Cần bổ sung khái niệm nhầm lẫn và nhầm lẫn về chủ thể vào dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)
Điều 131 Bộ luật Dân sự năm 2005 và Điều 127 Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) (Dự thảo) quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn. Tuy nhiên, ở cả hai quy định này đều còn thiếu khái niệm nhầm lẫn và nhầm lẫn về chủ thể. Bài viết này sẽ tập trung nghiên cứu thực tiễn xét xử của Tòa án về giao dịch vô hiệu do nhầm lẫn, so sánh với pháp luật nước ngoài để từ đó kiến nghị bổ sung khái niệm nhầm lẫn và nhầm lẫn về chủ thể vào Dự thảo.
1. Cách hiểu về khái niệm nhầm lẫn
Khi có khiếm khuyết của sự tự nguyện là nhầm lẫn trong hợp đồng thì hợp đồng sẽ bị vô hiệu. Đối với hai khiếm khuyết lừa dối và đe dọa thì từ Điều 142 Bộ luật Dân sự năm 1995 cho đến Điều 132 Bộ luật Dân sự năm 2005 đều có các khái niệm này. Còn nhầm lẫn, mặc dù cũng được quy định là khiếm khuyết của sự ưng thuận nhưng lại chưa có một văn bản luật nào định nghĩa về khái niệm đó.
Chính vì luật không có khái niệm nhầm lẫn và không có tiêu chí rõ ràng khi đánh giá mức độ nghiêm trọng của nhầm lẫn, nên trong thực tiễn, Tòa án gặp nhiều khó khăn khi giải quyết, việc xác định yếu tố nhầm lẫn có thể là đúng hoặc sai hay không hợp lý. Cụ thể:
– Trường hợp Tòa án xác định đúng yếu tố nhầm lẫn trong hợp đồng
Vụ việc trong thực tiễn: Tháng 10/2009, biết vợ chồng bà H bán hai cái sạp liền kề tại chợ Tân Bình (TP. Hồ Chí Minh) là sạp X và X./1, bà L đến mua một cái với giá 1,5 tỷ đồng, đặt cọc trước 100 triệu đồng. Sau khi hợp đồng được giao kết, bà L phát hiện trước cửa sạp có nắp cống thường xuyên bốc mùi hôi thối. Do vậy, bà khởi kiện đòi lại tiền đặt cọc vì cho rằng người bán lừa dối khi giao kết hợp đồng. Tại phiên xét xử sơ thẩm, Tòa án nhân dân quận Tân Bình nhận định nắp cống khá lớn và cao hơn so với mặt đường, ở phía trước cống còn có nước chảy nên người bán không thể che kín bưng. Hơn nữa, trước khi thỏa thuận và đặt cọc tiền thì bên mua nhiều lần đến xem xét thực tế vị trí sạp cho nên Tòa án đã không chấp nhận có hành vi gian dối trong giao dịch và bên mua không chịu nhận sạp theo như giao kết là có lỗi nên bị mất tiền đặt cọc là đúng. Không đồng ý với quyết định trên trong bản án của tòa sơ thẩm, bà L đã tiếp tục kháng cáo lên Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh. Tại phiên xét xử phúc thẩm, hội đồng xét xử đã nhận định, trong hợp đồng ghi rõ chủ thể mua bán là sạp X nhưng tài sản mà các bên tranh chấp trên thực tế lại là sạp X./1. Xét về mặt pháp lý thì hợp đồng không đúng về đối tượng, xét về mặt thực tế thì không đúng về chủ thể nên hợp đồng không phát sinh hiệu lực. Vì lẽ đó, Tòa tuyên hợp đồng mua bán sạp vô hiệu và yêu cầu bên bán hoàn trả lại 100 triệu đồng mà bên mua đã đặt cọc[1].
Như vậy, giữa các bên trong hợp đồng đã có sự nhầm lẫn về đối tượng của hợp đồng. Cụ thể hai bên mua bán sạp X (trong ý chí của bên mua và bên bán là sạp X) nhưng thực tế lại tiến hành giao nhận sạp X./1. Nghĩa là cả hai bên đều không có sự thỏa thuận thống nhất trong nhận thức và có sự khác nhau với thực tế, không xuất phát từ ý chí tự nguyện của các bên nên việc tuyên hợp đồng mua bán trên vô hiệu do nhầm lẫn là có cơ sở hợp lý.
– Trường hợp Tòa án xác định sai khi cho rằng có yếu tố nhầm lẫn trong hợp đồng
Vụ việc: Ngày 22/9/2005, ông T và ông H ký kết hợp đồng thuê căn nhà 4A6 cư xá 307, giá thuê mỗi tháng là 5.000.000 đồng, tiền thuê nhà thanh toán 3 tháng một lần và đặt cọc 3 tháng tiền thuê để bảo đảm thực hiện hợp đồng. Trước khi ký và giao kết hợp đồng, ông H đều nói rõ với ông T về tình trạng căn nhà hiện tại vẫn do cha mẹ ông đứng tên chủ sở hữu nhưng cha mẹ ông đã chết nên không thể ra công chứng được. Ông T đồng ý thuê nhà và đã đặt cọc 100USD, hẹn đến ngày 22/9/2005 tiến hành lập hợp đồng. Đúng hẹn, ngày 22/9/2005, ông T đến ký hợp đồng với ông H, ông H có nhắc lại một lần nữa về tình trạng không thể đem ra công chứng, nhưng ông T trả lời không sao, chỉ cần ông H cung cấp giấy tờ nhà cho ông T thì ông T ra công chứng được. Ông H đã cung cấp đủ giấy tờ nhà và giao chìa khóa nhà cho ông T. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, hai bên xảy ra tranh chấp. Tại phiên tòa phúc thẩm, Tòa án đã xét rằng, khi ông H ký kết hợp đồng với ông T để cho thuê căn nhà và ký nhận đặt cọc thuê nhà mà ông H chưa có sự ủy quyền của bà Tr và bà A (hai người thừa kế ngôi nhà), nên giao dịch giữa ông T và ông H là giao dịch vô hiệu do nhầm lẫn, không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên kể từ thời điểm xác lập dựa vào Điều 141 và khoản 2 Điều 146 Bộ luật Dân sự năm 1995[2].
Ở vụ việc này, nếu ông H là một trong những người thừa kế ngôi nhà do bố mẹ chết không để lại di chúc, nhưng khi chưa có sự đồng ý của hai người thừa kế còn lại mà ông H tự tiện cho thuê ngôi nhà và cũng không nói cho ông T biết về hiện trạng ngôi nhà, thì điều này làm cho ông T bị nhầm lẫn. Nhưng với lời khai của ông H cho thấy, mặc dù ông T biết là ngôi nhà không thuộc sở hữu của ông H và đồng nghĩa với việc khó có thể đi công chứng được, nhưng ông T vẫn đồng ý thuê. Như vậy, trong nhận thức của ông T không có sự nhầm lẫn, bởi lẽ nhận thức của ông đã biết về hiện trạng của ngôi nhà, đã không có sự khác nhau giữa nhận thức của ông với thực tế ngôi nhà, cho nên đây không thể coi là có sự nhầm lẫn được. Việc Tòa án áp dụng điều luật về nhầm lẫn là không có cơ sở.
– Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm cho rằng có yếu tố nhầm lẫn nhưng đến khi tiến hành theo thủ tục giám đốc thẩm thì lại khẳng định chắc chắn rằng việc xác định có yếu tố nhầm lẫn ở đây là chưa có đủ căn cứ vững chắc
Vụ việc: Ngày 06/01/1993, Công ty xây dựng và kinh doanh nhà, nay là Công ty cổ phần địa ốc Sài Gòn (sau đây viết tắt là Công ty) và ông N có ký kết hợp đồng liên doanh xây dựng nhà số 02/93, theo đó, ông N giao toàn bộ khu đất với diện tích là 552m2 cho Công ty đầu tư xây dựng 12 căn nhà. Đến cuối năm 1993, Công ty đã đầu tư xây dựng hoàn chỉnh khu nhà nhưng không đưa vào kinh doanh được vì Công ty phát hiện ông N đã gian dối khi sửa chữa Quyết định số 02 ngày 10/11/1986 của Lữ đoàn thông tin 596 (về việc giao đất cho ông N) từ diện tích đất là 342m2 thành 942m2 và sử dụng phần diện tích đất lấn chiếm trái phép này để góp vốn kinh doanh với Công ty. Do việc Bộ Tư lệnh thông tin ra Quyết định số 206G3/QĐ ngày 18/6/1997 thu hồi phần đất do ông N lấn chiếm, sử dụng trái phép là 666m2, nên một số căn nhà mà Công ty đã đầu tư xây dựng bị hoang phế, vốn đầu tư bị tồn đọng. Đến ngày 10/3/2000, Bộ Quốc phòng cùng Bộ Tư lệnh thông tin mới có Biên bản bàn giao nhà, đất số 507/BB-TTLL bàn giao 619,6m2 đất và 11 căn hộ cho Công ty, trong khi đó, ông N không có trách nhiệm cùng Công ty giải quyết hậu quả. Vì vậy, Công ty đã khởi kiện ra Tòa án. Tòa án các cấp sơ thẩm, phúc thẩm đều nhận định hợp đồng ký kết giữa ông N và Công ty là vô hiệu do nhầm lẫn. Khi được xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm thì nhận định, việc Tòa án các cấp sơ thẩm, phúc thẩm tuyên hợp đồng vô hiệu do nhầm lẫn là chưa có đủ căn cứ vững chắc[3].
Có thể thấy rằng, việc Tòa án các cấp sơ thẩm, phúc thẩm tuyên hợp đồng vô hiệu do nhầm lẫn là chưa đủ căn cứ, vì vẫn chưa có sự xác định trong diện tích đất mà ông N dùng để góp vốn đầu tư xây dựng, diện tích đất lấn chiếm của Nhà nước thì Công ty có biết hay không? Khi nào thì Công ty biết việc này? Những vấn đề đó vẫn chưa được làm rõ mà đã kết luận hợp đồng trên là vô hiệu do nhầm lẫn và ông N vô ý làm cho Công ty hiểu nhầm là chưa hợp lý.
– Trường hợp, Tòa cấp sơ thẩm, phúc thẩm xác định không có nhầm lẫn nhưng đến khi tiến hành theo thủ tục giám đốc thẩm thì mới phát hiện có yếu tố nhầm lẫn
Vụ việc: Ngày 03/01/2002, ông L đã nhận chuyển nhượng của bà P quyền sử dụng một nền đất có diện tích 64m2 (kích thước 4m ngang, 16m dài) thuộc khu dân cư Rạch Miễu, quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh mang số 16 lô C1, có mặt tiền là đường Phan Xích Long với giá 16.500.000 đồng/m2, thành tiền là 1.056.000.000 đồng. Bà P nói với ông L là bà mua nền đất này của Công ty Sài Gòn Viễn Đông (Công ty SG). Ông L đã trả cho bà P tổng cộng 983.040.000 đồng. Ngày 27/01/2002, ông H (chồng bà P) dẫn ông L đến trụ sở Công ty SG để nhận hợp đồng sang tên. Khi nhận bản hợp đồng, ông L không thấy có tờ họa đồ vị trí nền đất, nhưng vì đã biết vị trí nền đất qua bản vẽ ngày 27/3/2001 của Văn phòng Kiến trúc sư trưởng thành phố nên ông không thắc mắc. Công ty SG đã chuyển tên chủ hợp đồng từ tên bà P sang tên ông L. Tháng 3/2002, Công ty SG mời ông L lên nhận đất nhưng lại giao cho ông nền đất số 25 lô C1 có mặt tiền ở đường Hoa Cúc. Ông L đồng ý nhận nền đất có mặt tiền ở đường Hoa Cúc, nhưng yêu cầu Tòa án buộc Công ty SG và bà P phải bồi hoàn giá trị chênh lệch giữa nền đất mặt tiền đường Phan Xích Long và nền đất mặt tiền đường Hoa Cúc[4]. Tòa án cấp sơ thẩm buộc Công ty SG phải bồi thường thiệt hại cho ông L; đến Tòa án cấp phúc thẩm thì bác hoàn toàn yêu cầu đòi bồi thường của ông L đối với Công ty SG và quyết định người phải bồi thường thiệt hại cho ông L là bà P.
Ở đây, việc giải quyết của Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm là không đúng vì chưa phát hiện có sự nhầm lẫn. Đến khi giám đốc thẩm đã nhận định có yếu tố nhầm lẫn bởi bà P làm cho ông L nhầm lẫn về đối tượng nên mới ký hợp đồng với Công ty SG, còn Công ty SG không có lỗi trong việc ông L bị nhầm lẫn.
Vậy, pháp luật nước ngoài quy định thế nào là nhầm lẫn?
Trong Luật La Mã, “nhầm lẫn được hiểu như một quan niệm chưa đúng về những hoàn cảnh thực tế, điều đã làm cho người ký hợp đồng bị nhầm lẫn khi thể hiện ý chí. Và khẳng định, nhầm lẫn là sự xác định sai về sự việc”[5].
Bộ nguyên tắc hợp đồng thương mại quốc tế và Bộ nguyên tắc Luật hợp đồng châu Âu đã có quy định rất rõ về sự nhầm lẫn trong giao kết hợp đồng. Tại Điều 3.4: “Nhầm lẫn là một giả thiết sai lầm liên quan đến sự việc hoặc luật lệ tồn tại vào thời điểm giao kết hợp đồng”[6]. Điều 4:104 cũng quy định nhầm lẫn là một giả thiết sai lầm liên quan đến sự việc hoặc luật lệ tồn tại vào thời điểm giao kết hợp đồng.
Các luật gia thuộc hệ thống thông luật (Common Law) coi nhầm lẫn “là sự nhận thức không đúng của một hoặc nhiều bên của hợp đồng và có thể được sử dụng làm căn cứ để vô hiệu hóa hợp đồng”[7].
Dân luật Pháp có quan niệm về nhầm lẫn như là trường hợp nhầm lẫn về bản chất của vật hoặc công việc và trường hợp chủ thể đánh giá sai về thực tế khách quan trong giao kết hợp đồng, tuy nhiên không phải tình huống nào cũng dẫn tới việc hủy bỏ hợp đồng (Điều 1110 Bộ luật Dân sự Pháp).
Theo Bộ luật Dân sự Nhật Bản thì nhầm lẫn “là sự không trùng hợp giữa ý chí được thể thiện với mong muốn thật sự của người thể hiện ý chí”[8].
Hiện nay, Điều 127 Dự thảo quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn nhưng không quy định thế nào là nhầm lẫn, do đó cần phải được bổ sung khái niệm này. Trên cơ sở kinh nghiệm thực tế và các định nghĩa đã được nghiên cứu cùng với việc tham khảo Bộ nguyên tắc UNIDROIT về hợp đồng thương mại quốc tế và Bộ nguyên tắc Luật hợp đồng châu Âu, theo đó, Điều 127 Dự thảo cần bổ sung như sau: “Nhầm lẫn là một giả thiết sai lầm liên quan đến sự việc hay hệ thống pháp luật khác nhau tại thời điểm giao kết hợp đồng”.
2. Nhầm lẫn về chủ thể
Nhầm lẫn về chủ thể của hợp đồng là sự nhầm lẫn của một hoặc hai bên chủ thể tham gia hợp đồng về chủ thể tham gia xác lập, thực hiện hợp đồng. Trong quá trình xác lập hợp đồng thì việc xác lập đúng chủ thể trong hợp đồng là hết sức cần thiết, không những giúp dễ thực hiện hợp đồng mà còn xác định quan hệ tranh chấp phát sinh (nếu có) sau này.
Theo pháp luật dân sự hiện hành, nhầm lẫn được xem là yếu tố dẫn đến vô hiệu hợp đồng cũng chỉ giới hạn ở sự nhầm lẫn về nội dung mà không quy định nhầm lẫn về chủ thể.
Trong thực tiễn, có một số vụ việc có nhầm lẫn nhưng không phải nhầm lẫn về nội dung của hợp đồng mà là nhầm lẫn về chủ thể, như:
Vụ việc thứ nhất: Ngày 21/4/2006, giữa ông T và bà K có ký hợp đồng thỏa thuận hợp tác thành lập Công ty cổ phần đầu tư thẩm mỹ Xuân Trường (Công ty), địa chỉ tại số 139 AB Nguyễn Trãi, quận 1, TP. Hồ Chí Minh với các điều khoản như sau: Bà K góp vốn bằng căn nhà số 139 AB nguyễn trãi, quận 1, TP. Hồ Chí Minh, còn ông T góp vốn bằng tiền sửa chữa mặt bằng, đầu tư trang thiết bị và đầu tư thành lập công ty. Công ty đi vào hoạt động được khoảng 2 tháng, thì đầu tháng 7/2006, bà K tự ý đóng cửa Công ty, ngưng hợp đồng với ông T trước thời hạn, tự ý cất giấu toàn bộ hồ sơ giấy phép, dấu mộc của công ty và khoá cửa không cho nhân viên của nguyên đơn vào làm việc. Nay do bà K vi phạm hợp đồng gây thiệt hại đến quyền lợi của ông T, nên ông T khởi kiện ra Tòa án yêu cầu đồi bồi thường thiệt hại phát sinh. Sau khi xem xét vụ việc, Tòa án cấp phúc thẩm đã tuyên hợp đồng hợp tác giữa ông T và bà K là vô hiệu do nhầm lẫn do ông Trường không phải là bác sĩ nên bị nhầm lẫn y ngoại tổng quát với phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ ngay từ khi xác lập hợp đồng thỏa thuận hợp tác[9].
Từ vụ việc cho thấy, bà K trong nhận thức của mình đã tưởng rằng ông T là bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ nên mới giao kết hợp đồng, còn nếu ông T không phải là bác sỹ phẫu thuật thẩm mỹ thì sẽ không giao kết hợp đồng trên, tức là có sự khác nhau giữa nhận thức với thực tế và đây là sự nhầm lẫn về chủ thể chứ không thể như nhận định của Tòa án cấp sơ thẩm khẳng định là có yếu tố nhầm lẫn nhưng lại là nhầm lẫn về nội dung giao dịch: “Có cơ sở để xác định hợp đồng hợp tác ngày 21/4/2006 bị vô hiệu toàn bộ do bị nhầm lẫn ngay từ thời điểm xác lập vì nguyên đơn đã cố ý làm cho bị đơn nhầm lẫn về nội dung giao dịch mà xác lập việc giao dịch trên với nguyên đơn”.
Vụ việc thứ hai: Ngày 18/01/2003, bà A cho vợ chồng ông D, bà H vay 30 lượng vàng SJC không tính lãi suất, hạn trả vào tháng 4/2003. Ông D xin khất nợ và cam kết trả lãi 0,5%/tháng. Tuy nhiên, đến nay ông D và bà H chưa trả nợ. Bà A yêu cầu hai người phải trả ngay cho bà 30 lượng vàng SJC và lãi tính từ ngày 01/6/2003 đến ngày 01/6/2005 là 3,6 lượng vàng, tổng cộng là 33,6 lượng vàng SJC.
Ở vụ việc này, trong nhận thức của bà A thì bà cho cả hai vợ chồng ông D và bà H vay nên nên mới đồng ý, còn nếu như không phải là cả hai vợ chồng thì chắc chắn bà sẽ không cho vay. Nhưng trên thực tế, ông D và bà H đã ly hôn, khi ông D vay tiền thì vẫn có chữ ký của bà H, điều này dẫn đến việc bà A bị nhầm lẫn về người cho vay, đúng như Tòa án đã nhận định: “Bà A nêu bà chỉ đồng ý cho hai vợ chồng vay chứ không cho ông D vay, vì ông D và bà H muốn giấu tình trạng hôn nhân giữa hai người nên bà H dù không vay nợ nhưng vẫn ký thì bà cũng có một phần lỗi làm bà A nhầm tường mà cho vay nên đây là giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn và phải tuyên bố giao dịch này vô hiệu, bà H phải có một phần trách nhiệm”[10].
Cả 2 vụ việc trên, Tòa án đều vận dụng Điều 131 Bộ luật Dân sự năm 2005 để giải quyết. Điều luật này mới chỉ quy định nhầm lẫn về nội dung của giao dịch, trong khi cả 2 vụ việc trên đều nhầm lẫn về chủ thể. Cho nên việc áp dụng này cho thấy sự thiếu sót của luật cũng như của cơ quan xét xử.
Pháp luật một số nước đã có quy định hợp đồng vô hiệu do nhầm lẫn về chủ thể nhưng chỉ trong trường hợp nhất định, khi yếu tố chủ thể đóng vai trò quyết định đến việc giao kết hợp đồng.
Một số nước theo hệ thống thông luật có một quy tắc chung liên quan tới nhầm lẫn là “một người bị ràng buộc bởi hợp đồng mà trong đó có yếu tố nhầm lẫn, trừ khi người đó có thể chứng minh được rằng sự nhầm lẫn đó thuộc một trong các loại nhầm lẫn mà hợp đồng có thể bị tiêu hủy”[11]. Còn theo quy định tại Điều 119(2) Bộ luật Dân sự Đức thì “sự nhầm lẫn về tư cách chủ thể hoặc sự việc chỉ là căn cứ tuyên bố giao dịch vô hiệu nếu như mang tính quyết định trong giao lưu dân sự”. Điều 120 Bộ luật Dân sự và Thương mại Thái Lan cũng quy định đến năng lực của chủ thể tham gia giao dịch: “Một tuyên bố ý định có thể bị vô hiệu nếu tuyên bố đó được làm do có nhầm lẫn về năng lực của người hay phẩm chất của vật mà năng lực hay phẩm chất đó được coi là quan trọng trong những giao dịch bình thường”.
Theo Luật La Mã, “nhầm lẫn về người là một tì ố của sự ưng thuận, theo đó chủ thể giao kết với người này mà lại tưởng giao kết với người khác và được xem là một nguyên nhân làm cho hợp đồng vô hiệu bởi không có sự phù hợp giữa ý chí và thể hiện ý chí của chủ thể”[12].
Theo Bộ luật Dân sự Pháp, không phải sự nhầm lẫn nào về người nào cũng gây ra việc vô hiệu của hợp đồng như Luật La Mã, mà chỉ cho phép tuyên bố hợp đồng vô hiệu do nhầm lẫn về chủ thể nếu đó là nhầm lẫn về những yếu tố quan trọng của đối tác và khi nhân thân của đối tác có vai trň quan trọng đối với quyết định của giao kết hợp đồng. Các giải thích về điều luật này và án lệ của Pháp cho thấy có những loại hợp đồng có thể bị vô hiệu bởi nhầm lẫn về người như hợp đồng không có đền bù, hợp đồng ủy quyền có thù lao, hợp đồng lao động, hợp đồng bán hàng trả chậm…
“Ở Bỉ, Luxembourg, Áo, Tây Ban Nha, Anh… nhầm lẫn về chủ thể tham gia giao kết hợp đồng cũng là một lý do làm cho hợp đồng vô hiệu khi nhân thân của chủ thể có ảnh hưởng tới quyết định giao kết hợp đồng”[13].
Như vậy, nhiều nước trên thế giới đã có quy định về chủ thể của sự nhầm lẫn, cụ thể coi các yếu tố tư cách, phẩm chất của chủ thể là yếu tố quyết định quan trọng cho việc giao kết hợp đồng.
Điều 127 Dự thảo quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do nhầm lẫn nhưng không quy định nhầm lẫn về chủ thể. Vì vậy, tác giả kiến nghị Điều 127 Dự thảo cần bổ sung như sau: “Một bên hoặc các bên có quyền yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu do nhầm lẫn về chủ thể khi yếu tố nhân thân của chủ thể là quan trọng trong việc giao kết hợp đồng”.
3.Kết luận
Nhầm lẫn là một trong những khiếm khuyết của sự ưng thuận khi giao kết hợp đồng. Vì vậy, Việc tiến hành rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật hiện hành, nâng cao nhận thức về lý luận và thực tiễn sẽ tạo hành lang pháp lý về giao dịch vô hiệu do nhầm lẫn được hoàn thiện hơn, phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế thế giới.
Phạm Thị Hồng Mỵ
Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang
[1]Dương Hằng, Cái cống hôi trước cửa sạp, http: vietbao.vn, truy cập ngày 10/8/2014.
[2] Bản án số 97/2007/DS-PT ngày 19/01/2007 của Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh.
[3]Quyết định giám đốc thẩm số 10/2009/KDTM-GĐT ngày 03/9/2009 của Tòa án nhân dân tối cao về vụ án “Tranh chấp về hợp đồng liên doanh xây dựng nhà”.
[4] Quyết định giám đốc thẩm số 03/2009/DS-GĐT ngày 11/02/2009 về vụ án “Tranh chấp hợp đồng liên kết đầu tư xây dựng”.
[5] Lê Nết, Luật La Mã, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, năm 1999.
[6] Lê Nết, Những nguyên tắc hợp đồng thương mại quốc tế, Nxb. TP. Hồ Chí Minh, năm 1999.
[7] Ngô Huy Cương, Về yếu tố ưng thuận của hợp đồng, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 7, tr. 23 – 28, 39.
[8] Bộ Tư pháp, Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự Nhật Bản, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 1995.
[9] Bản án số 2007/KDTM-ST ngày 18/10/2007 về việc tranh chấp giữa thành viên công ty về hợp đồng góp vốn.
[10] Bản án số 18/2007/DSPT ngày 04/01/2007 của Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh.
[11]R. Keith Yorston and Edward E. Fortescue, Australian Mercantile Law, The Law Book Co. of Australia PTY LTD, Sydney, Melbourne, Brisbane, 1943, p. 31.
[12]Vũ Tam Tư, Luật Rôma: Khế ước & Nghĩa vụ, Trường Đại học tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, tr. 52 – 53.
[13] Đỗ Văn Đại, Luật hợp đồng Việt Nam – Bản án và bình luận bản án, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2013, tr. 437.
Tham khảo thêm:
- Giải quyết tranh chấp lao động ở Hoa Kỳ và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
- Phạm vi điều chỉnh của Luật Phí và lệ phí trong mối quan hệ với luật có liên quan
- Một số kiến nghị về dự thảo Luật Phí và lệ phí
- Đàm phán là biện pháp tối ưu trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông
- Nâng cao chất lượng văn bản quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn
- Sự tham gia của Viện kiểm sát trong các phiên tòa xét xử sơ thẩm và phúc thẩm vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn
- Trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm thực hiện hợp đồng tín dụng bằng biện pháp bảo lãnh từ những nguyên lý trái quyền
- Hoàn thiện một số nguyên tắc trong Bộ luật Tố tụng hình sự nhằm bảo đảm thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội
- Bình luận và kiến nghị về “thiệt hại khi tính mạng bị xâm phạm” trong chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.