Ông Thanh và bà Yến có 3 con là Phúc, Lộc, Thọ. Phúc đã kết hôn và có 2 con là Lâm và Đức. Năm 2005, ông Thanh và Phúc bị tai nan giao thông và chết cùng 1 thời điểm. Trước đó, ông Thanh đã viết 1 bản di chúc để lại tài sản riêng của ông cho Phúc, Lộc, Thọ, còn bà Yến không được hưởng di sản thừa kế. Xin hỏi việc phân chia di sản thừa kế trong trường hợp này được thực hiện như thế nào?
Gửi bởi: mai hương
Trả lời có tính chất tham khảo
Để phân chia di sản thừa kế của ông Thanh trong trường hợp này, bạn cần lưu ý đến hai vấn đề:
Thứ nhất, quyền của bà Yến hưởng di sản thừa kế do ông Thanh để lại
Mặc dù trong di chúc, ông Thanh không chỉ định cho bà Yến được hưởng di sản của mình nhưng bà Yến vẫn được hưởng di sản đó với tư cách là người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc. Ðiều 669 Bộ luật Dân sự quy định:Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản theo quy định tại Ðiều 642 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Ðiều 643 của Bộ luật này:
– Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
– Con đã thành niên mà không có khả năng lao động.
Thứ hai, phần di sản mà Phúc được hưởng theo di chúc
Theo di chúc của ông Thanh, Phúc được hưởng một phần di sản của ông. Tuy nhiên, năm 2005, ông Thanh và Phúc bị tai nan giao thông và chết cùng 1 thời điểm nên cần cần căn cứ vào các quy định sau:
– Quy định về việc thừa kế của những người có quyền thừa kế di sản của nhau mà chết cùng thời điểm tại Điều 641 Bộ luật Dân sự:Trong trường hợp những người có quyền thừa kế di sản của nhau đều chết cùng thời điểm hoặc được coi là chết cùng thời điểm do không thể xác định được người nào chết trước (sau đây gọi là chết cùng thời điểm) thì họ không được thừa kế di sản của nhau và di sản của mỗi người do người thừa kế của người đó hưởng, trừ trường hợp thừa kế thế vị theo quy định tại Ðiều 677 của Bộ luật này.
– Quy định về hiệu lực pháp luật của di chúc theo Ðiều 667 Bộ luật Dân sự:Di chúc không có hiệu lực pháp luật toàn bộ hoặc một phần trong các trường hợp sau đây:
+ Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;
+ Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế.
Theo các quy định nêu trên, khi Phúc chết cùng thời điểm với ông Thanh thì Phúc không có quyền được hưởng di sản theo di chúc của ông Thanh; phần di sản đó sẽ được chia theo pháp luật (theo Khoản 2 Điều 675 Bộ luật Dân sự). Những người thừa kế theo pháp luật đối với phần di sản này được xác định theo Điều 676 Bộ luật Dân sự, theo thứ tự:
– Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
– Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
– Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Theo đó, những người thừa kế theo pháp luật thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông Thanh gồm: bà Yến (là vợ), Phúc (nếu còn sống), Lộc, Thọ (là các con đẻ). Do Phúc đã chết nên theo quy định tại Điều 677 Bộ luật Dân sự về thừa kế thế vị, hai con trai của Phúc là Lâm và Đức sẽ được hưởng phần di sản mà Phúc được hưởng của ông Thanh nếu Phúc còn sống.
Vậy, bạn có thể căn cứ vào các quy định nêu trên để chia di sản thừa kế của ông Thanh.
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự
Trả lời bởi: CTV3
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.