Câu hỏi của khách hàng: Cho con bằng giấy viết tay giờ đòi lại có được không
Chào mọi người!!!.
Em thấy một tình huống mong mọi người cho hướng giải quyết. Em gọi tên A B…cho dễ viết ạ!!!.
Chị A(17t) có con với Anh B(18t). Sau khi biết tin chị A có con nên anh B đã chia tay, chị A quyết sinh con (D), nuôi con được 1 tháng không đủ điều kiện kinh tế + đi học cấp 3 nên chị A đã làm giấy tay (giấy cho con) . Cho người thân là dì C có người nhà xung quanh làm chứng.
Vì dì C không hiểu rõ về luật nên không đến UBND hay VP luật sư để xác nhận giấy tờ cho con, nhận con nuôi.
Hiện nay (D) đến tuổi đi học mầm non nhưng chưa làm được giấy khai sinh vì không đủ điều kiện (thiếu cha) và xảy ra trường hợp chị A đã có điều kiện kinh tế quay lại đòi con, làm dì C bị suy sụp tinh thần dùng lời bịa đặt để vu oan + nói tệ cho dì C trong quá trình nuôi D, hù gửi đơn kiện ra toà vì dì C không trả con.
Dì C vô hình nhận được những đoạn tin nhắn do chị A bịa đặt truyền cho nhiều người vì mục đích muốn lấy lại được con là D
Cách đây vài hôm chị A tranh thủ lúc dì C không để ý đã ẵm D đi, dì C lo lắng tinh thần hoảng loạn (dì C đang mang thai).
Tình huống trên là có thật, em mong được mọi người tư vấn…như vậy dì C có bị A lấy lại con (D) không????.
Em xin cám ơn!!!.
Luật sư Tư vấn Luật Nuôi con nuôi – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 04/10/2018
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Thời điểm xác lập quan hệ mẹ nuôi- con nuôi
- Luật nuôi con nuôi 2010
- Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng, chống bạo lực gia đình
- Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017
3./ Luật sư trả lời Cho con bằng giấy viết tay giờ đòi lại có được không
Việc nuôi con nuôi nhằm việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững, vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình. Việc nuôi con nuôi được xem là hợp pháp khi:
Trong trường hợp trên A đã viết giấy cho con nghĩa là chị A đã thể hiện ý chí về việc đồng ý cho con của mình làm con nuôi của dì C. Tuy nhiên, dì C không làm đủ thủ tục cũng như không có hồ sơ giấy tờ để nhà nước công nhận đứa bé là con nuôi.
Theo quy định của pháp luật về nuôi con nuôi thì thời điểm phát sinh việc nuôi con là thời điểm đăng ký việc nuôi con nuôi với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đăng ký nhận nuôi con nuôi và ghi vào sổ hộ tịch việc nuôi con nuôi tại Ủy ban nhân dân là điều kiện để chứng minh sự thừa nhận mối quan hệ mẹ nuôi- con nuôi của cơ quan nhà nước.
Căn cứ Điều 19 Luật nuôi con nuôi thì cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết việc nuôi con nuôi là Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được giới thiệu làm con nuôi thường trú hoặc nơi người nhận con nuôi thường trú.
Căn cứ Điều 21 Luật nuôi con nuôi:
“Điều 21. Sự đồng ý cho làm con nuôi
1.Việc nhận nuôi con nuôi phải được sự đồng ý của cha mẹ đẻ của người được nhận làm con nuôi; nếu cha đẻ hoặc mẹ đẻ đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người còn lại …
2.Người đồng ý cho làm con nuôi quy định tại khoản 1 Điều này phải được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi nhận hồ sơ tư vấn đầy đủ về mục đích nuôi con nuôi; quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi; quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ đẻ và con sau khi người đó được nhận làm con nuôi.
3.Sự đồng ý phải hoàn toàn tự nguyện, trung thực, không bị ép buộc, không bị đe dọa hay mua chuộc, không vụ lợi, không kèm theo yêu cầu trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác.
4.Cha mẹ đẻ chỉ được đồng ý cho con làm con nuôi sau khi con đã được sinh ra ít nhất 15 ngày.”
Căn cứ Điều 22 Luật nuôi con nuôi:
“Điều 22. Đăng ký việc nuôi con nuôi
1.Khi xét thấy người nhận con nuôi và người được giới thiệu làm con nuôi có đủ điều kiện theo quy định của Luật này thì Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức đăng ký nuôi con nuôi, trao Giấy chứng nhận nuôi con nuôi cho cha mẹ nuôi, cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ hoặc đại diện cơ sở nuôi dưỡng, tổ chức giao nhận con nuôi và ghi vào sổ hộ tịch trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày có ý kiến đồng ý của những người quy định tại Điều 21 của Luật này.
2.Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp xã từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản cho người nhận con nuôi, cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ hoặc đại diện cơ sở nuôi dưỡng và nêu rõ lý do trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có ý kiến của những người quy định tại Điều 21 của Luật này.
3.Giấy chứng nhận nuôi con nuôi được gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của người nhận con nuôi hoặc của người được nhận làm con nuôi.”
Theo đó, trong trường hợp bạn đưa ra, mặc dù trên thực tế dì C có nuôi D nhưng do dì C không đi làm thủ tục đăng ký việc nuôi con nuôi nên xét về mặt pháp lý, dì C không được công nhận là mẹ nuôi của D. Do đó, chị A hoàn toàn có quyền yêu cầu dì C trả lại con cho mình.
Tuy nhiên, hành vi lẻn vào nhà ẵm con đi của chị A cũng như hành vi dùng lời bịa đặt để vu oan, nói tệ cho C là hành vi vi phạm pháp luật.
Từ những lời nói, bằng chứng như tin nhắn C có thể tố cáo chị A theo các quy định sau:
Theo Điều 156 Bộ luật Hình sự:
“Điều 156. Tội vu khống
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; …”
Theo Điều 158 Bộ luật Hình sự:
“Điều 158. Tội xâm phạm chỗ ở của người khác
1.Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a)Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác;
b)Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ;
c)Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ;
d)Xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác.”.”
Trong trường hợp hành vi của chị A chưa đủ để khởi tố hình sự, cơ quan có thẩm quyền sẽ xử phạt hành chính đối với chị A theo quy định sau:
Điểm a Khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:
“Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng
1.Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a)Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; …”
Như vậy, trong trường hợp bạn đưa ra, mặc dù dì C trên thực tế đã nhận cháu D làm con nuôi có sự đồng ý bằng văn bản của chị A nhưng dì C lại không đi đăng ký việc nhận nuôi con nuôi nên về mặt pháp lý cháu D chưa được công nhận là con nuôi của dì C. Chị A nếu chứng minh được mình là mẹ của cháu sẽ có quyền nhận lại cháu. Tuy nhiên, do chị A đã có những hành vi vi phạm pháp luật nên C có quyền tố cáo các hành vi này, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.