Bình luận các quy định của pháp luật về giải thể doanh nghiệp và thực tiễn

Bình luận các quy định của pháp luật về giải thể doanh nghiệp và thực tiễn.

Xã hội ngày càng phát triển, số lượng các doanh nghiệp ra đời trong thời gian gần đây tăng lên một cách đáng kể, các doanh nghiệp cũng từ đó được thành lập với tốc độ “chóng mặt”. Đó là một tín hiệu đáng mừng cho nền kinh tế đang phát triển của nước ta. Những hoạt động chung của doanh nghiệp đều được đặt dưới sự quản lý của Nhà nước thông qua pháp luật. Tuy nhiên, trong một giai đoạn nào đó hoặc vì một số lý do khách quan hay chủ quan, doanh nghiệp không thể tiếp tục hoạt động được nữa và tiến hành giải thể, chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp mình. Luật Doanh nghiệp 2014 đã có những quy định cụ thể về trình tự và thủ tục về giải thể doanh nghiệp. Để tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này, em xin chọn đề tài: “Bình luận các quy định của pháp luật về giải thể doanh nghiệp và thực tiễn tìm hiểu được”.

1. Bình luận các quy định của pháp luật về giải thể doanh nghiệp:

1.1. Khái niệm giải thể doanh nghiệp:

            – Doanh nghiệp: là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được đăng kí thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh.

            – Giải thể doanh nghiệp: là một trong những thủ tục pháp lí dẫn đến chấm dứt tồn tại của doanh nghiệp. Hậu quả của giải thể là doanh nghiệp sẽ bị xóa tên trong sổ đăng kí kinh doanh. Khi giải thể, các nghĩa vụ tài sản của doanh nghiệp sẽ được giải quyết và mọi tài sản còn lại của doanh nghiệp được phân chia cho các thành viên hoặc chủ sở hữu doanh nghiệp.

               +) Giải thể doanh nghiệp là một thủ tục mang tính chất hành chính.

               +) Các quy định pháp luật về giải thể doanh nghiệp bao gồm những nội dung cơ bản là: các trường hợp giải thể, thủ tục giải thể và những hoạt động doanh nghiệp bị cấm thực hiện sau khi có quyết định giải thể. Thông thường, việc quyết định giải thể doanh nghiệp thuộc quyền của chủ sở hữu doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp không còn thỏa mãn các điều kiện tồn tại theo quy định của pháp luật hoặc kinh doanh vi phạm pháp luật, thì doanh nghiệp bắt buộc phải giải thể. Các quy định về giải thể doanh nghiệp không chỉ tạo ra cơ sở pháp lí để chấm dứt tồn tại của doanh nghiệp, mà quan trọng hơn là còn bảo vệ quyền lợi của những chủ thể có liên quan, đặc biệt là quyền lợi của chủ nợ và người lao động khi doanh nghiệp chấm dứt tồn tại. Về pháp lí, vấn đề quan trọng nhất trong giải thể doanh nghiệp là giải quyết những khoản nợ và những hợp đồng mà doanh nghiệp đã giao kết trước khi chấm dứt sự tồn tại. các khoản nợ và hợp đồng này có thể được thực hiện bằng các giải pháp: Doanh nghiệp tiến hành thanh toán hết các khoản nợ và thực hiện đầy đủ các hợp đồng; Chuyển giao nghĩa vụ thanh toán nợ và nghĩa vụ hợp đồng cho chủ thể khác theo thỏa thuận giữa các bên có liên quan.

    +) Việc tiến hành giải thể doanh nghiệp sẽ được tiến hành bởi các chủ thể sau:
Theo điểm b khoản 2 Điều 201 Luật doanh nghiệp 2014 quy định: “b, Theo quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh tư nhân, của tất cả thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội cổ đông đối với công ty cổ phần;”Như vậy đối với doanh nghiệp tư nhân là chủ doanh nghiệp, tất cả thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh. Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, còn với công ty cổ phần là Đại hội đồng cổ đông.

    +) Về mặt pháp lý, doanh nghiệp có thể lựa chọn một trong hai phương thức sau để chấm dứt hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp: một là, thực hiện thủ tục giải thể – thủ tục hành chính được tiến hành tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh; hai là, thực hiện thủ tục phá sản mang tính tố tụng tư pháp, yêu cầu tòa án tuyên bố chấm dứt hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Thực tế, hầu hết các doanh nghiệp tại Việt Nam đều chọn phương thức chấm dứt hoạt động kinh doanh theo thủ tục giải thể để rút lui khỏi thương trường, còn thủ tục phá sản ít được cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đón nhận. Bằng chứng là theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, trong giai đoạn 10 năm thực thi Luật Phá sản năm 2004 (từ năm 2004 đến năm 2014) các tòa án trên cả nước chỉ tuyên bố phá sản có 84 doanh nghiệp. Thậm chí từ ngày 01/01/2015 đến nay, số lượng doanh nghiệp bị phá sản tại Việt Nam cũng không đáng kể so với phương thức giải thể doanh nghiệp – vốn được nhà đầu tư lựa chọn phổ biến hơn. Số lượng doanh nghiệp phá sản ít xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như do thủ tục phá sản doanh nghiệp tại Việt Nam phức tạp so với mặt bằng chung của thế giới. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), để phá sản một doanh nghiệp tại Việt Nam, nhà đầu tư phải mất gần 5 năm, tiêu tốn 14,5% chi phí tài chính trên giá trị tài sản của doanh nghiệp[1]. Trong hoàn cảnh đó, thủ tục giải thể doanh nghiệp tất yếu được các nhà đầu tư lựa chọn như giải pháp phù hợp nhất để đóng cửa doanh nghiệp.

1.2. Các trường hợp giải thể doanh nghiệp:

   Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định về các trường hợp giải thể tại khoản 1 Điều 201. Nếu như Luật Doanh nghiệp 2005 quy định trường hợp giả thể của doanh nhiệp bao gồm hai hình thức đó là giải thể tự nguyện và giải thể bắt buộc. Nhưng đến Luật Doanh nghiệp 2014 thì Doanh nghiệp bị giải thể trong các trường hợp sau (Theo khoản 1 Điều 201 Luật doanh nghiệp 2014 quy định):

“a, Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;”:

   Trường hợp Điều lệ công ty có quy định về thời hạn hoạt động, khi hết thời hạn hoạt động được ghi trong Điều lệ công ty, nếu các thành viên không muốn xin gia hạn hoạt động, thì công ty phải tiến hành giải thể. Việc quy định thời hạn hoạt động của doanh nghiệp có thể do thỏa thuận của các thành viên, cổ đông sáng lập, hoặc do sự cấp phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

b, Theo quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của tất cả thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội cổ đông đối với công ty cổ phần;”:

   Quyết định giải thể này thể hiện sự tự nguyện của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp của mình. Việc chủ doanh nghiệp không muốn tiếp tục kinh doanh có thể bắt nguồn từ những lý do khác nhau, chẳng hạn như lợi nhuận thấp, thua lỗ kéo dài, có mâu thuẫn nội bộ, không còn phù hợp với mục đích kinh doanh đề ra ban đầu và nhiều yếu tố khác. Trong trường hợp này, chủ doanh nghiệp có thể đi đến quyết định giải thể doanh nghiệp để thu hồi vốn hoặc chuyển sang kinh doanh những loại hình doanh nghiệp khác với những chủ thể khác. Đây là quyết định hoàn toàn mang tính tự nguyện và chủ động của chủ doanh nghiệp.

-“ c, Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 6 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp;”:

   Có đủ số lượng thành viên tối thiểu là một trong những điều kiện để công ty tồn tại và hoạt động. Pháp luật quy định số lượng thành viên tối thiểu cho mỗi loại hình công ty khác nhau. Số lượng thành viên tối thiểu theo quy định đối với công ty cổ phần là ba, con số này là hai đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên trở lên. Đối với công ty hợp danh, pháp luật quy định phải có ít nhất hai cá nhân là thành viên hợp danh. Khi không có đủ số lượng thành viên tối thiểu để tiếp tục tồn tại, công ty phải kết nạp thêm thành viên cho đủ số lượng thành viên tối thiểu. Nếu trong thời hạn 6 tháng liên tục mà công ty không tiến hành kết nạp thêm thành viên khi số lượng thành viên không đủ hoặc không chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp phù hợp thì công ty phải tiến hành thủ tục giải thể doanh nghiệp.

– “ d, Bị thu hồi giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp.”:

   Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp phải triệu tập họp để quyết định giải thể doanh nghiệp. Để thành lập doanh nghiệp, người thành lập phải chuẩn bị hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và nộp cho cơ quan đăng ký kinh doanh đồng thời phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực và hợp pháp của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Trên cơ sở hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp, ghi nhận sự ra đời, công nhận về mặt pháp lý sự xuất hiện của doanh nghiệp trên thị trường. Có thể nói, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chính là tấm giấy “thông hành” để doanh nghiệp có thể tiến hành các hoạt động của mình trên thị trường cũng như xác lập các quan hệ pháp lý với cơ quan nhà nước. Do vậy, bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cũng có nghĩa là Nhà nước rút lại sự công nhận tư cách chủ thể kinh doanh đối với doanh nghiệp. Trong trường hợp này, doanh nghiệp không còn được công nhận về địa vị pháp lý và không còn được tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh.

1.3. Điều kiện giải thể doanh nghiệp:

– Theo khoản 2 Điều 201 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: “Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác và doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết các tranh chấp tại Toà án hoặc cơ quan trọng tài. Người quản lí có liên quan và doanh nghiệp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp”

– Các quy định về giải thể doanh nghiệp không chỉ tạo cơ sở pháp lý để chấm dứt tồn tại của doanh nghiệp, mà quan trọng hơn là còn bảo vệ quyền lợi của những chủ thể có liên quan, đặc biệt là quyền lợi của chủ nợ và người lao động khi doanh nghiệp chấm dứt tồn tại. Do vậy, việc xác định rõ điều kiện để tiến hành giải thể doanh nghiệp là hết sức cần thiết.

– Vấn đề mấu chốt trong giải thể doanh nghiệp là giải quyết những khoản nợ và những hợp đồng mà doanh nghiệp đã giao kết trước khi chấm dứt tồn tại. Các khoản nợ và hợp đồng này có thể được thực hiện bằng các giải pháp như: doanh nghiệp tiến hành thanh toán hết các khoản nợ và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ hợp đồng; chuyển giao nghĩa vụ thanh toán nợ và nghĩa vụ hợp đồng cho chủ thể khác theo thỏa thuận giữa các bên có liên quan. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 201 Luật Doanh nghiệp năm 2014, doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác và doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc cơ quan trọng tài.

1.4. Trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp:

   +) Trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp được quy định tại khoản 1 Điều 202 Luật Doanh nghiệp năm 2014.

   +) Giải thể doanh nghiệp dẫn tới sự chấm dứt tồn tại và hoạt động của công ty và thanh toán tài sản, thanh toán khoản nợ. Vì vậy, việc giải thể công ty phải tuân theo những thủ tục nhất định:

            – Thông qua quyết định giải thể công ty: Theo quy định của luật doanh nghiệp khi rơi vào một trong các trường hợp bị giải thể, để tiến hành việc giải thể thì công ty phải thông qua quyết định giải thể công ty. Sau khi quyết định dã được thông qua, công ty phải gửi quyết định này tới cơ quan đăng kí kinh doanh, các chủ nợ, người lạo động và người có quyền, lợi ích liên quan.

             – Thanh lí tài sản và thanh toán các khoản nợ của công ty: Các khoản nợ của doanh nghiệp được thanh toán theo thứ tự sau đây ( Theo khoản 5 Điều 202 Luật doanh nghiệp 2014)

  • Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết.
  • Nợ thuế và các khoản nợ khác: Sau khi đã thanh toán hết các khoản nợ và chi phí giải thể doanh nghiệp, phần còn lại thuộc về chủ thể doanh nghiệp tư nhân, các thành viên, cổ đông hoặc chủ sở hữu công ty.

            – Xóa tên doanh nghiệp: Sau thời hạn 180 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải thể theo Khoản 3 Điều 201 Luật doanh nghiệp 2014 mà không nhận được ý kiến về việc giải thể từ doanh nghiệp hoặc phản đối của bên có liên quan bằng văn bản hoặc trong 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ giải thể, Cơ quan đăng kí kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trên cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng kí doanh nghiệp.

   +) Theo điều 202 Luật doanh nghiệp 2014, giải thể doanh nghiệp dẫn tới sự chấm dứt tồn tại và hoạt động của công ty và thanh toán tài sản, khoản nợ. Vì vậy, việc giải thể công ty phải tuân theo trình tự, thủ tục nhất định. Việc giải thể doanh nghiệp làm phát sinh hai mối quan hệ: Thứ nhất là quan hệ giữa các thành viên trong nội bộ doanh nghiệp; Thứ hai là quan hệ giữa doanh nghiệp với các chủ thể khác, bao gồm bạn hàng, đối tác, người lao động trong doanh nghiệp và nhà nước. Đây là những quan hệ liên quan đến tài sản và liên quan đến hoạt động quản lí nhà nước trong lĩnh vực đăng kí kinh doanh. Hoạt động giải thể chỉ được coi là hoàn thành nếu doanh nghiệp đã xử lí xong mối quan hệ với tất cả các chủ thể nói trên.

             – Để có thể tiến hành giải thể doanh nghiệp trước hết đòi hỏi phải có một quyết định giải thể doanh nghiệp. Nếu là doanh nghiệp một chủ thì chủ sở hữu doanh nghiệp tự mình ra quyết định. Trong trường hợp doanh nghiệp nhiều chủ thì phải tiến hành họp toàn thể thành viên doanh nghiệp để thông qua quyết định giải thể. Quyết định này thể hiện sự nhất trí của các thành viên về các vấn đề liên quan đến lí do giải thể; thời hạn, thủ tục thanh lí hợp đồng và thanh toán các khoản nợ; phương án xử lí các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng lao động và việc thành lập tổ thanh lí tài sản

             – Sau khi quyết định giải thể được thông qua, doanh nghiệp phải thông báo cho những người có quyền và lợi ích liên quan đến hoạt động giải thể doanh nghiệp biết về quyết định giải thể. Việc thông báo được thực hiện đồng thời bằng ba cách, cụ thể là: Gửi trực tiếp quyết định giải thể đã được doanh nghiệp thông qua tới những người liên quan. Cùng với quyết định này là thông báo về phương án giải quyết nợ như thời hạn, địa điểm và phương thức thanh toán nợ, cách thức và thời hạn giải quyết khiếu nại của chủ nợ; Niêm yết quyết định đó tại trụ sở chính của doanh nghiệp; Đăng báo địa phương hoặc báo ngày của trung ương trong 3 số liên tiếp.

             – Theo Điểm c Khoản 1 Điều 202 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: “Thời hạn thanh lí hợp đồng không được vướt quá 06 tháng, kể từ ngày thông qua quyết định giải thể”. Thiết nghĩ, thời gian này chỉ phù hợp với những doanh nghiệp có quy mô nhỏ, không có mối quan hệ giao dịch phức tạp, tài sản có tính thanh khoản cao chứ không phù hợp với phần lớn Doanh nghiệp khác và các trường hợp khác. Với những doanh nghiệp có quy mô khá lớn hoặc có tài sản (như bất động sản), cần thời gian dài để thanh lí và trả nợ thì thời gian này chắc chắn không đủ để giải quyết hết các hợp đồng và thanh toán nợ nần.

             – Tiếp theo, tiến hành thanh lí tài sản và thanh toán các khoản nợ theo đúng phương án giải quyết nợ như đã được thông báo. Việc thanh toán các khoản nợ là rất phức tạp vì cần phải bảo đảm quyền và lợi ích của người liên quan. Pháp luật quy định trình tự thực hiện cho việc này. Trước hết phải thanh toán các khoản nợ cho các chủ nợ, người lao động, nợ thuế, và các nghĩa vụ khác, sau đó tiến hành phân chia tài sản còn lại của công ty cho các thành viên. (Khoản 6 Điều 202 Luật Doanh nghiệp 2014)

             – Sau khi thanh toán hết nợ, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp gửi hồ sơ giải thể doanh nghiệp đến cơ quan đăng ký kinh doanh để cơ quan này xóa tên doanh nghiệp khỏi sổ đăng kí kinh doanh. Sau khi thực hiện xong các thủ tục nói trên, việc giải thể được coi là hoàn tất và doanh nghiệp chấm dứt sự tồn tại trên thực thế. Theo quy định khi một doanh nghiệp muốn được giải thể thì phải thông báo bằng văn bản đến hai cơ quan nhà nước là cơ quan thuế và Sở KH&ĐT. Các thông báo này phải kèm theo các khoản nợ mà doanh nghiệp chưa giải quyết được. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chỉ thông báo về các khoản nợ đối với cơ quan nhà nước và giấu những khoản nợ còn lại với các chủ nợ các nhận, lương của người lao động mà các cơ quan nhà nước không thể biết được… Sau khi doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, doanh nghiệp “âm thầm biến mất” thì các chủ thể có liên quan không có cách nào hữu hiện để bảo vệ quyền lợi của mình.

             – Trên thực tế hiện nay việc giải thể doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Muốn giải thể, doanh nghiệp ngoài việc giải quyết các nghĩa vụ tài chính thì cần phải làm quyết toán thuế với cơ quan thuế, sau đó tiến hành trả dấu cho cơ quan công an và cuối cùng mới được nộp hồ sơ giải thể ở cơ quan quản lí Nhà nước về đăng kí kinh doanh hoặc đầu tư. Đặc biệt là khâu xác nhận của cơ quan thuế về việc đã hoàn thành các nghĩa vụ về thuế. Trên thực tế, việc doanh nghiệp mời cơ quan thuế tới kiểm tra xác nhận việc hoàn thành các nghĩa vụ về thuế là không dễ dàng. Chính vì vậy thời gian giải thể doanh nghiệp thường mất nhiều thời gian thậm chí có những trường hợp thời gian giải thể kéo dài cả năm. Thực tế này đã gây ra nhiều tổn thất cho doanh nghiệp nói chung. Vì để không mất thời gian, chi phí để làm thủ tục giải thể trong thực tế đã có không ít doanh nghiệp lạm dụng quy định để được giải thể tự động như quy định tại Khoản 6, Điều 158 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định: “Sau thời hạn 6 tháng… mà cơ quan đăng kí kinh doanh không nhận được hồ sơ giải thể doanh nghiệp thì doanh nghiệp đó coi như đã được giải thể và cơ quan đăng kí kinh doanh xóa tên doanh nghiệp trong sổ đăng kí kinh doanh”. Đồng thời pháp luật doanh nghiệp hiện nay chưa có quy định rõ ràng về trách nhiệm của cơ quan thuế trong việc kiểm tra, xác nhận doanh nghiệp đã hoàn thành các nghĩa vụ về thuế để giúp doanh nghiệp được “chấm dứt sự tồn tại”, trách nhiệm ra sao? Thời gian trong bao lâu? Do đó, cần phải có quy định về thời hạn giải thể của doanh nghiệp hoặc trước mắt quy định thời hạn thụ lí giải quyết của cơ quan thuế trong việc xác nhận doanh nghiệp đã hoàn thành các nghĩa vụ về thuế. Qua đó giúp doanh nghiệp nhanh chóng giải thể.

   +)  Qua quá trình áp dụng và sửa đổi bổ sung Luật doanh nghiệp năm 2005, Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã quy định chi tiết hơn về trình tự, tủ tục giải thể tại điều 202. Tại khoản 3 điều này quy định ngoài việc gửi quyết định giải thể ra thì biên bản họp được gửi đến Cơ quan đăng kí kinh doanh, cơ quan thuế, người lao động trong doanh nghiệp, đăng quyết định giải thể trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và phải được niêm yết công khai tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phóng đại diện của doanh nghiệp. Còn Luật doanh nghiệp năm 2005 chỉ quy định phải gửi quyết định giải thể và chủ thể nhận quyết định quy định không chi tiết, cụ thể chỉ bao gồm cơ quan đăng ký kinh doanh, tất cả các chủ nợ, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, người lao động trong doanh nghiệp và phải được niêm yết công khai tại trụ sở chính và chi nhánh doanh nghiệp.

1.5. Các hoạt động bị cấm kể từ khi có quyết định giải thể:

( Theo Điều 205 Luật Doanh nghiệp 2014)

Việc đảm bảo quyền và lợi ích của các chủ thể liên quan đến việc giải thể doanh nghiệp được thực hiện bằng hai quy định chính: cấm doanh nghiệp thực hiện một số hành vi nhất định và trách nhiệm của người quản lí doanh nghiệp bị giải thể.

Tiếp nối Luật Doanh nghiệp năm 2005, thì Luật Doanh nghiệp 2014 cũng quy định rất rõ các hoạt động bị cấm của doanh nghiệp khi có quyết định giải thể, bởi ta thấy khi doanh nghiệp bị giải thể đồng nghĩa với việc doanh nghiệp chấm dứt sự tồn tại, hoạt động kinh doanh của mình. Việc quy định này là nhằm đảm bảo nghĩa vụ tài tài chính của doanh nghiệp phải được dùng triệt để các tài sản để thanh toán với chủ nợ đồng thời cũng đảm bảo quyền và lợi ích cho các chủ thể có liên quan.

2. Thực tiễn thi hành pháp luật về việc giải thể doanh nghiệp:

2.1. Thực trạng về việc giải thể doanh nghiệp hiện nay:

   +) Trong bối cảnh chung của nền kinh tế thế giới, nền kinh tế nước ta gặp rất nhiều khó khăn điều này tác động lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp. Theo thống kê cho thấy từ năm 2014 đến nay số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng cao.

            – Theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2014 cả nước có 67.823 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể và 58.322 doanh nghiệp khó khăn phải ngừng hoạt động, tăng 14,5% so với năm trước.

              – Trong năm 2015, hơn 9.400 doanh nghiệp giải thể và 71.391 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước.

              – Năm 2016 thống kê trong 4 tháng đầu năm cho thấy số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động là 25.135 doanh nghiệp, tăng 31,8% so với cùng kì năm trước. Trong đó bao gồm 9.450 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn và 15.685 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký.

              – Trong năm 2019, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong năm 2019 là 16.840 doanh nghiệp, tăng 3,2% so với năm 2018. Có 05 ngành có số lượng doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể giảm là: Khai khoáng có 116 doanh nghiệp, giảm 60,1%; Công nghiệp chế biến chế tạo có 1.830 doanh nghiệp, giảm 17,1%; Xây dựng có 1.625 doanh nghiệp, giảm 12,1%; Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản có 364 doanh nghiệp, giảm 7,4% Và Vận tải kho bãi có 709 doanh nghiệp, giảm 5,2%. Các ngành có tỷ lệ gia tăng doanh nghiệp giải thể nhiều nhất là: Kinh doanh bất động sản có 686 doanh nghiệp, tăng 39,4%; Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội có 103 doanh nghiệp, tăng 47,1% và Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có 208 doanh nghiệp, tăng 30,8%. Khu vực Đông Nam Bộ có số lượng doanh nghiệp giải thể lớn nhất với 6.385 doanh nghiệp (chiếm 37,9% cả nước), tăng 22,2%. Đồng bằng Sông Hồng có 3.529 doanh nghiệp giải thể (chiếm 21%), tăng 12,9%. Đồng bằng Sông Cửu Long có sự gia tăng đột biến về số lượng doanh nghiệp giải thể với 3.014 doanh nghiệp (chiếm 17,9%), tăng 54,8%.  [2]

                – Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 4 tháng đầu năm 2020 là 5.103 doanh nghiệp, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm 2019. 8/17 ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp giải thể tăng. Các lĩnh vực có tỷ lệ doanh nghiệp giải thể tăng cao so với cùng kỳ năm 2019 là Kinh doanh bất động sản; Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội và Giáo dục và đào tạo với tỷ lệ tăng lần lượt là 48,4%; 43,3% và 30,3%. Phân theo vùng lãnh thổ, 03 vùng có số lượng doanh nghiệp giải thể trong 4 tháng đầu năm 2020 tăng so cùng kỳ năm 2019 là: Đồng bằng sông Hồng (1.268 doanh nghiệp, tăng 11,1%); Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (730 doanh nghiệp, tăng 15,9%) và Đông Nam Bộ (2.245 doanh nghiệp, tăng 28,9%). Khu vực Tây Nguyên có số lượng doanh nghiệp giải thể thấp nhất với 140 doanh nghiệp (chiếm 2,7% cả nước, giảm 27,1%). Đồng bằng Sông Cửu Long có 518 doanh nghiệp (chiếm 10,2% cả nước, giảm  23,6%) và Trung du và miền núi phía Bắc có 202 doanh nghiệp (chiếm 4,0%, giảm 36,1%).[3]

   +) Về mặt số liệu thực trạng trên cho thấy giải thể doanh nghiệp đang nổi lên vấn đề “tồn kho” một lượng rất lớn doanh nghiệp đã không còn hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng vẫn không nộp đơn giải thể. Tỷ trọng doanh nghiệp tuân thủ nghĩa vụ giải thể doanh nghiệp rất thấp. Do vậy, có một lượng lớn doanh nghiệp không còn hoạt động nhưng không thực hiện quy trình giải thể, phá sản. Đây là một tỷ lệ thấp dẫn tới việc Nhà nước thất thu,  người lao động bị xâm hại quyền lợi và làm sai lệch các thông tin thống kê về doanh nghiệp, ảnh hưởng tới sự minh bạch môi trường kinh doanh. Đặc biệt, việc doanh nghiệp đã ngừng hoạt động nhưng vẫn gây hậu quả kéo dài đang thể hiện rõ với những trường hợp chủ doanh nghiệp là người nước ngoài, có thuê đất nhà nước, còn nợ thuế, nợ khách hàng, nợ lương người lao động… nhưng chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn về nước nên không có người chịu trách nhiệm để thực hiện các thủ tục giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật.

2.2. Ưu điểm về giải thể doanh nghiệp:

   +) Đối với doanh nghiệp:

            – Giải thể xuất phát từ ý chí chủ quan của chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân; tất cả các thành viên hợp danh (công ty hợp danh); Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty (công ty trách nhiệm hữu hạn), Đại hội đồng cổ đông ( Công ty cổ phần) khi doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, không tìm được hướng đi mới hoặc nó đã thực hiện xong nhiệm vụ đặt ra khi thành lập. Giải thể doanh nghiệp có yếu tố tự quyết của chủ doanh nghiệp.

            – Doanh nghiệp giải thể chỉ đơn thuần là giải quyết dứt điểm tình trạng công nợ, thanh lí tài sản chia cho các cổ đông, trả giấy phép.

            – Giám đốc doanh nghiệp giải thể có thể đứng ra thành lập, điều hành công ty mới.

            – Doanh nghiệp giải thể sau khi thực hiện xong các nghĩa vụ tài sản vẫ có thể chuyển sang một ngành nghề kinh doanh khác nếu có thể

   +) Đối với nền kinh tế:

            – Nó có tác dụng tích cực sắp xếp lại sản xuất theo hướng có hiệu quả hơn.

            – Đòi hỏi các doanh nghiệp phải luôn luôn tìm tòi, sáng tạo, thích ứng với môi trường kinh doanh thường xuyên biến động hiện nay.

            – Thúc đẩy việc phân công lao động một cách hợp lí và có hiệu quả.

2.3. Những hạn chế về việc giải thể doanh nghiệp:

   +) Về nghĩa vụ của doanh nghiệp:

 – Về mặt nghĩa vụ của doanh nghiệp trong giải thể ta có thể thấy điểm bất cập từ quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 201 quy định là công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp thì bị giải thể.

 – Theo em quy định này là chưa được phù hợp bởi vì việc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền muốn xác định được tính liên tục trong hoạt động của doanh nghiệp là rất khó khăn bởi lẽ không có một căn cứ cụ thể nào để xác định được tính liên tục trong hoạt động của doanh nghiệp hiện nay.

   +) Thời hạn thanh lý hợp đồng:

            – Về thời hạn thanh lý hợp đồng được quy định tại điểm c khoản 1 điều 202 của Luật doanh nghiệp 2014 là không được vượt quá 06 tháng kể từ ngày thông qua quyết định giải thể.

 – Theo em thì thời hạn này chỉ phù hợp với những doanh nghiệp có quy mô nhỏ, không có những mối quan hệ giao dịch phức tạp, tài sản có tính thanh toán cao chứ không phù hợp với phần lớn các doanh nghiệp khác và các trường hợp khác. Ví dụ như với những doanh  nghiệp có quy mô khá lớn và có tài sản như bất động sản thì sẽ cần thời gian dài để thanh lí hợp đồng và trả nợ thì thời hạn này chắc chắn không đủ để giải quyết hết các hợp đồng và thanh toán hết nợ. Nhưng nếu nhìn nhận ở khía cạnh tích cực chúng ta vẫn thấy có khả năng doanh nghiệp muốn thanh toán nợ, nhưng không liên lạc được với chủ nợ vì chủ nợ đã xuất ngoại định cư.

   +) Thời hạn giải thể doanh nghiệp:

 – Trong khoản 8 Điều 202 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định là sau thời hạn 180 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải thể theo khoản 3 Điều này mà không nhận được ý kiến về việc giải thể từ doanh nghiệp hoặc phản đối của bên có liên quan bằng văn bản hoặc trong 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ giải thể, Cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

 – Theo em quy định này là chưa được hợp lý và có thể gây nhiều tác động tiêu cực đến việc giải thể doanh nghiệp. Chính quy định này mà một số doanh nghiệp đã lợi dụng để được giải thể “tự động” mà không mất thời gian, chi phí cho việc làm thủ tục giải thể[4].

Từ đó thấy rằng các quy định về giải thể doanh nghiệp quy định trong Luật Doanh nghiệp 2014 chưa thật sự rõ ràng, thiếu hiệu quả và còn tương đối phức tạp đã khiến cho các doanh nghiệp cố tình lảng tránh thực hiện việc đăng ký giải thể theo quy định, còn các cơ quan quản lý nhà nước rơi vào tình trạng khó quản lý và giám sát doanh nghiệp cũng như không xử lý được vấn đề.

3. Nguyên nhân những vướng mắc trong giải thể doanh nghiệp:

   Qua đó ta thấy được rằng những khó khăn, vướng mắc trong vấn đề giải thể doanh nghiệp xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, vấn đề pháp lý liên quan đến hồ sơ, trình tự, thủ tục giải thể đang được quy định tại Luật doanh nghiệp không phải nguyên nhân cơ bản. Việc doanh nghiệp ngại giải thể không phải mới xuất hiện trong thời gian gần đây mà đã diễn ra ngay từ khi nước ta triển khai thực hiện luật Doanh nghiệp 1999. Điều này xuất phát từ một số nguyên do sau:

+) Thứ nhất, nhận thức pháp luật của nhiều doanh nghiệp còn thấp, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về giải thể, phá sản theo quy định của các doanh nghiệp hiện nay chưa cao.

+) Thứ hai, chế tài xử lý đối với các chủ doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật không chịu chấp hành các quy định về giải thể, phá sản chưa đủ răn đe, dẫn tới nhiều chủ doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật không quan tâm tới nghĩa vụ giải thể, phá sản doanh nghiệp.

+) Thứ ba, hệ thống quy định về phá sản doanh nghiệp có nhiều bất cập. Vì vậy, doanh nghiệp muốn tuân thủ theo đúng quy định cũng rất khó. Trong số 140 ngàn doanh nghiệp không còn hoạt động, một tỷ lệ lớn các doanh nghiệp là lâm vào tình trạng phá sản (do không thể thanh toán hết các khoản nợ). Vì vậy, không thể thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động theo quy trình đơn giản là giải thể doanh nghiệp. Tuy nhiên, để thực hiện được quy trình theo quy định của Luật Phá sản, mỗi doanh nghiệp phải mất 3 đến 5 năm mới hoàn tất thủ tục. Điều này dẫn tới, tỷ lệ doanh nghiệp đã và đang thực hiện thủ tục phá sản gần như không có ý nghĩa trong thực tế.

+) Thứ tư, trong nhiều trường hợp, việc hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp hoàn thành nhanh chóng các thủ tục hành chính liên quan theo quy trình giải thể tại một số cơ quan quản lý nhà nước địa phương chưa được tốt. Đặc biệt là thủ tục hoàn tất nghĩa vụ thuế còn gặp nhiều khó khăn và thời gian kéo dài gây khó khăn cho việc làm thủ tục giải thể của các doanh nghiệp hiện nay.

4. Giải pháp, kiến nghị hoàn thiện pháp luật và giải pháp, kiến nghị thi hành pháp luật về việc giải thể doanh nghiệp:

4.1. Giải pháp kiến nghị hoàn thiện các quy định về giải thể doanh nghiệp:

   Để tạo thuận lợi cho quá trình giải thể doanh nghiệp trong thời gian tới và khắc phục các vướng mắc, bất cập của quy định pháp luật doanh nghiệp thời gian qua, em xin kiến nghị một số nội dung hoàn thiện pháp luật như sau:

– Thứ nhất, về các trường hợp giải thể, Điểm d Khoản 1 Điều 201 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định trường hợp giải thể bắt buộc ” bị thu hồi giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp”. Ngoài quy định này, nên bổ sung trường hợp giải thể bắt buộc do “bị huỷ giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh”, bởi loại giấy tờ này có thể bị toà án huỷ nếu như được cấp trái pháp luật và có thể được cấp lại đúng pháp luật.

– Thứ hai, sửa đổi khoản 3 Điều 202 Luật Doanh nghiệp năm 2014 theo hướng bổ sung quy định yêu cầu doanh nghiệp giải thể phải gửi quyết định giải thể doanh nghiệp đến cơ quan bảo hiểm xã hội bên cạnh các cơ quan hữu quan khác. Theo đó, trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày thông qua, quyết định giải thể và biên bản họp phải được gửi đến Cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế, cơ quan bảo hiểm xã hội và người lao động trong doanh nghiệp. Việc bổ sung chủ thể cơ quan bảo hiểm xã hội được gửi/thông báo quyết định giải thể nêu trên sẽ khắc phục các rào cản trong thủ tục giải thể doanh nghiệp thời gian qua tại Việt Nam, không những góp phần bảo vệ quyền lợi người lao động, mà còn đảm bảo cho việc quản lý nhà nước của cơ quan bảo hiểm xã hội đối với doanh nghiệp giải thể được chặt chẽ hơn, hạn chế các trở ngại phát sinh trong quá trình thanh lý tài sản của doanh nghiệp giải thể.

– Thứ ba, Chính phủ cần ban hành Nghị định quy định chi tiết về trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp theo quy định của Khoản 9 Điều 202 Luật Doanh nghiệp năm 2014 nhằm tạo thuận lợi cho việc giải quyết giải thể doanh nghiệp từ phía cơ quan công quyền lẫn doanh nghiệp.

– Thứ tư, luật hóa tiêu chí xác định chủ doanh nghiệp bỏ trốn để làm cơ sở giải quyết cho giải thể các doanh nghiệp “mất tích” trong nền kinh tế và bổ sung một số trường hợp giải thể doanh nghiệp vào Luật Doanh nghiệp năm 2014 cho phù hợp với diễn biến thực tế của doanh nghiệp Việt Nam. Đối với tiêu chí xác định một doanh nghiệp mất tích/chủ doanh nghiệp bỏ trốn, Luật Doanh nghiệp cần quy định trong vòng bao nhiêu ngày người đại diện của doanh nghiệp vắng mặt mà không có thông báo cho chính quyền sở tại và không có ủy quyền hợp pháp cho người khác hoặc các cơ quan chức năng đã có thông báo công khai mà chủ doanh nghiệp không có phản hồi thì được xem là “chủ doanh nghiệp bỏ trốn”. Khi đó, cơ quan chức năng được quyền thanh lý tài sản của doanh nghiệp theo luật định để trả lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động. Đồng thời, qua đó làm cơ sở cho người lao động hoặc tổ chức Công đoàn khởi kiện, yêu cầu phá sản doanh nghiệp để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. [5]

– Thứ năm, để giảm tình trạng giải thể trong các doanh nghiệp, các cơ quan Nhà nước tăng cường những biện pháp, chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Đồng thời, các chủ thể có thẩm quyền cần tăng cường công tác quản lý kiểm tra, kiểm soát, phát hiện kịp thời có chế tài xử lý những sai phạm trong hoạt động của các doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn linh hoạt trong điều hành.

4.2. Một số kiến nghị sửa đổi các cơ chế của giải thể doanh nghiệp:

– Một là, tiếp tục nghiên cứu, đơn giản hóa những thủ tục hành chính của doanh nghiệp tại các cơ quan quản lý nhà nước trước khi doanh nghiệp thực hiện nộp bộ hồ sơ giải thể tại cơ quan đăng ký kinh doanh. Trong đó, tập trung đơn giản hóa quy trình về kê khai và quyết toán thuế cho doanh nghiệp sau khi doanh nghiệp quyết định giải thể.

– Hai là, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp cũng như pháp luật, chế tài xử phạt vi phạm về giải thể, phá sản doanh nghiệp nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp.

– Ba là, quy định cụ thể và phân định rõ chức năng quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp và chức năng quản lý nhà nước đối với dự án đầu tư; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về giải thể doanh nghiệp; các quy định về quản trị doanh nghiệp theo thông lệ kinh tế thị trường.

– Bốn là, hoàn thiện cơ chế, chính sách và nền tảng công nghệ thông tin để Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia giữ vai trò đầu mối cung cấp thông tin pháp lý về đăng ký doanh nghiệp, từ đó, tạo điều kiện cho mọi tổ chức, cá nhân có thể tiếp cận dễ dàng các thông tin chính xác về tình trạng pháp lý của doanh nghiệp; phát huy vai trò giám sát của xã hội đối với doanh nghiệp.

* Kết luận: Trong vòng đời doanh nghiệp, khi gặp khó khăn, doanh nghiệp có thể ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong một thời gian nhất định. Đây là một dạng rút lui tạm thời khỏi thị trường. Tuy nhiên, khi không thể tiếp tục hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường thông qua hình thức giải thể hoặc phá sản doanh nghiệp. Các quy định về giải thể ngày càng được hoàn thiện hơn thông qua những sửa đổi bổ sung Luật doanh nghiệp 2014. Nền tảng pháp lí cho doanh nghiệp ngày càng bền vững hơn, tạo điều kiện để khắc phục những yếu điểm còn tồn đọng trong những quy định của pháp luật.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Luật Doanh nghiệp 2014.
  2. Luật Phá sản năm 2014.
  3. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật thương mại, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội.
  4. Ts. Bùi Ngọc Cường (Chủ biên), Giáo trình Luật thương mại Việt Nam 1, Nxb Giáo dục.
  5. TS. Nguyễn Thị Dung (Chủ biên), Hỏi & đáp Luật Thương mại (hay Luật kinh doanh, Luật Kinh tế), Nxb. Chính trị – hành chính.
  6. TS. Nguyễn Thị Dung, Thực trạng pháp luật về giải thể doanh nghiệp – một số đánh giá và kiến nghị hoàn thiện, Tạp chí luật học số 10/2012.

Các bài luận liên quan:


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191