Các hoạt động thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý trong các Chương trình giảm nghèo tại Thông tư số 07/2008/TT-BTP ngày 21/10/2008 của Bộ Tư pháp

Các hoạt động thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý trong các Chương trình giảm nghèo tại Thông tư số 07/2008/TT-BTP ngày 21/10/2008 của Bộ Tư pháp

27/10/2008

Trên cơ sở các quy định của Luật Trợ giúp pháp lý ngày 29 tháng 6 năm 2006; Quyết định số 07/2006/QĐ-TTg ngày 10 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế – xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc miền núi giai đoạn 2006 – 2010; Quyết định số 20/2007/QĐ-TTg ngày 05 tháng 02 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 – 2010; Quyết định số 112/2007/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật thuộc Chương trình 135 giai đoạn II; Chỉ thị số 04/2008/CT-TTg ngày 25 tháng 01 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện các Chương trình giảm nghèo, ngày 21/10/2008 Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 07/2008/TT-BTP hướng dẫn việc thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý trong Chương trình phát triển kinh tế – xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc miền núi giai đoạn 2006 – 2010 và Chương trình mục tiêu quốc giảm nghèo giai đoạn 2006 – 2010 (sau đây gọi chung là các Chương trình giảm nghèo).

Thông tư số 07/2008/TT-BTP hướng dẫn thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý trong các Chương trình giảm nghèo, tập trung vào các nội dung như: mục tiêu, đối tượng thụ hưởng, các nguyên tắc thực hiện; các hoạt động để thực hiện; cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá và báo cáo kết quả thực hiện; kinh phí bảo đảm thực hiện và tổ chức thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý trong các Chương trình giảm nghèo.

Tại bài viết này, người viết xin tập trung giới thiệu về các hoạt động của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Trung tâm) thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý trong các Chương trình giảm nghèo.

Theo đó, căn cứ vào kết quả tổng hợp danh sách các xã nghèo, hộ nghèo; xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, an toàn khu; các thôn, bản đặc biệt khó khăn ở các xã khu vực II ở địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Trung tâm thực hiện các công việc sau:

Thứ nhất, việc khảo sát nhu cầu trợ giúp pháp lý:Trung tâm phối hợp với các cơ quan, ban, ngành có liên quan khảo sát về nhu cầu trợ giúp pháp lý của nhân dân ở địa phương với các nội dung sau:

– Tổng số người thuộc diện được trợ giúp pháp lý trên tổng số người sinh sống tại địa phương (có phân chia theo từng diện đối tượng cụ thể, xác định rõ tỉ lệ và dự báo tỉ lệ này trong những năm tiếp theo cho đến năm 2010);

– Số người đã biết về trợ giúp pháp lý trên tổng số người đang thường xuyên sinh sống tại địa phương (dự đoán tỉ lệ);

– Số người có nhu cầu trợ giúp pháp lý trên tổng số người thuộc diện được trợ giúp pháp lý tại địa phương (dự đoán tỉ lệ);

– Lĩnh vực pháp luật có nhiều nhu cầu trợ giúp pháp lý (trên cơ sở đánh giá, khảo sát thực trạng hoạt động điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng, thực trạng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và nhu cầu hiểu biết pháp luật của người được trợ giúp pháp lý ở địa phương).

Kết quả khảo sát phải xác định mức chính xác tối đa về nhu cầu trợ giúp pháp lý và được tổng hợp, lập thành báo cáo, làm cơ sở xây dựng và triển khai Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch hàng năm thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý trong các Chương trình giảm nghèo phù hợp với điều kiện đặc điểm của địa phương.

Thứ hai, việc xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện:Căn cứ vào số lượng xã nghèo, hộ nghèo; xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, an toàn khu; các thôn, bản đặc biệt khó khăn ở các xã khu vực II, người thuộc diện được trợ giúp pháp lý và nhu cầu được trợ giúp pháp lý của họ, các Trung tâm cần xây dựng Kế hoạch thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý trong các Chương trình giảm nghèo, bao gồm:

– Kế hoạch tổng thể (giai đoạn 2008 – 2010) và Kế hoạch hàng năm triển khai chính sách trợ giúp pháp lý trong Chương trình 135 giai đoạn II;

– Kế hoạch tổng thể (giai đoạn 2008 – 2010) và Kế hoạch hàng năm triển khai chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 – 2010.

Nội dung của các Kế hoạch phải xác định rõ mục tiêu, đối tượng thụ hưởng, nội dung hoạt động, tiến độ triển khai thực hiện, kinh phí bảo đảm thực hiện, chế độ thống kê, báo cáo, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện và tổ chức thực hiện.

Thứ ba, việc thành lập và tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý: Căn cứ vào danh sách các xã nghèo, các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, an toàn khu, thôn, bản đặc biệt khó khăn ở các xã khu vực II ở địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thuộc các Chương trình giảm nghèo, Sở Tư pháp chỉ đạo Trung tâm phối hợp với các cơ quan có liên quan ở cấp huyện hướng dẫn Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (Uỷ ban nhân dân cấp xã) thuộc các Chương trình giảm nghèo thành lập Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý; phê duyệt Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý và hướng dẫn hoạt động theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý, Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý và Quyết định số 03/2008/QĐ-BTP ngày 28 tháng 02 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Điều lệ mẫu về tổ chức và hoạt động của Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý.

Thứ tư, việc triển khai thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý:

– Thụ lý và tổ chức thực hiện dứt điểm, kịp thời, hiệu quả và có chất lượng đối với các vụ việc trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý sinh sống ở các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, các xã biên giới, an toàn khu và thôn, bản đặc biệt khó khăn ở các xã khu vực II thuộc các Chương trình giảm nghèo khi họ có yêu cầu;

– Tổ chức tập huấn cập nhật kiến thức pháp luật, kỹ năng trợ giúp pháp lý cho cộng tác viên trợ giúp pháp lý, thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý và hướng dẫn sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý;

– Tổ chức các đợt trợ giúp pháp lý lưu động đến các xã, thôn, bản thuộc các Chương trình giảm nghèo, bảo đảm mỗi năm, mỗi xã được hưởng ít nhất 01 đợt trợ giúp pháp lý lưu động. Đối với các xã phát sinh nhiều nhu cầu trợ giúp pháp lý, là điểm nóng về khiếu kiện, Trung tâm tổ chức nhiều đợt trợ giúp pháp lý lưu động theo yêu cầu của Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương;

– Tăng cường công tác thông tin, truyền thông về các quy định của pháp luật có liên quan trực tiếp đến các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, nhất là các quy định liên quan đến chính sách ưu đãi của nhà nước dành cho người nghèo, người dân tộc thiểu số và pháp luật về trợ giúp pháp lý cho người dân tại các xã, thôn, bản thuộc diện được hưởng chính sách trợ giúp pháp lý của các Chương trình giảm nghèo thông qua các hình thức phù hợp với địa bàn như: biên soạn, in ấn, phát hành miễn phí các tờ gấp pháp luật; cung cấp thông tin pháp luật cho các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý; soạn thảo nội dung các quy định của pháp luật, thu băng và sao băng catset (bằng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc) để phát trên loa truyền thanh của các xã; đặt biển thông tin về trợ giúp pháp lý tại nơi có nhiều người dân qua lại ở xã như các nhà văn hoá thôn, trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã…

Nguyễn Tuệ


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191