Cần một góc nhìn mới về hiện đại hóa nền hành chính ở Việt Nam

Cần một góc nhìn mới về hiện đại hóa nền hành chính ở Việt Nam

03/07/2013

Một trong những chương trình trọng điểm của Việt Nam hiện nay được dư luận trong nước và quốc tế quan tâm là việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại(1) và cải cách toàn diện nền hành chính quốc gia hướng tới mục tiêu: Xây dựng một nền hành chính hiện đại, trong sạch, vững mạnh, tiết kiệm, chuyên nghiệp, phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn. Có thể nói, hiện đại hóa nền hành chính đã và đang là một “hạng mục” lớn trong tổng thể “công trình” cải cách nền hành chính. Hiện đại hóa nền hành chính có tác động tích cực trong cải cách thủ tục hành chính. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải nhận thức đúng về hiện đại hóa nền hành chính là như thế nào, cũng như vai trò của nó trong công cuộc cải cách hành chính. Trong bài viết này, chúng tôi muốn đi sâu bàn luận để tìm ra góc nhìn mới và thiết thực hơn cho quá trình hiện đại hoá nền hành chính ở nước ta.

1. Hiện đại hóa nền hành chính – Khởi nguyên và những khác biệt

Thuật ngữ “hiện đại” xuất hiện khá muộn ở phương Tây, khoảng 300 năm trước, trong sự biến chuyển lớn lao của xã hội với phong trào Phục Hưng, cải cách tôn giáo… “Hiện đại” trong nguyên nghĩa của nó nghiêng về sắc thái tinh thần, nhận thức, tư duy… với các giá trị tự do, giải phóng cá nhân, phản tỉnh và tự khẳng định mình, đoạn tuyệt với sự thúc ép, gò bó cá nhân của trật tự tinh thần Kitô giáo…

Trong lĩnh vực hành chính, với cách hiểu về thuật ngữ “hiện đại” như trên, phương Tây đã bắt đầu mỗi cuộc chuyển đổi mô hình hành chính bằng một lần nhận thức lại vai trò của Nhà nước. Sự thay thế mô hình “hành chính công truyền thống” với bộ máy thư lại quan liêu bằng mô hình “quản lý công mới” trong những năm khủng hoảng kinh tế thế giới 1973 – 1975, luôn gắn liền với quan điểm “sáng tạo lại Chính phủ”, nhận thức lại vai trò của Chính phủ, từ “chèo thuyền” sang “lái thuyền”, từ quản lý sang phục vụ. Đó còn là sự ra đời của mô hình “quản trị nhà nước tốt” thời gian gần đây. Từ “quản lý nhà nước” sang “quản trị nhà nước” là một bước nhảy về mặt tư duy. Nếu “quản lý nhà nước” được hiểu như là sự quản lý của Nhà nước – trong vai trò chủ thể, thì với thuật ngữ “quản trị nhà nước”, xã hội xuất hiện cùng lúc hai mối quan hệ: (i) Nhà nước vừa là chủ thể quản trị xã hội; (ii) vừa là đối tượng được quản trị bởi công dân và các thiết chế xã hội khác. Vì thế, trách nhiệm giải trình cũng như hệ quả hậu giải trình của Nhà nước trước nhân dân và xã hội là những đặc trưng không thể thiếu của mô hình mới này. Có thể nói, hiện đại hóa nền hành chính ở các quốc gia phát triển phương Tây luôn gắn liền với những biến chuyển về mặt tư duy.

Ở Việt Nam thời gian qua, quá trình hiện đại hóa nền hành chính quốc gia bằng Chiến lược cải cách hành chính bắt đầu với Nghị quyết Trung ương 8 khóa VII (1995). Tuy nhiên, với cách hiểu “hiện đại hóa” mang nhiều sắc thái vật chất (áp dụng công nghệ thông tin; quy hoạch và xây dựng công sở tập trung, tăng cường phương tiện làm việc), nên dường như, công cuộc cải cách của chúng ta không đặt đúng trọng tâm. Đơn cử như “Đề án Tin học hóa hành chính nhà nước 112”, Chính phủ đã đầu tư rất nhiều tiền của, nhưng kết quả vận hành nền hành chính không mấy được cải thiện. Chúng ta cần nhớ rằng, công nghệ thông tin chỉ là phương tiện và nó có hai mặt, nếu không phát huy được mặt ứng dụng tích cực, nó chỉ còn giá trị phục vụ giải trí. Thế nên, rất nhiều máy tính được trang bị cho cán bộ, công chức, nhưng họ dùng để chơi game, chat… Hay việc cải cách hành chính theo hướng giảm số bộ, nhưng số biên chế lại phình ra, đồng thời, còn nảy sinh tình trạng chồng chéo về thẩm quyền trong quản lý…

Cũng trong thời gian qua, chúng ta đã cử nhiều chuyên gia sang Thái Lan, Singapore và nhiều quốc gia khác học tập kinh nghiệm cải cách hành chính. Sau đó, thực hiện thí điểm tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, công chức được trang bị một máy tính có kết nối internet, nhưng hiệu quả nền hành chính Việt Nam vẫn thua xa so với (2) nước bạn. Trong Báo cáo cạnh tranh toàn cầu 2009 – 2010 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) với nhiều chỉ số về hành chính, nhưng Việt Nam vẫn đứng thứ 75, còn Singapore đứng thứ ba2. Dẫu biết rằng, mọi sự so sánh đều là khập khiễng, nhưng chỉ số trên là điều khiến chúng ta cần phải suy ngẫm một cách nghiêm túc. Khi tư duy chưa mở lối, thiếu một nền tảng lý luận về “hiện đại hóa” dẫn đường, khi tâm lý “quan – dân”, “xin – cho” vẫn ngự trị trong suy nghĩ của cán bộ, công chức hành chính và người dân, thì mọi cải cách vẫn chỉ là những cuộc thí nghiệm hao tiền, tốn của và kết quả là một nền hành chính “bình mới rượu cũ”!

2. Hiện đại hóa nền hành chính – Cần bắt đầu từ “hiện đại hóa” tư duy

Để có nền hành chính quốc gia hiện đại, hiệu quả, làm nền tảng cho một xã hội dân chủ và phồn vinh, thì chúng ta cần phải hành động đúng quy luật – Hãy bắt đầu từ đổi mới tư duy. Bất kỳ quá trình hiện đại hóa nào cũng cần được dẫn dắt bằng một luận thuyết phát triển phù hợp. Nhưng đi đúng hướng vẫn là chưa đủ, hiện đại hóa cần được tăng tốc bằng các động lực. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với một nền hành chính đang phát triển như Việt Nam. Thực tế, “cỗ xe” hành chính Việt Nam hiện nay dường như vừa thiếu một “vệ tinh dẫn đường” – một luận thuyết hợp lý, vừa thiếu những “động cơ” – động lực để có thể tiến nhanh đến đích. Bởi vậy, vấn đề cấp bách trước mắt hiện nay ở Việt Nam là cần xây dựng một luận thuyết về hiện đại hóa nền hành chính quốc gia.

Theo nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin, hoạt động thực tiễn cần một lý luận khoa học soi đường, nếu không, đó sẽ là một thực tiễn mù quáng. Do vậy, công tác lý luận luôn luôn phải được đi trước, có nhiệm vụ tạo dựng nên luận thuyết để định hướng, khơi dậy trúng những động lực cho sự phát triển trong từng giai đoạn cụ thể. Một luận thuyết được coi là hữu dụng đối với nền hành chính Việt Nam chỉ khi nào luận thuyết ấy vừa phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của đất nước vừa bắt kịp với tinh thần của thời đại.

Nói đến hiện đại hóa – hiện đại hóa nền hành chính là nói đến việc thay đổi một trạng thái, một đối tượng, làm cho đối tượng đó có sự biến đổi phù hợp với yêu cầu khách quan của quá trình phát triển. Theo cách nhìn “Tiến hóa luận” của Chales Darwin(3): “…Hiện đại hóa có nghĩa là tái cấu trúc chính mình thành một hệ thống khác, để những tệ lậu của chính mình không còn đất dung thân và các giá trị văn hóa hiện đại có thể nảy nở, sinh tồn và vận hành”. Như vậy, có thể thấy hiện đại hóa, nhìn từ góc độ cấu trúc quốc gia – nền hành chính nhà nước, là quá trình chuyển biến từ cấu trúc hiện tại sang cấu trúc hiện đại hơn, để khiến nó thay đổi cách thức vận hành và sự ứng xử với xã hội theo chiều hướng tốt hơn.

Trở về vấn đề hiện đại hóa nền hành chính ở Việt Nam. Chúng ta đã bắt đầu thực hiện công cuộc cải cách hành chính từ những năm 90 của thế kỷ XX nhằm hướng tới việc thay đổi trạng thái của cơ chế hành chính hiện hành, làm cho nó thay đổi phù hợp với yêu cầu phát triển mới của đất nước(4). Tại Hội nghị giao ban Ngành Nội vụ năm 2012 diễn ra tại Hà Nội(5), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thẳng thắn nhìn nhận: “Công cuộc cải cách hành chính đã có nhiều thành tựu, nhưng so với yêu cầu của xã hội và khả năng của hệ thống thì còn nhiều hạn chế. Tổ chức bộ máy hành chính ở Trung ương và địa phương vẫn còn nhiều chức năng, nhiệm vụ trùng dẫm, dẫn đến trong khi có nhiều vấn đề chưa rõ trách nhiệm giữa các bộ, thì lại có những lĩnh vực còn bỏ trống chưa ai chịu trách nhiệm;… vẫn còn nhiều vấn đề mà dân và doanh nghiệp kêu, và họ kêu đúng;… những cải cách trong vấn đề này còn quá chậm”. Tất cả những hạn chế đó, không gì khác là biểu hiện sinh động của một nền hành chính truyền thống, quan liêu, bao cấp, chậm chạp, thiếu sức sống để có thể kiến tạo sự phát triển cho xã hội. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn tới việc thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư, tổ chức quốc tế đã đưa ra điều kiện tối thiểu cho việc họ sẽ đầu tư vào Việt Nam khi mà nước ta phải tiến hành cải cách hành chính hiệu quả trước tình trạng tham nhũng, phiền hà, chậm chạp của nền hành chính đang diễn ra ở diện rộng. Vậy tại sao quá trình hiện đại hóa nền hành chính lại chậm chạp và kém hiệu quả? Phải chăng chúng ta vẫn đang tiến hành hiện đại hóa nền hành chính trong khi thiếu vắng sự nhận thức sâu sắc về một kim chỉ nam, một bản lề, một minh triết cho quá trình ấy? Phải chăng đã đến lúc chúng ta cần quy chuẩn lại, nhận thức lại vai trò, giá trị của một định hướng cho một quá trình hiện đại hóa?

Ngày nay, quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra ngày càng nhanh, mạnh và sâu sắc trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đặt các quốc gia trước thách thức phân định ranh giới quản lý sao cho vừa hiệu quả, hòa nhịp được với đời sống chung của thế giới, trong khi vẫn giữ được chủ quyền của mình. Thực tiễn đó cũng đặt ra đòi hỏi tất yếu khách quan của việc điều chỉnh chức năng của Nhà nước sao cho phù hợp với thời cuộc. Nhà nước muốn tồn tại, phải trở thành một chủ thể kiến tạo cho sự phát triển, chứ không đơn thuần chỉ là công cụ của giai cấp thống trị xã hội như trong lý luận ban đầu về Nhà nước nữa. Nhà nước và nền hành chính nhà nước, bản thân nó là phức hợp của những thể chế, nên nó cũng cần được nhìn nhận và điều chỉnh các chức năng của mình sao cho phù hợp xu thế của thời đại. Điều đó có nghĩa, cải cách hành chính, hiện đại hóa nền hành chính hiện nay không gì khác ngoài việc nhìn nhận lại vai trò của Nhà nước trong mối quan hệ với xã hội và công dân, để từ đó tạo lập cách ứng xử với xã hội (mảng còn lại, không bao gồm Nhà nước). Đó phải là sự chuyển biến của tư duy và nhận thức về vai trò của Nhà nước từ “quản lý”, “cai trị” sang “quản trị”, “phục vụ”. Sự nhìn nhận lại vai trò của Nhà nước như thế cũng hoàn toàn tương đồng với quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng: “Chính phủ phải là đầy tớ của nhân dân…”; “Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân…”.

Mặc dù thời gian vừa qua, một số văn kiện, văn bản về cải cách hành chính của Việt Nam cũng đã gợi mở về sự nhận thức lại vai trò của Nhà nước, nhưng thực sự cho đến bây giờ, quan điểm này vẫn chưa là một dòng chủ lưu(6). Phải chăng, một lần nữa, sự chuyển biến của tư duy và nhận thức về cải cách vẫn bị chậm? Và đó có phải là do sức ì quá lớn của một nền văn hóa tiểu nông thiếu tính pháp quyền? Tư duy mà chúng tôi muốn đề cập ở đây, hiểu một cách đơn giản, đó là cách nhìn nhận, suy nghĩ, phân tích và triển khai trên thực tiễn những giải pháp khi vấn đề xuất hiện. Tư duy cần phải đạt đến giá trị phản biện để tìm ra chân lý của nhận thức, giúp “soi rọi” hoạt động thực tiễn. Nói tới vai trò của việc thay đổi tư duy, có lẽ thật thiếu sót nếu chúng ta không nhớ tới luận thuyết “Thoát á Luận”(7) nổi tiếng của Fukuzawa Yukichi (1835 – 1901). Bài báo cổ vũ phong trào Minh Trị Duy Tân và chủ trương cải cách văn hóa Nhật Bản để phát triển kịp các nước phương Tây. Nội dung chính của bài luận nổi tiếng này, cũng là chủ trương của Fukuzawa Yukichi, được tóm gọn trong hai chữ “Thoát á”. Nghĩa là thoát khỏi vòng kiềm tỏa của nền văn hóa tiểu nông, cổ hủ lạc hậu, nặng về hình thức giả tạo bên ngoài của các nước châu á mà Trung Quốc là điển hình, để học theo nền văn minh phương Tây và hội nhập vào thế giới bên ngoài. Mục đích của chủ trương “Thoát á” là giữ độc lập cho nước Nhật và giúp nước này phát triển theo kịp các nước phương Tây đương thời. Chính nhờ chủ trương này, cộng với sự triển khai thành công của phong trào Duy Tân, nước Nhật đã hình thành được một hệ thống các thang giá trị mới và hội nhập được với bên ngoài, giúp cho nước Nhật không chỉ giữ được độc lập, mà còn trở thành một cường quốc về kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật sau này.

Trở về với việc hiện đại hoá nền hành chính của Việt Nam. Các chính trị gia, các nhà quản lý và giới trí thức đều thống nhất rằng, cần phải hiện đại hóa nền hành chính nhà nước theo hướng phục vụ. Tuy nhiên, vấn đề chủ yếu và then chốt ở đây là phải tạo dựng được một tư duy mới để thay đổi cung cách ứng xử của những chủ thể trong nền hành chính, giữa nền hành chính với phần còn lại của xã hội trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và toàn cầu hóa. Chủ thể của sự “tạo dựng” trên đây không chỉ là Nhà nước, mà còn là các chủ thể khác trong xã hội có mối quan hệ với Nhà nước. Chúng ta cần sự biến chuyển của tư duy và nhận thức về vai trò của Nhà nước từ “quản lý”, “cai trị” sang “quản trị”, “phục vụ” và sự nhìn nhận lại vai trò của Nhà nước theo quan điểm mà Bác Hồ đã chỉ dạy là: “Chính phủ phải là đầy tớ của nhân dân…”(8), “các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của nhân dân”(9), thì khi đó, chắc chắn hiện đại hóa nền hành chính sẽ có nền tảng bền vững và định hướng rõ ràng. Cũng cần thống nhất rằng, sự nhìn nhận lại vai trò của Nhà nước chắc chắn phải diễn ra đồng thời với sự nhìn nhận lại vai trò của các chủ thể quyền lực khác trong xã hội và phải tiến hành đồng thời với cải cách kinh tế, cải cách chính trị để thành công của chúng làm tiền đề cho nhau và sự tiến bộ của mỗi cuộc cải cách sẽ không gặp phải những giới hạn có thể.

3. Động lực để hiện đại hóa nền hành chính là gì?

Để hiện đại hoá nền hành chính, bên cạnh “hiện đại hóa” tư duy, chúng ta cũng cần xác định rõ nội hàm của động lực. Hiện nay, trước tình trạng nền hành chính nhà nước được cải cách chậm và tồn tại nhiều vấn đề bức xúc, kìm hãm sự phát triển xã hội và quyền dân chủ của công dân, thì nhiều người, trong đó có các nhà quản lý cấp cao đều nhìn nhận, cải cách nền hành chính là một động lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội. Thế nhưng, cái gì là động lực cho cải cách, hiện đại hóa nền hành chính thì còn là điều cần được xác định rõ một cách khoa học.

Thông thường, khi bàn về các chủ trương, đường lối phát triển kinh tế – xã hội, bên cạnh vấn đề nguồn lực, bao giờ người ta cũng bàn tới động lực phát triển. Tuy nhiên, cho đến nay, vấn đề động lực cũng còn nhiều điểm, khía cạnh phải bàn thêm cho rõ. Thế nào là động lực? Làm thế nào để tạo ra được động lực và phát huy động lực một cách tốt nhất cho hiện đại hóa nền hành chính? Muốn làm rõ những vấn đề này, chúng tôi cho rằng, phải bắt đầu từ việc tìm hiểu rõ những vấn đề dưới đây trên tinh thần đã thực hiện “hiện đại hoá” tư duy.

Động lực, hiểu theo nghĩa triết học, là động cơ, là sức mạnh thúc đẩy tất cả mọi hành động của con người. Cũng có thể coi đây là một trạng thái nội tại, cung cấp sinh lực và hướng con người vào những hành vi có mục đích. Tuy nhiên, từ nhận thức đến quan niệm về động lực hiện nay còn có nhiều cách hiểu khác nhau. Người ta cho rằng, giáo dục – đào tạo hay khoa học – công nghệhoặc thể chế kinh tế hay đại đoàn kết dân tộc đều có thể là động lực… Nhưng chúng tôi thì hiểu rằng, dù quan trọng thế nào chăng nữa, các vấn đề trên cũng chỉ là những giải pháp của quá trình phát triển. Nó có ý nghĩa như “đường dẫn” để làm xuất hiện hoặc gia tăng giá trị của các nguồn lực. Bản thân chúng không phải là động lực phát triển kinh tế – xã hội. Cũng như vấn đề gặp phải của “Đề án Tin học hóa hành chính nhà nước 112”, rất nhiều máy tính trang bị cho công chức chủ yếu được dùng để chơi game, chat… Chúng ta đã quên rằng, công nghệ thông tin chỉ là phương tiện, chứ bản thân nó không tạo ra tính tích cực trong công việc khi con người sử dụng nó không tích cực. Thực tiễn khai thác và tạo dựng động lực ở Việt Nam đặt ra nhiều vấn đề từ nhận thức đến phương cách tiếp cận mới.

Để xác định động lực của cải cách và hiện đại hóa nền hành chính ở Việt Nam hiện nay, chúng tôi cho rằng, có hai nhóm động lực đến từ bên ngoài và bên trong:

Trước hết, là động lực bên ngoài. Quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của nước ta đã tạo một áp lực to lớn lên nền hành chính quốc gia. Hiệu quả của nền hành chính giờ đây đã trở thành một yếu tố sống còn của năng lực cạnh tranh quốc gia, quyết định đến sự phát triển hay tụt hậu của đất nước. Những bất cập, hạn chế được chỉ ra nhiều hơn cũng là cơ hội tốt để nền hành chính quốc gia dần được hoàn thiện. Tuy nhiên, sức ép từ quá trình hội nhập vẫn chưa thật lớn lao, mà yêu cầu tăng cường sự giám sát của nhân dân đối với các cơ quan hành chính nhà nước mới thật sự là quan trọng.

Trong điều kiện Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân, thì người dân cần được hiểu họ “là chủ” và quan trọng hơn là biết cách “làm chủ” nền hành chính quốc gia nói riêng và quyền lực nhà nước nói chung. Nhân dân ta cần được tuyên truyền, phổ biến và giáo dục để hiểu rõ vai trò của mình như Bác Hồ đã dạy: “Nếu Chính phủ làm hại dân, thì dân có quyền đuổi Chính phủ”(10). Với tinh thần như thế, mỗi một hiện tượng tiêu cực mờ ám của nền hành chính sẽ gặp phải sức đấu tranh không khoan nhượng của quảng đại quần chúng nhân dân – như một liều kháng sinh cực mạnh cứu chữa cho những bệnh tật trầm kha của bộ máy hành chính nước nhà. ở nhóm này, hình thức động lực vật chất và tinh thần được thể hiện gián tiếp. Có nghĩa là, ở mức độ cụ thể, quyết định, hành vi của bộ máy hành chính nhà nước đều có tác động nhất định tới những công dân, tổ chức có liên quan. Do vậy, mọi sự phiền hà, nhiêu khê của nền hành chính đều gián tiếp ảnh hưởng tới lợi ích của người dân, đó có thể là thời gian, chi phí tiền bạc, hay những cơ hội sản xuất, kinh doanh mang lại nếu được hỗ trợ tốt từ nền hành chính.

Ở khía cạnh khác, những hành vi của bộ máy hành chính như tham nhũng, tham ô, lãng phí,… đều làm thất thoát tài sản quốc gia. Khi đó, không phải nền hành chính đó chịu thiệt hại, mà sự thiệt hại sẽ bị “bổ đầu” cho người dân thông qua các khoản nợ quốc gia mà các thế hệ công dân phải trả thông qua các khoản thuế, phí, lệ phí. Có thể thấy, những lợi ích mà một nền hành chính hiện đại có thể đem lại cho người dân, thì đó cũng là những tổn thất mà người dân phải chịu nếu như nó còn nhiều bất cập, nhũng nhiễu. Những lợi ích đó chính là lý do để người dân tạo áp lực như một đòi hỏi tất yếu cho quá trình hiện đại hóa nền hành chính.

Thế còn động lực bên trong là gì? Đi tìm động lực bên trong của nền hành chính đồng nghĩa với việc giải đáp câu hỏi cán bộ, công chức làm việc với động lực gì? Một nền hành chính tốt phải có động lực lớn lao để tự vận hành, tự phát triển, đồng thời tự nhận ra và tự phản kháng với những hạn chế yếu kém của bản thân nó. Động lực làm việc của cán bộ, công chức có thể đến từ chế độ thưởng phạt khách quan, công bằng, xứng đáng; cũng có thể đến từ môi trường, điều kiện, phương tiện và cách thức làm việc, cơ hội thăng tiến hoặc từ những quy định về trách nhiệm, bổn phận đối với từng cá nhân. Thực tế, cần phải có những khảo sát khoa học để hiểu rõ mong muốn của đội ngũ cán bộ, công chức về động lực làm việc, tránh những nhìn nhận cảm tính.

Thực tiễn cải cách hành chính trong thời gian qua ở nước ta đã đủ chứng minh vai trò quan trọng của việc xác định đúng và khơi dậy trúng những động lực của cải cách và hiện đại hóa nền hành chính. Khi chưa xác định rõ chủ thể của động lực và “kết cấu” của động lực, dường như chúng ta vẫn chưa thoát được vòng tròn luẩn quẩn của quá trình cải cách hành chính, chưa xác định được mắt xích then chốt cần tác động để làm thay đổi một hệ thống vốn có sức ì quá lớn.

Sau 10 năm thực hiện Chương trình cải cách hành chính nhà nước, giai đoạn 2001 – 2010 và 3 cuộc cải cách tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức vẫn ở mức thấp (mới đáp ứng từ 30 đến 50% nhu cầu tối thiểu của các gia đình công chức). Hiệu quả của việc cải cách tiền lương chưa đáng kể, chưa tạo được thay đổi cơ bản như mục tiêu đề ra. Tiền lương chưa thực sự trở thành động lực của nền công vụ, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của nền hành chính công(11). Mức lương này chưa bảo đảm đời sống của người hưởng lương, chưa đủ sức cạnh tranh với khu vực ngoài nhà nước. Thực trạng tiền lương không đủ sống và mang nặng tính bình quân, cào bằng như hiện nay đang là một trong những nguyên nhân của tham nhũng, ăn bớt giờ làm, lãng phí chất xám…, là lực cản đối với sự phát triển kinh tế – xã hội. ở khu vực hành chính nhà nước hiện nay có bất cập lớn là tiền lương theo hệ số ngạch, bậc rất thấp, không đủ sống, nhưng thu nhập ngoài lương rất cao (phụ thuộc vào vị trí, chức danh công việc, lĩnh vực quản lý, vùng, miền…), không có giới hạn, không minh bạch và không kiểm soát được. Trong đó, có nhiều thu nhập không chính đáng do lợi dụng quyền lực, tham nhũng mà có.

Như vậy, việc nhận thức được rõ chủ thể của động lực và “kết cấu” của động lực sẽ là những định hướng cơ bản cho việc hoàn thiện chế độ công vụ, tiền lương ở nước ta, tạo động lực cho cải cách, hiện đại hóa nền hành chính nhà nước. Tìm ra được những động lực quan trọng nhất và khuyến khích những động lực ấy bằng các chính sách phù hợp sẽ khiến đội ngũ cán bộ, công chức làm việc hăng say, tận tụy. Vì khi ấy, lợi ích của xã hội và lợi ích cá nhân cán bộ, công chức sẽ gặp nhau, trong một nền hành chính năng động và trách nhiệm. Hướng đi hợp với quy luật vận động khách quan, động lực bên trong và bên ngoài cùng thúc đẩy mạnh mẽ sẽ là những điều kiện cần thiết cho một nền hành chính Việt Nam tiến nhanh, tiến mạnh và tiến vững chắc trên lộ trình hiện đại hóa đầy những chông gai, nhưng không thể không tiến hành vì một đất nước phồn vinh và thịnh vượng.

Tài liệu tham khảo:

(1). Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.

(2). Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu được WEF công bố ngày 10/9 tại Bắc Kinh, Trung Quốc, trước thềm hội nghị thường niên của tổ chức này diễn ra tại Thiên Tân.

(3).http//Tin180.com/khoahoc/…/thuyet-tien-hoa-va-nhung-bi-mat-khon-ngo ngày 27/1/2011.

(4). Thật ra, trước khi đưa ra Chiến lược cải cách hành chính, vào thời kỳ gian khó nhất của đất nước sau ngày thống nhất, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhấn mạnh một cách công khai trong toàn Đảng rằng: “Đảng phải thay đổi, phải đổi mới, đất nước phải tiến hành cải cách nhiều mặt”.

(5) http:// vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/57159/thu-tuong-cai-cach-lam-cham.html 18/1/2012.

(6). Cũng như cụm từ “công bộc, đầy tớ nhân dân” vẫn hay xuất hiện trên mặt báo với ý nghĩa trào phúng…

(7). Bài “Thoát á Luận” của Fukuzawa Yukichi được đăng ngày 16/3/1885 bởi tờ Thời Sự Tân Báo của Nhật Bản; xem: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-01-(14)-thoat-a-luan

(8). Thư gửi ủy ban Nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, báo Cứu quốc số ra ngày 17/10 /1945.

(9). Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 4, NXB Sự thật, trang 283.

(10). Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 4, NXB Sự thật, trang 283.

(11). Trong 3 năm (2006-2009) đã có tới 16.000 người xin ra khỏi khu vực nhà nước. Xem: http://hanoimoi. com.vn/newsdetail/Xa-hoi/376481/%C4%91ong-luc-cua-cai-cach-hanh-chinh.htm, ngày 21/09/2010.

TS. Nguyễn Quốc Sửu

Học viện Hành chính quốc gia

Tham khảo thêm:


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191