Câu hỏi của khách hàng: Cách tính và thanh toán bảo hiểm tai nạn lao động đúng
Các anh chị cho em hỏi về vấn đề thanh toán bảo hiểm tai nạn lao động và nhờ các anh chị tính giúp cụ thể số tiền em được cơ quan bảo hiểm bồi thường. Vì em coi trên mạng mà em không hiểu.
Lương của em 7,5 triệu/tháng = 5 triệu cơ bản + 2,5 triệu phụ cấp.
Em bị tai nạn lúc đang sử dụng máy khoan sắt cầm tay thì mũi khoan gãy khiến đầu mũi máy khoan kẹt, máy theo tua quay đập vô lòng bàn tay phải làm GÃY XƯƠNG 4 BÀN TAY PHẢI.
Em vẫn đang trong quá trình điều trị hơn 1 tháng nay theo quy định bệnh viện. Cơ quan bảo hiểm cũng đã giải quyết nhưng em không biết đúng không ?
(TK 19032624295013
So tien GD:+3,200,000
So du:3,337,439
(B/O CT BAO HIEM PVI SAI GON) TC:R834021486./SAL240818R834001/PVI SAI GON CHI BOI THUONG KCB NGUYEN TRUNG KIEN F/O NGUYEN TRUNG KIEN TK: 1903.2624.2950.13 TAI TECHCOMBANK _ CN TRUONG SON).
Rất mong được sự tư vấn của anh chị. Em chân thành cảm ơn !
Luật sư Tư vấn Luật An toàn, vệ sinh lao động – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 28/09/2018
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Tính trợ cấp được hưởng khi gặp tai nạn lao động
- Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015
- Thông tư 26/2017 /TT – BLĐTBXH Quy định và hướng dẫn thực hiện chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc
3./ Luật sư trả lời Cách tính và thanh toán bảo hiểm tai nạn lao động đúng
Theo quy định của pháp luật thì tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động. Khi người lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, đủ điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động thì người lao động sẽ được hưởng những chế độ nhất định theo quy định.
Theo quy định của pháp luật thì việc hưởng chế độ tai nạn lao động được tính dựa trên thời gian, tiền lương tháng. Cụ thể:
-Thời gian làm căn cứ tính hưởng chế độ tai nạn lao động là tổng thời gian đóng bảo hiểm và quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động, không kể thời gian đóng trùng của các hợp đồng lao động; thời gian đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nếu không liên tục thì được cộng dồn.
-Tiền lương đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp làm căn cứ tính hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hiểu là tiền lương tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; là tiền lương tháng cuối cùng đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của công việc đã làm mà công việc đó gây ra bệnh nghề nghiệp đối với trường hợp bị bệnh nghề nghiệp khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp.
Căn cứ Điều 45 Luật an toàn vệ sinh lao động thì người lao động gặp tai nạn lao động tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, không do lỗi của người lao động sẽ được hưởng chế độ tai nạn lao động. Và khi đó, bên bảo hiểm phải chi trả các khoản sau:
Thứ nhất, được hưởng trợ cấp tai nạn lao động hằng tháng hoặc một lần.
Thứ hai, được hưởng chế độ hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp; huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và phục hồi chức năng lao động và các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Thông tư 26/2017/TT – BLĐTBXH thì mức trợ cấp một lần bạn được hưởng khi bị tai nạn lao động sẽ được tính bằng tổng mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động và mức trợ cấp tính theo số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động
Trong đó, mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động được tính như sau: [mức trợ cấp = 5x 1.390.000 + (mức suy giảm khả năng lao động – 5) x 0,5 x 1.390.000] đồng.
Mà theo Mục 3.4 Khoản 8 (Bảng tỷ lệ tổn thương cơ thể do tổn thương hệ cơ- xương- khớp) Bảng 1 ban hành kèm thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH thì gãy một xương bàn tay, nếu bàn tay không bị biến dạng và không hạn chế chức năng bàn tay, ngón tay thì mức suy giảm là 6-10, trong trường hợp bàn tay bị biến dạng, ảnh hưởng nhiều đến chức năng bàn tay, ngón tay thì mức suy giảm là 16-20. Do đó, tùy theo tỷ lệ tổn thương cơ thể thực tế của bạn mà mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động sẽ khác nhau.
Còn mức trợ cấp tính theo số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động được tính như sau: [mức trợ cấp = 0,5x 7.500.000 + (tổng số năm đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động – 1)x 0,3 x 7.500.000]. Nếu tổng số năm đóng bảo hiểm của bạn nhỏ hơn 1 mức trợ cấp bằng [0,5×7.500.000] = 3.725.000 đồng
Trợ cấp tai nạn lao động hàng tháng được tính bằng tổng mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động và mức trợ cấp tính theo số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và bằng: [trợ cấp = 0,3×1.390.000 + 0,005×7.500.000 + (tổng số năm đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm – 1)x 0,003x 7.500.000]. Nếu tổng số năm đóng bảo hiểm của bạn nhỏ hơn 1 mức trợ cấp bằng [0,3×1.390.000 + 0,005×7.500.000] = 454.500 đồng.
Như vậy, dựa trên những thông tin bạn đã cung cấp thì việc xác định mức trợ cấp của bạn mà công ty bảo hiểm chi trả là đúng hay sai là không đủ thông tin. Bạn có thể dựa vào công thức trên và thời gian đóng bảo hiểm thực tế của bạn cùng mức độ suy giảm khả năng lao động để tính số tiền trợ cấp mà bạn được hưởng, từ đó xem xét tính đúng sai của việc chi trả bảo hiểm phía công ty bảo hiểm.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.
Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN