(Kiemsat.vn) – Qua công tác kiểm sát thi hành án hình sự trong thời gian qua cho thấy những quy định của Luật thi hành án hình sự năm 2010 đã bộc lộ một số bất cập, vướng mắc, khó khăn về thi hành án treo…, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể để thực hiện thống nhất.
Tại khoản 1 Điều 62 Luật thi hành án hình sự năm 2010 quy định: “Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu có nhiệm vụ triệu tập người được hưởng án treo, người đại diện hợp pháp của người được hưởng án treo phải có mặt tại UBND cấp xã nơi người đó cư trú, đơn vị quân đội nơi người đó làm việc và làm bản cam kết việc chấp hành án, lập hồ sơ thi hành án”.
Tuy nhiên, trong thực tiễn có những trường hợp người được hưởng án treo không có mặt ở địa phương. Ví dụ: Trường hợp của H ở xã T, huyện TA bị xử phạt 04 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 12 tháng về tội trộm cắp tài sản; ngày 16/5/2016 TAND huyện TA ra Quyết định thi hành án. Hoặc trường hợp của D cũng ở xã T, phạm tội trộm cắp tài sản, bị xử phạt 09 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 18 tháng; quyết định thi hành án ngày 16/5/2016 của TAND huyện TA.
Ngày 21/5/2016, Cơ quan THAHS Công an huyện TA triệu tập các bị án nói trên để làm thủ tục thi hành án nhưng 02 bị án này không đến. Cơ quan THAHS Công an huyện tiến hành xác minh thì được gia đình trả lời “đã đi làm ăn ở xa”. Do đó, Cơ quan THAHS Công an huyện không thể triệu tập các bị án đến để làm bản cam kết và ấn định thời gian cho người được hưởng án treo có mặt tại UBND cấp xã. Luật THAHS không quy định cụ thể về trường hợp này và cũng chưa có văn bản hướng dẫn nên việc giải quyết của Cơ quan THAHS gặp khó khăn.
Một vướng mắc nữa cũng thường gặp phải trong quá trình thực hiện Luật thi hành án hinh sự năm 2010, đó là, tại điểm đ khoản 1 Điều 63 Luật THAHS quy định: “1. Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
…đ) Giải quyết cho người được hưởng án treo được vắng mặt ở nơi cư trú theo quy định của Luật này và pháp luật về cư trú”.
Thực tế có những bị án là lao động chính, gia đình khó khăn về kinh tế nên phải đi làm thuê ở địa phương khác. Thời gian chấp hành án không có mặt ở địa phương nên nghĩa vụ người chấp hành án không được thực hiện: không có bản tự nhận xét của họ (ba tháng 01 lần) để lưu vào hồ sơ, không có mặt khi UBND cấp xã yêu cầu… Thực tế UBND cấp xã quản lý, giám sát, giáo dục chỉ thể hiện trên giấy tờ. Luật cũng quy định người được hưởng án treo đi khỏi nơi cư trú từ 03 tháng đến 06 tháng thì phải có nhận xét của Công an cấp xã đó hoặc tạm trú để trình UBND cấp xã được giám sát giáo dục người đó cũng không thể thực hiện được. Vì bị án đi làm thuê không cố định, thường xuyên di chuyển, lưu trú không rõ ràng nên việc thực hiện trên thực tế rất khó…/.
Tấn Quang
VKSND tỉnh Phú Yên
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.