BẢO LÃNH NHÀ Ở HÌNH THÀNH TRONG TƯƠNG LAI: TỪ QUY ĐỊNH ĐẾN THỰC TIỄN

BẢO LÃNH NHÀ Ở HÌNH THÀNH TRONG TƯƠNG LAI: TỪ QUY ĐỊNH ĐẾN THỰC TIỄN

 KHUÊ NGUYỄN

Bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai là quy định nhằm bảo vệ quyền lợi người mua nhà và làm lành mạnh thị trường bất động sản, được thị trường đánh giá cao.

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã công bố danh sách 42 ngân hàng thương mại đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai cho khách hàng theo quy định tại Thông tư 13/2017/TT-NHNN. Bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai là quy định nhằm bảo vệ quyền lợi người mua nhà và làm lành mạnh thị trường bất động sản, được thị trường đánh giá cao. Song từ quy định tới thực tiễn triển khai đâu đó vẫn còn có những bất cập và vướng mắc cần tháo gỡ.

Tìm hiểu trên thị trường, cũng không hiếm các dự án bất động sản được ngân hàng cam kết bảo lãnh. Ngay từ năm 2015, BIDV và VietinBank ký kết hợp tác bảo lãnh dự án của Tập đoàn Đất Xanh, VPBank và SeABank ký kết bảo lãnh tại các dự án do Novaland triển khai. Năm 2016, TPBank cũng cam kết bảo lãnh cho người mua nhà tại dự án của Tập đoàn Nam Cường, PVcomBank bảo lãnh cho dự án Tabudec Plaza. SHB cũng cam kết bảo lãnh tiến độ siêu dự án Cocobay, cam kết bảo lãnh tài chính cho dự án Tara Residence…

Nhưng nếu so với con số 42 ngân hàng thương mại đủ điều kiện thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai thì số dự án được ngân hàng bảo lãnh vẫn còn tương đối khiêm tốn. Điều này sẽ thay đổi trong thời gian tới. Bởi, nếu trước kia, các chủ đầu tư rao bán dự án nhà ở chỉ thông báo có ngân hàng đứng sau bảo lãnh thì nay cụ thể và rõ ràng hơn.

TạiThông tư 13/2017/TT-NHNN, Ngân hàng Nhà nước quy định rõ: các ngân hàng thương mại phát hành cam kết bảo lãnh dưới hình thức thư bảo lãnh cho từng bên mua trong vòng 5 ngày làm việc kể từ khi nhận được hợp đồng mua, thuê mua nhà do chủ đầu tư gửi đến. Chủ đầu tư có trách nhiệm phải gửi cho ngân hàng thương mại hợp đồng mua, thuê mua nhà ở trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày ký…

Trao đổi với một chuyên gia kinh tế, ông này nhận định: quy định mới của Ngân hàng Nhà nước đưa ra sẽ giúp cho việc bảo vệ quyền lợi của người mua nhà tốt hơn, đồng thời hạn chế những chủ đầu tư yếu kém. Tuy nhiên, băn khoăn của vị chuyên gia này là cho tới nay chưa có thông tin tổng hợp về việc bao nhiêu bảo lãnh đã được thực hiện trong 2 năm qua. Điều dư luận quan tâm là số lượng nhà ở đã được bảo lãnh cho tới thời điểm này cụ thể là bao nhiêu”, vị này cho biết. Ông cũng cho rằng, một trong những biện pháp để quản lý hiệu quả hơn vấn đề này là việc xem xét có nên tiếp tục cho các chủ đầu tư huy động vốn từ người dân hay không?

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, các chủ đầu tư không được phép huy động vốn từ người dân như tại Việt Nam, mà chỉ được vay ngân hàng. Thực tế tại Việt Nam, đã có nhiều trường hợp doanh nghiệp bất động sản vỡ nợ, không thể tiếp tục triển khai dự án dù đã huy động vốn từ người mua nhà, gây thiệt hại không nhỏ cho người tiêu dùng. Khi đó, ngân hàng bảo lãnh dự án cũng gặp khó khăn, chủ đầu tư vướng mắc và người đặt mua thì không nhận được nhà.

Bên cạnh đó, vướng mắc cũng có phần nào đến từ chính người mua nhà. Khi được hỏi về việc ngân hàng bảo lãnh nhà ở, nhiều người mua nhà cho biết họ chỉ được nghe chủ đầu tư giới thiệu là có ngân hàng đứng sau bảo lãnh. Nhưng chủ đầu tư cũng nói là bản thân doanh nghiệp tự bảo lãnh được, không cần tới ngân hàng?! Và với không ít người dân mua nhà, đặc biệt với những người đã mua của chủ đầu tư đã bán nhà trót lọt cho họ trong quá khứ, thì cũng có suy nghĩ tại sao lại phải cần có sự bảo lãnh ngân hàng nữa? Chưa kể, phí bảo lãnh trên nguyên tắc là do chủ đầu tư chịu, nhưng lại đẩy sang cho người mua nhà, khiến nhà bị đội giá lên.

Về phía ngân hàng, lãnh đạo một ngân hàng thương mại có tham gia bảo lãnh nhà ở cũng bày tỏ: hiện nay ngân hàng chỉ được phép cấp tín dụng không quá 15% vốn tự có cho một dự án và không vượt quá 25% cho nhóm các dự án của một doanh nghiệp. Nếu cộng thêm cả việc bảo lãnh tài sản hình thành trong tương lai thì room của mỗi nhà băng sẽ không thể co hẹp được. Nhiều dự án được ngân hàng cấp vốn tài trợ lớn, thêm việc bảo lãnh sẽ cần có thêm hạn mức cấp mới cho chủ đầu tư để tiến hành bảo lãnh cho khách hàng.

“Những quy định mới được bổ sung tại Thông tư 13/2017/TT-NHNN đã quy định chặt chẽ hơn mối quan hệ giữa ngân hàng với bên mua, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai. Song chính vì có bổ sung những điểm chặt chẽ, cụ thể hơn, nhất là việc ngân hàng sẽ phải phát hành cam kết bảo lãnh cho từng khách hàng thì bản thân ngân hàng cũng cần có thời gian để rà soát lại cách thức triển khai, phối hợp giữa NH với chủ đầu tư. Bởi như trước đây thì đơn giản hơn, nhà băng chỉ cần cấp chứng thư bảo lãnh cho chủ đầu tư, không phải cấp cho từng khách hàng theo như quy định mới”, lãnh đạo ngân hàng thương mại trên chia sẻ.

Theo chuyên gia, nếu tiếp tục thực hiện bảo lãnh thì nên và cần những thông tin minh bạch, và bắt buộc ngân hàng nào đã cam kết mà không bảo lãnh thì sẽ phải chịu phạt. Còn không thì sẽ cần những cơ chế khác để bảo vệ quyền lợi của người dân.

Điều 56 Luật kinh doanh bất động sản. Bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai (CIVILLAWINFOR)

1. Chủ đầu tư dự án bất động sản trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố danh sách ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh trong kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai.

2. Phạm vi, điều kiện, nội dung và phí bảo lãnh do các bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm thực hiện trách nhiệm của bên bảo lãnh quy định tại khoản 3 Điều này và phải được lập thành hợp đồng. Chủ đầu tư có trách nhiệm gửi bản sao hợp đồng bảo lãnh cho bên mua, bên thuê mua khi ký kết hợp đồng mua, thuê mua.

Hợp đồng bảo lãnh có thời hạn cho đến khi nhà ở được bàn giao cho bên mua, bên thuê mua.

3. Trường hợp chủ đầu tư không thực hiện bàn giao nhà ở theo tiến độ đã cam kết và bên mua, bên thuê mua có yêu cầu thì bên bảo lãnh có trách nhiệm hoàn lại số tiền ứng trước và các khoản tiền khác cho khách hàng theo hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở và hợp đồng bảo lãnh đã ký kết.

4. Việc bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai thực hiện theo quy định tại Điều này và quy định của pháp luật về bảo lãnh.

SOURCE: THỜI BÁO NGÂN HÀNG ĐIỆN TỬ

Trích dẫn từ: http://thoibaonganhang.vn/bao-lanh-nha-o-tu-quy-dinh-den-thuc-tien-70726.html


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191