Các thời hiệu thi hành bản án theo luật Hình sự sửa đổi năm 2017 được tính như thế nào?
Luật Hình sự sửa đổi 2017 đã có hiệu lực và có rất nhiều sửa đổi so với Luật Hình sự 2009, tôi đang muốn tìm hiểu về những sửa đổi thay đổi trong các thời hiệu thi hành bản án mới này, mong được các luật sư am hiểu pháp luật giúp đỡ.
Luật sư Tư vấn Các thời hiệu thi hành bản án theo luật Hình sự sửa đổi năm 2017 – Gọi 1900.0191
1./ Thời điểm xảy ra tình huống pháp lý
Ngày 29 tháng 01 năm 2018
2./ Cơ sở văn bản Pháp Luật áp dụng
Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017
3./ Luật sư trả lời
Thời hiệu thi hành bản án hình sự là thời hạn do Bộ luật Hình sự quy định mà khi hết thời hạn đó, người bị kết án, pháp nhân thương mại bị kết án không phải chấp hành bản án đã tuyên.
Thời hiệu thi hành bản án hình sự được quy định tại Điều 60 Bộ luật Hình sự 2015 như sau:
Điều 60. Thời hiệu thi hành bản án
1.Thời hiệu thi hành bản án hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó người bị kết án, pháp nhân thương mại bị kết án không phải chấp hành bản án đã tuyên.
2.Thời hiệu thi hành bản án hình sự đối với người bị kết án được quy định như sau:
a) 05 năm đối với các trường hợp xử phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc xử phạt tù từ 03 năm trở xuống;
b) 10 năm đối với các trường hợp xử phạt tù từ trên 03 năm đến 15 năm;
c) 15 năm đối với các trường hợp xử phạt tù từ trên 15 năm đến 30 năm;
d) 20 năm đối với các trường hợp xử phạt tù chung thân hoặc tử hình.
3.Thời hiệu thi hành bản án hình sự đối với pháp nhân thương mại là 05 năm.
4.Thời hiệu thi hành bản án hình sự được tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này, người bị kết án, pháp nhân thương mại bị kết án lại thực hiện hành vi phạm tội mới, thì thời hiệu tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.
5. Trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người bị kết án cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ ngày người đó ra trình diện hoặc bị bắt giữ.”
Để phân tích quy định về thời hiệu thi hành bản án hình sự theo Bộ luật hình sự 2017, chúng ta làm rõ một số vấn đề dưới đây.
1.Chủ thể
Chủ thể hướng tới trong Điều Luật quy định về thời hiệu thi hành bản án hình sự là người bị kết án và pháp nhân thương mại bị kết án.
Với chủ thể là người bị kết án, đây là chủ thể tương đối quen thuộc và dễ hiểu, thuộc sự điều chỉnh của tất cả các Bộ luật Hình sự cũ, theo lối tư duy làm luật cũ là mối quan hệ hình sự là mối quan hệ giữ cá nhân phạm tội và nhà nước.
Đối với chủ thể là pháp nhân thương mại thì đây là lần đầu tiên trong lịch sử hình thành và phát triển pháp luật hình sự, chủ thể này trở thành đối tượng điều chỉnh của pháp luật hình sự. Việc bổ sung chủ thể này vào phạm vi điều chỉnh của pháp luật hình sự đã thể hiện rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới do Pháp nhân thương mại gây ra, nhất là trong linh vực kinh tế, môi trường, phù hợp với xu hướng chung của quốc tế. Lưu ý rằng, chỉ pháp nhân thương mại mới là chủ thể của pháp luật hình sự, các pháp nhân phi thương mại vẫn không thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật hình sự Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, Bộ luật Hình sự 2015 cũng như các văn bản hướng dẫn bộ luật này lại không nêu định nghĩa về pháp nhân thương mại là gì.
Chiểu theo quy định tại Điều 75 Bộ luật Dân sự 2015 về pháp nhân thương mại thì:
“Điều 75. Pháp nhân thương mại
1.Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên.
2.Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.
3.Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.”
2.Thời hiệu
Thời hiệu thi hành bản án hình sự phân chia theo chủ thể áp dụng gồm 2 loại:
- Thời hiệu thi hành bản án hình sự đối với người bị kết án
Thời hiệu này lại được chia nhỏ theo các mức hình phạt:
+ 05 năm đối với các trường hợp xử phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc xử phạt tù từ 03 năm trở xuống;
+ 10 năm đối với các trường hợp xử phạt tù từ trên 03 năm đến 15 năm;
+ 15 năm đối với các trường hợp xử phạt tù từ trên 15 năm đến 30 năm;
+ 20 năm đối với các trường hợp xử phạt tù chung thân hoặc tử hình.
Có thể thấy thời hiệu thi hành bản án hình sự dựa vào mức hình phạt cụ thể người bị kết án phải chấp hành theo bản án hình sự chứ không dựa vào loại tội phạm mà người này đã thực hiện. Việc quy định như vậy là do, trong một số trường hợp một người có thể phạm nhiều tội một lúc, có thể các tội đều không đến mức nghiêm trọng nhưng số năm bị phạt tù được tổng hợp lại lên đến 20 năm, dẫn đến việc quy định thời hiệu thi hành bản án hình sự theo loại tội phạm sẽ là một bất cấp cũng như lỗ hổng lớn của pháp luật.
- Thời hiệu thi hành bản án hình sự đối với pháp nhân thương mại bị kết án
Đối với pháp nhân thương mại thì thời hiệu thi hành bản án hình sự là 5 năm trong mọi trường hợp. Do quản lý pháp nhân thương mại dễ dàng hơn rất nhiều so với cá nhân cũng như các hình phạt đối với pháp nhân thương mại chỉ mang tính chất phạt tiền, đình chỉ hoạt động, cấm kinh doanh… là những hình phạt tương đối dễ dàng áp dụng do vậy pháp luật chỉ quy định một mức thời hiệu cho tất cả các loại tội phạm mà pháp nhân phạm phải.
3.Thời điểm bắt đầu tính thời hiệu thi hành bản án hình sự
Thời hiệu thi hành bản án hình sự được tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Ngoài ra, trong thời gian có hiệu lực của bản án hình sự và chưa đến thời hiệu thi hành bản án hình sự mà người bị kết án, pháp nhân thương mại bị kết án lại thực hiện hành vi phạm tội mới thì thời hiệu được tính lại kể từ ngày thực hiện tội phạm mới. Trong trường hơp người bị kết án cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ ngày người đó ra trình diện hoặc bị bắt giữ.
4. Trường hợp không áp dụng thời hiệu thi hành bản án.
Thời hiệu thi hành bản án hình sự chỉ áp dụng đối với một số tội phạm nhất định. Đối với tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia; tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh được quy định tại Chương XIII, Chương XXVI, khoản 3 và khoản 4 Điều 353, khoản 3 và khoản 4 Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015; cụ thể là: Tội phản bội tổ quốc; Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; Tội gián điệp; Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ; Tội bạo loạn; Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; Tội phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế – xã hội; Tội phá hoại chính sách đoàn kết; Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc truyền thông thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Tội phá rối an ninh; Tội chống phá cơ sở giam giữ; Tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân; Tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân; Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; Tội chống loài người; Tội phạm chiến tranh; Tội tuyển mộ, huấn luyện hoặc sử dụng lính đánh thuê; Tội làm lính đánh thuê; Tội tham ô tài sản trong trường hợp tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng; Tội nhận hối lộ trong trường hợp tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì không áp dụng thời hiệu thi hành bản án hình sự hay những người bịa kết án về các tội phạm này buộc phải chấp hành bản án.
Với những tư vấn trên đây Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp trên, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.
Tham khảo thêm bài viết:
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.