Câu hỏi của khách hàng: Cha đưa con đi mỹ thì có cần đồng ý của mẹ theo pháp luật
Em xin phép cả nhà cho em được hỏi với ạ
Em và chồng của em cưới nhau nhưng không đăng ký giấy kết hôn vì chồng em được bảo lãnh diện đoàn tụ, nhưng do cả 2 không hợp nhau đã chia tay lâu rồi ạ và hiện nay chồng em đang ở Mỹ. Chồng em muốn bảo lãnh con em đi mỹ nhưng em thì chưa muốn cho đi vì em chỉ có con là chỗ dựa tinh thần và cũng vì con còn nhỏ chưa học hết cấp 1, em muốn cho con học hết cấp 2 rồi mới cho qua mỹ ở với ba nó. Năm 2017 ba nó về Việt Nam và làm giấy nhận con để thêm họ của cha vào giấy tờ. Ba nó đã làm giấy tờ cho nó xong rồi và bảo em làm hộ chiếu để đi du lịch, vậy cho em hỏi nếu con đi mỹ thì có cần sự đồng ý của người mẹ theo pháp luật hay không ạ …. xin làm ơn giúp em, em thật sự không biết gì về luật hết ạ mong anh chị giúp em.
Luật sư Tư vấn Luật hôn nhân và gia đình – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 13/10/2018
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Quyền của cha, mẹ đối với con
Luật hôn nhân và gia đình năm 2014
3./ Luật sư trả lời Cha đưa con đi mỹ thì có cần đồng ý của mẹ theo pháp luật
Các quan hệ cần giải quyết khi hai bên nam nữ có sự kiện “chung sống như vợ chồng” (có thể có đăng ký kết hôn hoặc không) là quan hệ nhân thân, quan hệ tài sản và quan hệ con cái. Trong đó, việc bảo đảm sự phát triển của con cái sau khi chấm dứt việc sống chung rất được nhà nước ta chú trọng. Đặc biệt là quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ đối với con.
Về nguyên tắc cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ ngang nhau đối với con. Pháp luật không hạn chế việc thay đổi nơi cư trú để có điều kiện chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con tốt hơn.
Trong trường hợp của bạn, do người bố đã làm thủ tục nhận con, được công nhận là cha của con bạn, được ghi vào Giấy khai sinh của đứa trẻ nên người này đã có quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật (về mặt pháp lý).
Căn cứ Điều 14 Luật hôn nhân và gia đình:
“Điều 14. Giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn
1.Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này. …”
Căn cứ Điều 15 Luật hôn nhân và gia đình:
“Điều 15. Quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn
Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con.”
Theo đó, quan hệ giữa cha, mẹ và con được xác lập không phụ thuộc vào việc đăng ký kết hôn của hai bên cha mẹ.
Căn cứ theo Điều 83 Luật hôn nhân và gia đình:
“Điều 83. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
1.Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật này; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.
2.Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.”
Theo đó, việc ly hôn không ảnh hưởng tới quyền thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con cái của bất cứ bên nào. Nhưng việc này có hạn chế về quyền nuôi con của người cha khi người này không trực tiếp nuôi dưỡng con.
Trong trường hợp của bạn, do con bạn là người chưa thành niên, nên để con bạn có thể ra nước ngoài du lịch, sự đồng ý của bạn là điều kiện bắt buộc. Nói cách khác, nếu bạn không đồng ý, con bạn sẽ không được xuất cảnh sang Mỹ (với mục đích du lịch hoặc du học).
Như vậy, trong trường hợp này, hai người chung sống như vợ chồng (không đăng ký kết hôn) có một con chung. Nay không sống chung với nhau và bạn là người trực tiếp nuôi con. Cha của con bạn muốn đưa con bạn sang Mỹ du lịch thì sự đồng ý của bạn là bắt buộc. Nếu bạn không đồng ý, cha của đứa nhỏ không thể đưa đứa nhỏ sang Mỹ.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.