Tôi và vợ tôi đang làm thủ tục ly hôn, hiện có 1 con chung được 24 tháng tuổi. Tôi muốn nuôi con mà vợ tôi giành quyền nuôi con và yêu cầu tôi cấp dưỡng mỗi tháng là 2,5 triệu đồng. Tôi không đồng ý, tôi nói là có nhiều cho nhiều, có ít cho ít, nếu vợ tôi nuôi không nổi thì tôi nuôi, không cần vợ tôi phải cấp dưỡng. Như vậy tôi làm đúng không?
Gửi bởi: Hồ Sĩ Tiến
Trả lời có tính chất tham khảo
Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:
– Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan.
– Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
– Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Đối chiếu với trường hợp của gia đình bạn, con bạn hiện nay được 24 tháng tuổi nên vợ của bạn sẽ có quyền trực tiếp nuôi con (trừ trường hợp vợ chồng bạn không có thỏa thuận hoặc vợ của bạn không đủ điều kiện nuôi con). Bạn không phải là người trực tiếp nuôi con nhưng vẫn có quyền, nghĩa vụ đối với con của mình. Cụ thể, Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình quy định về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:
– Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
– Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
– Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.
Theo quy định nêu trên, bạn không phải là người trực tiếp nuôi con nên bạn có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Mức cấp dưỡng và phương thức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật:
– Mức cấp dưỡng (Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình):
Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
– Phương thức cấp dưỡng (Điều 117 Luật Hôn nhân và gia đình): Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần. Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Vậy, nếu hai vợ chồng không có thỏa thuận nào khác thì bạn không có quyền được trực tiếp nuôi con và phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Mức cấp dưỡng phải được hai vợ chồng thỏa thuận, không phải do bạn tự quyết định. Trong trường hợp bạn không thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ cấp dưỡng thì vợ của bạn có quyền yêu cầu tòa án buộc bạn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng của mình.
Các văn bản liên quan:
Luật 52/2014/QH13 Hôn nhân và gia đình
Trả lời bởi: CTV3
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.