Bị đơn có thể bảo lãnh cho chính mình?

Bị đơn có thể bảo lãnh cho chính mình?

Tôi là Việt kiều ở Mỹ, trước đây tôi có mua một căn nhà và nhờ 2 mẹ con là bà Trinh và cô Trâm đứng tên cho mình và còn cho 2 người vay 25.000USD. Sau này 2 người đã bán căn nhà trên mà không cho tôi biết. Tôi đã khởi kiện, Tòa án đã thụ lý và tháng 04/2012 đã ra quyết định ngăn chặn xuất cảnh đối với cô Trâm. Đến 14/06/2012 bà Trinh đã làm đơn cam kết chịu trách nhiệm toàn bộ sự việc thì đến 16/06/2012 Tòa án ra quyết định hủy quyết định ngăn chặn với cô Trâm. Hiện tại cô Trâm đã xuất cảnh. Xin hỏi như vậy pháp luật Việt Nam cho phép bị đơn bảo lãnh cam kết cho bị đơn hay không? Tòa án ra quyết định hủy việc ngăn chặn là đúng hay sai?

Gửi bởi: Nguyễn Thị Bạch Tuyết

Trả lời có tính chất tham khảo

Chào bạn.

Bảo lãnh là một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, được quy định tại Điều 361 BLDS 2005, theo đó: Bảo lãnh là việc người thứ ba (bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (bên được bảo lãnh) nếu đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

Trong pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam không có quy định về việc bảo lãnh. Việc bà Trinh làm đơn cam kết chịu trách nhiệm toàn bộ sự việc trước Tòa án không được coi là việc bà Trinh bảo lãnh cho cô Trâm mà đây chỉ coi là bản cam kết thực hiện nghĩa vụ tố tụng thông thường của một trong số bị đơn cho người còn lại.

Theo đó, khi bà Trinh cam kết thực hiện nghĩa vụ tố tụng đối với Tòa án thì việc Tòa án ngăn chặn cô Trâm xuất cảnh là không còn cần thiết, vì: một mặt đã có người thực hiện nghĩa vụ tố tụng của bị đơn, mặt khác nhằm hạn chế việc xâm phạm quyền tự do đi lại của công dân. Chính vì vậy, theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 122 BLTTDS 2004 thì Tòa án có quyền hủy bỏ quyết định ngăn chặn xuất cảnh đối với cô Trâm. Do đó, quyết định của Tòa án là hợp pháp. Lưu ý rằng, Tòa án chỉ hủy bỏ quyết định ngăn chặn xuất cảnh đối với cô Trâm chứ không hủy việc giải quyết vụ án, vẫn đảm bảo quyền lợi hợp pháp của bạn.

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Luật 65/2011/QH12 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng Dân sự

Bộ luật 24/2004/QH11 Tố tụng dân sự

Trả lời bởi: Chuyên viên pháp lý Viện Khoa học pháp lý


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191