Tôi quen với bạn gái là người nước ngoài (Đài Loan), bạn gái tôi lớn hơn tôi 19 tuổi theo giấy tờ. Khi chúng tôi đăng ký kết hôn tại tỉnh DT, chúng tôi bị từ chối đăng ký kết hôn 6 tháng với lý do không trả lời được 7 câu hỏi khi phỏng vấn và cán bộ tư pháp nói những câu hỏi này ảnh hưởng đến gia đình, hạnh phúc, tiến bộ,…Nội dung những câu hỏi như sau: 1/ Tôi có biết tên chồng cũ của bạn gái tôi không? (bạn gái tôi và chồng cũ ly hôn gần 20 năm, người chồng là người Nhật, tên Nhật. Tôi không biết tại sao tên người chồng cũ này có ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại và tương lai của chúng tôi). 2/ Tôi có biết tên cha mẹ bạn gái tôi không? (cha mẹ bạn gái tôi đã mất hơn 10 năm và là người nước ngoài). 3/ Bạn gái tôi biết tên cha mẹ tôi không? (bạn gái tôi là người nước ngoài, ko phải là người việt định cư nước ngoài, tiếng Việt đối với họ rất khó mặc dù tôi đã dạy rất nhiều lần. Tôi đã dẫn bạn gái tôi ra mắt gia đình, và gia đình tôi ai cũng biết chúng tôi quen nhau). 4/ Bạn gái tôi có giúp gia đình tôi về mặt tài chính hay không? (tất nhiên là không, chúng tôi quen nhau hơn 3 năm trong điều kiện làm chung công ty, phải rất vất vả để có thể trao đổi về ngôn ngữ và tìm hiểu nhau. Chúng tôi phát sinh tình cảm từ con tim phải khổ cực, gian nan để quyết định đăng ký kết hôn, chứ không xuất phát từ tiền bạc hay tài chính). 5/ Tôi biết thu nhập chính xác của bạn gái tôi không? (tôi là nhân viên làm công ăn lương, bạn gái tôi là người kinh doanh, là chủ doanh nghiệp thi thu nhập sẽ không cố định). Vậy mà cán bộ tư pháp cho rằng tôi là không biết). 6/ Tôi có nhớ ngày tổ chức đám cưới bên Đài Loan không? (tôi nhớ ngay dịp Tết âm lịch năm 2011, vì sẵn dịp đi Đài Loan thăm bạn gái, chúng tôi vừa mở tiệc vừa ra mắt gia đình. Vào khoảng đầu tháng 2 dương lịch. Còn chính xác thì tôi không thể nhớ vì trong 3 năm chúng tôi mở tiệc chúc mừng và ra mắt bạn bè gia đình rất nhiều. Thế là cán bộ tư pháp bảo tôi không nhớ chính xác ngày.) 7/ Câu thứ 7 thì tôi không nhớ. Khi tôi thắc mắc hỏi cán bộ tư pháp tỉnh, cán bộ tư pháp trả lời đó là sự thử thách. Nhưng chính vì sự thử thách đó mà chúng tôi tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc, bỏ dở công việc chỉ vì 1 tờ giấy đăng ký kết hôn. Điều đó là áp lực đè nặng lên chúng tôi, làm ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý, tiền bạc, thời gian, đồng thời gián tiếp làm cuộc sống hạnh phúc của chúng tôi có sự sứt mẻ nghiêm trọng. Tôi đã trình bày hình ảnh, thư từ, tất cả nội dung quá trình quen nhau sau 3 năm. Nhưng tất cả những gì chúng tôi cố gắng vung đắp trong thời gian 3 năm là vô nghĩa. Tôi là người con của gia đình và xã hội, tôi sống và lớn lên đều tôn trọng gia đình và luật pháp. Tôi phải làm sao trong trường hợp này khi 6 tháng sau chúng tôi phải làm lại giấy tờ từ đầu: tốn thời gian, tiền bạc, tinh thần,… Tôi rất mong nhận được tư vấn trong trường hợp của mình!
Gửi bởi: Lý Công Linh
Trả lời có tính chất tham khảo
Bạn gái của bạn là người Đài Loan, do vậy cuộc hôn nhân của bạn thuộc quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài tuân theo các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 và Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài và Nghị định số 69/2006/NĐ-CP ngày 21/7/2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2002/NĐ-CP, theo đó hai bên phải tuân thủ các quy định về thủ tục kết hôn như sau:
Về điều kiện kết hôn quy định tại Điều 10 Nghị định số 68/2002/NĐ-CP:
“1. Trong việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, mỗi bên phải tuân theo pháp luật của nước mình về điều kiện kết hôn; người nước ngoài còn phải tuân theo quy định tại Điều 9 và Điều 10 của Luật Hôn nhân và gia đình của Việt Nam về điều kiện kết hôn và các trường hợp cấm kết hôn, nếu việc kết hôn được tiến hành trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam.
2. Trong việc kết hôn giữa người nước ngoài với nhau tại Việt Nam, trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam, mỗi bên phải tuân theo pháp luật của nước mà họ là công dân hoặc thường trú (đối với người không quốc tịch) về điều kiện kết hôn; ngoài ra, còn phải tuân theo quy định tại Điều 9 và Điều 10 của Luật Hôn nhân và gia đình của Việt Nam về điều kiện kết hôn và các trường hợp cấm kết hôn.”
Và các quy định về hồ sơ kết hôn, không thuộc trường họp bị từ chối đăng ký kết hôn theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 68/2002/NĐ-CP:
“1. Việc đăng ký kết hôn bị từ chối trong các trường hợp sau đây:
a) Một hoặc cả hai bên đương sự chưa đủ tuổi kết hôn theo pháp luật Việt Nam;
b) Bên đương sự là người nước ngoài chưa đủ tuổi kết hôn theo pháp luật của nước mà người đó là công dân hoặc thường trú (đối với người không quốc tịch);
c) Việc kết hôn không do nam, nữ tự nguyện quyết định;
d) Có sự lừa dối, cưỡng ép kết hôn;
đ) Một hoặc cả hai bên đương sự là người đang có vợ, đang có chồng;
c) Một hoặc cả hai bên đương sự là người mất năng lực hành vi dân sự;
g) Các đương sự là những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc có họ trong phạm vi ba đời;
h) Các đương sự đang hoặc đã từng là cha mẹ nuôi và con nuôi, bố chồng và con dâu, mẹ vợ và con rể, bố dượng và con riêng của vợ, mẹ kế và con riêng của chồng;
i) Các đương sự cùng giới tính (nam kết hôn với nam, nữ kết hôn với nữ).
2. Việc đăng ký kết hôn cũng bị từ chối, nếu kết quả thẩm tra, xác minh cho thấy việc kết hôn là giả tạo, không nhằm mục đích xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững; kết hôn nhằm mục đích mua bán phụ nữ, xâm hạm tình dục đối với phụ nữ hoặc vì mục đích trục lợi khác.”
Nếu thỏa mãn các yêu cầu trên thì bạn sẽ được tiến hành đăng ký kết hôn. Thủ tục phỏng vấn như bạn nêu là một thủ tục bắt buộc được thực hiện trực tiếp tại trụ sở Sở Tư pháp đối với hai bên nam, nữ để kiểm tra, làm rõ về sự tự nguyện kết hôn: về khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ chung và mức độ hiểu biết về hoàn cảnh của nhau. Tuy nhiên qua bạn trình bày, thì việc phỏng vấn của cán bộ Sở Tư pháp đã có những câu hỏi không thể hiện rõ được bản chất sự việc mà pháp luật yêu cầu, do đó đã gây khó khăn cho hai bạn. Như vậy trên cơ sở hồ sơ bạn có và biên bản phỏng vấn có chữ ký của cán bộ phỏng vấn, bạn có quyền đề nghị Sở Tư pháp thực hiện theo đúng các quy định về điều kiện kết hôn, nếu như bạn vẫn không được giải quyết thỏa đáng thì bạn có thể khiếu nại theo quy định tại Luật Khiếu nại, tố cáo.
Các văn bản liên quan:
Nghị định 68/2002/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài
Nghị định 69/2006/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/07/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài
Luật 22/2000/QH10 Hôn nhân và gia đình
Trả lời bởi: Chuyên viên – Vụ Hành chính tư pháp
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.