Cuối năm 2005, chị Vũ Thị Thuỷ nghe lời một người quen rủ lên Lạng Sơn bán hàng ăn nhưng lại bị lừa bán sang bên kia biên giới làm vợ một người đàn ông Trung Quốc. Tháng 5/2006, trong lúc mang thai 5 tháng chị Thuỷ đã tìm cách trốn về Việt Nam. Đến tháng 9/2006, chị Thuỷ sinh được một cháu trai. Khi con cứng cáp, chị Thuỷ đến UBND xã đề nghị xin đăng ký khai sinh cho cháu bé nhưng cán bộ tư pháp – hộ tịch yêu cầu chị phải có Giấy đăng ký kết hôn thì mới giải quyết việc khai sinh cho cháu bé. Hoặc nếu không thì phải có cha đứa trẻ đến nhận con thì mới có căn cứ để khai sinh cho cháu bé và xác định họ theo họ của cha. Chị Thuỷ trình bày sự tình việc mình bị lừa bán sang Trung Quốc. Cán bộ tư pháp – hộ tịch cho rằng, việc khai sinh cho con của chị Thuỷ có yếu tố nước ngoài nên yêu cầu chị lên Sở Tư pháp để khai sinh cho cháu bé. Chị Thuỷ đã đến gặp bà Xoan, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã nhờ giúp đỡ. Vậy, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã phải giải quyết trường hợp này như thế nào?
Gửi bởi: Admin Portal
Trong tình huống trên đây, việc chị Thuỷ đi đăng ký khai sinh cho con và những khó khăn mà cán bộ tư pháp – hộ tịch nêu ra cho thấy, cán bộ tư pháp – hộ tịch đã vi phạm quyền được đăng ký khai sinh của trẻ em và chưa có ý thức quan tâm hỗ trợ giải quyết vướng mắc cho hoàn cảnh khó khăn của chị Thuỷ cũng như thiếu ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của trẻ sinh ngoài giá thú. Đó là quyền được Nhà nước, xã hội và gia đình đối xử bình đẳng như với mọi trẻ em khác, thể hiện ngay từ quyền được đăng ký khai sinh.
Điều 11 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 quy định, trẻ em có quyền được khai sinh và có quốc tịch. Để đảm bảo quyền đăng ký khai sinh cho trẻ khoản 2 Điều 23 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 quy định, UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ em. Trong trường hợp này, UBND xã nơi chị Thuỷ có hộ khẩu thường trú là cơ quan có thẩm quyền đăng ký khai sinh cho trẻ nhưng cán bộ tư pháp đã đưa ra các lý do không phù hợp để gây khó khăn cho việc khai sinh cho cháu bé. Do đó, với cương vị là Chủ tịch Hội Phụ nữ – tổ chức chính trị xã hội có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em, bà Xoan cần nắm vững các vấn đề sau đây để từ đó can thiệp, giúp đỡ mẹ con chị Thuỷ:
–Thứ nhất, về việc bảo đảm quyền đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú
Nhằm thực hiện nguyên tắc “mọi trẻ em sinh ra đều phải được đăng ký khai sinh đúng hạn”, đồng thời, xuất phát từ quan điểm đối xử bình đẳng về quyền đăng ký khai sinh không kể con sinh ra trong giá thú hay ngoài giá thú, thì theo khoản 1 Điều 15 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP quy định, người đi đăng ký khai sinh cho trẻ chỉ phải xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn của cha mẹ trẻ khi cha mẹ trẻ có đăng ký kết hôn. Trong trường hợp trẻ là con sinh ngoài giá thú thì không bắt buộc phải xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn của cha mẹ, chỉ cần có Giấy chứng sinh là có thể khai sinh cho trẻ theo diện con ngoài giá thú.
Mặt khác, khi đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú, pháp luật không cho phép cán bộ tư pháp – hộ tịch được gặng hỏi, tìm hiểu về quan hệ hôn nhân của người mẹ. Đây là vấn đề thuộc về bí mật đời tư của cá nhân. Do đó, khoản 3 Điều 15 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP quy định, trong trường hợp khai sinh cho con ngoài giá thú, nếu không xác định được người cha, thì phần ghi về người cha trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh để trống.
Khi con sinh ra, việc xác định họ cho con có thể xác định theo họ của người cha hoặc họ của người mẹ theo tập quán hoặc thoả thuận. Tuy nhiên, đối với trẻ là con ngoài giá thú, không xác định được người cha nên họ của trẻ đương nhiên sẽ được xác định theo họ của người mẹ.
Từ phân tích trên, có thể thấy, yêu cầu của cán bộ tư pháp – hộ tịch về việc buộc chị Thuỷ phải có Giấy chứng nhận kết hôn hoặc phải có người đến nhận làm cha đứa trẻ là không phù hợp với quy định của pháp luật.
–Thứ hai, về thẩm quyền đăng ký khai sinh cho trẻ
Căn cứ quy định tại Điều 13 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP thì việc đăng ký khai sinh cho cháu bé thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã, nơi chị Thuỷ đăng ký hộ khẩu thường trú. Do đó, việc cán bộ tư pháp – hộ tịch cho rằng, UBND xã không có thẩm quyền khai sinh cho cháu bé do có yếu tố nước ngoài và liên quan đến vấn đề quốc tịch là không đúng quy định về thẩm quyền đăng ký khai sinh và nguyên tắc xác định quốc tịch cho trẻ, cụ thể là:
+ Trong trường hợp này, con chị Thuỷ được khai sinh theo diện ngoài giá thú do không xác định được người cha, vì vậy vấn đề chị Thuỷ có con với người đàn ông Trung Quốc hoàn toàn không làm phát sinh yếu tố nước ngoài trong việc khai sinh cho con ngoài giá thú.
+ Việc xác định quốc tịch quy định tại Điều 17 Luật Quốc tịch năm 1998, thì trẻ em khi sinh ra có mẹ là công dân Việt Nam, còn cha không rõ là ai, thì có quốc tịch Việt Nam, không kể trẻ em đó sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Từ những căn cứ pháp lý trên đây, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cần có kiến nghị với Chủ tịch UBND xã để chấn chỉnh cách giải quyết đăng ký hộ tịch sai pháp luật, vi phạm quyền lợi của phụ nữ và trẻ em của cán bộ tư pháp – hộ tịch, đồng thời, yêu cầu thụ lý giải quyết đăng ký khai sinh cho cháu bé theo đúng quy định của pháp luật.
Mặt khác, với hành vi hành chính không đúng của cán bộ tư pháp – hộ tịch, chị Thuỷ hoàn toàn có quyền khiếu nại lên Chủ tịch UBND xã; hoặc bảo vệ quyền lợi cho con mình bằng việc khởi kiện ra Toà hành chính.
Các văn bản liên quan:
Luật 07/1998/QH10 Quốc tịch Việt Nam
Nghị định 158/2005/NĐ-CP Về đăng ký và quản lý hộ tịch
Luật 25/2004/QH11 Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em
Trả lời bởi: Admin Portal
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.