Một người phải thi hành án cho nhiều người được thi hành án trong nhiều bản án khác nhau. Trong đó có một người được thi hành án có yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài sản của người phải thi hành án là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất để đảm bảo thi hành số tiền trả nợ cụ thể cho người được thi hành này. Xin hỏi:
1. Tài sản đang bị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nêu trên, Chấp hành viên có kê biên được hay không?
2. Tiền bán tài sản của người phải thi hành án có phải ưu tiên thanh toán cho người có yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm phong tỏa tài sản hay không?
Gửi bởi: Đỗ Thị Như Quỳnh
Trả lời có tính chất tham khảo
1. Theo quy định tại Điều 99 Bộ luật Tố tụng dân sự thì trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác có quyền yêu cầu Toà án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được hoặc bảo đảm việc thi hành án. Trong trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay bằng chứng, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra thì cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền nộp đơn yêu cầu Toà án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện cho Toà án đó. Toà án chỉ tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong trường hợp nhất định. Một trong các biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 102 Bộ luật Tố tụng dân sự là phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ.
Quyết định của Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là quyết định được thi hành ngay và thuộc loại chủ động thi hành án quy định tại Điều 2 và Khoản 2 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự 2008 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014. Do đó, khi Tòa án chưa có quyết định khác thì quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài sản có hiệu lực thi hành nên không thể chuyển dịch, thay đổi hiện trạng tài sản bị Tòa án phong tỏa. Hiện nay, pháp luật không quy định cơ quan thi hành án áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản đang bị Tòa án phong tỏa để thi hành cho bản án khác. Vì thế, Chấp hành viên không có cơ sở để kê biên tài sản đang bị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài sản khi vụ án đó đang trong được Tòa án giải quyết.
2. Về thứ tự ưu tiên thanh toán tiền thi hành án, tại Khoản 3 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự 2008 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định trường hợp xử lý tài sản cầm cố, thế chấp mà bên nhận cầm cố, thế chấp là bên được thi hành án hoặc trường hợp bán tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để bảo đảm thi hành một nghĩa vụ cụ thể thì số tiền thu được từ việc bán tài sản cầm cố, thế chấp, bị kê biên được ưu tiên thanh toán cho bên nhận cầm cố, thế chấp hoặc bên có nghĩa vụ được bảo đảm sau khi trừ án phí của bản án, quyết định đó, chi phí cưỡng chế và khoản tiền quy định tại khoản 5 Điều 115 của Luật này. Trường hợp xử lý tài sản cầm cố, thế chấp mà bên nhận cầm cố, thế chấp không phải là người được thi hành án thì người nhận cầm cố, thế chấp được ưu tiên thanh toán trước khi thanh toán các khoản theo quy định tại Điều này.
Như vậy, nếu Tòa án không tuyên rõ ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ cụ thể nào trong bản án, quyết định có người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài sản thì không có cơ sở để ưu tiên thanh toán cho người có yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài sản từ tiền bán tài sản.
Các văn bản liên quan:
Luật 64/2014/QH13 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự
Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự
Bộ luật 24/2004/QH11 Tố tụng dân sự
Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục Thi hành án dân sự
Tham khảo thêm:
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.