Pháp luật quy định như thế nào về việc chuyển giao quyết định giải quyết bồi thường cho người bị thiệt hại?
Gửi bởi: Nguyễn Lan Anh
Trả lời có tính chất tham khảo
Quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày người bị thiệt hại nhận được quyết định, trừ trường hợp người bị thiệt hại không đồng ý và khởi kiện ra Toà án. Do đó để đảm bảo quyền lợi cho người bị thiệt hại Điều 10 Nghị định số 16/2010/NĐ-CP đã quy định cụ thể việc chuyển giao quyết định giải quyết bồi thường cho người bị thiệt hại như sau:
“1. Việc chuyển giao quyết định giải quyết bồi thường cho người bị thiệt hại do một trong những người sau đây thực hiện:
a) Đại diện của cơ quan có trách nhiệm bồi thường;
b) Đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cá nhân bị thiệt hại cư trú, tổ chức bị thiệt hại đặt trụ sở, trong trường hợp chuyển giao quyết định giải quyết bồi thường thông qua Ủy ban nhân dân cấp xã;
c) Những người khác do pháp luật quy định.
2. Thủ tục chuyển giao quyết định giải quyết bồi thường
a) Người thực hiện việc chuyển giao phải trực tiếp chuyển giao quyết định giải quyết bồi thường cho người bị thiệt hại. Người bị thiệt hại phải ký nhận vào biên bản hoặc sổ giao nhận quyết định giải quyết bồi thường. Ngày ký nhận của người bị thiệt hại được tính là ngày nhận được quyết định giải quyết bồi thường.
b) Trong trường hợp người bị thiệt hại vắng mặt thì quyết định giải quyết bồi thường có thể được giao cho người thân có đủ năng lực hành vi dân sự cùng cư trú với họ. Người thân của người bị thiệt hại phải ký nhận vào biên bản hoặc sổ giao nhận quyết định giải quyết bồi thường. Ngày ký nhận của người thân cùng cư trú được tính là ngày người bị thiệt hại nhận được quyết định giải quyết bồi thường.
Trong trường hợp người bị thiệt hại không có người thân có đủ năng lực hành vi dân sự cùng cư trú hoặc có nhưng họ từ chối nhận hộ quyết định giải quyết bồi thường thì có thể chuyển giao quyết định giải quyết bồi thường thông qua Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người bị thiệt hại cư trú.
Trong trường hợp việc chuyển giao quyết định giải quyết bồi thường qua người khác thì người thực hiện việc chuyển giao phải lập biên bản ghi rõ việc người bị thiệt hại vắng mặt, quyết định giải quyết bồi thường đã được giao cho ai; lý do; ngày, giờ giao; quan hệ giữa người nhận hộ với người bị thiệt hại; cam kết giao ngay tận tay quyết định giải quyết bồi thường cho người bị thiệt hại. Biên bản có chữ ký của người nhận chuyển quyết định giải quyết bồi thường và người thực hiện việc chuyển giao quyết định giải quyết bồi thường, người chứng kiến.
3. Trong trường hợp người bị thiệt hại vắng mặt mà không rõ thời điểm trở về hoặc không rõ địa chỉ thì người thực hiện việc chuyển giao quyết định giải quyết bồi thường phải lập biên bản về việc không thực hiện được việc chuyển giao. Biên bản phải có chữ ký của người cung cấp thông tin về người bị thiệt hại.
4. Trong trường hợp người bị thiệt hại từ chối nhận quyết định giải quyết bồi thường thì người thực hiện việc chuyển giao phải lập biên bản trong đó nêu rõ lý do của việc từ chối, có xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố hoặc Ủy ban nhân dân, công an xã, phường, thị trấn về việc người đó từ chối nhận quyết định giải quyết bồi thường.”
Các văn bản liên quan:
Nghị định 16/2010/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước
Trả lời bởi: hoidapphapluat
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.
Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN