Chồng lô đề phá phách thì khi ly hôn các khoản nợ chia thế nào

Câu hỏi của khách hàng: Chồng lô đề phá phách thì khi ly hôn các khoản nợ chia thế nào

Xin mọi người trong hội giúp em với ạ. Em muốn ly hôn Nhưng gặp những rắc rối như sau ạ. chồng em lô đề phá phách. Vũ phu. Em có 2 con trai sinh đôi. Năm nay 6 tuổi. Vì chơi bời lên chồng em nợ rất nhiều. Khi mới cưới em không biết nên có vay tiền bên bà ngoại cho chồng làm ăn. Chồng em làm xây dựng. Đến nay 7 năm không trả. Cách đây 3 năm vợ chồng em có về quê thuê đất làm trang trại. Thời gian này có vay ngân hàng 50 triệu để làm. Và mua cám chăn nuôi. Nhưng khi được thu hoạch thì chồng nướng hết vào lô đề. Và nợ người bán cám 180 triệu. Em có mua 1 đàn bò trị giá 90 triệu cũng bán chộm khi em chưa trả tiền cho chủ. Trong cuộc sống thì chỉ cần động nói là chửi luôn và đánh. Em không tham gia làm trang trại mấy vì em đi làm công ty. Khi không còn tiền là chồng em bán mọi thứ có thể trong nhà. Không coi bất kỳ một ai là gì cả. Sống không có 1 chút tư cách và sĩ diện.
Bây giờ em ly hôn anh ta không chịu. Em muốn giữ trang trại để làm nuôi con. Nhưng khoản nợ quá lớn với em. Bây giờ em muốn hỏi. Em làm sao để ly hôn. Và những khoản nợ đó phải làm sao ạ… xin tư vấn giùm em với ạ.E xin cảm ơn.


Luật sư Tư vấn Luật hôn nhân và gia đình – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 04/01/2019

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Nghĩa vụ nợ chung chia thế nào khi ly hôn

  • Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014
  • Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015

3./ Luật sư trả lời Chồng lô đề phá phách thì khi ly hôn các khoản nợ chia thế nào

Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn đang muốn ly hôn với chồng nhưng chồng bạn không đồng ý. Bên cạnh đó, bạn muốn biết về cách xử lý các khoản nợ trong thời kỳ hôn nhân do nợ này chủ yếu là do chồng của bạn sử dụng vào mục đích bất hợp pháp.

Theo quy định tại Khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 (LHN&GĐ 2014) “Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án”. Pháp luật hôn nhân và gia đình hiện hành quy định về hai trường hợp ly hôn, đó là thuận tình ly hôn và ly hôn theo yêu cầu của một bên.

Thứ nhất, về việc ly hôn theo yêu cầu của một bên của bạn (ly hôn đơn phương- bên chồng không đồng ý). Căn cứ Khoản 1 Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình thì vợ/chồng/cả hai người đều có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Nói cách khác, bạn có quyền ly hôn ngay cả khi chồng của bạn không đồng ý.

Căn cứ Khoản 1 Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình thì khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

Theo đó, khi bạn có yêu cầu ly hôn đơn phương của bạn, Tòa án sẽ giải quyết khởi kiện ly hôn theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự và hôn nhân và gia đình.

Tóm lại, bạn cần thực hiện việc nộp đơn khởi kiện ly hôn tới Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Căn cứ Khoản 1 Điều 28, Điều 35, Điều 39 và Điều 40 Bộ luật tố tụng dân sự thì Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết yêu cầu của bạn là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi chồng của bạn cư trú, làm việc.

Hồ sơ mà bạn nộp thông thường cần:

-Đơn khởi kiện ly hôn;

-Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản gốc);

-Bản sao y chứng minh nhân dân của vợ, chồng (hoặc hộ chiếu,… các giấy tờ cá nhân có giá trị tương tự).

-Bản sao y Sổ hộ khẩu của bạn và chồng bạn;

-Bản sao y Giấy khai sinh của con bạn;

-Giấy xác nhận nơi chồng của bạn đang cư trú, làm việc.

Thứ hai, về việc phân chia nghĩa vụ trả nợ sau khi ly hôn. Nghĩa vụ trả nợ được phân chia trong trường hợp này được xác định là nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng. Căn cứ Điều 37 Luật hôn nhân và gia đình thì nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng gồm:

-Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;

-Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

-Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;

-Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;

-Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;

-Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.

Thông thường, khi ly hôn, mà hai bên không chứng minh được số nợ trên (nợ của chồng bạn có trong thời kỳ hôn nhân) là nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân thì nghĩa vụ sẽ được chia theo thỏa thuận của các bên (nhưng phải có sự đồng ý của bên được trả nợ, phù hợp với quy định của pháp luật). Trong trường hợp không thỏa thuận được có thể nhời Tòa án giải quyết. Tòa án sẽ chia đôi nghĩa vụ trả nợ nhưng có dựa trên những yếu tố nhất định như hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng, công sức đóng góp,…

Tuy nhiên, trong trường hợp bạn chứng minh được nghĩa vụ trên được xác lập trên danh nghĩa của chồng của bạn (vay riêng), bạn không biết về khoản nợ này và khoản nợ cũng không được dùng để trang trải cho gia đình thì khoản nợ đó sẽ không được tính vào nghĩa vụ chung về tài sản của vợ, chồng. Tức là bạn sẽ không có nghĩa vụ trả khoản nợ đó. Tòa án sẽ không chia nghĩa vụ trả một phần phần nợ này cho bạn khi hai bạn ly hôn.

Như vậy, theo thông tin bạn cung cấp thì việc ly hôn của bạn được thực hiện theo thủ tục tố tụng khi bạn có yêu cầu tới Tòa án. Về nghĩa vụ trả nợ, thông thường, sẽ được chia đôi cho hai bên. Tuy nhiên, nếu bạn đưa ra được những căn cứ chứng minh khoản nợ này là nợ riêng của chồng bạn, bạn sẽ không có nghĩa vụ trả khoản nợ này sau khi ly hôn. Với thông tin bạn cung cấp thì khoản nợ với bố, mẹ của bạn, khoản nợ tiền cám, nợ ngân hàng để làm trang trại, tiền mua đàn bò được xác định là nghĩa vụ chung về tài sản của hai vợ chồng bạn.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191