CHẾ ĐỘ TÀI SẢN THEO THỎA THUẬN TRONG PHÁP LUẬT MỘT SỐ NƯỚC VÀ ĐỀ XUẤT CHO VIỆT NAM

CHẾ ĐỘ TÀI SẢN THEO THỎA THUẬN TRONG PHÁP LUẬT MỘT SỐ NƯỚC VÀ ĐỀ XUẤT CHO VIỆT NAM

PGS.TS. NGUYỄN NGỌC ĐIỆN, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG TP.HCM

TS. ĐOÀN THỊ PHƯƠNG DIỆP, Khoa Luật, Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG TP.HCM

Chế độ tài sản thỏa thuận (hay còn gọi là chế độ tài sản ước định), là tập hợp các quy tắc do chính vợ, chồng xây dựng nên một cách hệ thống trên cơ sở sự cho phép của pháp luật để thay thế cho chế độ tài sản luật định nhằm điều chỉnh quan hệ tài sản của vợ chồng. Chế độ tài sản này được quy định như một điểm mới rất tiến bộ trong Luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GĐ) Việt Nam năm 2014, tồn tại song song cùng với chế độ tài sản theo luật định (được áp dụng khi vợ chồng không xác lập chế độ tài sản theo thoả thuận).

Để có cái nhìn đa chiều trong việc phân tích và kiến giải các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về chế độ tài sản thỏa thuận, việc nghiên cứu và so sánh pháp luật Việt Nam với pháp luật ở một số quốc gia là rất cần thiết. Bài viết phân tích các quy định trong pháp luật các nước Pháp, Bỉ (với sự tương đồng trong quá khứ về hệ thống pháp luật nói chung do ảnh hưởng của chế độ phong kiến nửa thuộc địa) và Thái Lan với tư cách là quốc gia có vị trí địa lý cận kề với Việt Nam trong bối cảnh văn hóa, xã hội.

1. Bộ luật Dân sự và Thương mại Thái Lan

Ở Thái Lan không có Luật HN&GĐ riêng biệt mà hôn nhân và gia đình được quy định chung trong Bộ luật Dân sự và Thương mại (DS&TM) Thái Lan [1]. Phần về hôn nhân và gia đình cũng như về các quan hệ tài sản giữa vợ chồng được quy định tại Phần III Quyển 5 của Bộ luật này.

Nhìn chung, các quy định về hôn nhân và gia đình ở Thái Lan được quy định trên nền tảng pháp luật châu Âu lục địa, mà cụ thể là chịu sự ảnh hưởng của hệ thống pháp luật Pháp [2]. Tuy nhiên, cũng giống như hệ thống pháp luật Việt Nam, trong một thời gian dài, Thái Lan không công nhận án lệ hay vai trò “làm luật” của thẩm phán.

Chế độ tài sản thoả thuận

Các quy định về quan hệ tài sản giữa vợ, chồng được quy định từ Điều 1465 Chương IV đến Điều 1493 Bộ luật này. Điều 1465 mở đầu cho phần này quy định rằng “Trường hợp vợ chồng trước khi kết hôn không ký kết một thỏa thuận đặc biệt liên quan đến quan hệ tài sản giữa họ, thì mối quan hệ giữa họ liên quan đến tài sản sẽ được điều chỉnh bởi các quy định của Chương này.

Bất cứ điều khoản nào trong thỏa thuận trước khi kết hôn (còn gọi là thỏa thuận tiền hôn nhân) trái với trật tự công cộng hoặc phong tục đạo đức tốt đẹp của xã hội, hoặc chỉ ra rằng mối quan hệ tài sản giữa họ sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật nước ngoài thì thỏa thuận đó sẽ không có hiệu lực”.

Như vậy, với quy định đầu tiên ở phần này, Bộ luật DS&TM Thái Lan đã cho phép vợ chồng có thể xây dựng cho riêng họ các thỏa thuận tiền hôn nhân nhằm điều chỉnh quan hệ tài sản. Cũng cần lưu ý rằng thỏa thuận này chỉ dùng để điều chỉnh quan hệ tài sản mà thôi.

Ngay sau quy định cho phép này, Điều 1466 quy định khá chi tiết về các điều kiện có hiệu lực của thỏa thuận tiền hôn nhân “Các thỏa thuận tiền hôn nhân là không có giá trị nếu rơi vào một trong các trường hợp sau:

– Không được xuất trình với cơ quan đăng ký kết hôn tại thời điểm đăng ký kết hôn;

– Không được thực hiện bằng văn bản, có chữ ký của cả hai vợ chồng và ít nhất hai người làm chứng.

– Không được đưa vào đăng ký kết hôn tại thời điểm đăng ký kết hôn với tư cách là một phần phụ lục của đăng ký kết hôn”.

Như vậy, thực tế cả hai điều luật trên đều cùng đề cập đến những trường hợp “cấm kỵ” đối với một thỏa thuận tiền hôn nhân. Đó là những trường hợp thỏa thuận này sẽ không phát sinh hiệu lực.

Trong khi đó, Điều 47 Luật HN&GĐ Việt Nam 2014 quy định: "Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn". Tuy nhiên, theo yêu cầu của Luật Hộ tịch Việt Nam năm 2014 "Giấy chứng nhận kết hôn phải có các thông tin sau đây: a) Họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú; thông tin về giấy tờ chứng minh nhân thân của hai bên nam, nữ; b) Ngày, tháng, năm đăng ký kết hôn; c) Chữ ký hoặc điểm chỉ của hai bên nam, nữ và xác nhận của cơ quan đăng ký hộ tịch" (khoản 2 Điều 18). Nội dung quy định nêu trên và tổng thể các quy định khác của Luật này về thủ tục đăng ký kết hôn không thấy quy định về việc cơ quan đăng ký kết hôn hoặc phải ghi nhận có sự tồn tại của chế độ tài sản thỏa thuận (trong giấy chứng nhận đăng ký kết hôn hoặc trong sổ lưu), hoặc phải kiểm tra về việc có hay không tồn tại chế độ tài sản thỏa thuận. Như vậy, quy định bắt buộc về thời điểm phải xác lập chế độ tài sản thỏa thuận là trước khi kết hôn không có điều kiện để đảm bảo thực hiện trong bối cảnh pháp lý này. Từ thực trạng này, theo chúng tôi, quy định tại Điều 1466 của Bộ luật DS&TM Thái Lan cần được tham khảo để vận dụng vào bối cảnh Việt Nam bằng cách bổ sung thêm và trong các thông tin cần có của giấy chứng nhận kết hôn thông tin rằng "Vợ, chồng kết hôn trên cơ sở chế độ tài sản thoả thuận" (nếu có). Điều này là thực sự cần thiết ở góc độ quản lý nhà nước cũng như để bảo vệ người thứ ba trong việc tiếp cận thông tin có liên quan đến quan hệ tài sản giữa vợ chồng.

Việc thay đổi chế độ tài sản thoả thuận

Cũng giống như quy định của Bộ Dân luật 1972 của Việt Nam, Điều 1467 Bộ luật DS&TM Thái Lan quy định rằng: “Sau khi kết hôn thỏa thuận tiền hôn nhân không thể bị thay đổi, ngoại trừ bởi thẩm quyền của tòa án.

Khi có phán quyết cuối cùng của tòa án để thực hiện việc thay đổi, hủy bỏ thỏa thuận tiền hôn nhân, tòa án phải thông báo vấn đề sửa đổi hoặc hủy bỏ này đến cơ quan đăng ký kết hôn để cơ quan này đưa nội dung đó vào đăng ký kết hôn”.

Như vậy, khác với luật Việt Nam trước đây và hiện hành, Bộ luật DS&TM Thái Lan đã dự kiến cho một sự thay đổi, thậm chí là hủy bỏ thỏa thuận tiền hôn nhân với sự chấp thuận của Tòa án. Theo thông lệ, thỏa thuận tiền hôn nhân không thể bị thay đổi hoặc hủy bỏ vì lý do đơn giản là thỏa thuận này một khi được xác lập sẽ tác động không những đến các bên vợ chồng mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên thứ ba có liên quan. Hãy tưởng tượng, với một thỏa thuận tiền hôn nhân đã xác lập và công bố, trên cơ sở đó đã hình thành quan hệ tài sản với người thứ ba, người thứ ba có thể là một chủ nợ của vợ, chồng. Sau đó vợ, chồng lại lặng lẽ điều chỉnh thỏa thuận tiền hôn nhân, dẫn đến nguy cơ chủ nợ khó có khả năng thu hồi nợ, như vậy, quyền lợi của chủ nợ sẽ bị ảnh hưởng một cách rất nghiêm trọng với điều chỉnh này mà chủ nợ đã không thể có cơ hội để biết và bảo vệ quyền lợi của mình tốt hơn. Do đó, sự hạn chế việc thay đổi và hủy bỏ thỏa thuận tiền hôn nhân hay sự cho phép một cách có kiểm soát là điều nên làm, như pháp luật Thái Lan đã và đang thực hiện. Cũng khẳng định cho lập luận trên, là cần bảo vệ quyền lợi của người thứ ba, Điều 1468 Bộ luật DS&TM Thái Lan quy định: “Điều khoản trong thỏa thuận tiền hôn nhân không có hiệu lực trong trường hợp tác động đến các quyền của người thứ ba ngay tình cho dù chúng được thay đổi hoặc hủy bỏ theo lệnh của tòa án”. Cần lưu ý, sự hủy bỏ hoặc thay thế một cách có kiểm soát bởi tòa án trong trường hợp này là áp dụng đối với toàn bộ thỏa thuận tiền hôn nhân.

Cũng liên quan đến việc hủy bỏ một thỏa thuận nào đó giữa vợ, chồng liên quan đến quan hệ tài sản, Điều 1469 Bộ luật DS&TM Thái Lan quy định: “Bất kỳ thỏa thuận được ký kết giữa vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân có thể hủy bỏ được bởi mỗi bên tại bất kỳ thời điểm nào trong thời kỳ hôn nhân hoặc trong vòng một năm kể từ ngày chấm dứt quan hệ hôn nhân; với điều kiện là sự hủy bỏ này không ảnh hưởng đến quyền của người thứ ba ngay tình”. Quy định này của Bộ luật không còn nằm trong khuôn khổ thỏa thuận tiền hôn nhân mà đang ở trong bối cảnh của quan hệ tài sản dưới chế độ tài sản luật định.

Mặc dù được ban hành từ năm 1925 và đã được sửa đổi, bổ sung từ 1992, Bộ luật DS&TM Thái Lan hiện vẫn đang còn hiệu lực thi hành. Với các quy định có tuổi đời khá cao như vậy nhưng về cơ bản, các quy định của pháp luật nói chung và của các quan hệ tài sản giữa vợ, chồng nói riêng vẫn rất phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Do sự ảnh hưởng của BLDS Pháp 1804 ở thời điểm xây dựng các quy định đầu tiên của Bộ luật DS&TM Thái Lan nên các quy định của Bộ luật này có nhiều điểm rất giống với các quy định của luật Việt Nam trong cùng lĩnh vực [3], đặc biệt là rất giống với các quy định trong các bộ Dân luật Việt Nam thời Pháp thuộc. Mặc dù vậy, việc Bộ luật DS&TM Thái Lan chỉ dừng lại ở vài điều luật (4 điều luật) trong việc điều chỉnh quan hệ tài sản theo thỏa thuận tiền hôn nhân giữa vợ, chồng là một sự giẫm chân tại chỗ trong lĩnh vực này.

2. Bộ luật Dân sự Pháp

Phần về các quy định về quan hệ tài sản giữa vợ, chồng trong Bộ luật Dân sự (BLDS) Pháp không được đặt trong phần viết về hôn nhân mà được tách riêng và được quy định ở Quyển 3 về việc xác lập quyền sở hữu tài sản. Phần này quy định chung cả về hợp đồng hôn nhân [4] và các chế độ tài sản giữa vợ, chồng. Theo các quy định này, hợp đồng hôn nhân cũng như các quy tắc trong chế độ tài sản cũng chỉ là những cách thức khác nhau để xác lập quyền sở hữu tài sản, hoặc là tài sản thuộc sở hữu riêng của một bên vợ, chồng, hoặc là tài sản thuộc sở hữu chung của cả hai vợ chồng.

2.1. Những vấn đề chung về chế độ tài sản thỏa thuận trong luật dân sự Pháp

Điều 1387 BLDS Pháp “công bố về nguyên tắc tự do lựa chọn chế độ tài sản giữa vợ chồng và đó là sự tự do có kiểm soát” [5]. Quy định này nói rằng: “Pháp luật chỉ điều chỉnh các quan hệ tài sản giữa vợ chồng khi mà giữa họ không có thỏa thuận đặc biệt liên quan đến vấn đề này, miễn là các thỏa thuận đó không trái với đạo đức hoặc các quy định sau đây của pháp luật”. Quy định này đã gián tiếp cho phép các cặp vợ chồng trước ngưỡng cửa hôn nhân có quyền tự do đưa ra các quy tắc pháp lý áp dụng cho quan hệ tài sản giữa họ. Hoặc là chế độ tài sản họ tự xây dựng nên bằng hợp đồng hôn nhân, hoặc bằng chế độ tài sản luật định.

Khi đã quyết định lựa chọn chế độ tài sản theo hợp đồng hôn nhân, pháp luật lại một lần nữa cho phép các bên lựa chọn, hoặc một trong số ba mô hình quan hệ tài sản được luật đề xuất hoặc họ tự thiết kế một mô hình quan hệ tài sản cho riêng họ trên cơ sở các dữ liệu mà pháp luật đề xuất [6]. Sự tự do của các cặp vợ chồng là rất thực, rất hào phóng. Tuy nhiên, sự tự do này không phải là sự tự do không kiểm soát mà pháp luật đã đặt ra các giới hạn chủ yếu liên quan đến trật tự công cộng và đạo đức xã hội (Điều 1387 đã trích dẫn ở trên), các giới hạn về một chế độ tài sản cơ bản cần tuân thủ theo luật dân sự Pháp “các thỏa thuận của vợ chồng không thể vi phạm các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ hôn nhân, không được vi phạm các quy tắc về thẩm quyền của cha mẹ hay trách nhiệm giám hộ” (Điều 1388). Hay giới hạn đề ra ở Điều 1389: “Thỏa thuận của vợ chồng không được gây tổn hại đến những quyền lợi được quy định bởi bộ luật này, các thỏa thuận của vợ chồng cũng không được làm chấm dứt hay thay đổi trật tự thừa kế theo pháp luật”… Như vậy, sự tự do của vợ chồng trong việc xây dựng chế độ tài sản thỏa thuận phải tuân thủ các quy tắc (hay các điều cấm) như đã đề cập ở trên. Tập hợp những quy tắc cần tuân thủ hay các hạn chế này gọi là chế độ tài sản cơ bản được thiết lập để duy trì trật tự công về gia đình [7]. Chế độ tài sản cơ bản này cũng được thiết lập trong Luật HN&GĐ Việt Nam năm 2014 với các nguyên tắc được quy định tại các Điều 29, 30, 31, 32.

Về hình thức tồn tại của chế độ tài sản thỏa thuận

Điều 1394 BLDS Pháp quy định: “Tất cả hợp đồng hôn nhân sẽ được soạn thảo bằng văn bản công chứng lập bởi công chứng viên với sự hiện diện và sự đồng ý của tất cả các bên của hợp đồng hoặc người được ủy quyền của họ.

Tại thời điểm ký kết hợp đồng, công chứng viên phải cấp cho mỗi bên một giấy chứng nhận (không tốn phí), trong đó nêu tên và nơi cư trú của công chứng viên, họ, tên, nơi ở của cặp vợ chồng tương lai, ngày ký của hợp đồng. Giấy chứng nhận này cũng chỉ ra rằng, nó phải được giao cho viên chức hộ tịch trước khi đăng ký kết hôn.

Nếu giấy chứng nhận kết hôn không thể hiện rằng vợ chồng đã có thỏa thuận xác lập hợp đồng thì hai vợ chồng, đối với các bên thứ ba, được coi là kết hôn dưới chế độ tài sản luật định, trừ khi, trong các hành vi ký kết với bên thứ ba đó, họ cho biết đã thực hiện một hợp đồng hôn nhân”.

Có thể thấy, BLDS Pháp yêu cầu một hình thức cũng như trình tự có liên quan đến việc xác lập hợp đồng hôn nhân rất chặt chẽ. Để đảm bảo rằng (bằng những yêu cầu về hình thức và thủ tục này) người thứ ba có thể dễ dàng tiếp cận với nội dung hợp đồng, để các giao dịch giữa vợ, chồng với người thứ ba được thực hiện trên cơ sở thông tin rõ ràng để đảm bảo sự bình đẳng trong giao dịch. Điều này củng cố, một lần nữa, đề xuất trên đây của chúng tôi về việc các bên kết hôn phải xuất trình với viên chức hộ tịch thoả thuận của họ về chế độ tài sản tại thời điểm kết hôn, và rằng viên chức hộ tịch phải ghi nhận thông tin này trong giấy đăng ký kết hôn là hoàn toàn hợp lý. Nó cần thiết cho một quy trình chặt chẽ và có kiểm soát đối với chế độ tài sản thoả thuận của vợ chồng.

Về hiệu lực của hợp đồng hôn nhân

Hợp đồng hôn nhân có hiệu lực phát sinh phụ thuộc vào quan hệ hôn nhân và chỉ có giá trị trong chừng mực quan hệ hôn nhân còn được duy trì. Điều này có nghĩa là nếu như không có quan hệ hôn nhân thì hợp đồng hôn nhân sẽ… không là gì cả. Với logic như vậy, Điều 1395 BLDS Pháp quy định: “Hợp đồng hôn nhân phải được soạn thảo trước khi kết hôn và không có hiệu lực cho đến ngày kết hôn”. Như vậy, kết hợp hai quy định ở Điều 1394 và 1395 đã dẫn ở trên, ta có một tình trạng như sau, thứ nhất, nếu tại thời điểm kết hôn mà không có bằng chứng (hay vợ chồng không đưa ra bằng chứng) cho sự tồn tại hợp đồng hôn nhân thì quan hệ hôn nhân giữa họ sẽ được xác lập trong tình trạng đặt dưới chế độ tài sản luật định, thứ hai, nếu các bên đã xác lập hợp đồng hôn nhân nhưng sau đó vì các lý do cá nhân, quan hệ hôn nhân không được xác lập thì hợp đồng đã xác lập sẽ không có giá trị (không phát sinh hiệu lực).

Câu hỏi tương tự cũng đặt ra trong lĩnh vực này, nếu quan hệ hôn nhân của họ bị tuyên bố hủy do trái pháp luật thì hợp đồng hôn nhân sẽ chấm dứt hiệu lực theo sự chấm dứt của quan hệ hôn nhân? Câu trả lời là có, theo quan điểm của nhiều nhà nghiên cứu [8]. Và cũng theo các quan điểm này, khi chấm dứt quan hệ hôn nhân bằng việc tuyên bố hủy như vậy, việc xử lý hậu quả pháp lý liên quan đến quan hệ tài sản giữa vợ, chồng sẽ xử lý theo quy định của pháp luật chứ không theo hợp đồng hôn nhân. Ngược lại, trong trường hợp chấm dứt quan hệ hôn nhân do vợ, chồng chết hoặc chấm dứt quan hệ hôn nhân thì hợp đồng hôn nhân lại được sử dụng như cơ sở pháp lý cho việc giải quyết vấn đề chia tài sản giữa vợ, chồng cũng như trong các quan hệ tài sản liên quan đến người thứ ba. Chúng tôi cho rằng, cách giải thích này là phù hợp trong bối cảnh pháp lý Việt Nam hiện nay trong việc giải thích các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành liên quan đến việc huỷ kết hôn trái pháp luật mà giữa các bên kết hôn có chế độ tài sản thoả thuận. Rằng trong trường hợp này cần giải quyết việc phân chia tài sản khi huỷ kết hôn trái pháp luật theo quy định của pháp luật chứ không theo thoả thuận trong chế độ tài sản thoả thuận giữa họ. Bởi bản chất của huỷ kết hôn trái pháp luật là một dạng chế tài, nên việc xử lý quan hệ tài sản cần thiết phải áp dụng một cách thống nhất theo quy định của pháp luật.

Cũng cần lưu ý một vấn đề liên quan đến việc xác lập hợp đồng hôn nhân trong luật dân sự Pháp, đó là luật này cho phép việc xác lập hợp đồng hôn nhân có thể được tiến hành thông qua vai trò của người đại diện được ủy quyền (Điều 1394 BLDS Pháp).

Cũng giống như các hợp đồng khác được giao kết theo luật chung, hợp đồng hôn nhân theo quy định tại Điều 1399 BLDS Pháp cũng có thể bị tuyên bố vô hiệu vì lý do liên quan đến hình thức. Quy định cụ thể như sau: “Người thành niên trong tình trạng được giám hộ hay trợ quản không thể xác lập hợp đồng hôn nhân mà không có sự tham gia của người giám hộ hoặc người trợ quản.

Thiếu vắng sự tham gia hỗ trợ của những người này trong việc xác lập hợp đồng hôn nhân, hợp đồng hôn nhân có thể bị tuyên bố vô hiệu trong năm kết hôn theo yêu cầu của hoặc những người cần thể hiện sự đồng ý theo quy định của pháp luật trong việc xác lập hợp đồng, hoặc của người giám hộ hoặc của người trợ quản”. Ngoài ra, các quy định của pháp luật cũng cho phép tuyên bố vô hiệu một hợp đồng hôn nhân vi phạm các quy định về hình thức khác.

Về sự sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hiệu lực của hợp đồng hôn nhân

Điều 1397 BLDS Pháp quy định: “Sau hai năm thực hiện chế độ tài sản giữa vợ chồng theo hợp đồng hôn nhân, vợ chồng có thể thỏa thuận, vì lợi ích của gia đình, để sửa đổi, hoặc thậm chí thay đổi hoàn toàn hợp đồng hôn nhân bằng chứng thư công chứng. Để có hiệu lực, các chứng thư công chứng này phải chứa đựng nội dung về việc thanh lý chế độ tài sản đã có trước đó trong trường hợp cần thiết.

Các bên có liên quan của hợp đồng hôn nhân được sửa đổi hay chấm dứt và con đã thành niên của mỗi bên vợ, chồng được thông báo – mang tính cá nhân – về sự thay đổi được đề xuất. Mỗi người trong số họ có thể phản đối việc sửa đổi trong thời hạn ba tháng.

Các chủ nợ của vợ chồng cũng được thông báo về các thay đổi do vợ chồng đề xuất bằng cách đăng một thông báo trên một tờ báo được ủy quyền công bố thông báo tại địa phương nơi cư trú của vợ, chồng. Mỗi người trong số họ có thể phản đối việc sửa đổi trong vòng ba tháng kể từ ngày công bố.

Trong trường hợp thỏa thuận thay đổi hợp đồng hôn nhân bị phản đối, chứng thư công chứng về việc thay đổi này sẽ phải được phê duyệt bởi tòa án. Việc yêu cầu phê duyệt cũng như quyết định phê duyệt của tòa án phải được công bố trong các điều kiện và chế tài theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Khi vợ hoặc chồng có con chưa thành niên, việc phê chuẩn của tòa án đối với chứng thư công chứng về việc sửa đổi hợp đồng hôn nhân là bắt buộc.

Sự thay đổi hợp đồng hôn nhân có hiệu lực giữa các bên vợ chồng tại thời điểm công chứng hoặc tại thời điểm được phê duyệt bởi tòa án và trong mối quan hệ với các bên thứ ba thì sự thay đổi này có hiệu lực sau ba tháng kể từ thời điểm được ghi chú trong đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp không có ghi chú trong đăng ký kết hôn, sự thay đổi này vẫn có hiệu lực với bên thứ ba nếu trong các thỏa thuận với bên thứ ba này, các cặp vợ chồng cho biết họ đã thay đổi chế độ tài sản của họ.

Các chủ nợ không phản đối sự thay đổi chế độ tài sản của vợ chồng, nếu cho rằng đã có sự gian lận trong việc thực hiện các quyền của mình có thể tiến hành việc kiện để phản đối trong khuôn khổ quy định tại 1167 Bộ luật này”.

Sự thay đổi hợp đồng hôn nhân hay sự sửa đổi chế độ tài sản giữa vợ chồng thông thường được tiến hành theo một trong hai hình thức, thứ nhất, bổ sung thêm một điều khoản nào đó vào hợp đồng hôn nhân, thứ hai soạn thảo mới một hợp đồng hôn nhân.

Tóm lại, việc sửa đổi hợp đồng hôn nhân, thậm chí thay đổi chế độ tài sản từ chế độ tài sản luật định sang chế độ tài sản thỏa thuận là hoàn toàn được phép theo quy định của BLDS Pháp hiện hành. Sự cho phép này thực tiễn chưa ghi nhận có rủi ro cho người thứ ba bởi thủ tục pháp lý cho các động tác này được quy định rất chặt chẽ.

Trong khi đó, Điều 17 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP của Chính phủ Việt Nam quy định:

“1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được áp dụng thì trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận sửa đổi, bổ sung một phần hoặc toàn bộ nội dung của chế độ tài sản đó hoặc áp dụng chế độ tài sản theo luật định.

2. Thỏa thuận sửa đổi, bổ sung nội dung của chế độ tài sản của vợ chồng phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật”.

Với các quy định này, pháp luật Việt Nam hiện hành không dự kiến bất kỳ cơ chế kiểm soát nào từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với việc sửa đổi, bổ sung chế độ tài sản theo thoả thuận giữa vợ chồng. Điều này cũng dễ hiểu, bởi ngay từ việc xác lập chế độ tài sản thoả thuận đã không có sự kiểm soát thì việc sửa đổi, bổ sung đương nhiên là không có kiểm soát. Như đã phân tích trên đây, chế độ tài sản thoả thuận, mặc dù chỉ là thoả thuận giữa vợ, chồng, nhưng lại tác động rất lớn đến người thứ ba, do đó chúng tôi cho rằng, cùng với việc xác lập chế độ tài sản thoả thuận, việc sửa đổi, bổ sung chế độ tài sản này cũng cần có sự kiểm soát từ cơ quan quản lý có thẩm quyền.

2.2. Các mô hình quan hệ tài sản được đề xuất đối với chế độ tài sản thỏa thuận theo luật dân sự Pháp

Về cơ bản, BLDS Pháp đề xuất ba mô hình quan hệ tài sản giữa vợ, chồng cho chế độ tài sản thỏa thuận. Và một thực tế được nhiều học giả đồng tình là các mô hình đề xuất này đều dựa trên chế độ tài sản luật định, hay nói chính xác hơn là dựa trên mô hình quan hệ tài sản theo chế độ tài sản luật định.

2.2.1. Mô hình quan hệ tài sản chung theo thỏa thuận

Mô hình quan hệ tài sản chung theo thỏa thuận là thể hiện rõ nhất của quan điểm rằng chế độ tài sản thỏa thuận theo hợp đồng hôn nhân là sự mô phỏng có điều chỉnh chế độ tài sản luật định. Với mô hình quan hệ tài sản này, người ta đã thống kê có sáu bổ sung có thể xoay quanh chế độ tài sản luật định.

Sáu bổ sung mà vợ chồng có thể đưa vào hợp đồng hôn nhân của mình trong chế độ tài sản chung theo thỏa thuận lần lượt có ý nghĩa như sau.

Thứ nhất, theo quy định tại khoản 1 Điều 1497 BLDS Pháp: “Tài sản chung của vợ chồng bao gồm các động sản và những tài sản được tạo ra trong thời kỳ hôn nhân”. Theo giải thích tại Điều 1498 BLDS Pháp: “Nếu vợ chồng thỏa thuận rằng động sản và những tài sản tạo ra trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung của họ thì các tài sản chung sẽ bao gồm những tài sản chung thông thường theo chế độ tài sản luật định, các tài sản là động sản mà mỗi bên vợ, chồng đã xác lập quyền sở hữu tại thời điểm kết hôn, tài sản mà cá nhân mỗi bên vợ, chồng có quyền sở hữu do được tặng cho hay nhận thừa kế, trừ khi các người tặng cho hoặc để lại di sản đã có ý chí khác.

Những tài sản riêng còn lại là những động sản mà xét về bản chất nó là tài sản riêng theo quy định tại Điều 1404 dưới chế độ tài sản theo luật định”.

Như vậy, với thỏa thuận đặc biệt này trong chế độ tài sản chung theo thỏa thuận, có thể hình dung khối tài sản chung của vợ chồng được làm tăng thêm về giá trị và số lượng từ phần động sản có trước khi kết hôn (những tài sản mà về bản chất thuộc về tài sản riêng trong chế độ tài sản luật định). Với tinh thần như vậy, một cách hợp lý, khối tài sản chung này cũng phải gánh chịu những khoản nợ mà về bản chất nợ này là nợ riêng của một bên vợ, chồng (Điều 1499 BLDS Pháp). Dĩ nhiên, tài sản chung không gánh chịu toàn bộ nợ riêng mà phần gánh chịu này sẽ được xác định tương ứng với đóng góp của tài sản riêng vào tài sản chung.

Thứ hai, về điều khoản quản lý tài sản chung. Điều khoản này cho phép vợ chồng có quyền quản lý khối tài sản chung cùng nhau. Trên cơ sở của điều khoản, tất cả các giao dịch liên quan đến tài sản chung phải có chữ ký của cả hai vợ chồng (Điều 1503 BLDS Pháp) trừ giao dịch liên quan đến việc bảo quản tài sản. Cũng phát sinh từ điều khoản này là trách nhiệm dân sự liên đới của vợ chồng đối với các nghĩa vụ tài sản phát sinh

Thứ ba, điều khoản về việc bồi thường cho một bên vợ hoặc chồng sau khi chấm dứt hôn nhân (do vợ, chồng chết, do ly hôn…). Điều khoản này cho phép trong trường hợp chấm dứt quan hệ tài sản, một bên vợ, chồng sẽ được quyền giữ lại một phần tài sản chung trên cơ sở có tính toán cân nhắc đến tổng thể giá trị tài sản chung tại thời điểm phân chia (Điều 1511 BLDS Pháp).

Thứ tư, Điều khoản “tiên thủ” theo quy định tại Điều 1515 BLDS Pháp cho phép trong trường hợp một bên vợ, chồng chết thì bên còn sống có thể lấy đi trước tiên một hoặc một số tài sản chung (tiền hoặc tài sản cụ thể), việc trích này được ưu tiên thực hiện trước tất cả việc phân chia, kể cả chia di sản theo quy định của pháp luật.

Thứ năm, điều khoản về việc phân chia một cách bất bình đẳng giữa vợ, chồng khi chấm dứt quan hệ hôn nhân, chấm dứt quan hệ tài sản (Điều 1520 BLDS Pháp).

Thứ sáu, điều khoản cộng đồng toàn bộ tài sản (Điều 1526 BLDS Pháp). Điều khoản này cho phép vợ chồng thỏa thuận toàn bộ các tài sản (động sản hay bất động sản, hiện có hay sẽ có trong tương lai) đều là tài sản chung. Loại thỏa thuận này cũng có ngoại lệ, đó là những tài sản được quy định tại Điều 1404 BLDS Pháp sẽ luôn là tài sản riêng [9].

2.2.2. Mô hình quan hệ tài sản riêng

Cần lưu ý rằng, mặc dù yêu cầu của một hợp đồng hôn nhân theo quy định của BLDS Pháp là phải xác lập trước khi kết hôn, nhưng pháp luật cũng cho phép việc thay đổi hay bổ sung chế độ tài sản đã chọn bằng những thay đổi được phép. Do đó, thật sự có một sự tự do khá phóng khoáng trong các quy định về việc lựa chọn và xây dựng chế độ tài sản trong luật Pháp.

Với chế độ tài sản riêng, đây là chế độ tài sản thường được các cặp vợ chồng mà một trong số họ điều hành các hoạt động kinh doanh chứa đựng nhiều rủi ro lựa chọn [10]. Theo quy định tại Điều 1536 BLDS Pháp, “vợ chồng đã thỏa thuận trong hợp đồng hôn nhân rằng họ sẽ có chế độ tài sản riêng, mỗi bên sẽ giữ quyền quản lý, hưởng dụng và định đoạt tự do các tài sản riêng của mình.

Mỗi người trong số họ một mình chịu trách nhiệm về các khoản nợ do mình gây ra trước hoặc trong quá trình hôn nhân, trừ trường hợp quy định tại Điều 220”.

Với chế độ tài sản này, thường trong hợp đồng hôn nhân các bên sẽ phải xác định rõ trách nhiệm của mỗi bên trong việc đóng góp để duy trì sự tồn tại của gia đình (chăm sóc giáo dục con hay chi phí nhà ở… Nếu không có thỏa thuận này thì phần đóng góp sẽ được xác định tương ứng với phần tài sản của mỗi bên. Việc chấm dứt quan hệ tài sản đối với mô hình quan hệ tài sản này rất đơn giản, mỗi bên sẽ lấy đi tài sản của riêng họ. Đối với những tài sản đã được mua chung bởi vợ chồng thì sẽ chia theo tỷ lệ góp tiền của họ ở thời điểm mua.

Với chế độ tài sản này, nợ của mỗi bên tạo ra sẽ là nợ riêng của người đó. Do đó, chế độ tài sản này thường được các cặp vợ chồng kinh doanh lựa chọn. Vì nó giúp bên vợ, chồng không trực tiếp kinh doanh không phải gánh chịu nợ mà chồng, vợ mình gây ra trong quá trình đầu tư, kinh doanh. Đặc biệt trong trường hợp người đầu tư kinh doanh bị tuyên bố phá sản.

2.2.3. Mô hình quan hệ tài sản chia sẻ khối tài sản tạo ra trong thời kỳ hôn nhân [11]

Theo Điều 1569 BLDS Pháp: “Khi vợ chồng kết hôn dưới chế độ tài sản có sự chia sẻ khối tài sản tạo ra trong thời kỳ hôn nhân, mỗi bên bảo toàn quyền của mình trong việc quản lý, hưởng dụng và định đoạt tự do các tài sản thuộc sở hữu riêng của mình, mà không phân biệt giữa những tài sản đã có quyền sở hữu vào ngày kết hôn hoặc được thừa kế hay tặng cho sau ngày kết hôn. Trong thời kỳ hôn nhân, chế độ tài sản này vận hành như là vợ chồng đã kết hôn theo chế độ tài sản riêng. Tại thời điểm chấm dứt quan hệ tài sản, mỗi bên vợ, chồng được quyền chia một nửa giá trị của các tài sản ròng có được của bên kia, và được đo lường bằng cách ước tính bằng chênh lệch giữa tài sản ban đầu và tài sản tại thời điểm phân chia. Quyền được chia này là không thể thực hiện chừng nào quan hệ tài sản còn chưa chấm dứt. Nếu quan hệ tài sản chấm dứt do vợ, chồng chết, những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia trên phần tài sản còn lại”.

Các tài sản được xem là “tài sản ban đầu” thông thường bao gồm những tài sản mà vợ chồng đã có quyền sở hữu ở thời điểm kết hôn… Pháp luật yêu cầu mỗi bên phải xác lập bằng chứng về các “tài sản ban đầu” này bằng văn bản xác nhận (có thể văn bản thường không cần công chứng). Tuy nhiên, văn bản xác nhận (hay bản tự khai tài sản này) phải có chữ ký xác nhận của bên vợ, chồng còn lại. Các tài sản ban đầu nhưng đã được định đoạt trong thời kỳ hôn nhân (bán, tặng cho) vẫn phải được kể đến khi tính toán để phân chia.

Nếu tại thời điểm thanh lý quan hệ tài sản mà tài sản hiện có cuối cùng ít hơn so với tài sản gốc ban đầu của vợ (chồng), thì khoản thiếu hụt của bên nào bên ấy sẽ phải chịu. Và đương nhiên, bên còn lại thì không được chia (Điều 1575 BLDS Pháp).

Mô hình quan hệ tài sản này rõ ràng là rất có lợi cho những người có thu nhập kém trong thời kỳ hôn nhân và có sự chênh lệch lớn trong thu nhập của hai vợ chồng. Theo ví dụ đã phân tích trên, người làm ra nhiều trong thời kỳ hôn nhân sẽ không được hưởng gì từ người làm ra ít mà ngược lại, là người phải chi trả cho người có thu nhập kém.

Tóm lại, chế độ tài sản thỏa thuận trong luật dân sự Pháp được quy định khá chi tiết với rất nhiều những mô hình quan hệ tài sản phong phú cho các cặp vợ chồng lựa chọn. Ngoài ra, pháp luật cũng cho phép các bên vợ, chồng được tự do trong việc điều chỉnh chế độ tài sản thỏa thuận, thay đổi mô hình quan hệ tài sản, thậm chí thay đổi cả chế độ tài sản (Điều 1441 BLDS Pháp). Tất cả những sự tự do này được thực hiện dưới sự kiểm soát một cách chặt chẽ của hệ thống cơ quan hành chính, tư pháp để đảm bảo quyền lợi của các bên có liên quan. Các mô hình quan hệ tài sản này cũng là gợi ý cần có để tham khảo trong bối cảnh pháp lý ở Việt Nam hiện nay khi vợ chồng có thể có “thoả thuận khác” trong việc xây dựng chế độ tài sản cho riêng họ (điểm d khoản 1 Điều 15 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP của Chính phủ).

3. Chế độ tài sản thỏa thuận theo quy định của Bộ luật Dân sự Bỉ

Cũng có tuổi đời bằng với BLDS Pháp, BLDS Bỉ được ban hành ngày 21/3/1804 và bắt đầu phát sinh hiệu lực ngày 13/9/1807. BLDS Bỉ gồm ba quyển, Quyển một về con người (cá nhân), Quyển hai về tài sản và Quyển ba về các phương thức xác lập quyền sở hữu. Phần về quan hệ tài sản giữa vợ, chồng được đặt ở Quyển 3 về các phương thức xác lập quyền sở hữu.

Cũng giống như mô hình của BLDS Pháp, luật Bỉ cũng cho phép vợ chồng có quyền tự do lựa chọn chế độ tài sản cho riêng mình. Theo quy định tại Điều 1390 BLDS Bỉ, “Trong trường hợp không có thỏa thuận đặc biệt giữa vợ chồng, các quy tắc được quy định tại Chương 2 phần này sẽ là luật chung để áp dụng”. Như vậy, nếu không có thỏa thuận đặc biệt, quan hệ tài sản giữa vợ, chồng sẽ đặt dưới chế độ tài sản luật định. Và “chế độ tài sản giữa vợ chồng, dù là chế độ luật định hay thỏa thuận, có hiệu lực tại thời điểm kết hôn, dù vợ chồng có thỏa thuận ngược lại” (Điều 1391 BLDS Bỉ).

Pháp luật giành phần lớn các quy định về quan hệ tài sản giữa vợ, chồng để điều chỉnh chế độ tài sản luật định. Một khi vợ chồng đã lựa chọn chế độ tài sản luật định, họ vẫn có quyền lập hợp đồng hôn nhân để bổ sung vào chế độ luật định những thỏa thuận đặc biệt của họ (theo Điều 1451 BLDS Bỉ).

Với chế độ tài sản thỏa thuận thiết lập theo hợp đồng hôn nhân, vợ chồng có một vài lựa chọn sau đây:

Thứ nhất là mô hình tài sản chung. Theo quy định tại Điều 1451 BLDS Bỉ, “Vợ chồng đã xác lập một chế độ cộng đồng tài sản (chế độ tài sản chung) thì không thể vi phạm các quy tắc của chế độ tài sản luật định có liên quan đến việc quản lý các tài sản riêng và chung của họ. Theo các quy định tại các Điều 1388 và 1389, họ có thể, theo hợp đồng hôn nhân, thực hiện bất kỳ thay đổi bổ sung nào vào chế độ tài sản luật định”. Một cách gián tiếp, quy định này thể hiện rằng, cũng giống như luật của Pháp và cũng là mô hình pháp luật áp dụng tại Việt Nam hiện nay, chế độ tài sản thiết lập theo các quy định của pháp luật xây dựng cho vợ chồng mô hình cộng đồng tài sản hay chế độ tài sản chung, cho phép công nhận hầu hết các tài sản tạo ra trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung của vợ chồng.

Các thoả thuận mà vợ chồng có thể tiến hành để bổ sung thêm vào mô hình tài sản chung đã lựa chọn trong hợp đồng hôn nhân được gợi ý bao gồm các loại thỏa thuận có thể sau đây theo quy định cũng tại Điều 1451 BLDS Bỉ:

– Thỏa thuận rằng các tài sản chung bao gồm tất cả hoặc một phần tài sản hiện tại và tương lai của vợ, chồng;

– Thỏa thuận rằng giữa vợ, chồng chỉ tồn tại khối tài sản chung;

– Thỏa thuận rằng một bên vợ, chồng sẽ được hưởng điều khoản "tiên hưởng" [12];

– Thỏa thuận rằng trong trường hợp chấm dứt quan hệ hôn nhân bởi cái chết của một bên vợ, chồng, việc phân chia tài sản chung sẽ tiến hành một cách không bình đẳng hoặc tất cả các tài sản chung sẽ được chia cho một bên vợ, chồng.

Thứ hai, mô hình tài sản riêng. Theo Điều 1466 BLDS Bỉ: “Nếu vợ chồng đã thỏa thuận trong hợp đồng hôn nhân rằng mô hình tài sản giữa họ là mô hình tài sản riêng thì mỗi người sẽ có tất cả các quyền trong việc quản lý, hưởng dụng và định đoạt tài sản của mình mà không ảnh hưởng đến việc áp dụng các quy định tại khoản Điều 215; các hoa lợi lợi tức cũng là tài sản riêng của mỗi bên”.

Mô hình tài sản riêng giữa vợ, chồng không những chỉ tồn tại theo thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng hôn nhân mà còn có thể được áp dụng trong trường hợp có phán quyết của tòa án. Điều 1470 BLDS Bỉ quy định: “Mỗi bên vợ chồng hoặc đại diện theo pháp luật của họ có thể kiện yêu cầu áp dụng mô hình quan hệ tài sản riêng khi mà xuất hiện tình trạng bừa bãi của bên vợ chồng còn lại trong hoạt động kinh doanh, việc quản lý yếu kém hoặc mất mát của cải của vợ chồng, và rằng việc duy trì chế độ tài sản hiện hữu là nguy hiểm cho lợi ích của bên vợ, chồng đưa ra yêu cầu”.

Một điểm cũng cần lưu ý và có thể là bài học kinh nghiệm tốt cho luật Việt Nam, đó là mô hình tài sản riêng giữa vợ, chồng còn được áp dụng trong việc “chung sống hợp pháp” giữa hai bên không phải là vợ chồng [13]. Đây là trường hợp chung sống như vợ chồng không có đăng ký kết hôn mặc dù các bên chung sống thỏa mãn các điều kiện để kết hôn với nhau. Việc sống chung hợp pháp này theo quy định của luật Bỉ cũng phải được đăng ký tại cơ quan đăng ký hộ tịch theo trình tự, thủ tục luật định với các yêu cầu khá chặt chẽ. Việc sống chung này cũng làm phát sinh quan hệ thừa kế giữa họ với nhau theo quy định của pháp luật. Việc chung sống hợp pháp này có thể chấm dứt rất đơn giản bằng thỏa thuận của hai bên, bằng việc một trong hai bên đi kết hôn với người khác hoặc bằng tuyên bố đơn phương chấm dứt quan hệ chung sống. Tuy nhiên, tuyên bố này phải hợp lệ theo quy định của pháp luật [14].

Thứ ba, mô hình tài sản chung hoàn toàn. Điều 1453 BLDS Bỉ quy định: “Nếu hai vợ chồng thỏa thuận rằng sẽ áp dụng mô hình cộng đồng tài sản với nhau, thì tất cả các tài sản hiện hữu và tương lai của họ sẽ đi vào tài sản chung, ngoại trừ những tài sản có đặc tính cá nhân, gắn liền mang tính tuyệt đối với người đó thì sẽ là tài sản riêng. Khối tài sản chung chịu trách nhiệm với tất cả các khoản nợ”.

Mô hình tài sản chung này chỉ được quy định duy nhất tại Điều 1453 nêu trên. Riêng về vấn đề quản lý tài sản này như thế nào thì có quy định như sau: “Trừ khi có quy định khác trong hợp đồng hôn nhân, bên chồng hoặc vợ đã nhập vào tài sản chung những tài sản hiện hữu hay tương lai của mình mà không cần xác định cụ thể các tài sản này thì sẽ giữ lại quyền quản lý được cho phép theo quy định tại Điều 1425”. Trong khi đó, Điều 1425 xác định mỗi bên vợ, chồng có quyền quản lý một cách tuyệt đối đối với tài sản riêng của người đó mà không vi phạm các nguyên tắc trong quan hệ tài sản giữa vợ, chồng được quy định tại Điều 215 BLDS Bỉ.

Như vậy, khác với các quy định của BLDS Pháp, trong mô hình quan hệ tài sản chung, bên cạnh việc vẫn chấp nhận duy trì một số ít tài sản do đặc tính cá nhân gắn liền với việc sử dụng mang tính cá nhân là tài sản riêng, BLDS Bỉ lại chấp nhận rằng, một khi tài sản đã trở thành tài sản riêng, bên vợ, chồng đã góp vào tài sản chung phần tài sản riêng của mình vẫn bảo toàn quyền quản lý đối với tài sản. Quy định này đặt ra trên thực tế một tình trạng khó xử trong việc phân định các quyền của vợ, chồng trong việc quản lý tài sản chung, tài sản riêng. Hơn thế nữa, hành vi quản lý tài sản theo định nghĩa tại Điều 1415 BLDS Bỉ còn là quản lý, hưởng dụng và định đoạt tài sản. Luật cũng cho phép tài sản chung có thể được quản lý bởi một bên vợ, chồng với điều kiện các hành vi quản lý phải được thực hiện trên cơ sở vì lợi ích của gia đình. Với tinh thần như vậy, quy định tại Điều 1425 về việc bảo toàn quyền quản lý tài sản của riêng một người trên khối tài sản chung là điều dễ hiểu.

Tóm lại, trên cơ sở phân tích và so sánh các quy định của ba quốc gia nói trên, có thể thấy pháp luật về chế độ tài sản thỏa thuận của vợ chồng có khác biệt rõ nhất ở mức độ đạt đến sự chặt chẽ trong các quy định và sự dừng lại ở việc cho phép chế độ tài sản thỏa thuận có thể đi vào thực tiễn như thế nào. Còn sự tương đồng chính là sự chấp nhận ở cả ba quốc gia, chế độ tài sản xác lập trên cơ sở hợp đồng (thỏa thuận). Phân tích về các chế độ tài sản mang tính tham khảo này sẽ là cơ sở để có thể xây dựng các kiến nghị nhằm hoàn thiện hơn nữa pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực này./.


Chú thích:

[1] Ban hành năm 1925, sửa đổi, bổ sung năm 1992.

[2] http://www.samuiforsale.com/knowledge/thailand-family-laws.html, truy cập ngày 11/11/2015.

[3] Cùng chịu chung một sự tác động từ BLDS Pháp 1804.

[4] BLDS Pháp dùng từ “contrat de mariage” được dịch là hợp đồng hôn nhân.

[5] Janine revel, Các chế độ tài sản giữa vợ chồng, Giáo trình, tái bản lần 5, Nxb. Dalloz, 2010, tr. 67.

[6] Có ba mô hình quan hệ tài sản được xây dựng sẵn để các cặp vợ chồng lựa chọn, đó là mô hình cộng đồng tài sản theo thỏa thuận, mô hình tài sản riêng hoặc mô hình tài sản lai tạp giữa mô hình tài sản riêng và mô hình cộng đồng tạo sản.

[7] Janine Revel, sđd, tr. 69.

[8] Janine Revel, sđd, tr. 70.

[9] Điều 1404 BLDS Pháp xác định những tài sản riêng do bản chất, đó là quần áo, vật dụng cá nhân.

[10] Janine revel, sđd, tr. 347.

[11] Nguyên văn tiếng Pháp là “Le régime de la participation aux acquêts". Dịch như trên chưa phản ánh được bản chất của mô hình này.

[12] Như cách giải thích tương tự trong luật Pháp.

[13] Tình trạng chung sống hợp pháp này dịch nghĩa từ thuật ngữ "cohabitation légalle".

[14] Theo quy định tại Điều 1476, tuyên bố chấm dứt quan hệ chung sống phải lập bằng văn bản và có chứa các nội dung sau đây:

1 – Ngày tuyên bố;

2 – Tên, địa điểm và ngày tháng năm sinh của cả hai bên và chữ ký của cả hai bên hoặc chữ ký của bên đưa ra tuyên bố;

3 – Nơi cư ngụ của cả hai bên;

4 – Đề cập đến sự tự nguyện mong muốn chấm dứt cuộc sống chung hợp pháp của hai bên.

<p><strong>SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP ĐIỆN TỬ</strong></p> <p><strong>Trích dãn từ: </strong><strong>http://www.nclp.org.vn/kinh_nghiem_quoc_te/che-111o-tai-san-thoa-thuan-trong-phap-luat-mot-so-nuoc-va-111e-xuat-cho-viet-nam/#ref1</strong>

TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191