of WIPO, 2004, paraghaph 18-21, page 4 – 5
[2] Theo International Bureau of WIPO, Intellectual Property and Space Activities – Issue paper prepared by the International Bureau of WIPO, 2004, paraghaph 74, page 20
Bài liên quan:
- Bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa theo pháp luật Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào
- VỀ QUYỀN PHOTOCOPY TÁC PHẨM TRONG MÔI TRƯỜNG GIÁO DỤC
- Pháp luật về bảo hộ tên thương mại của một số nước trên thế giới và kinh nghiệm đối với Việt Nam
- Một số vấn đề về giải quyết tranh chấp sở hữu trí tuệ theo thủ tục tố tụng dân sự
- Những bất cập, hạn chế của pháp luật về sở hữu trí tuệ và kiến nghị hoàn thiện
- VẤN ĐỀ THỂ CHẾ HÓA QUYỀN TÀI SẢN TRONG HOÀN THIỆN THỂ CHẾ KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XHCN
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.
Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN