Để có thể đăng ký kết hôn tại nơi cư trú của chồng chưa cưới, chị Thoa đến Uỷ ban nhân dân phường K, nơi chị có hộ khẩu thường trú để xin cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Sau khi tiếp nhận Tờ khai xin cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân và Giấy chứng minh nhân dân mà chị Thoa xuất trình, cán bộ tư pháp – hộ tịch phường K yêu cầu chị về tổ dân phố, nơi chị đang sinh sống để xin Tổ trưởng dân phố xác nhận bằng văn bản về việc chị còn độc thân. Sau khi có văn bản xác nhận của Tổ trưởng dân phố, Uỷ ban nhân dân phường sẽ căn cứ vào đó để cấp Giấy khác nhận tình trạng hôn nhân cho chị. Hướng dẫn của cán bộ tư pháp – hộ tịch phường K trong việc giải quyết cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho chị Thoa có đúng không?
Gửi bởi: Admin Portal
Trong tình huống nói trên, yêu cầu của cán bộ tư pháp – hộ tịch phường X về việc buộc chị Thoa phải về nơi cư trú xin xác nhận của Tổ trưởng dân phố làm căn cứ để Uỷ ban nhân dân phường cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân là không đúng với quy định về thủ tục cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân tại Điều 67 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP. Theo quy định này, người xin cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân chỉ phải nộp một loại giấy tờ duy nhất là Tờ khai xin cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Ngoài ra, theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP thì cán bộ tư pháp – hộ tịch chỉ có quyền yêu cầu người dân xuất trình thêm Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu và Sổ hộ khẩu, Giấy chứng nhận nhân khẩu hoặc Giấy đăng ký tạm trú có thời hạn làm căn cứ để tra cứu, xác minh hồ sơ chứ không được yêu cầu thêm bất kỳ loại giấy tờ nào khác.
Như vậy, trong trường hợp này, cán bộ tư pháp – hộ tịch đã tự đặt ra thêm một loại giấy tờ ngoài quy định là văn bản xác nhận về tình trạng hôn nhân của Tổ trưởng dân phố. Đây là hành vi cán bộ tư pháp – hộ tịch không được làm vì vi phạm quy định tại điểm d khoản 1 Điều 83 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP.
Với việc yêu cầu người dân phải xuất trình loại giấy tờ không có trong quy định, cán bộ tư pháp – hộ tịch phường K không chỉ vi phạm quy định về những việc không được làm, mà còn thể hiện sự thiếu ý thức trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm cho người khác. Pháp luật không quy định Tổ trưởng Tổ dân phố có chức năng, nhiệm vụ cấp văn bản xác nhận về tình trạng hôn nhân của người dân. Trong nghiệp vụ đăng ký và quản lý hộ tịch, việc xác nhận tình trạng hôn nhân được thực hiện bằng cách tra cứu Sổ đăng ký kết hôn lưu trữ tại cơ quan quản lý hộ tịch. Trong trường hợp cần xác minh thì cán bộ tư pháp – hộ tịch phải tự mình thực hiện việc xác minh chứ không thể giao trách nhiệm cho người khác. Do đó, văn bản xác nhận của Tổ trưởng dân phố, nếu có, thì chỉ được coi là một nguồn thông tin tham khảo chứ không thể coi là căn cứ để xác nhận tình trạng hôn nhân của chị Thoa. Mặt khác, nếu cần có thông tin do Tổ trưởng dân phố cung cấp thì cán bộ tư pháp – hộ tịch phải tự thực hiện việc xác minh chứ không thể buộc người dân phải làm thủ tục mà pháp luật không quy định.
Các văn bản liên quan:
Nghị định 158/2005/NĐ-CP Về đăng ký và quản lý hộ tịch
Trả lời bởi: Admin Portal
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.