Câu hỏi của khách hàng: Bị nhắn tin hăm dọa thì phải làm sao
Mong mọi người góp ý giúp em.
Chuyện là em có chiếc xe tải con. Ngày nào củng chạy giao hàng qua phà. thậm chí 1 ngày có thể 2 chuyến qua phà. Có người ghen ghét nhắn tin hâm doạ đòi đánh tài xế xe em.
Em hoang mang quá. Không biết phải làm Sao
Luật sư Tư vấn Bộ luật hình sự – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 04/03/2019
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Xử lý khi bị đe dọa
- Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017;
- Bộ luật dân sự năm 2015;
- Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng chát và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình
3./ Luật sư trả lời Bị nhắn tin hăm dọa thì phải làm sao
Hăm dọa (hay đe dọa) được hiểu là hành vi uy hiếp tinh thần của người khác qua việc thông báo trước một hoặc một số sự việc mà một/nhiều chủ thể sẽ làm hoặc không làm một việc gây bất lợi cho người nhận được tin báo trước hoặc những người thân thích của người này nếu họ không thỏa mãn những đòi hỏi nhất định của chủ thể báo trước bằng những cách thức khác nhau (gửi thư viết tay, thư điện tử, tin nhắn, lời nói trực tiếp,…). Đây được coi là hành vi vi phạm pháp luật, tùy theo mức độ, người có hành vi sẽ phải chịu những trách nhiệm nhất định.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 33 Bộ luật dân sự thì cá nhân có “quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, thân thể, quyền được pháp luật bảo hộ về sức khỏe”. Chính vì vậy, việc một người sẽ / có căn cứ cho rằng sẽ thực hiện hành vi đánh (tức là gây thương tích) cho một cá nhân khác bị coi là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, còn tùy vào mức độ của việc đe dọa trên mà chủ thể có hành vi sẽ phải gánh chịu những trách nhiệm khác nhau và độ tin tưởng của người nhận được tin đe dọa về việc “sức khỏe/tính mạng của bản thân/người thân sẽ bị nguy hiểm” nếu bản thân không đáp ứng yêu cầu của người này.
Căn cứ Điều 133 Bộ luật hình sự quy định:
“Điều 133. Tội đe dọa giết người
1.Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
…”
Theo đó, người có hành vi đe dọa giết người sẽ chỉ bị coi là phạm tội này nếu người này có hành vi đe dọa giết người và người bị đe dọa phải tin tưởng, lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện.
Tuy nhiên, với những thông tin bạn đưa ra thì hành vi của người kia chưa đến mức bị xử lý về tội đe dọa giết người. Bởi, người này chỉ đe dọa đòi đánh tài xế xe của bạn. Tùy thuộc vào thông tin cụ thể về tình trạng của hai bên, về lời lẽ, nội dung tin nhắn mà bạn nhận được, và hành vi cụ thể của người đã đe dọa về việc thực hiện việc đánh người lái xe, bạn có thể xem xét trình báo với chủ thể có thẩm quyền (thường là công an xã, phường, thị trấn) về một trong hai hành vi sau:
-Về hành vi vi phạm quy định về trật tự công cộng. Cụ thể là vi phạm quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:
“Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng
…
2.Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a)Đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau;
…”
-Hoặc về hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự:
“Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
1.Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
…”
Trong trường hợp này, người lái xe tải phải thực sự bị đánh như lời đe dọa ( nhưng có thể có thương tích hoặc không).
Trong trường hợp không có các yếu tố vi phạm quy định hình sự, hành chính thì bạn có thể yêu cầu các chủ thể có thẩm quyền tiến hành hòa giải hoặc có biện pháp xử lý thích hợp nếu có căn cứ cho rằng người này có khả năng sẽ thực hiện hành vi theo như nội dung lời đe dọa mà bạn nhận được.
Tóm lại, trong trường hợp của bạn, bạn cần xác định thêm hành vi cụ thể, nội dung chính xác của hành vi, của tin nhắn,… mà người kia đã gửi cho bạn để có biện pháp giải quyết. Bạn có thể làm đơn yêu cầu phía công an điều tra giải quyết nếu hành vi của người đã đe dọa bạn có dấu hiệu vi phạm pháp luật hành chính hoặc hình sự. Hoặc làm đơn yêu cầu UBND,… có biện pháp hòa giải tranh chấp giữa hai bên.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.