Tôi đã ly hôn vợ và có một con gái chung 14 tuổi. Nay tôi muốn viết di chúc để lại toàn bộ tài sản riêng của tôi là ngôi nhà cho con gái. Tuy nhiên trong di chúc tôi muốn chỉ định em gái ruột của tôi sẽ quản lý di sản (nếu khi di chúc có hiệu lực con gái tôi chưa đủ 18 tuổi) có được không? Nếu sau này tôi có mua bán nhà thì cần lập di chúc mới ghi bản di chúc thứ hai hay chỉ cần hủy di chúc cũ và viết bản mới?
Gửi bởi: Trần Nguyễn Anh Lâm
Trả lời có tính chất tham khảo
1. Chỉ định người quản lý di sản
* Quyền chỉ định người quản lý di sản:
Quyền của người lập di chúc được quy định tại Ðiều 648 Bộ luật dân sự:Người lập di chúc có các quyền sau đây:
– Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế;
– Phân định phần di sản cho từng người thừa kế;
– Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng;
– Giao nghĩa vụ cho người thừa kế;
– Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.
Theo quy định trên, khi bạn lập di chúc, bạn có quyền chỉ định người quản lý di sản (có thể là em gái bạn) để quản lý di sản cho đến khi con gái bạn đủ 18 tuổi.
* Quyền, nghĩa vụ của người quản lý di sản:
– Nghĩa vụ của người quản lý di sản khi được chỉ định trong di chúc (theo khoản 1 Ðiều 639 Bộ luật dân sự):
+ Lập danh mục di sản; thu hồi tài sản thuộc di sản của người chết mà người khác đang chiếm hữu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
+ Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp và định đoạt tài sản bằng các hình thức khác, nếu không được những người thừa kế đồng ý bằng văn bản;
+ Thông báo về di sản cho những người thừa kế;
+ Bồi thường thiệt hại, nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại;
+ Giao lại di sản theo yêu cầu của người thừa kế.
– Quyền của người quản lý di sản khi được chỉ định trong di chúc (theo khoản 1 Điều 640 Bộ luật dân sự):
+ Ðại diện cho những người thừa kế trong quan hệ với người thứ ba liên quan đến di sản thừa kế;
+ Ðược hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế.
* Việc quản lý tài sản của con.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật hôn nhân và gia đình, con có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của con bao gồm tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con và thu nhập hợp pháp khác. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của con cũng là tài sản riêng của con.
Theo đó, tài sản do bạn để lại cho con theo di chúc sẽ là tài sản riêng của con bạn. Việc quản lý tài sản riêng này được thực hiện theo quy định tại Điều 76 Luật hôn nhân và gia đình về quản lý tài sản riêng của con:
– Con từ đủ 15 tuổi trở lên có thể tự mình quản lý tài sản riêng hoặc nhờ cha mẹ quản lý.
– Tài sản riêng của con dưới 15 tuổi, con mất năng lực hành vi dân sự do cha mẹ quản lý. Cha mẹ có thể ủy quyền cho người khác quản lý tài sản riêng của con. Tài sản riêng của con do cha mẹ hoặc người khác quản lý được giao lại cho con khi con từ đủ 15 tuổi trở lên hoặc khi con khôi phục năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp cha mẹ và con có thỏa thuận khác.
– Cha mẹ không quản lý tài sản riêng của con trong trường hợp con đang được người khác giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự; người tặng cho tài sản hoặc để lại tài sản thừa kế theo di chúc cho người con đã chỉ định người khác quản lý tài sản đó hoặc trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
– Trong trường hợp cha mẹ đang quản lý tài sản riêng của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự mà con được giao cho người khác giám hộ thì tài sản riêng của con được giao lại cho người giám hộ quản lý theo quy định của Bộ luật dân sự.
Theo quy định trên, nếu bạn lập di chúc để lại tài sản cho con bạn và chỉ định em gái bạn là người quản lý di sản đó thì vợ cũ của bạn sẽ không có quyền quản lý di sản mà con bạn được hưởng.
2. Những thay đổi sau khi lập di chúc
– Trường hợp 1: Sau khi lập di chúc, bạn bán ngôi nhà là di sản được định đoạt theo di chúc đó. Theo Khoản 3 Điều 667 Bộ luật dân sự: Di chúc không có hiệu lực pháp luật, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực. Như vậy, khi bạn bán ngôi nhà thì di chúc đã lập trước đây không còn hiệu lực pháp luật.
– Trường hợp 2: Sau khi lập di chúc, bạn muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc thì thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 662 Bộ luật dân sự, cụ thể như sau:
+ Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc vào bất cứ lúc nào.
+ Trong trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau; nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật.
+ Trong trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ.
– Trường hợp 3: Nếu bạn có tài sản khác và muốn lập di chúc để chỉ định người hưởng di sản thì bạn có thể lập một bản di chúc mới (độc lập với di chúc trước đây) hoặc bổ sung vào bản di chúc trước đây theo quy định nêu trên.
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự
Luật 52/2014/QH13 Hôn nhân và gia đình
Trả lời bởi: CTV3
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.